THỦY TIÊN
Từ diễn viên trở thành nhà sản xuất phim, Mai Thu Huyền đã gặt hái được những thành công nhất định. Nữ diễn viên chia sẻ về dự án điện ảnh mới nhất “Giấc mơ Mỹ” được phát hành đồng thời tại Việt Nam, Mỹ và Canada… |
Phóng viên (PV): Đem “Giấc mơ Mỹ” sang Mỹ, chị có thấy mình “liều” không? Mai Thu Huyền (MTH): Năm 2016, Huyền đã đưa bộ phim điện ảnh “Lạc giới” do Huyền vừa sản xuất kiêm nữ diễn viên chính sang Mỹ công chiếu và rất vui khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả tại đây. Chính lần “mở đường” thành công này khiến cho Huyền cảm thấy tự tin hơn, do đó khi bắt tay thực hiện “Giấc mơ Mỹ” với hơn 60% bối cảnh quay tại Mỹ, Huyền đã xác định và làm việc với đối tác phát hành phim ở Mỹ ngay từ đầu là ngay sau khi phát hành phim ở Việt Nam thì sẽ công chiếu luôn ở Mỹ. Và may mắn hơn nữa khi lần này bắt tay được thêm một đối tác ở Canada để trình chiếu phim tại Canada. PV: Bộ phim được quay ở Mỹ, cùng với những gì người xem thấy trên màn ảnh, có thể thấy kinh phí đầu tư cho phim thể hiện độ “chịu chơi” của nhà sản xuất. Quay bối cảnh thật ở Mỹ là chị muốn thể hiện tính chân thật của bộ phim, hay muốn sự mới mẻ so với đa số phim Việt bối cảnh trong nước hiện nay? MTH: Câu chuyện chính của “Giấc mơ Mỹ” diễn ra tại Mỹ nên Huyền nghĩ cần phải thực hiện quay ở những bối cảnh của Mỹ để bảo đảm yếu tố chân thật, vì nếu ai đã từng đi Mỹ rồi thì sẽ thấy bối cảnh ở Mỹ và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, khó mà quay giả được. Hơn nữa, Huyền cũng muốn tạo ra sự mới mẻ về bối cảnh và câu chuyện so với đa số phim Việt bối cảnh trong nước hiện nay để mang lại khẩu vị mới cho khán giả. Thật ra khao khát làm những bộ phim về cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã được Huyền ấp ủ từ lâu và sau “Giấc mơ Mỹ”, Huyền sẽ tiếp tục tìm kiếm đề tài và đối tác để có thể thực hiện những phim ở các nước khác, nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống. PV: Nhân dịp đưa phim sang Mỹ và Canada chiếu, chị nhìn nhận như thế nào về tiềm năng phát hành phim Việt tại đây trong tương lai – nơi vốn được biết là có nhiều kiều bào sinh sống? MTH: Người Việt ở Mỹ và Canada luôn có nhu cầu thưởng thức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật của người Việt. Tại Mỹ thời gian gần đây đã có một số phim Việt được mang qua trình chiếu như: “Lạc giới”, “Âm mưu giày gót nhọn”, “Tấm Cám”, “Dạ cổ hoài lang”… nên kiều bào đã dần hình thành thói quen ra rạp thưởng thức các bộ phim Việt. Minh chứng là trong buổi ra mắt phim “Giấc mơ Mỹ”, Huyền đã rất bất ngờ khi hơn 300 khán giả gồm rất nhiều nghệ sĩ, phóng viên truyền thông báo đài và khán giả đã đến ủng hộ bộ phim đến nỗi rạp “cháy vé” suất chiếu hôm đó. Ở Canada thì từ trước đến giờ khán giả quen thuộc hơn với các chương trình ca nhạc nên mọi người vừa lạ lẫm vừa háo hức và cũng đến ủng hộ cho đoàn phim rất đông. Huyền nghĩ hiện nay mảng phim điện ảnh ở Việt Nam khá phát triển, vừa tăng về số lượng và chất lượng, các yếu tố về kỹ thuật đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế nên là một nhà sản xuất phim, Huyền rất quan tâm việc xuất khẩu phim sang các nước khác, không chỉ để phục vụ cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, mà còn để tiếp cận khán giả ngoại quốc, nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. PV: Chúng ta có một thị trường tiềm năng và lớn là khán giả trong độ tuổi xem phim. Số lượng phim Việt cũng đã nhiều hơn nhưng dường như vẫn chưa có sự bứt phá để cạnh tranh được với phim nước ngoài. Theo chị, lý do là gì? MTH: Với những nền công nghiệp điện ảnh lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… mỗi năm họ sản xuất hàng trăm, hàng nghìn bộ phim nhưng gần như chỉ có những bộ phim lớn được đầu tư sản xuất hàng triệu đô mới phát hành toàn cầu để khán giả Việt Nam có thể xem được. Trong khi các phim điện ảnh Việt Nam hiện nay hầu hết là do tư nhân sản xuất, chúng tôi vừa phải đi kêu gọi các nguồn vốn đầu tư để sản xuất phim, vừa phải tìm kiếm đối tác để phát hành bộ phim, nói chung là phải tự lo toàn bộ từ A đến Z và vô cùng khó khăn khi phải cạnh tranh suất chiếu ở rạp với các bộ phim bom tấn của nước ngoài. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho các hãng phim tư nhân từ khâu đào tạo con người, đến các cơ chế chính sách hỗ trợ trong quá trình sản xuất, phát hành, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho các hãng phim nhiều hơn và cũng nên thành lập hiệp hội các nhà sản xuất phim để vai trò và tiếng nói của các nhà sản xuất cũng được mạnh hơn đối với các nhà phát hành, vì đầu ra của một tác phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu khi thực hiện sản xuất một bộ phim. Nguồn: Báo Thời Nay Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |