Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 khép lại bằng một đêm trao giải khá ấn tượng tại Nhà hát Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh tối 5/12 vừa qua. Có lẽ, đây là Liên hoan phim hiếm hoi được đánh giá là chất lượng, “sạch sẽ” trong khâu tổ chức và tạo được sức hút với khán giả trong những năm gần đây. Những hạng mục giải thưởng cao nhất đã tìm được chủ nhân nhưng với nhiều người, điều đáng quan tâm nhất là sau liên hoan, điện ảnh Việt sẽ phát triển như thế nào, câu chuyện xây dựng thương hiệu và bản sắc cho phim Việt đã được “xới” lên rồi sẽ đi về đâu?

Phim “nhảm”, “nhạt” và “thảm họa” không thể tạo nên thương hiệu phim Việt

Theo dõi phim Việt ra rạp những năm gần đây, có thể thấy rằng, số lượng phim ngày càng tăng nhưng không tỷ lệ thuận với chất lượng phim. Nếu như trước đây, mỗi năm có khoảng trên dưới một chục phim Việt ra rạp thì năm 2015 đã ghi nhận con số 40 phim, chiếm tỷ lệ 23,5% so với phim ngoại. Nếu nhìn ở góc độ “số học” thì điện ảnh Việt đã có những bước “nhảy vọt” nhưng để kể tên một bộ phim có sức ảnh hưởng sâu rộng, mang giá trị nghệ thuật, xã hội sâu sắc thì khó như “mò kim đáy bể”.

Thực tế, phim Việt vẫn bị đánh giá là “hụt hơi” ngay ở thị trường trong nước và không tạo được dấu ấn nào đáng kể ở thị trường nước ngoài. Nhiều phim ra rạp bị gắn mác “nhảm”, “nhạt” và “thảm họa”.

Hội thảo “Xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.


Đề tài phim ra rạp khá phong phú từ lịch sử truyền thống đến các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân… nhưng nhìn chung, phim chưa phản ánh được bộ mặt đời sống đương đại Việt Nam. Mảng đề tài được các nhà làm phim khai thác nhiều nhất vẫn là những vấn đề “nóng”, thời thượng được giới trẻ quan tâm như vấn đề tình yêu, giới tính, góc tối trong showbiz, chân dài – đại gia… Thể loại phim “câu khách” vẫn là hài, kinh dị, hành động nhưng đều nửa vời, “chưa tới tầm”. Chủ nghĩa nhân văn, giá trị văn hóa dân tộc chưa được khai thác và thể hiện đậm nét trong tác phẩm.

Một thực tế dường như là nghịch lý trong điện ảnh và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là những tác phẩm bị gắn mác “thảm họa” lại có doanh thu “khủng” khi ra rạp trong khi dòng phim nghệ thuật, từng đạt giải cao tại các Liên hoan phim quốc tế lại rất khó tiếp cận khán giả. “Để mai tính 2” (đạo diễn Charlie Nguyễn) là một ví dụ. Bộ phim bị báo giới “ném đá tơi tả” vì những màn gây cười “lố” lại phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé tại Việt Nam với hơn 100 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số bộ phim được đầu tư nghiêm túc như “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), “Đập cánh giữa không trung” (Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) dù đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế, được báo chí nước ngoài đánh giá cao nhưng khi ra rạp lại không được nhiều người quan tâm. Nghịch lý trong thị hiếu thưởng thức của khán giả khiến nhiều nhà làm phim cảm thấy phân vân và quyết định làm phim nghệ thuật, nghiêm túc hay giải trí đơn thuần không hề dễ dàng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng thương hiệu và bản sắc của phim Việt.

Trong cuộc Hội thảo bên lề Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 với chủ đề “Xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, “thế giới biết phim Việt Nam không thể qua những phim hài hay kinh dị mà phải là những tác phẩm có câu chuyện thuần Việt, cách làm mới mẻ, độc đáo, hướng đến cái chung, cái đẹp”. Đánh giá một cách khách quan thì điện ảnh Việt hiện đang phát triển theo kiểu tự do, thiếu định hướng trong khi việc xây dựng thương hiệu phải là hoạt động sáng tạo có tính bền vững, thống nhất, dựa trên nền tảng giá trị dân tộc, nhân văn và sáng tạo.

Cốt lõi là chất lượng phim

Điện ảnh Việt đã có quãng thời gian phát triển khá dài và đặt vấn đề xây dựng thương hiệu, bản sắc phim có hợp lý hay không, khi mà đáng lẽ ra, việc làm này phải được thực hiện từ rất lâu. Thương hiệu, bản sắc phim không phải là một đích đến mà là quá trình xây dựng, bồi đắp, giữ gìn qua thời gian. Nhìn lại con đường phát triển của Điện ảnh Việt, có thể thấy rằng, Việt Nam đã từng có những tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo được thương hiệu phim Việt với khán giả trong nước và quốc tế như “Cánh đồng hoang”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Con chim vành khuyên”… Đó là những bộ phim được làm kỹ lưỡng, đầy tính nhân văn, lãng mạn, khắc họa chân thực về cuộc sống, con người Việt Nam.

Rõ ràng, thương hiệu và bản sắc phim Việt phải bắt nguồn từ chính nội lực điện ảnh Việt, từ những tác phẩm chất lượng. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam phải bắt đầu từ chất lượng tác phẩm, trong đó yếu tố tiên quyết là phải kết tinh và thể hiện được bản sắc dân tộc, thông qua điện ảnh nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia.

Một vấn đề đặt ra là, phim Việt có nên học tập, xây dựng thương hiệu theo kiểu phim Hollywood, Hàn Quốc, Trung Quốc hay một số quốc gia trong khu vực hay không. Tôi cho rằng, để có tiếng nói riêng, Việt Nam phải tìm được hướng đi riêng cho chính mình. Thương hiệu, bản sắc Việt không thể có “mẫu” chung từ một quốc gia nào đó. Thương hiệu phim Việt phải bắt nguồn từ tính dân tộc, bản sắc Việt. Trong quá trình hội nhập văn hóa toàn cầu hiện nay, Việt Nam chỉ có thể khẳng định được thương hiệu của mình qua những bộ phim mang dấu ấn Việt, góc nhìn phản ánh tâm tư, suy nghĩ của con người Việt Nam. Cần khai thác những mảng đề tài “nóng” của cuộc sống đương đại Việt Nam thay vì những đề tài mang tính cá nhân đơn thuần để “câu khách”.

Sự thành công bất ngờ của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – bộ phim dành giải thưởng “Bông sen vàng” 2015 đang được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” mới cho điện ảnh Việt trong quá trình xây dựng thương hiệu phim. Nhiều người cho rằng, sự phối hợp giữa nhà nước và tư nhân là “chìa khóa” để tạo ra tác phẩm Việt thành công cả về nghệ thuật lẫn thị trường. Trong mối quan hệ đó, nhà nước đóng vai trò định hướng đề tài, nội dung tư tưởng phim còn các hãng phim tư nhân sẽ đảm bảo yếu tố khán giả thông qua thế mạnh về diễn viên, PR…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngay cả hãng phim nhà nước hay tư nhân – bản thân nó cũng có thể tạo ra bộ phim có chất lượng nếu như chọn được đề tài hấp dẫn, kịch bản hay và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của ekip sản xuất phim. Sự thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trước hết phải kể đến hiệu ứng từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Rất nhiều thế hệ độc giả đã lớn lên, sống trong câu chuyện của Nguyễn Ngọc Ánh và sẵn sàng đến rạp để xem hình ảnh trong truyện được chuyển thể như thế nào trên màn ảnh. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đại thắng do chọn được đề tài “đánh trúng” tâm lý khán giả hay do sự hợp tác giữa hãng phim Nhà nước và tư nhân cần phải được “thẩm định” qua thời gian.

Với tư cách là một loại hình nghệ thuật độc lập, những tác phẩm điện ảnh chính là “sứ giả văn hóa”, cầu nối văn hóa Việt với thế giới. Muốn hội nhập với thế giới, điều cốt lõi là phim Việt phải có bản sắc riêng. Câu chuyện bản sắc và thương hiệu nói thì dễ nhưng để tạo dựng được đòi hỏi một quá trình lâu dài với chủ trương, định hướng đúng đắn. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có định hướng về việc xây dựng thương hiệu và bản sắc phim, coi đó là một vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ các nhà làm phim trong việc quảng bá các tác phẩm nghệ thuật.

Xét cho cùng thì chủ trương, định hướng đúng đắn cần phải được hiện thực hóa thông qua những nhà sản xuất phim. Ngoài việc nhận thức được trách nhiệm trong việc xây dựng thương hiệu phim Việt, tiếp cận gần hơn với công nghệ sản xuất phim tiên tiến của thế giới, những nhà sản xuất cần phải hiểu rõ về bản sắc văn hóa dân tộc, tìm tòi, tạo sự đột phá trong tư duy, cách nghĩ, phản ánh chân thực, mới mẻ, sâu sắc nội tâm, tình cảm của con người Việt Nam hiện đại. Có như vậy, điện ảnh Việt mới từng bước tạo dựng, khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng công chúng Việt và vươn ra thế giới…

Theo Tường Phạm (Văn nghệ công an)