Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, mỹ thuật ứng dụng càng có đất để phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt lớp học, khóa đào tạo liên quan đến các chuyên ngành như đồ họa, tạo dáng, trang trí nội ngoại thất… đua nhau ra đời. Nhưng chính sự phát triển ồn ào và đại trà đó đang đẩy mỹ thuật ứng dụng đương đại Việt vào chỗ bản sao của thế giới mà nhạt nhòa đi hương sắc riêng có.
Giữ gìn văn hóa truyền thống trong các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng là một vấn đề nổi bật được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Đổi mới đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam – Từ thực tiễn đến giải pháp” diễn ra ngày 25-6 tại TP Hồ Chí Minh. Bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, mỹ thuật ứng dụng không ngừng nâng cao vị thế của mình trong đời sống xã hội, trực tiếp phản ánh cụ thể những giá trị văn hóa – thẩm mỹ – nghệ thuật của đời sống đương đại. Nó tạo ra các sản phẩm phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế sản xuất hàng hóa, đóng góp vào việc giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho cộng đồng.
Theo nhà thiết kế Vũ Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế mẫu và Sáng tạo mỹ thuật Việt Nam (Hiệp hội Design Việt Nam), sở dĩ có tình trạng phát triển ồ ạt này bởi có cầu thì mới có cung. Kinh tế thị trường mở cửa, hàng loạt công ty quảng cáo ra đời, nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhà sản xuất hàng tiêu dùng có nhu cầu thiết kế mẫu mã mới. Tốc độ đô thị hóa cũng giúp nghề trang trí nội ngoại thất, thiết kế thời trang trở nên sáng giá… Tuy nhiên chất lượng sản phẩm lẫn nguồn nhân lực của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu mạnh mẽ trên.
Hội thảo “Đổi mới đao tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam”.
Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng Việt hiện nay đa số bắt chước kiểu cách “design ngoại nhập” trong khi hàng xuất khẩu lại không thể hiện được giá trị thẩm mỹ mang bản sắc Việt mà chỉ thực chất là gia công rập khuôn theo mẫu hoặc nhái theo thương hiệu ngoại quốc.
Ngoài ra, từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ đột ngột chuyển sang sản xuất công nghiệp khiến sự đặc sắc của các làng nghề thủ công biến mất quá nhanh. Bởi theo thạc sĩ Hoàng Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, những làng nghề truyền thống và thủ công mỹ nghệ là cội nguồn của văn hóa cha ông và là nền tảng dân tộc tính của design Việt.
Người Nhật có nhiều nhà thiết kế nổi tiếng đã đưa dân tộc tính của mình chinh phục bạn bè thế giới. Chẳng hạn như Yayoi Kusama với những họa tiết chấm bi lớn nhỏ trong sản phẩm thiết kế của bà. Chấm bi là hình ảnh của mặt trời, là biểu tượng của năng lượng toàn thế giới cũng như cuộc sống con người. Đồng thời chấm bi còn là hình ảnh của mặt trăng, biểu trưng của sự tĩnh lặng. Nó tròn, mềm mại và đầy màu sắc nối liền với nhau như đang chuyển động đến vô hạn… Những chấm bi của bà đã đến các bảo tàng ở Mỹ và làm say đắm người thưởng lãm bởi tinh thần đầy ắp năng lượng của đất nước mặt trời mọc.
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng nghệ thuật không có địa chỉ là nghệ thuật mất gốc. Cái được gọi là địa chỉ nghệ thuật, địa chỉ của tác phẩm chính là cá tính, cái độc đáo mà bản thân người nghệ sĩ tạo ra trong tác phẩm, làm cho nó không bị nhòa lẫn với tác phẩm của người khác và qua đó bộc lộ cái hồn cao nhất là tính dân tộc.
Mỹ thuật gồm hai nhánh lớn là Mỹ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng. Mỹ thuật ứng dụng bao gồm ba lĩnh vực chuyên sâu: Nghệ thuật trang trí, Nghệ thuật thủ công, Nghệ thuật thiết kế. Trong đó, mỹ thuật tạo hình và nghệ thuật thủ công là mảnh đất dễ làm bật dậy cái riêng, cá tính của nghệ sĩ, hàm chứa tính dân tộc rõ nét hơn so với nghệ thuật trang trí và nghệ thuật thiết kế. Bởi khi sáng tác loại hình mỹ thuật tạo hình, ngoài băn khoăn về nội dung tư tưởng, khả năng hình tượng hóa thì người nghệ sĩ gần như được tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Anh ta không phải lo lắng tác phẩm của mình có ai mua không, treo ở đâu, giá thành thế nào…?
Còn nghệ thuật thủ công thì vốn gắn liền với nghệ thuật truyền thống theo kiểu truyền nghề của một quốc gia, dân tộc, vùng miền nên mang nét đặc sắc riêng.
Riêng nghệ thuật trang trí và nghệ thuật thiết kế thì khi sáng tạo, nghệ sĩ không thể tự do tung tẩy theo ý mình mà phải đáp ứng được các nhu cầu khách quan khác như: Tác phẩm này dùng trong môi trường nào, không gian ra sao là phù hợp, đối tượng khách hàng tiềm năng là ai, họ sống ở xã hội nào…? Vì gắn nhiều với yếu tố thương mại nên họ phải quan tâm đến khách hàng mục tiêu của mình.
Ở góc độ này, trong nền kinh tế thị trường và giao lưu hội nhập quốc tế, tính dân tộc tồn tại trong cả hai chủ thể: Bản thân nghệ sĩ và khách hàng. Nếu cần tô đậm tính dân tộc của khách hàng thì nhà thiết kế không được áp đặt cái riêng của dân tộc mình lên bởi khách hàng khó chấp nhận trừ khi họ cùng chung một quê hương như nhà thiết kế.
Ở trường hợp logo thương hiệu, một loại hình của mỹ thuật ứng dụng đương đại, tiến sĩ Trần Thị Thúy Vân, Học viện Chính trị Khu vực 2 cho rằng, những chất liệu văn hóa truyền thống được nhà thiết kế khéo léo chuyển tải thông qua logo sẽ tạo nên sự cộng cảm, tin tưởng của người tiêu dùng.
Nắm vững quy luật ấy nên nhiều nhà thiết kế nước ngoài đã có được sự thành công ngay chính thị trường Việt Nam. Người thiết kế logo mới của thương hiệu Viet Nam Airline chính là họa sĩ người Mỹ gốc Nhật Victor Kubo. Để có được logo là hình ảnh bông sen màu vàng nổi bật, Victor Kubo đã bỏ nhiều thời gian và tâm sức tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Hoa sen được xem là quốc hoa của người Việt, biểu tượng cho sự thanh cao, khát vọng vươn lên của con rồng cháu tiên. Do đó, logo này nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ khách hàng.
Học hỏi điều này, đã có nhiều nhà thiết kế trong nước đem chất liệu truyền thống để thổi cảm hứng cho các tác phẩm của mình. Mới đây nhà thiết kế Công Trí cho ra mắt bộ sưu tập váy áo có họa tiết giỏ tre đan lát. Tại Liên hoan phim Cannes 2016, Angela Phương Trinh được ống kính quốc tế chú ý vì trang phục in họa tiết tranh Đông Hồ, đầu đội khăn vấn Bắc kỳ, đặc biệt là chiếc ví cầm tay gây ấn tượng mạnh vì hình ảnh chú gà đặc trưng của tranh Đông Hồ.
Một số sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Nếu lĩnh vực thiết kế thời trang gặt hái nhiều thành công thì ở những lĩnh vực khác của mỹ thuật ứng dụng như trang trí, đồ nội ngoại thất, logo…, tính dân tộc xuất hiện khá mờ nhạt, không đủ sức biến thương hiệu thành biểu tượng.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi được hỏi “người tiêu dùng có ủng hộ các logo của thương hiệu khi dùng các chất liệu, biểu tượng văn hóa dân tộc” thì có tới gần 70% người rất ủng hộ. Và để thế giới làm quen và có thể giải mã được ý nghĩa các biểu tượng này thì cần đến hệ thống truyền thông, quảng cáo” – TS Trần Thị Thúy Vân nói.
Ông Marc Pechart, Quản lý học vụ của Học viện thiết kế ADS phân tích: “Nói đến các biểu tượng truyền thống của Việt Nam người ta hay nhớ đến hoa sen, cậu bé mục đồng trên lưng trâu, bánh chưng, dưa hấu, cây tre, thư pháp, tháp, chùa…
Đã có những nhà thiết kế đưa hình ảnh tháp, chùa cùng những dòng chữ cách điệu kiểu thư pháp để làm nên dấu ấn riêng của mình. Tuy nhiên sự sáng tạo này vẫn còn hạn chế vì họ vẫn chuộng các thiết kế ngoại lai với kỹ thuật tiên tiến. Nhà sản xuất không bắt tay cùng nhà thiết kế để quảng bá. Riêng tính dân tộc, không ít nhà thiết kế bê y nguyên hình ảnh di sản vào sản phẩm mà ít có sự đột phá mới mẻ”.
Bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bản sắc dân tộc, nền văn hóa của cha ông phải thấm nhuần vào từng hơi thở, vào máu của người thiết kế thì họ mới có thể bức phá trong sản phẩm. Nếu không, đó chỉ là rập khuôn máy móc, bắt chước những gì đã có thì rất nhàm chán, đơn điệu”.
Vì vậy, giới chuyên môn đề xuất: để nhà thiết kế thật sự tâm huyết với ý tưởng đưa hồn dân tộc vào trong sản phẩm thì các chương trình đào tạo mỹ thuật ứng dụng cần triển khai nhiều chuyên đề về văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống… Người học phải coi việc tiếp nhận đó là nhu cầu tự thân và say mê, yêu cội nguồn thì lúc đó chất liệu văn hóa ấy mới thấm được vào trong tay nghề của họ một cách tự nhiên và hiệu quả.
Theo Mai Quỳnh Nga – Văn nghệ công an