ĐẶNG GIANG

Trao Bằng công nhận Di tích cấp thành phố Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh.

Sáng 29-10, đông đảo nhân dân xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội tham gia lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh.

Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh nằm ngoài cánh đồng của thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hiện nay, di tích còn một gò mộ cao hơn mặt ruộng. Mộ xây chung quanh bằng đá xanh, các phiến đá xanh lớn ghép liền thành hình chữ nhất. Bên trên lăng mộ đặt một sập đá lớn được bào tròn, mài nhẵn. Bốn cạnh chung quanh sập đá trạm nổi hoa văn với các đề tài rồng chầu, hổ phù, cánh sen, lá cúc…, nét trạm khắc tinh tế, sống động của nghệ thuật trang trí thời Hậu Lê. Lăng mộ còn lưu giữ được một bia đá có niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679) ghi nhận việc dân làng Trùng Quán tôn Quận công Nguyễn Đăng Doanh làm Thành hoàng.

Người dân xã Yên Thường tham gia lễ rước Di tích cấp thành phố Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh.

Quận công Nguyễn Đăng Doanh, có tên là Nguyễn Hội, người xã Xùng Quán, huyện Đông Ngàn. Ông là thái giám được vua quý mến, có nhiều công trạng với triều đình cho nên được phong nhiều chức tước và cho hưởng hậu đãi. Nguyễn Đăng Doanh từng giữ những tước quan trọng yếu trong triều đình như: Tư lễ giám, Tổng thái giám nam quận Đô đốc phủ; Đô đốc thiên sự Đông quận công dưới thời Hậu Lê.

Để ghi nhớ công ơn của Quận công Nguyễn Đăng Doanh, nhân dân bản xã đã dựng đặt Sinh từ – ngôi đền thờ ông ngay khi ông còn sống có tên là Diễn Phúc vào năm Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ tư. Ngày 13-6-1678, 128 người có chức nhiệm ở Trùng Quán đã đồng lòng nhất trí khắc vào bia đá suy tôn Quận công Nguyễn Đăng Doanh (lúc này vẫn còn sống) làm Đại vương, kính thờ làm Thành hoàng làng để “hằng năm vào ngày cầu phúc, sinh nhật, tứ thời bái tiết, kính nhờ như thờ thần”. Khi ông mất, được vua ban hồi hương, dân làng đã chuẩn bị xây lăng mộ để ông yên nghỉ.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài