Phát biểu trong buổi tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa thành viên các nước ASEAN”, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết, hiện nay ngành điện ảnh Việt Nam đang có một sự phát triển đáng kể với 450 hãng phim tư nhân, 138 rạp, cụm rạp hiện đại của tư nhân, liên doanh với nước ngoài và số lượng khán giả đến rạp lên tới 51 triệu lượt/ năm, doanh thu 2.300 tỷ đồng…
Không phải ngẫu nhiên mà Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (LHP) lần thứ 4 đã có khẩu hiệu “Điện ảnh Việt Nam – Hội nhập và phát triển bền vững”. Nó đã khẳng định mục tiêu, chiến lược của ngành điện ảnh Việt Nam trong tương lai. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay thì hội nhập đã trở thành một yêu cầu tất yếu của tất cả các lĩnh vực, không riêng gì điện ảnh. Chưa kể tới việc, so với các lĩnh vực nghệ thuật khác, điện ảnh là một trong số những lĩnh vực có thế mạnh về đặc trưng ngôn ngữ, có khả năng lan tỏa và chinh phục khán giả ở những quốc gia khác nhau.
Gần một tuần đầy ắp các sự kiện điện ảnh của LHP Quốc tế Hà Nội không chỉ mang lại một bữa tiệc nghệ thuật đáng nhớ với công chúng nước nhà mà còn mở ra nhiều cơ hội cho điện ảnh Việt Nam tiến bước như khẩu hiệu đã đề ra.
Sự hội nhập ấy đã không chỉ cụ thể hóa bằng những cuộc hội thảo, tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN”, “Điện ảnh Ấn Độ – Hợp tác và phát triển”, “Chợ Dự án phim”… mà còn bằng sự có mặt của nhiều nhà sản xuất phim quốc tế đến giao lưu, tìm những cơ hội hợp tác với điện ảnh Việt Nam.
Việc chọn Ấn Độ – một cường quốc về điện ảnh, với sản lượng phim hằng năm luôn đứng ở vị trí thứ 2 thế giới làm Tiêu điểm điện ảnh kết hợp với những hoạt động giao lưu khác là minh chứng cho thấy điện ảnh Việt Nam thực sự mong muốn được được học hỏi, giao lưu để dần khẳng định vị thế trong khu vực.
Phát biểu trong buổi tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa thành viên các nước ASEAN”, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết, hiện nay ngành điện ảnh Việt Nam đang có một sự phát triển đáng kể với 450 hãng phim tư nhân, 138 rạp, cụm rạp hiện đại của tư nhân, liên doanh với nước ngoài và số lượng khán giả đến rạp lên tới 51 triệu lượt/ năm, doanh thu 2.300 tỷ đồng.
Các nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam và quốc tế tại thảm đỏ LHP Quốc tế 2016.
Chính sách của Nhà nước cho sự phát triển của điện ảnh ngày càng hoàn thiện, có Luật Điện ảnh, văn bản dưới luật, quy hoạch, tầm nhìn… Thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới, có khả năng mang lại nguồn thu khổng lồ. Đó là tiềm năng cho điện ảnh Việt Nam có thể phát triển, hội nhập và hợp tác mạnh mẽ.
Câu chuyện hội nhập của Điện ảnh Việt Nam phải kể tới sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức các LHP quốc tế trong nước hay mang phim Việt Nam tham dự các LHP ở nước ngoài. Cùng với sự thông thoáng của cơ chế quản lý, sự năng động nhạy bén của nhiều nhà sản xuất, các đạo diễn còn tự mang những đứa con tinh thần của mình ra chinh phục khán giả ngoài nước.
Nhiều bộ phim Việt Nam đã giành được những giải thưởng danh giá tại các LHP khu vực và trên thế giới như “Đời cát”, “Mùa len trâu”, “Bi đừng sợ”, “Cuộc đời của Yến”… Sự hội nhập còn mang tới cho điện ảnh Việt Nam một diện mạo mới với sự xuất hiện của những đạo diễn Việt kiều. Họ được học hành bài bản, được rèn nghề ở những quốc gia có nền điện ảnh phát triển với công nghệ làm phim hiện đại.
Không thể phủ nhận những đạo diễn ấy đã mang về cho khán giả những bộ phim hấp dẫn, ăn khách với công nghệ làm phim tiệm cận với cách làm phim hiện đại. Việc những bộ phim Việt “cháy vé” đã là một minh chứng cho thấy khán giả trong nước không hề thơ ơ với điện ảnh nước nhà miễn là có phim hay. Không chỉ có vậy, những đạo diễn Việt kiều cũng đã giúp những nhà sản xuất trong nước nhìn lại mình, tự thấy mình phải thay đổi gì để có được những sản phẩm điện ảnh “made in Việt Nam” nhưng mang tầm khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, có một thực tế mà không chỉ những cuộc hội thảo với các đơn vị quản lý điện ảnh các nước, các nhà sản xuất phim trong khu vực mới chỉ ra: dường như Việt Nam chưa khai thác hết các thế mạnh của mình trong lĩnh vực điện ảnh.
Không nhìn đâu xa xôi, hai nước láng giềng là Thái Lan và Campuchia từ lâu đã là điểm đến của nhiều đoàn làm phim quốc tế. Trở thành bối cảnh phim của nhiều bộ phim bom tấn thế giới đã mang lại số tiền không nhỏ cho ngân sách quốc gia. Trong khi Việt Nam với lợi thế thiên nhiên kỳ vỹ, bản sắc văn hóa đặc sắc và con người nhưng lâu nay chúng ta chưa khai thác được thế mạnh này.
Các nghệ sĩ và các nhà làm phim quốc tế tại buổi khai mạc LHP.
Số lượng các bộ phim quốc tế quay ở Việt Nam không nhiều, tiêu biểu như “Đông Dương”, “Người tình”, “Người Mỹ trầm lặng”… và gần đây nhất là “Kinh Kong”… Đại diện của nhiều nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới đều khẳng định “Điện ảnh chính là một ngành truyền thông để quảng bá về đất nước tốt nhất”.
LHP quốc tế đã khép lại tuy nhiên mở ra không ít cơ hội và hy vọng cho những nhà làm phim và những khán giả yêu điện ảnh. Mọt số cơ hội hợp tác đã hình thành từ những cái bắt tay tại LHP như với Tây Ban Nha, Ấn Độ…
Cụ thể như đạo diễn Ấn Độ gốc Việt Peter Hiền đã không giấu nổi vui mừng khi đây là cơ hội để anh gặp gỡ, xúc tiến việc sản xuất một bộ phim trị giá 15 triệu USD tại Việt Nam sắp tới. Đại diện của hãng phim Thiên Phúc trực tiếp đưa đề án sáng tạo phim mới nhất với các đối tác nước ngoài để chung tay hoặc hỗ trợ sản xuất. Nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh cũng đang rất hào hứng với các dự án điện ảnh của mình.
Để điện ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững như mục tiêu đề ra thì điều quan trọng nhất vẫn là sự vận động của những người làm nghề. Chỉ có những con người yêu nghề với lao động sáng tạo không mệt mỏi mới làm nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao mang tầm khu vực và quốc tế.
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn: Không thể thu hút khán giả bằng những bộ phim lai căng
“Hội nhập và phát triển bền vững” là một mệnh đề gắn liền nhau. Nếu không có hội nhập, không thể phát triển được và ngược lại. Nhưng hội nhập thế nào để phát triển bền vững đây mới là vấn đề cần quan tâm. Theo tôi hiện nay có một vấn đề rất quan trọng. Chúng ta muốn phát triển bền vững, chúng ta phải quay về với cái gốc. Mà cái gốc ấy không ngoài bản sắc Việt.
Vừa rồi, khi tôi ngồi làm Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Hà Nội thì có một nhà làm phim châu Âu chia sẻ lo ngại với tôi là: Hiện nay có một số bộ phim ở châu Âu, chỉ cần lồng tiếng Anh, tiếng Mỹ vào là người ta không nhận ra là phim Ý, phim Anh hay phim Ba Lan nữa. Đây là sự lo lắng khắp cả châu Âu.
Trở lại Việt Nam cũng vậy. Hiện nay chúng ta có nhiều bộ phim ảnh hưởng rất nhiều của Hollywood, Hồng Kông. Có những bộ phim hành động, nếu ta lồng tiếng Hồng Kông vào thì ta tưởng đấy là phim Hồng Kông chứ không phải phim Việt Nam. Nhiều phim cố gắng theo đuổi bạo lực, tình dục và một loạt những vấn đề nhạy cảm. Tôi quan niệm, theo gì thì theo nhưng người xem phải nhìn thấy con người Việt, bản sắc Việt, tâm hồn Việt trong đó. Cảm xúc của tâm hồn Việt khác lắm. Nó là tiếng nói riêng.
Tôi từng tham gia nhiều LHP quốc tế. Ban tổ chức các LHP quốc tế rất tôn trọng và đánh giá cao những bộ phim nào mang đậm sắc bản sắc dân tộc ấy, quốc gia ấy. Đơn giản như điện ảnh Ấn Độ, tại sao chỉ nghe tiếng nhạc người ta biết ngay đó là phim Ấn Độ?
Vì đó là sắc màu của họ, là bản sắc của họ. Nó mang một dấu ấn đặc biệt. Vì thế trong LHP vừa rồi, phim Việt Nam chưa thật sự mạnh như nhiều bộ phim khác nhưng chúng tôi thống nhất bảo vệ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Vì giữa một rừng phim nhiều hài nhảm nhưng có một phim cho ta có cảm giác được trở về tuổi thơ của mình, cảnh sắc trong phim rất Việt Nam. Nhất là khi nông thôn đang bị đô thị hóa thì xem phim này, chúng ta như được tắm trong một thế giới trong trẻo, hồn hậu.
Giải thưởng được trao để khuyến khích động viên các nhà làm phim, để nói rằng các nhà làm phim phải đi theo cái mạch Việt ấy, hồn Việt ấy, thì mới bền vững được, mới hội nhập với thế giới được. Anh muốn chinh phục quốc tế, anh phải mang cái gì là đặc trưng của anh, thế mạnh của anh.
Đừng mang piano sang châu Âu mà hãy mang đàn bầu, đàn nguyệt. Còn anh làm thế nào cho hay, anh hãy biến tấu, đấy là việc của anh. Chắc chắn họ sẽ rất thích. Điện ảnh cũng vậy. Làm thế nào để thế giới biết và tôn trọng nền điện ảnh của quốc gia ấy chứ không phải là một nền điện ảnh bắt chước nào đó.
Tôi cho rằng, nếu không có sự định hướng của hội đồng lý luận, cơ quan nhà nước thì hiện nay, sự tự phát của điện ảnh nó sẽ khiến cho khẩu hiệu chỉ là khẩu hiệu chứ chưa đi sâu vào các công ty tư nhân, các nhà làm phim tự do. Cơ quan quản lý cần có sự thường xuyên trao đổi với chính các lãnh đạo các đơn vị sản xuất phim ấy. Đương nhiên, để cho họ tự do nhưng nên định hướng, tư vấn họ về khuynh hướng sản xuất.
Kinh nghiệm từ những lần đi LHP quốc tế của tôi cho thấy, giám khảo nước ngoài rất thích những bộ phim mang đậm bản sắc Việt Nam. Khi tôi mang “Long thành cầm giả ca” chiếu cho khán giả Nhật Bản xem, họ rất thích và hỏi tôi nhiều về bộ phim. Có khán giả còn nói họ nhìn thấy trong phim sự tương đồng giữa văn hóa cổ Việt và Nhật Bản. Chính vì thế, hãy tự tin trình bày với thế giới cái mà mình có.
Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh: Phải làm tốt mới hy vọng tồn tại
Từ kinh nghiệm làm phim với những nhà sản xuất quốc tế cũng như với các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm những cơ hội thì tôi cho rằng ngôn ngữ là một vấn đề rất quan trọng và cần đặc biệt quan tâm. Khi đề xuất một dự án nào đó để trình duyệt, nếu ngôn ngữ không chuẩn chỉnh sẽ dễ nhạy cảm, gây ra những hiểu lầm đáng tiếc và có thể kịch bản không được duyệt.
Khi làm việc với nước ngoài cũng vậy, chúng ta phải tìm hiểu kỹ đối tác. Kịch bản phải hết sức chuẩn cả ở đề cương và khi hoàn thiện, phải tuân thủ những quy định của cơ quan quản lý. Cũng như cần khoảng thời gian tiền kỳ để các nhà làm phim có điều kiện học hỏi, tìm hiểu những cơ hội hợp tác.
Điều quan tâm thứ hai là Luật Điện ảnh. Mỗi quốc gia có những quy định rất riêng trong lĩnh vực này. Nếu không hiểu sẽ tưởng là gây khó dễ nhưng thực ra không phải. Việt Nam rất khuyến khích và ủng hộ, tạo điều kiện cho những nhà làm phim thực hiện những bối cảnh quay tại Việt Nam. Và gần đây nhất thì đoàn làm phim “Kinh Kong” là một minh chứng.
Dư luận cho thấy đoàn làm phim rất vui vì họ nhận được sự hỗ trợ lớn của Việt Nam. Đây chắc chắn là cơ hội để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, tạo tiền đề để hợp tác giữa Việt Nam và các nước lâu dài không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh.
Tôi cho rằng, Cục Điện ảnh Việt Nam hiện nay tạo điều kiện khá thông thoáng cho các nhà làm phim trong và ngoài nước. Cục thường xuyên gửi những thông báo chung cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp thấy chương trình nào phù hợp thì tham gia.
Tại các LHP trong nước và quốc tế thì những buổi tọa đàm là cơ hội để các công ty tư nhân sẽ tìm đến nhau cùng hợp tác. Từ những buổi tọa đàm như thế này, cơ hội hợp tác làm phim nhiều hơn. Môi trường cạnh tranh lớn hơn thì bắt buộc muốn tồn tại mình phải làm tốt hơn. Và đến thời điểm này, Việt Nam vẫn là một ẩn số hấp dẫn với những nhà làm phim quốc tế.
Với tư cách nhà sản xuất phim thì tôi không nghĩ hội nhập ở khía cạnh quá lớn mà là sự học hỏi lẫn nhau. Chúng ta có hạn chế là khó có thể làm những bộ phim triệu đô hay công nghệ quá hiện đại. Nhưng chúng ta có nền văn hóa phong phú, đặc sắc, những con người học hỏi rất nhanh và đang rất chuyên nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và hy vọng vào những dự án phim hợp tác với quốc tế ở nhiều khía cạnh.
NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Muốn hội nhập bền vững phải đi từ gốc
– Thưa NSND Đặng Xuân Hải, hội nhập là xu hướng thiết yếu của nhiều lĩnh vực, trong đó không thể thiếu điện ảnh, quan điểm của ông về điều này như thế nào?
+ Tôi cho rằng, đây là chủ trương chung và rất đúng đắn của Nhà nước. Văn hóa phải tích cực mở rộng, giao lưu và hội nhập. Trước hết phải giao lưu rồi mới hội nhập. Tức là người ta phải hiểu rồi mới hội nhập được. Theo tôi, một quốc gia muốn giao lưu và hội nhập sâu rộng với các nước khác bao giờ cũng là giao lưu văn hóa trước, sau đó mới đến kinh tế và lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, ở nước ta có một thực tế là thường giao lưu các lĩnh vực khác sau đó mới đến văn hóa. Tôi nhớ không nhầm thì những năm 90 của thế kỷ trước, văn hóa Hàn Quốc tràn sang nước ta thông qua các tác phẩm điện ảnh chiếu rạp. Sau đó là một loạt tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam.
Muốn làm tốt chủ trương này, các cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng ở lĩnh vực này cần phải có chiến lược cụ thể để tăng cường các hoạt động giao lưu hội nhập. Hiện nay, các ngành có mong muốn mở rộng giao lưu, hội nhập. Và muốn hội nhập tốt mình phải có gì để hội nhập, không thể chỉ nhập không. Đây là trách nhiệm mà các cơ quan quản lý nhà nước phải tính đến điều này. Có nhập và có xuất mới thành giao lưu. Khẩu hiệu đúng nhưng bước đi và cách làm như thế nào mới là điều quan trọng.
– Ông đánh giá thế nào về tình hình hội nhập của Điện ảnh Việt Nam hiện nay?
+ Điện ảnh là lĩnh vực có khả năng hội nhập rất lớn. Ngôn ngữ điện ảnh có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng. Hiện nay ta còn đang gặp gỡ giao lưu, học hỏi các dòng phim từ các kỳ LHP trong và ngoài nước là chính. Còn việc phát hành phim, đưa phim của ta ra khu vực và quốc tế thì chúng ta chưa làm được nhiều. Điều quan trọng nhất để có thể “xuất phim” là phải có những tác phẩm hay, đảm bảo về kỹ thuật, và khâu quảng bá phim tốt.
Để có được điều này phải có sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của các cơ quan chức năng. Nếu để mặc cho công ty tư nhân tự làm thì sẽ dẫn đến tình trạng tự phát, không thành một chiến lược. Nhà nước đã duyệt chiến lược của ngành Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030, trong đó có chỉ tiêu là giao lưu, hội nhập với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Vậy thì lộ trình ai triển khai và triển khai đến đâu cần phải ngồi lại cùng bàn bạc.
– Với lĩnh vực văn hóa luôn có một mệnh đề quan trọng là “Hòa nhập nhưng không hòa tan”, điều này càng đúng với điện ảnh, đúng không ạ?
+ Mỗi một quốc gia có một nền văn hóa riêng. Mà nét văn hóa ấy được hun đúc, giữ gìn và phát triển trong suốt quá trình lịch sử dù trải qua nhiều năm bị xâm chiếm, đô hộ. Vậy, những tác phẩm điện ảnh đi giao lưu phải đáp ứng được nét văn hóa đó. Và cuốn hút khán giả các nước khác cũng chính bằng nét văn hóa ấy. Nếu không có gì riêng, không có gì đặc biệt sẽ không thể chinh phục người khác.
Cũng như khách du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội, họ không tham quan nhà cao tầng mà tới Văn Miếu, phố cổ, hồ Hoàn Kiếm cũng như xem hát xẩm, chầu văn… Đó là những nét đặc sắc cho văn hóa Việt Nam.
Tính bền vững của giao lưu, hội nhập phụ thuộc vào bản sắc dân tộc. Chuẩn bị cho một sự giao lưu tốt, bền vững nhất thì phải đi từ cái gốc gác của mình.
Nếu chúng ta cứ mang những bộ phim lai căng, bắt chước thì khó có thể hội nhập bền vững được. Chính vì thế mà những khán giả quốc tế đã từng rất thích những bộ phim mang đậm chất Việt Nam như “Mùa len trâu”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…
Những bộ phim ấy không chỉ thu hút người nước ngoài mà người Việt Nam xem cũng thích. Như thế dù có hội nhập đến mấy chúng ta cũng không sợ sẽ hòa tan mà chỉ làm phong phú thêm văn hóa của nhân loại.
– Hiện nay, số lượng phim sản xuất trong nước chủ yếu thuộc về các hãng phim tư nhân. Trong khi các đơn vị này có xu hướng chạy theo hài nhảm, câu khách rẻ tiền…Ông có lo rằng, chúng ta khó có thể hòa nhập với những phim như thế này?
+ Tôi không có gì bi quan lắm về vấn đề này. Bây giờ đang là giai đoạn đẩy mạnh sự phát triển điện ảnh. Nhiều hãng phim tư nhân được thành lập nó là trăm hoa đua nở. Hoa nào đẹp, được công chúng yêu thích sẽ tồn tại. Còn với góc độ quản lý, thì tôi cho rằng cần phải trao đổi, góp ý, tác động để cho các đơn vị này tự điều chỉnh.
– Xin cảm ơn ông!
Thảo Duyên-Khánh Thảo (thực hiện) – Văn nghệ công an