Việc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) hoàn tất cổ phần hóa và được giao về cho chủ đầu tư mới là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) đang khiến nhiều nghệ sĩ hoang mang cho tương lai của hãng phim có bề dày lịch sử 63 năm này.
Không có thương hiệu vì nợ quá nhiều
VFS đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 14.4 vừa qua với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phiếu. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ VFS đạt 50 tỷ đồng, tương ứng 5 triệu cổ phần theo mệnh giá. Trong đó, nhà nước nắm giữ 20% cổ phần; cán bộ, công nhân viên nắm giữ 4,5% cổ phần; đấu giá công khai 10,5% và 65% cổ phần còn lại thuộc về nhà đầu tư chiến lược là Vivaso với số tiền đầu tư là 33,15 tỷ đồng.
Hãng phim truyện Việt Nam- ngôi nhà chung của các nghệ sĩ nhiều thế hệ. Ảnh: T.V
Tuy nhiên, dư luận quan tâm là tại sao VFS lại được định giá ở mức rẻ bèo như vậy. Nói có sách, mách có chứng, khu đất ở số 4 Thụy Khuê, với gần 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội được xem là mảnh đất vàng có giá trị theo giá thị trường có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo giải thích của đại diện Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL), trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, VFS không được tính giá trị quyền sử dụng đất là tài sản của mình theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính và UBND TP.Hà Nội vẫn chưa thống nhất với phương án sử dụng nhà, đất của công ty sau cổ phần hóa do công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và khu đất trên nằm trong quy hoạch khu chính trị Ba Đình.
Nghệ sĩ mừng ít…
Nghệ sĩ Hoàng Thắng, người nổi tiếng với vai “Cậu trời” trong phim “Đêm hội Long Trì” cho biết: “Tôi là diễn viên điện ảnh lâu năm, trước kia đi đâu mọi người biết hay hỏi thăm, nhưng gần đây tôi cũng rất xấu hổ, không dám xưng mình là diễn viên vì phim chiếu ra ít người xem. Thế nên, tôi nghĩ cần phải thay đổi lại cơ chế và cách thức làm việc của hãng. Cổ phần hóa sẽ giúp chúng ta có định hướng mới và hợp với xu hướng thời đại. Tuy nhiên, giá cổ phần như thế là quá thấp. Cứ cho là gấp 10 lần như thế thì vẫn có nhiều doanh nghiệp có thể mua được”.
Là một trong những người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất việc cổ phần hóa VFS, NSƯT Vũ Huy bày tỏ: “Theo tôi, Nhà nước nên có ngân sách để đầu tư cho điện ảnh phát triển nghiêm túc hơn, giống như một nền khoa học cơ bản mà đất nước nào cũng phải có. Thậm chí, nếu cần ta thuê hẳn người nước ngoài làm quản lý và phải tìm ra người quản lý giỏi. Còn hiện tại, việc cổ phần hóa VFS hiện nay, theo tôi chỉ là một giao dịch bán đất đi lấy tiền. Cổ phần hóa VFS như thế là một việc làm đáng buồn”.
Trái lại, đạo diễn Nguyễn Quang tỏ ra tin tưởng việc cổ phần hóa VFS sẽ đưa đến một giai đoạn phát triển mới. Ông Quang cho biết: “VFS không thể tồn tại như cũ. Bây giờ, chúng ta cổ phần hóa là quá muộn. Đáng lẽ ra, phải cổ phần hóa cách đây 20 năm vì xã hội hóa điện ảnh là cần thiết. Việc cổ phần hóa sẽ giúp điện ảnh có thêm cơ sở vật chất, còn người nghệ sĩ có tâm phải tham gia cùng các nhà đầu tư, giúp đỡ họ, hướng dẫn họ cùng cộng tác. Nếu họ không hiểu về nghệ thuật thì ta phải hỗ trợ họ về nghệ thuật để cùng có những tác phẩm tốt hơn, hay hơn chứ không để nằm đắp chiếu như trước đây. Nhà nước không thể cứ là bầu sữa mãi. Như vậy, tôi cho rằng cổ phần hóa sẽ thuận lợi hơn cho nghệ sĩ”.
VFS làm ăn thua lỗ bao năm nay. Hãng trả lương mỗi tháng 650.000 đồng/người và số người làm việc chính thức khoảng 10 người. Có người kêu ca tại sao đối tác lại là Vivaso, nhưng theo tôi, vấn đề là ai có tiền thì người đấy mua. Vivaso có thể làm nhiều việc khác vì đây là vấn đề đầu tư, như một tỷ phú đầu tư vào bóng đá thì không nhất thiết am hiểu về bóng đá”.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn
Theo Thiên Việt, Lê Tâm – Dân Việt