Một bộ phim được đầu tư chỉn chu về tình cha con đầy tính nhân văn của đạo diễn Lương Đình Dũng sở hữu một dàn diễn viên khá đặc biệt. Từ nhân vật chính là một em bé ở làng trẻ SOS thì các diễn viên phụ nhí còn lại cũng là những em bé đang sinh sống tại làng trẻ này và có cả những bệnh nhi đang điều trị bệnh lý về máu tại bệnh viện.

Một bộ phim được đầu tư chỉn chu về tình cha con đầy tính nhân văn của đạo diễn Lương Đình Dũng sở hữu một dàn diễn viên khá đặc biệt. Từ nhân vật chính là một em bé ở làng trẻ SOS thì các diễn viên phụ nhí còn lại cũng là những em bé đang sinh sống tại làng trẻ này và có cả những bệnh nhi đang điều trị bệnh lý về máu tại bệnh viện.

Sức hút đặc biệt của dàn diễn viên “Cha cõng con”

Sáng nay, 20-3, ê-kíp sản xuất “Cha cõng con” và nhà phát hành Lotte Cinema tung trailer chính thức của bộ phim hé lộ nhiều chi tiết thú vị của bộ phim.

Phim không sở hữu dàn diễn viên ăn khách, thị trường hay là những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh. Ngoài vai người cha được trao cho Ngô Thế Quân (từng đảm nhận vai chính Sài trong “Thời xa vắng”) có kinh nghiệm diễn xuất trên màn ảnh rộng thì những gương mặt trong phim đều rất mới, rất lạ, và không kém phần đặc biệt.

Nhân vật chính của phim, bé Cá được chọn lựa khá vất vả. Hàng trăm cháu bé được tìm kiếm từ bắc vào nam, thậm chí cả trẻ em vùng cao Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An, Hoà Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Tuyên Quang.. đều không làm đạo diễn hài lòng. Cuối cùng, cháu Tấn tại làng trẻ SOS đáp ứng được những yêu cầu đạo diễn đưa ra, sau nhiều lần cân nhắc kiểm tra hàng tháng trời.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, bé Cá được một bảo mẫu tên là Thảo chăm sóc chuyên biệt. Khi quay ở Tuyên Quang, cảnh người cha chở Cá trên xe đạp về nhà, dù đã dặn dò và căn chỉnh an toàn nhưng bất ngờ chân cậu bị kẹt vào bánh trước của xe. Quá lo sợ, đạo diễn chạy về phía đó và chẳng hiểu sao lúc đó anh khoẻ đến mức giật tung hai càng trước chiếc xe đạp để kéo chân Cá ra. Thật may mắn Cá chỉ bị trầy xước nhẹ.

Bên cạnh đó, việc tìm ra người cao lớn và giống sự mô tả trong câu chuyện để đóng vai chú Mù vô cùng khó khăn. Ê-kíp đã tìm hàng trăm nhân vật cuối cùng chọn ra Hà Văn Hiếu một cách bất ngờ. Như đạo diễn nói, Hiếu giống hệt nhân vật trong kịch bản. Anh cao 1,92 nặng 125 kg đã hai lần vô địch Sea Games và gần 10 lần vô địch quốc gia về bộ môn vật.

Năm diễn viên nhí đóng trong phim tại bối cảnh trên đồi đều đến từ làng trẻ SOS. Các cháu là trẻ mồ côi, có cháu cha mẹ bị lũ quét mất hết. Vì vậy, khi được đóng phim và được gọi những cô chú bằng cha bằng mẹ, các cháu như được sống trong mái ấm, nên khi chia tay các cháu đều khóc, mọi người trong đoàn không ai giữ được cảm xúc của mình.

Phim còn có hai diễn viên đặc biệt là cháu Thành, cháu Gia Bảo – hai bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đã tham gia đóng cùng trong bộ phim. Để thuyết phục bố mẹ cho cháu lên màn ảnh là điều không hề dễ dàng. Nhưng sau khi kết thúc bộ phim, vào dịp Tết Nguyên đán 2017, ê-kíp làm phim có tới thăm hai cháu và được biết cháu đã khoẻ hơn và đây là điều vô cùng hạnh phúc của nhà sản xuất cũng như bố mẹ của hai bé.

“Cha cõng con” chu du sáu Liên hoan phim quốc tế

Sau gần bốn tháng hoàn thành, bộ phim “Cha cõng con” (Father and Son) của đạo diễn Lương Đình Dũng đã vinh dự được chọn chiếu và tranh giải chính thức tại sáu Liên hoan phim lớn và giành được nhiều giải thưởng quốc tế.

Tin vui đầu tiên chính là phim được chọn chiếu tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Houston lần thứ 50 tại Mỹ từ ngày 20-4 đến 30-4 tại Mỹ. Tiếp theo đó, tại Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15, với 3.218 phim tham dự đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, phim “Cha cõng con” nằm trong danh sách 17 phim truyện dài được chọn chiếu tranh giải chính thức.

Trong danh sách tám phim truyện dài được vinh dự chọn chiếu tranh giải tại Liên hoan phim Arizona lần thứ 26 (Arizona International Film Festival), có các phim của đạo diễn Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Canada.. và bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng đến từ Việt Nam. Đây là Liên hoan phim lâu đời nhất và lớn nhất ở Arizona, Mỹ diễn ra từ ngày 19-3 đến 30-4. Liên hoan phim đề cao các tác phẩm độc lập và sáng tạo mới của các nhà làm phim khắp nơi trên thế giới.

Tiếp theo, phim được chọn chiếu và tranh giải tại Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương – châu Mỹ La-tinh lần thứ 17 (DC Asian Pacific American Film Festival), từ 19-5 đến 21-5 tại Washington DC, Mỹ. Sứ mệnh và nhiệm vụ của Liên hoan phim này là thu hút sự chú ý đến sản phẩm sáng tạo của các cộng đồng và khuyến khích sự phát triển nghệ thuật của các bộ phim châu Á – Thái Bình Dương ở khu vực đô thị lớn.

Tại Liên hoan phim quốc tế Julien Dubuque lần thứ 6 (Julien Dubuque International Film Festival), phim cũng được chọn trình chiếu và tranh giải trong thời gian từ ngày 20-4 đến 23-4 tại bang IOWA, Mỹ. Tạp chí MovieMaker bình chọn đây là 50 Liên hoan phim hàng đầu vào năm 2016. Liên hoan phim quốc tế Julien Dubuque thừa nhận tài năng các nhà làm phim mới xuất hiện trên toàn thế giới, đặc biệt chú trọng phát hiện và khuyến khích tài năng mới.

Và một vinh dự nữa không thể nhắc tới, là “Cha cõng con” cũng chính thức trình chiếu và tranh giải tại Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương Los Angeles lần thứ 33 và sẽ được chiếu tại Rạp chiếu phim CGV tại The Source, 6988 Beach Blvd., Buena Park, CA 90621. Lễ hội và trình chiếu phim diễn ra từ sẽ ngày 27-4 đến 11-5 tại Nhà hát Aratani. Liên hoan nhằm khuyến khích các tác phẩm sáng tạo người Mỹ gốc Á và nghệ sĩ khu vực Thái Bình Dương.

THIÊN LAM