TRẦN KHÁNH

Sôi nổi hoạt động biểu diễn múa rối nước của Đoàn rối nước huyện Nghĩa Hưng.

Hiếm khi nào, khuôn viên bảo tàng tỉnh Nam Định được “tắm” trong bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng đến thế. Những ngày đầu xuân, nhiều nét văn hóa, lịch sử, ẩm thực đặc trưng của Thành Nam được quy tụ lại ở một phiên chợ Tết. Nơi ấy, người ta đi du xuân, và đắm mình vào các giá trị truyền thống xưa nhưng chưa cũ của mảnh đất quê hương.

1/ Dưới mưa xuân lất phất bay, khách ra vào nườm nượp qua cổng bảo tàng nằm trong khuôn viên Thành cổ Nam Định. Tại sảnh chính, triển lãm “Thành Nam xưa” được thiết kế trưng bày dạng pa-nô, giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh lịch sử của TP gồm Thành cổ, Trường Thi, phố cổ, Nhà máy Dệt, sinh hoạt văn hóa của người dân. Chỉ tay vào một hình phố cổ, bác Nguyễn Đức Sinh (71 tuổi, phường Trường Thi, TP Nam Định) giọng trầm ngâm: “Trước, nhà tôi ở đấy. Lâu lắm mới thấy lại những hình ảnh này, nó gợi nhiều hoài niệm…”.

Một góc sân vườn, khu trưng bày triển lãm sinh vật cảnh xôn xao tiếng bàn luận, cây bonsai này thế đẹp, chậu địa lan kia thắm sắc hương. Những bức tranh khảm trai, những bộ bàn ghế, sập gụ chạm trổ tinh xảo thu hút mọi ánh nhìn. Không gian trình diễn văn hóa phi vật thể đặc trưng của địa phương chìm trong giai điệu dân gian của hát Văn, hát Ca trù; khi rộn rã, sôi nổi với hoạt động biểu diễn múa rối nước, lúc lại sâu lắng, bâng khuâng nơi ông đồ cho chữ ngày xuân. Những món ngon nổi tiếng của Nam Định là phở bò, kẹo Sìu Châu, bánh Xíu Páo hay bánh cuốn làng Kênh được chia vào từng lán nhỏ ấm cúng. “Một thoáng Thành Nam” được tái hiện gần gũi, thân thương. Phiên chợ Tết này khác rất xa khung cảnh trong bài thơ của thi sĩ Đoàn Văn Cừ được đặt trang trọng ở tiền sảnh kia, nhưng vẫn có sự tương đồng, cộng hưởng của cảm xúc từ những giá trị tinh thần xưa cũ.

2/ Hoạt động tâm điểm của sự kiện là giao lưu, thưởng ngoạn, đấu giá cổ vật. Hàng trăm món từ “bình dân” như bát, đĩa, đồ cũ thường được bày bán ở chợ Viềng; cho đến cao cấp, quý hiếm như những lục bình, tranh cổ, đầu rồng có niên đại nhiều thế kỷ, tạo nên không gian say mê cho người yêu cổ ngoạn. Nhiều “tín đồ” cổ vật từ các tỉnh, thành lân cận tụ họp tại bảo tàng, làm náo nức cả một khoảng sân vì những màn đấu giá căng thẳng, kịch tính. Đôi lúc, những tràng pháo tay vang lên rộn rã khi vài mức giá “khủng”, lên đến 50-60 triệu đồng, được chốt. Cuộc đua giành quyền sở hữu các món đồ “độc”, quý thường khép lại bằng nụ cười thỏa mãn của người thắng cuộc và những tiếng xuýt xoa tiếc nuối từ các đối thủ “chậm chân”. Tiền đấu giá thu được, phần trao về chủ nhân cũ của cổ vật, phần được trích làm từ thiện.

Giao lưu, mua bán cổ vật, đồ xưa tại chợ Tết “Một thoáng Thành Nam”.

3/ Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, hơn 10 năm qua, cứ mỗi dịp ra Tết, bảo tàng lại phối hợp Hội cổ vật Thiên Trường tổ chức gặp mặt, giao lưu cổ vật cho các câu lạc bộ cùng đông đảo du khách đến từ các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là một sân chơi bổ ích, lành mạnh, nhưng hẹp về hình thức hoạt động và đối tượng tham gia. Bởi vậy, năm nay, bảo tàng quyết định xin chủ trương xã hội hóa, tái hiện phiên chợ Tết với mong muốn phản ánh một cách đa dạng hơn cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của Thành Nam với các phong tục, tập quán giàu bản sắc. “Nam Định là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa, những giá trị ấy phần lớn được kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhưng theo thời gian, nhiều nét đẹp đang có nguy cơ mai một, các không gian truyền thống ngày Tết cứ phai mờ dần, ngay cả một sản phẩm văn hóa đặc trưng là chợ hoa ngày Tết cũng không còn hấp dẫn như xưa…”, ông Thư tâm sự. Ông nói thêm: Người Nam Định đang thiếu chỗ chơi xuân, và đó là lý do “Một thoáng Thành Nam” ra đời. Gọi là “chợ Tết”, nhưng mục đích chính là bảo tồn, giới thiệu di sản văn hóa, không phải giá trị thương mại. Thành công lớn nhất của đơn vị tổ chức là mời gọi được các nghệ nhân, doanh nghiệp quy tụ lại cho một không gian thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.

Với hình thức tổ chức mới, năm nay, lượng khách tới bảo tàng dịp đầu xuân ước tính tăng gấp hai lần mọi năm. Ông Nguyễn Văn Thư hồ hởi bảo, sang năm, chợ Tết hy vọng sẽ mở rộng ra, kéo dài hơn, vì hiệu ứng từ người dân rất tích cực. Ông ấp ủ ý tưởng tổ chức đường hoa đi bộ trong khuôn viên Thành cổ, để biến nơi này thành điểm tụ họp tinh thần của mọi gia đình Thành Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đó là câu chuyện về hiệu quả của xã hội hóa, không riêng lĩnh vực bảo tàng, và cũng không của riêng một địa phương còn eo hẹp ngân sách như Nam Định.

Theo báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài