QUANG THỌ

Một buổi lễ cấp sắc của người Dao ở huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh.
Cấp sắc là tập tục đánh dấu sự trưởng thành của nam giới dân tộc Dao, khẳng định sự công nhận của cộng đồng và thần linh đối với người được cấp sắc. Với người Dao ở Hoành Bồ, cấp sắc là nghi lễ quan trọng nhất.
Người chủ trì lễ cấp sắc phải là thầy cúng, am hiểu nghi lễ truyền thống. Một lễ có thể cấp sắc cho một người hoặc vài người, nhưng nhất thiết phải là số lẻ. Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc: ba đèn (tương ứng với số lượng 36 binh mã được cấp); bảy đèn (tương ứng với số lượng 72 binh mã được cấp; 12 đèn (120 binh mã được cấp).

Người được làm lễ cấp sắc mới có đầy đủ tư cách của một thành viên xã hội, được tham dự các nghi lễ tôn giáo của dân tộc, được thừa nhận là con cháu Bàn Vương (thủy tổ của người Dao). Ngoài ra, lễ cấp sắc còn có một ý nghĩa rất quan trọng. Đó là: Đặt tên cho người được cấp sắc, để khi chết, người đó được siêu thoát và được về với tổ tiên. Người chưa làm lễ cấp sắc mà đã có vợ thì phải trải qua nghi lễ này, hai vợ chồng mới chính thức được tổ tiên công nhận.

Lễ vật cúng tế trong lễ cấp sắc là lợn, gà, cơm, rượu cùng nhiều vật phẩm khác. Nếu người được cấp sắc đã có vợ thì vào những hôm ấy, người vợ phải ở trong phòng, không được ra ngoài. Gia đình có người làm lễ cấp sắc không được đụng chạm vào việc bếp núc, không được giết lợn, mổ gà… mọi công việc bếp núc thường được cộng đồng làng xóm đảm nhiệm, dưới sự chỉ đạo của các thầy cúng.

Trang phục của thầy cúng người Dao rất riêng biệt, với nhiều kiểu mũ khác nhau tùy vào việc hành lễ. Hầu hết lễ cấp sắc của người Dao được tổ chức vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán tại nhà Tổ của dòng họ.

Các nghi thức chính trong lễ cấp sắc khá cầu kỳ và kéo dài tới ba ngày, ba đêm. Đầu tiên là lễ dâng hương có ý nghĩa báo cho ông bà tổ tiên, thần linh được biết gia đình có người làm lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc kết thúc vào lúc nửa đêm, từ đây mọi nghi lễ còn lại chủ yếu dành cho người được cấp sắc như lễ Thượng quang (lễ tế trời) nhằm cảm ơn và cầu mong trời phù hộ cho gia chủ và người được cấp sắc, đặt tên gặp mọi điều tốt lành. Lễ Thượng quang thường được làm ở ngoài trời vào lúc rạng sáng.

Kết thúc phần lễ, thầy cả giương tù và lên trời thổi liên tục những hồi dài. Tiếng tù và vang vọng khắp làng bản, núi rừng trong đêm thanh vắng, khiến buổi lễ càng trở nên thiêng liêng, huyền bí.

Lễ cấp sắc của đồng bào Dao là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cần được bảo tồn và phát huy trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài