Du lịch Thừa Thiên – Huế vẫn chưa khởi sắc so với những thế mạnh vốn có. Đang có những phương án mong cho du lịch đất cố đô có thể đột phá. Nhưng, sự đìu hiu vẫn đang hiện rõ trong hiện tại khiến những người quan tâm không khỏi có những băn khoăn.
Lặng lẽ phố đêm Huế
Huế có đến năm di sản thế giới. Nhưng năm di sản này đem đến tên tuổi trong khi nguồn lợi kinh tế còn hạn chế. Mâu thuẫn đó không phải đến từ di tích mà một phần đến từ cách làm du lịch.
Tháng 10-2017, hoạt động phố đêm được mở trên nền móng cũ là phố tây của các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An. Phố đi bộ được mở vào ba đêm cuối tuần. Từ sáu giờ tối, mọi ngả đường dẫn vào khu phố được phục vụ việc đi bộ. Nhiều người hy vọng sản phẩm mới này sẽ “dỡ” được danh xưng “Huế – thành phố đi ngủ sớm”.
Nhưng rồi, phố đi bộ trở nên lặng lẽ. Những thiết chế cần thiết về văn hóa, vui chơi, giải trí… cho một phố đi bộ đúng nghĩa đều hạn chế. Phố đi bộ ở Huế đã phần nào biến thành phố ăn uống. Quán ăn mở rộng dần đều, người ngồi tràn ra cả ngoài đường. Có lẽ nên gọi đây là “phố ẩm thực” sẽ đúng hơn. Lâu lâu có nhóm bạn cầm đàn ra hát giữa đường phố trong tiếng vỗ tay thú vị của du khách. Nhưng rồi cũng trở nên lạc lõng trong những tiếng “hai, ba dô ô ô ô”…
Thống kê sáu tháng đầu năm của ngành du lịch Thừa Thiên – Huế cho thấy lượng khách đến ước đạt 2.503.070 lượt. Khách lưu trú ước đạt 1.144.977 lượt. Doanh thu từ du lịch ước đạt 2,36 nghìn tỷ đồng. Nếu tính ra, trong sáu tháng đầu năm, mỗi du khách đến với Huế chi tiêu chỉ hơn 1 triệu đồng/người.
Năm trước, du khách đến đây cũng chi tiêu chỉ hơn 1 triệu đồng một người.
Vắng vẻ đêm hoàng cung
Trước khi “phố đêm” ra đời, để níu chân du khách ở lại với Huế, ngành du lịch nơi đây đã tính đến phương án “đánh thức Hoàng cung” với những hoạt động, hoạt cảnh đầy chất cung đình.
Cuối tháng 4-2017 chương trình “Đại nội Huế về đêm” được thực hiện. Nhiều chương trình mang đậm chất Huế, cung đình, được phô diễn cho du khách thưởng lãm. Nhưng rồi, không gian cho các chương trình nghệ thuật hẹp khiến nó không đáp ứng được cho sự chờ đợi của du khách. Nhiều nội dung được tổ chức biểu diễn trong các địa điểm khác nhau liên quan đến hạ tầng phục vụ vẫn chưa bảo đảm: tiết mục Ca Huế thính phòng ở Thái Bình Lâu chỉ có thể phục vụ tối đa 120 người; tiết mục “Bát tiên hiến thọ” ở Duyệt Thị Đường chỉ có thể phục vụ tối đa 150 người. Đó là lời giải thích cho sự đóng cửa của “Đại nội Huế về đêm” của đơn vị vận hành là Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế.
“Đại nội Huế về đêm” đành đóng cửa một phần vì lý do thời tiết, một phần khách không mặn mà. Trong năm tháng mở cửa “Đại nội Huế về đêm” đón được 80.000 khách. Trong đó có hơn 50.000 lượt khách địa phương được miễn phí tuần đầu. Số lượng khách mua vé tham quan chỉ có hơn 28.500 lượt. Doanh thu từ sản phẩm này theo báo cáo của Trung tâm BTDT Cố đô Huế chỉ đủ bù chi… bồi dưỡng. Việc mở cửa “Đại nội Huế về đêm” có được tiếp diễn hay không vẫn đang còn nằm trong sự cân nhắc của Trung tâm BTDT Cố đô Huế.
Một “đêm” nữa ra đời
Trong bối cảnh đó, nơi đây vừa nghĩ ra một sản phẩm mới về đêm. Theo đó, vào các ngày 16 âm lịch hằng tháng, nhằm đêm trăng tròn, khu vực cầu ngói Thanh Toàn sẽ được dùng làm nơi mở chợ đêm để phục vụ du lịch. Các trò chơi dân gian, những hoạt động sinh hoạt, sản xuất của làng quê sẽ được tái hiện để cho du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm. Những sản vật vùng quê sẽ được giới thiệu và đem đến cho thực khách những khẩu vị mới, độc đáo. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phúc, nếu thành công, hoạt động mới này sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sự kết nối hoạt động du lịch giữa trung tâm thành phố với các điểm vùng ven và tăng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp.
Đưa vào hoạt động này, những người làm du lịch ở Huế lại hy vọng sản phẩm sẽ tạo thêm dịch vụ về đêm tại điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn, tạo thêm việc làm cho các nhóm cộng đồng và níu giữ được chân du khách ở lại với Huế. Hoạt động này do doanh nghiệp Huế Xanh chủ động tổ chức phối hợp với cộng đồng, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hướng dẫn và quảng bá kết nối. Theo bà Đặng Thị Thùy Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xã hội Huế Xanh, ban đầu đơn vị sẽ tổ chức một tháng một phiên vào đêm 16 âm lịch hằng tháng để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Khi mọi việc được thành công như ý thì sẽ tổ chức một tháng hai đêm vào đêm 15 và 16 âm lịch hằng tháng.
Cầu ngói Thanh Toàn nằm ở địa phận làng Thanh Thủy Chánh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8 km về phía đông. Trong các kỳ Festival Huế, cầu ngói Thanh Toàn là địa điểm tổ chức chương trình “Chợ quê ngày hội”. Việc mở chợ đêm ở đây được xem như là một chương trình “Chợ quê ngày hội” thu nhỏ.
Theo Baothoinay/