Năm 2015, Đỗ Bích Thúy tham gia sáng tác kịch bản điện ảnh lần đầu và lập tức có sản phẩm được xếp loại A (Kịch bản “Người yêu ơi”).
Cốt truyện từ kịch bản điện ảnh “Người yêu ơi” đang được chị viết thành tiểu thuyết.
Kịch bản “Người yêu ơi” tiếp tục là một câu chuyện tình yêu, vẫn là đề tài miền núi, vẫn với những thân phận đàn bà. Nhưng đó sẽ là một bộ phim như Thúy nói là “dành riêng cho những người đang yêu”. Thúy bảo, trong khi trò chuyện với một đạo diễn trẻ, chị đã từng nảy ra một ý nghĩ “điên rồ”, đấy là mong ước có một bộ phim mà khi ra rạp chỉ bán vé đôi, không bán vé lẻ.
Nhưng một câu chuyện đẹp, liệu có.. nhạt nhòa? Đỗ Bích Thúy cười: Hy vọng sẽ không khiến bạn đọc thất vọng.
Cũng trong năm 2015, Đỗ Bích Thúy hoàn thành kịch bản 30 tập phim truyền hình chuyển thể từ truyện vừa “Lặng yên dưới vực sâu” của chị. 30 tập phim có tên “Chuyện tình bên đồng hoa tam giác mạch”, hiện đang được quay trên Hà Giang (đạo diễn Đào Duy Phúc).
Nhiều người nói, nhà văn chuyển sang viết kịch bản xong sẽ bị “hỏng” mất văn chương. Đỗ Bích Thúy cũng từng sợ thế, chính vì hai lối tư duy khác nhau của lao động viết văn và viết kịch bản.
Đỗ Bích Thúy cho biết: Dù kịch bản phim và tiểu thuyết có cùng một cốt truyện, nhà văn vẫn phải có cách xử lý khác nhau. Tiểu thuyết mang lại hưng phấn khác rất nhiều so với với khi viết kịch bản. Khi viết kịch bản luôn phải tỉnh táo để “sợi dây” mà mình định xuyên suốt không bị “đứt”, để đạo diễn đọc một cái là nhận ra sợi dây xuyên suốt ấy. Nhưng viểu thuyết mà tỉnh táo quá thì hỏng. Như vây là mặc dù cùng một câu chuyện nhưng hai lối tư duy khác hẳn nhau, cách thể hiện cũng khác nhau, đặc biệt có những chi tiết chỉ có thể dùng trong tiểu thuyết mà không thể đưa vào kịch bản hoặc ngược lại.
“Viết kịch bản đã giúp trang bị cho tôi một thứ kĩ năng mà xưa nay tôi kém, đấy là tư duy logic. Nhân vật phải cực kì sắc nét, nhân vật nào ra nhân vật ấy, tuyệt đối không lẫn lộn, từ cách nói năng, suy nghĩ, hành xử… Nếu không viết kịch bản, thì tôi chưa luyện được kĩ năng ấy. Khi viết tiểu thuyết, cảm xúc mãnh liệt có thể khiến người viết quá đà ở điểm này và sơ sài ở điểm kia, kịch bản không cho phép như vậy. Người viết luôn phải cân bằng giữa cảm xúc và tư duy. Đây là điều lớn nhất mà tôi thu được từ sau khi hoàn thành 30 tập kịch bản phim truyền hình “chuyện tình bên đồng hoa tam giác mạch”.