Hầu như những quốc gia có nền điện ảnh phát triển đều có chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi cụ thể cho sản xuất, phát hành phim. Tuy nhiên ở Việt Nam, sự hỗ trợ chủ yếu vẫn chỉ nằm trên giấy.

Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi sản xuất, phát hành phim được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo điện ảnh, thu hút các hoạt động sản xuất phim, hỗ trợ việc phân phối, quảng bá nhằm củng cố và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia trước tác động của quá trình toàn cầu hóa. Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, hội thảo Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam ngày 3.12 đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia điện ảnh đến từ Đan Mạch, Hàn Quốc, Anh… chia sẻ nhiều kinh nghiệm.

Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam 2015

Kinh phí thấp vẫn có thể cạnh tranh

Chuyên gia Jakob Kirstein Hogel, Ủy viên Quỹ Điện ảnh Tây Đan Mạch, nhà sản xuất của Công ty Meta Film cho biết, điện ảnh là một ngành kinh doanh hấp dẫn nhưng phải biết đào tạo và nuôi dưỡng tài năng. Với các nước có thị phần trong nước nhỏ, gần như lúc nào khán giả cũng coi phim do nước đó sản xuất có chất lượng thấp hoặc là phim cấp hai. Chính nhiều người trong ngành cũng nghĩ họ không thể sản xuất phim có chất lượng hay chất lượng cao bởi ngân sách không cho phép. Lý luận như vậy là không nên. “Kỹ năng làm phim tốt bao gồm cả kiến thức về cách làm phim với chi phí thấp mà vẫn có thể cạnh tranh, thậm chí với phim của Hollywood hay Bollywood”.

Ông Jakob Kirstein Hogel lấy ví dụ: Một bộ phim của Đan Mạch có chi phí trung bình dưới 3 triệu USD, trong khi một bộ phim trung bình của Mỹ tốn 139 triệu USD, thế nhưng mỗi năm vẫn có 3 – 5 phim của Đan Mạch nằm trong nhóm 10 phim hàng đầu thế giới.

Quỹ điện ảnh: Chỉ quản lý, không sản xuất

Đan Mạch và các nước Bắc Âu có hệ thống hỗ trợ điện ảnh toàn diện nhất thế giới, từ việc dạy học sinh, sinh viên cách làm bộ phim đầu tiên đến phân phối phim tại các rạp, trên truyền hình, trong thư viện và trên website của các viện phim. Ông Jakob nhấn mạnh vai trò của các quỹ điện ảnh quốc gia trong việc quản lý, không tham gia sản xuất phim thực sự. Các quỹ có thể tư vấn và yêu cầu tiền tài trợ được chi theo một số cách thức nhất định nhưng sẽ dành toàn bộ việc quản lý sản xuất cho các công ty độc lập.

Ở châu Á, từ năm 1973, một cơ quan đặc biệt trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc mang tên Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc đã ra đời nhằm hỗ trợ sự phát triển và quảng bá phim Hàn Quốc. Ủy ban này có các hoạt động như: Điều hành (đầu tư) Quỹ Điện ảnh, hỗ trợ sản xuất, phát hành phim, hỗ trợ mở rộng hoạt động tại nước ngoài, hỗ trợ kỹ thuật cho điện ảnh công nghệ số, hỗ trợ chính sách điện ảnh, quản lý hệ thống thông tin phòng vé trên mạng… Nhờ đó, ông Yun Ha, Giám đốc nhóm phát triển dự án mới, Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc đứng thứ 6 trong 10 thị trường có tổng thu phòng vé cao nhất (năm 2010 – 2014) và đứng 5 về lượng khán giả ra rạp.

Phim Việt đang ở đâu?

Tại Việt Nam, theo nhà biên kịch – nhà sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát: Chúng ta đã làm nhiều phim nhưng chưa biết làm thế nào để phim Việt có thương hiệu, cũng như chưa biết hiện nay phim Việt đang ở đâu, có vị trí như thế nào với ngay khán giả trong nước.

“Thời mở cửa, chúng ta có những chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho các nhà điện ảnh làm tốt hơn rất nhiều. Các bộ phim được đầu tư lớn hơn, nhưng tiếc thay thành công nghệ thuật lại không tỷ lệ thuận với doanh thu.”- nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh khẳng định: Một bộ phim chiếu trong nước mà có thể khiến người ta rút tiền mua vé đi xem chính là mục tiêu mà điện ảnh Việt Nam cần phấn đấu.

Ông Đỗ Duy Anh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực điện ảnh còn hạn chế, chỉ dao động từ 50 – 70 tỷ đồng cho những phim được Nhà nước đặt hàng. Bên cạnh đó, chính sách chưa đồng bộ, nhiều dự án chưa được triển khai nghiêm túc; hệ thống rạp tại nhiều tỉnh, thành chưa được đầu tư. Việt Nam phải thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, có như vậy mới mong nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam khởi sắc.


Nguồn: Đại biểu nhân dân (Bạch Dương)