Nguyễn Văn Sơn
Trong sinh hoạt hàng ngày và trong các nghi lễ văn hóa, dây thắt váy đã trở thành biểu tượng đẹp mắt trong bộ trang phục của phụ nữ Cơ Tu và Ca Dong – hai dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi Quảng Nam. Không chỉ là một phụ kiện trang trí, dây thắt váy còn là biểu tượng quan trọng thể hiện vẻ đẹp riêng và sự độc đáo của phụ nữ vùng núi Quảng Nam.
Dây thắt váy, điểm nhấn cho trang phục truyền thống của phụ nữ Cơ Tu
Dây thắt váy của phụ nữ Cơ Tu
Trước kia, khi không có sẵn sợi chỉ như hiện nay, phụ nữ Cơ Tu phải thực hiện nhiều bước dệt thủ công để tạo ra dây thắt váy từ sợi bông. Bước đầu tiên là thu hoạch bông từ cây và sau đó tiến hành nhuộm màu với các loại thảo dược đặc trưng. Kỹ thuật dệt của họ không chỉ giỏi mà còn phong phú, tạo ra những mẫu hoa văn sinh động với họa tiết truyền thống. Dây thắt váy của phụ nữ Cơ Tu thường rộng khoảng 5cm, dài từ 1m5 đến 2m, được trang trí với những họa tiết hoa văn phức tạp, thể hiện sự tinh tế và tâm hồn của người dệt. Mỗi sợi dây mang theo một câu chuyện riêng, thể hiện sự thủy chung và tâm tư của người phụ nữ.
Thiếu nữ Cơ Tu buột dây thắt váy để tạo nên sự hất dẫn trang phục của mình chuẩn bị đi lễ hội
Dây thắt váy, điểm nhấn cho trang phục truyền thống của phụ nữ Cơ Tu là một sợi dây được dệt khá công phu. Với chiều rộng 5 cm, dài 1.5 – 2 m; hai đầu dây thường có các sợi để tua dài nhiều màu dài 30 cm dễ dàng nhận ra màu trắng ngà hoặc xám với nhiều họa tiết hoa văn sinh động từ nhiều hình học cách điệu, hoa văn mã não màu đỏ nhạt.
Người Cơ Tu gọi dây thắt váy là “cơ ting papah”. Theo người Cơ Tu, cơ ting papah còn tượng trưng cho sự thủy chung giữa người vợ và người chồng. Váy này được trang trí hoa văn chỉ màu khá đơn giản được khâu lại bằng chỉ, tạo cho váy có hình ống. Khi mặc váy ngắn, người phụ nữ Cơ Tu cho cơ ting papah luồn qua bên mông rồi dùng một tay giữ một đầu, chừa ra một khoảng dài chừng 20 – 25 cm, sau đó quấn hai vòng qua trước bụng ra sau lưng đè lên đầu dây đang giữ và giắt phần còn lại của phía mông bên kia, bên dưới các vòng dây đã vấn để giữ chiếc váy trên người không bị tuột và họ thường mặc kèm với chiếc áo cột tay (a doót) được dệt nhiều hoa văn bằng cườm cùng nhiều biểu tượng sinh động của mã não, hoa abơlơm,… Mỗi cơ ting papah, là một câu chuyện thể hiện qua họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống và tính cách của mỗi người phụ nữ Cơ Tu. Ngay từ nhỏ, các cô gái Cơ Tu được các bà, các mẹ dạy dệt dây thắt váy nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Việc học dệt dây thắt váy có thể mất vài ngày, nhưng để dệt được những dây thắt váy đẹp cũng phải mất từ 2 – 3 tháng mới hoàn thiện. Ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, những ngày nghỉ hè, các em nhỏ Cơ Tu vẫn tranh thủ dệt cho mình dây thắt váy. Thiếu nữ Cơ Tu buột dây thắt váy để tạo nên sự hất dẫn trang phục của mình. Nhờ dây thắt váy, những phụ nữ, thiếu nữ Cơ Tu khi thực hiện các động tác múa ya yá trong các lễ hội truyền thống luôn nỏi bật mà không sợ bị tuột váy, hay có dịp đi chơi trong dịp lễ, đám cưới của bạn bè, người thân.
Dây thắt váy của phụ nữ Ca Dong
Người phụ nữ Ca Dong sử dụng Preen dxenh – dây thắt váy làm từ lá dứa rừng (Ra xạc). Họ thực hiện quá trình làm Preen dxenh từ việc thu hái, chế biến lá dứa đến việc dệt thủ công, tạo ra những sợi trắng mịn màng. Một Preen dxenh hoàn chỉnh tốn rất nhiều công sức và lá dứa rừng và màu trắng mộc được làm từ lá dứa rừng không khác mấy so với Preen dxenh được dệt từ sợi bông hay sợi len mua ở chợ huyện.
Thiếu nữ Ca Dong với Preen dxenh màu trắng mộc tô điểm và làm tăng thêm nét đẹp của họ khi tham gia lễ hội.
Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Ca Dong gồm: váy, áo cộc tay, phần quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất là việc dệt dây thắt lưng màu trắng mộc. Phần dây thắt lưng là tấm vải trắng có chiều rộng từ 15-20cm và dài hơn sải tay (khoảng hơn 1m5-1m6) khi đã nối các tua bằng sợi len màu đỏ hai đầu lại. Tùy sở thích mà thiếu nữ Ca Dong khi dùng dây thắt lưng (Preen dxenh) quấn quanh eo, buộc và thả về trước bụng thành hai dải dài đến đầu gối hoặc gần đến nữa ống chân.
Dây thắt lưng này không chỉ là phụ kiện trang trí mà còn thể hiện sự kín đáo và tinh tế của người phụ nữ Ca Dong. Khi quấn Preen dxenh vào eo, họ tạo ra một vẻ đẹp đầy quyến rũ và tự tin, thể hiện lòng kính trọng và lòng tự trọng của mình trong các dịp lễ hội và cuộc sống hàng ngày.
Vào đám cưới hay đi về những làng khác trong các chuyến chơi xa, thiếu nữ Ca Dong chưa chồng rất thích đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ và không quên quấn thêm dây thắt lưng (Preen dxenh) màu trắng mộc tô điểm và làm tăng thêm nét đẹp nữ tính của họ.
Đối phụ nữ Ca Dong có chồng và lớn tuổi, ngoài dùng dây thắt lưng ra, họ còn dùng đồ trang sức bằng chuỗi dây đồng dài có gắn lục lạc quấn vào lưng quần, đeo nhiều trang sức bằng đồng, vòng bạc ở tay, ở cổ để tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội của làng.
Dây thắt váy trong trang phục của phụ nữ Cơ Tu và phụ nữ Ca Dong vùng núi Quảng Nam; tuy đơn giản là sợi dây, nhưng nó thật mộc mạc, góp phần làm nên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng TRường Sơn-Tây Nguyên.
Dây thắt váy trong trang phục của phụ nữ vùng cao không chỉ đơn thuần là một phụ kiện trang phục, mà còn là biểu tượng của văn hóa và truyền thống của các dân tộc thiểu số ở vùng núi Quảng Nam. Việc tạo ra những dây thắt váy đẹp mắt và tinh tế đòi hỏi sự tài năng và công phu của người dệt, và từng sợi dây chứa đựng những câu chuyện, giá trị văn hóa sâu sắc của cộng đồng.
Hồng Nhung đăng bài