Không thể phủ nhận vị trí đặc biệt của lực lượng diễn viên nhí Việt Nam trong sự thành công của rất nhiều sản phẩm truyền hình và điện ảnh từ trước tới nay. Thế nhưng, ngoài việc khai thác khả năng trời phú của những diễn viên nhỏ tuổi này trong các tác phẩm, chưa có một tổ chức hay cá nhân nào chú ý tới việc bồi dưỡng và phát triển trở thành diễn viên chuyên nghiệp ở tuổi trưởng thành. Vì thế, tình trạng các diễn viên chỉ vụt sáng với một vài vai diễn và chợt tắt ngúm đã trở nên quá phổ biến.
Dàn diễn viên nhí: Sáng chói và ít ỏi
Trong những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến sự vụt sáng và lụi tàn của không ít diễn viên nhí tài năng. Có thể kể đến Hùng Thuận, Phùng Ngọc… trong phim “Đất phương Nam”; Ngọc Trai, Vũ Long, Anh Đào… trong phim “Kính vạn hoa”; Phạm Gia Hân trong phim “Cú và chim se sẻ”, Đỗ Nguyễn Lan Hà 13 tuổi với vai Gianh trong phim “Đời cát”; Trần Thiên Tú vai bé Ngô – con gái lớn của Dần trong phim “Áo lụa Hà Đông”, Hạ Hồng Vân của phim “Chit & Pi… Điểm chung của các diễn viên nhí này là tài năng không thể tranh cãi và đột nhiên vắng bóng sau chính vai diễn làm nên tên tuổi của các em.
Gần đây, công chúng Việt Nam tiếp tục chú ý tới gương mặt nhí nổi bật và tài năng là bé Thanh Mỹ với hàng loạt vai diễn nặng ký và có chiều sâu như “Đoạt hồn”, “Âm mưu giày gót nhọn”, “Cô dâu đại chiến 2”, “Để Hội tính”, “Scandal 2 -Hào quang trở lại”, “Cung đường thảm khốc”, “Ma dai”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… Mặc dù mới 10 tuổi, nhưng Thanh Mỹ đã thể hiện được sự đa dạng trong diễn xuất, hóa thân hoàn hảo và có khả năng biểu cảm tốt; ngay lập tức, cô bé đã trở thành “của hiếm” trong làng diễn viên Việt Nam.
Diễn viên trong phim Đất phương Nam
Một trường hợp khác cũng được điện ảnh “ưu ái” là Nguyễn Hồng Quân (Ben), mặc dù mới sinh năm 2004 nhưng em đã tham gia trên dưới 10 phim truyền hình và 5 phim điện ảnh. Trong đó, vai diễn đáng chú ý nhất là Hùng, con trai của Ngô Thanh Vân trong phim “Lửa Phật”; hay Tuấn Anh trong phim “Chàng trai năm ấy”. Gần đây, khi bộ phim chiếu rạp hài – hành động – gia đình “Bảo mẫu siêu quậy” với sự góp mặt của 4 diễn viên nhí 3-4 tuổi cũng được khán giả hoan nghênh. Trong số đó có hai bé là Lữ Triển Chiêu (3 tuổi vai Simba) và Duy Anh (4 tuổi vai Bo) được đánh giá cao bởi diễn xuất tự nhiên và thu hút.
Mặc dù gây tiếng vang và tạo sự chú ý từ khi còn rất nhỏ, nhưng những diễn viên nhí này lại không thể duy trì sức hút của mình cho đến tuổi trưởng thành và hầu hết đã bị “chết vai”. Trường hợp đáng kể nhất chính là Hùng Thuận và Phùng Ngọc của Đất phương Nam từng gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả 10 năm trước. Ngay sau khi bộ phim đóng máy, Hùng Thuận và Phùng Ngọc ngay lập tức trở thành “ngôi sao” của làng điện ảnh Việt với vô số lời mời và con đường trải hoa hồng để bước chân vào nghiệp diễn.
Thế nhưng sau Đất phương Nam, Phùng Ngọc cũng chỉ đóng thêm vài phim nữa, nhưng chỉ để lại dấu ấn chút ít trong phim truyền hình “Ông nội và cháu đích tôn năm 2002”. Sau đó, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ăn học không tới nơi tới chốn, Phùng Ngọc phải về quê ở Bình Dương bươn chải với đủ mọi nghề từ xe ôm, sửa máy, cắt tóc dạo… Hùng Thuận cũng quyết bám trụ làng giải trí với vai trò ca sĩ của MBK nhưng không thành công. Sau khi chật vật quay lại với nghệ thuật bằng một loạt phim truyền hình dài tập như: “Cổng mặt trời”, “Dòng đời”, “Hoa ngũ sắc”, “Thời gian để yêu”, “Thuyền giấy”…, ấn tượng Hùng Thuận để lại với khán giả chỉ là hình ảnh bé An ngây thơ và tình cảm của 10 năm về trước.
Bộ ba Quý Ròm – Hạnh – Tiểu Long của Kính vạn hoa từng được chú ý cũng không nằm ngoài “vòng xoáy đào thải” của làng giải trí. “Quý Ròm” Ngọc Trai có tham gia đóng một số bộ phim điện ảnh và truyền hình khác như “Giải cứu thần chết”, “Những nụ hôn rực rỡ”… nhưng hiện nay, anh chàng lại lựa chọn vị trí VJ trên một kênh truyền hình cho giới trẻ. “Tiểu Long” Vũ Long chỉ tập trung đóng vai phụ trong phim “Thiên sứ 99” cùng Ngô Kiến Huy, Khổng Tú Quỳnh, Huỳnh Anh. Hiện nay, Vũ Long đã ngừng diễn xuất, đang làm MC cho kênh truyền hình mua sắm, và lồng tiếng cho phim. Cô gái duy nhất của bộ ba “Kính vạn hoa” là Anh Đào cũng chăm chỉ diễn xuất trong nhiều bộ phim truyền hình, nhưng vai diễn còn đọng lại chỉ là “Hạnh kính cận” thuở nào.
Bao giờ được đào tạo chuyên nghiệp?
Hiện nay, việc tìm kiếm một diễn viên nhí có khả năng diễn xuất thường khá khó khăn, bởi việc tìm ra một em nhỏ “ăn hình”, có khả năng biểu cảm tốt, yêu thích diễn xuất … không phải một sớm một chiều làm được.
Khi bắt tay sản xuất “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đạo diễn Victor Vũ đã phải lựa chọn 50 bức ảnh từ hàng trăm bức ảnh được gửi về cho đến khâu casting (thử vai) và cuối cùng, anh trao cơ hội cho Mỹ, Trọng Khang và Thịnh Vinh. Điều đặc biệt là cả 3 gương mặt này đều đã có kinh nghiệm diễn xuất trước đó. Đây là lựa chọn khá “an toàn” của đạo diễn Victor Vũ trong bối cảnh lực lượng diễn viên nhí không có nhiều gương mặt sáng giá, đáp ứng đầy đủ yêu cầu hợp vai, diễn xuất tốt mà đạo diễn yêu cầu.
Bên cạnh đó, cũng không ít đạo diễn phải “lùng sục” các nhà văn hóa thiếu nhi, các đội kịch để chọn diễn viên nhưng … thất bại. Điển hình là trường hợp đạo diễn Vinh Sơn với “Đất phương Nam”, bởi Hùng Thuận là diễn viên được phát hiện tình cờ và diễn xuất bằng bản năng. Hay như đạo diễn Nhuệ Giang không ít lần nản chí khi cứ phải tìm kiếm diễn viên nhí ròng rã suốt 6 tháng cho vai Thu trong phim “Tâm hồn mẹ”.
Lý giải cho việc các diễn viên nhí vụt sáng và sau đó không có nhiều vai diễn nữa, thậm chí rơi vào tình trạng “chết vai” chủ yếu là do khâu đào tạo diễn viên còn bị bỏ ngỏ, thiếu các bộ phim thiếu nhi phù hợp để các em thể hiện tài năng; hoặc khi lớn lên thì ít có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh.
Đạo diễn Victor Vũ chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Thanh Mỹ trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Ở các nước phương Tây, những diễn viên nhí sau khi được phát hiện và cọ xát qua một vài sản phẩm điện ảnh sẽ được chú trọng đầu tư để theo học chuyên nghiệp tại các trường đào tạo chính quy. Tại đây các em sẽ vừa được học văn hóa, vừa được trau dồi khả năng diễn xuất và có thể bị đào thải bất kỳ lúc nào nếu không đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp. Với chính sách này, các quốc gia có nền điện ảnh phát triển thường đầu tư không nhỏ vào việc đảm bảo quyền lợi và cơ hội phát triển lâu dài cho các em trong nghệ thuật. Còn ở Việt Nam, để tìm ra được một môi trường đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp là điều … mò kim đáy bể, và tất nhiên, việc diễn viên nhí “chóng nở, sớm tàn” là điều có thể nhìn thấy.
Hiện nay, chỉ có một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM là có trung tâm văn hóa mở lớp đào tạo diễn xuất cho thiếu nhi tại các câu lạc bộ kịch, nhà văn hóa thanh thiếu niên… Bên cạnh đó, cũng có một số lớp đào tạo diễn viên dành cho nhiều lứa tuổi do các công ty tư nhân, hoặc do nghệ sĩ gạo cội trong nghề mở ra.
Tuy nhiên, việc đào tạo diễn xuất chỉ dừng lại ở công đoạn … lý thuyết, hướng dẫn và làm mẫu thị phạm, chứ rất ít học viên nhí được cọ xát hay diễn xuất trong thực tế. Diễn xuất chỉ dừng lại ở việc tham gia một vài đoạn tiểu phẩm, đoạn kịch ngắn hay video ca nhạc. Trong khi đó, các trường lớp chính quy dành cho diễn viên nhí hầu như không có và cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa kể, việc học hành và theo đuổi nghề với các em nhỏ được xem là khá tốn kém về thời gian, công sức và cả tiền bạc của gia đình. Cũng vì vậy việc cung ứng nguồn diễn viên nhí hiện nay hầu như mang tính tự phát. Nghĩa là khi cần thì các đoàn phim, đạo diễn vẫn phải chấp nhận cảnh tự lùng sục tìm kiếm hoặc thi tuyển, mà đôi lúc vẫn phải tận dụng những khuôn mặt đã quá quen thuộc.
Nói như đạo diễn Vinh Sơn: “Vấn đề là khi đã được phát hiện và tỏa sáng như Hùng Thuận, chúng ta cần có chiến lược phát triển ngay sau đó”. Một đạo diễn thở dài: “Tôi rất tiếc khi từng thấy Hùng Thuận, Lan Hà… tỏa sáng rồi vụt tắt. Diễn viên nhí tài năng đã ít ỏi mà chúng ta còn quá lãng phí”. Không có nơi đào tạo khởi nguồn, cũng không có chiến lược đào tạo, phát triển sau khi tài năng tỏa sáng chính là lý do khiến điện ảnh Việt đánh rơi nhiều tài năng.
Theo Khánh An – Petrotimes