Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, một nền giáo dục tối ưu trước hết cần tập trung đào tạo kĩ năng “làm người”. Mọi tri thức từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội đều phải nhằm đến đích đó, nếu không thì sản phẩm giáo dục chỉ cho ra những con robot-người mà thôi. Làm người phải có đạo lí, gọi chung là “Đạo Người”. Đạo ấy ra đời từ xa xưa, được gìn giữ, bổ sung và phát triển. Đạo ấy đòi hỏi mỗi con người, cộng đồng, nhất là trong bối cảnh ngày nay, cần hướng đến ba mục tiêu chính: cá nhân, dân tộc và quốc tế. Từ bỏ các mục tiêu này, nhân cách đạo đức sẽ lệch lạc, khó có thể phù hợp và hội nhập với cộng đồng dân tộc và nhân loại.
Trước hết, mọi người đều là con người cá nhân. Thành ngữ xưa “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” phần nào khẳng định sự khác biệt độc lập nhất định của con người. Nếu bỏ qua con người cá nhân mà hướng ngay đến con người cộng đồng hay nhân loại thì đó là một thảm họa và ngược lại. Xã hội được hình thành từ những số phận riêng lẻ. Đáng chú ý, mỗi số phận là một số phận, không hề có sự trùng khít hay lặp lại. Nếu để mặc cá thể phát triển một cách tự do thì nguy cơ tạo nên hỗn loạn cộng đồng là tất yếu. Hướng cái cá thể đó đến với những chuẩn mực cộng đồng nhất định là nhiệm vụ cốt tử của bất kì thể chế nào. Ngược lại, khi xây dựng những chuẩn mực cộng đồng hay nhân loại thì cũng cần đáp ứng được những nhu cầu phổ quát của cá nhân. Mối quan hệ đa chiều này luôn biện chứng, không thể tách rời. Trong đó, yếu tố cá nhân vẫn là quan trọng nhất. Phát triển năng lực nội tại của một con người là điều kiện tiên quyết để phát triển cộng đồng.
Dễ nhận thấy, quá trình sống của loài người là dịch chuyển từ không gian hẹp đến không gian rộng. Từ đất liền ra biển, từ mặt đất lên bầu trời, từ trái đất đến các thiên hà xa xôi, nhân loại ngày một trưởng thành và mở rộng vùng tương tác. Do sự vận động này mà ngày nay tiêu chí đạo đức cần được nhìn nhận khác đi.
Thời nguyên thủy hay ở chế độ chiếm hữu nô lệ, thậm chí là lúc nhà nước phong kiến hình thành, diện tiếp xúc của con người rất hạn hẹp. Thử hình dung, một ngày đi bộ, con người tiến được bao xa? Ngay cả đi ngựa, thì chiều dài khoảng đường cá nhân thời đó đi được cũng sẽ chẳng là bao so với năng lực vận chuyển siêu tốc thời vi tính này. Đức hạnh của con người có lẽ cũng được định hình trong phạm vi của năng lực di chuyển đó. Có thể nói, Đạo Người thời đó khá đơn giản, chung quy lại vẫn có mấy quan hệ: gia đình, làng xóm, và rộng nhất là quốc gia. Tuy nhiên, cốt lõi là những giá trị đạo đức được thiết lập ngay từ thời đó, có nhiều giá trị căn bản mà về sau, nhân loại chỉ có mở rộng thêm bớt chứ không thể thay thế hoàn toàn. Chẳng hạn như đạo lí tình yêu thương. Tình yêu thương ban đầu ắt hẳn xuất phát một cách bản năng là yêu thương đồng loại trong cuộc tranh đấu sinh tồn với các loài vật và thiên nhiên hung dữ, nhưng về sau đã trở thành nét văn hóa: con người cần thương yêu đồng loại như yêu thương chính bản thân mình.
Trở về thời cổ đại, Đạo Người ở những nét căn bản nhất đã được Khổng Tử khái quát hơn hai ngàn năm trước. Đương nhiên những cái đó Khổng Tử kế thừa ít nhiều từ truyền thống chứ tự thân ông dù tài ba đến mấy cũng chẳng thể sáng tạo hoàn toàn. Những khái niệm cốt lõi như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì thời nào cũng cần, lứa tuổi nào cũng cần. Những quan niệm này, ngay từ thời cổ đại người phương Tây vẫn tuân thủ, cho dù khoảng cách giữa phương Đông và phương Tây lúc đó là không thể nối liền. Cảnh Achilles khóc bạn trong Iliad hay Penelope thủy chung đợi chồng trong Odyssey của Homer tồn tại trước Khổng Tử hơn năm trăm năm đã cho thấy những mẫu số chung trong đạo lí làm người của nhân loại. Khi đạo của Khổng Tử, hay của bất kì một hiền nhân nào khác được chuyển dịch vào Việt Nam, thì chúng phải thích ứng với tâm tư tình cảm người Việt và rất có thể những nét văn hóa đó đã có trước từ người Việt song chưa được khái quát thành các phạm trù triết học cụ thể. Ngoài những nét đức hạnh trong mối quan hệ cộng đồng đó, thì người Việt rất đề cao lao động, xem lao động là cội nguồn của tri thức và đạo đức. Thần thoại Thần trụ trời kể về vị thần tuy có vóc dáng khổng lồ và sức lực siêu phàm vẫn cứ phải cặm cụi đào đất đắp trụ chống trời để tạo ra khoảng trống cho con người tồn tại. Mưu sinh chân chính là nét văn hóa đẹp về ý thức lao động ngời sáng mà bất cứ ai muốn làm người đúng nghĩa cũng phải noi theo.
Vậy nên, làm người mà để thiếu mất đi các đức tính “yêu lao động”, “ghét giả dối” hay Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… thì kể như chưa thành người. Nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa đó chính là bảo tồn văn minh nhân loại. Nhưng nội hàm của các phạm trù đạo đức thì chẳng thể nào đứng yên khi thời đại luôn trong thế vận động, phát triển.
Văn minh nhân loại càng ngày càng có những bước tiến xa hơn về phương diện khoa học tự nhiên, nhưng nhìn chung, với khoa học xã hội thì những tiến bộ hầu như không phải lúc nào cũng sánh kịp. Trên hành trình sống, đôi khi con người bị lỗi nhịp giữa hai lĩnh vực khoa học này. Vậy nên, một xã hội tốt là xã hội cân bằng được những chuẩn mực về đạo đức và tri thức khoa học. “Làm người” không cứ phải là giỏi đến siêu phàm một lĩnh vực khoa học nào đó, mà cần thiết không kém là biết sống, biết ứng xử như một con người.
Thời đại mới cần những chuẩn mực mới. Đương nhiên, những cái mới đó hoàn toàn không phải tự trên trời rơi xuống mà đều luôn mang tính kế thừa. Cái nhân loại làm ra được hôm nay cũng chỉ là làm mới (từ cái cũ) hoặc làm khác (từ cái đã quen thuộc). Không bao giờ có thể có một cái mới tuyệt đối được đề ra trong thực tại. Luật nhân quả bao giờ cũng đúng trong mọi sự tồn tại, phát triển. Dẫu ý thức hay vô thức thì tính nhân quả vẫn luôn hiện diện trong mọi hành vi, suy nghĩ của con người.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta đề cao những chuẩn mực quá khứ đến mức quên đi thực tại. “Thực tại” có thể định nghĩa là “quá khứ” (hay truyền thống) cộng với những “cái khác” của hôm nay. Phép cộng này không đơn thuần về mặt toán học mà phải là sự thẩm thấu lẫn nhau giữa mới và cũ, giữa quen và lạ để tạo thành một chỉnh thể. Những đạo đức tồn tại dưới dạng chỉnh thể đó sẽ là điểm tựa tích cực để nhân loại tiến lên.
Trong mối quan hệ với cái cũ, nếu chỉ dừng ở chỗ là những ghép dán Đạo Người khiên cưỡng thì tất sẽ tạo ra thảm họa. Con người của những đổi thay nhanh chóng hiện nay đòi hỏi phải có những chuẩn mực đạo đức tương ứng. Xét ở khía cạnh tồn tại xã hội, mỗi thời có những nét đạo đức riêng. Sẽ có những cái mới thay thế cái cũ. Nhưng cho dù có thay thế đến đâu chăng nữa thì vẫn cứ phải tuân thủ một “sợi chỉ đạo lí” xuyên suốt để giữ cho thế giới loài người vẫn còn là người. Điều này là nguyên tắc tồn vong của bất kì dân tộc nào. Không có những chuẩn mực đạo lí thì sẽ chẳng thể nào duy trì được sự cân bằng giữa các mảng tri thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mà con người đạt được trong quá trình chinh phục cuộc sống.
Vậy Đạo Người được đúc kết ở đâu? Có thể có nhiều hình thức, nhưng các cổ mẫu văn hóa là nơi lưu tồn nhiều nhất những giá trị đạo lí được quy tụ qua thời gian. Vậy cổ mẫu văn hóa là gì? Tạm hiểu cổ mẫu văn hóa là các khuôn hình chuẩn mực (về nhân văn và tri thức khoa học) thể hiện đậm nét văn hóa dân tộc và nhân loại trên cơ sở khẳng định cái tối ưu việt của cả cá nhân lẫn cộng đồng.
Theo định nghĩa trên thì xuyên suốt lịch sử dân tộc chúng ta có rất nhiều cổ mẫu văn hóa. Những cổ mẫu này giúp lưu giữ các nét tinh túy của dân tộc, đồng thời định hướng sự tồn tại phát triển tích cực cho người Việt. Có thể bắt đầu từ “Tứ bất tử”: Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Ngày nay, người Việt thờ cả bốn vị thánh này, ngoài yếu tố tâm linh còn có lòng hàm ơn và tri nhận những giá trị văn hóa truyền thống mà dân tộc đã gửi gắm vào đó. Nếu Tản Viên Sơn Thánh là người anh hùng chinh phục tự nhiên, thắng “giặc nước”, Thánh Gióng chống ngoại xâm, Chử Đồng Tử được xem là “Thánh Tình yêu” – cội nguồn của hòa hợp và sinh sản, thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh độ trì dân Việt cả ở phương diện chống ngoại xâm và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Dẫu sao thì các vị thánh trên thiên hẳn sang truyền thuyết và xa hơn là thần thoại. Họ hiện diện trong nền văn hóa phi chữ viết. Họ tồn tại trong những mô hình truyện kể. Họ là những kí hiệu thánh thần. Sự thờ cúng tồn tại song song với các câu chuyện về họ. Do vậy, cổ mẫu văn hóa thường xuất phát và được lưu giữ từ các truyện kể dân gian. Vai trò của truyện kể, rộng hơn là văn hóa dân gian, là rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách Việt. Tính nguyên hợp của mảng văn hóa này dễ hấp thu trong nó những yếu tố hoang đường, thuần túy của trí tưởng tượng hay cả những sự việc, con người có thật. Dấu ấn của thực và ảo bị xóa nhòa mà mục đích của nghệ nhân dân gian là biến một anh hùng dân tộc thành thánh thần và đưa một thánh thần thành anh hùng dân tộc với cái đích không gì khác là phụng sự cộng đồng. Không có ranh giới rõ ràng giữa anh hùng và thánh nhân. Lạc Long Quân hay Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi… là những anh hùng-thánh nhân trong cái nhìn cổ mẫu.
Ngoài ra, cổ mẫu văn hóa còn là các hình tượng tích cực trong truyện kể. Đó là Thạch Sanh (Thạch Sanh), Tấm (Tấm Cám), Người Em (Cây khế)… Thế hệ này không có được cái siêu phàm của những bậc sáng thế, họ không thuộc đội ngũ thánh linh, họ không thiêng, họ rất đời thường, nhưng họ cũng chuyển tải những cội nguồn đạo lí thiết thực cho mọi thế hệ người Việt lớp sau. Những câu chuyện về họ đâu còn là của riêng họ mà là của chung cho cộng đồng Việt, mở rộng hơn nữa là cả thế giới, bởi nhân loại ai mà không đề cao lao động, đề cao tự do, dân chủ, đề cao sự xả thân cho cộng đồng… Đạo Người luôn ở đó, có trước bao thế hệ người để giữ vai trò là cuốn sách giáo khoa đầu tiên của nhân loại.
“Làm người” hoàn toàn không hề đơn giản, bởi để thấu hiểu mọi đạo lí cha ông ngàn đời đúc kết thì rất nhiều khi phải mất cả đời người may ra mới hiểu được đôi phần. Vậy, hành trình sống là hành trình “ngộ lẽ đời”. Chuyện này thì chẳng hề đơn giản chút nào. Có nhiều người đến chết đâu có “ngộ” được gì. Những kẻ đó đa phần là chìm đắm vào thú vui vật chất, mải mê tận hưởng mọi lạc thú ở đời mà quên mất rằng có nhiều giá trị tinh thần, tuy chẳng thể nào thỏa mãn được “cái dạ dày” nhưng lại cao quý gấp bội phần chuyện lắm tiền, nhiều của. Mọi sự giàu có cá nhân mà không hướng đến cộng đồng thảy đều vô nghĩa. Và mọi lạc thú ở đời mà không hướng đến sự cân bằng vật chất-tinh thần thì đều lố bịch, đáng thương. Ai đó có đến ngàn tỉ đồng thì liệu có tiêu hết trong đời hay có thể mang theo xuống mồ? Cũng vậy, ai đó có thể hít thở khí trời mà sống và rao giảng đức hạnh khi mình là bộ xương di động không hơn kém? Đa phần con người ta chẳng thể nào sống đời nhà sư khất thực để giữ gìn đức sáng và cũng chẳng thể nào sống đời nhà buôn để mải mốt đếm tiền thâu đêm suốt sáng, để mặc tâm hồn quằn quại với cô đơn…
Đi hết chặng đường cá nhân là nối tiếp cộng đồng. Mọi phấn đấu của cá nhân suy cho cùng cũng chỉ để hướng đến cộng đồng. Ý thức về dân tộc, về huyết thống luôn mãnh liệt trong bất cứ tâm can nào. Làm người chẳng ai có thể quên được tổ tiên, gốc gác, nguồn cội. “Về nguồn” là khẩu hiệu hành động, là vô thức tâm linh ngày đêm réo gào trong tâm khảm bất kì một cá thể nào. Cô Tấm (Tấm Cám) có là hoàng hậu cũng về hái cau giỗ cha. Cả dân tộc hằng năm (ngày 10 tháng 3 âm lịch) hướng về giỗ tổ Vua Hùng như biểu tượng của đoàn kết…
Ý nghĩa sống không chỉ ở chỗ cá nhân đó đạt được ngưỡng thành công nào mà còn ở chỗ sự thành công đó có giúp ích gì cho cộng đồng, dân tộc. Cổ mẫu văn hóa của ta luôn lưu giữ những triết lí nhân sinh bền vững này. Một bài ca dao nói đến chuyện “công cha, nghĩa mẹ” thì không chỉ là lời giáo huấn về lòng biết ơn người sinh thành mà còn gắn cá nhân đó với trách nhiệm huyết thống, cộng đồng. Chuyện “Nghĩa, Nhân” mà Khổng Tử quy thành phạm trù triết học phải được thực hành cả ngàn đời trong triết lí dân gian trước khi mang dấu ấn của ông.
Tổ tiên người Việt ta từ rừng núi xuống đồng bằng, từ Bắc vào Nam, từ đất liền ra biển, vươn đến Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi… đã cho thấy sự nối dài, tiếp sức của các thế hệ ra thế giới. Càng đi xa khỏi lũy tre làng, người Việt càng mở mang bờ cõi, càng trải rộng mình ra với nhiều chủng tộc, đất nước, bằng hữu. Trên hành trình với đến tầm nhân loại đó, người Việt hiện đại không có ai có thể sánh được lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người là hiện thân văn hóa, đồng thời là cổ mẫu bất diệt cho ý thức nhân loại mang hồn Việt. Ta học được gì ở Người? Những khái niệm ý chí, xả thân, đạo đức cách mạng, tinh thần quốc tế… dường như chưa bao giờ là đủ với Người, mà phải thêm vào đó là cả ý thức dân tộc ngàn đời, những nét văn hóa chói ngời của nhân phẩm cá nhân và cộng đồng được hòa quyện vào vẻ đẹp tinh khôi của một tâm hồn độ lượng. Cái trác tuyệt ở Người là sự nối liền con người cá nhân với cộng đồng và nhân loại. Không có điểm dừng trên con đường hiến dâng tất cả cho/vì con người của Người.
Trong sự phát triển khoa học kĩ thuật hiện nay, thế giới đâu còn là những vùng miền cách biệt mà dường như tất thảy chỉ là một “cái ao làng”, cái ao làng cỡ lớn. Mỗi biến động của một quốc gia hay ngay đến cả của một thân phận cũng đều tác động đến mọi người. Nhân loại với sáu, hay bảy tỉ người, thậm chí có thể nhiều hơn thế và có thể di dân lên cung trăng, sao Hỏa… thì cũng đều luôn gắn với nhau trong cùng thảm họa hay hạnh phúc. Nghệ thuật tiểu họa Thổ Nhĩ Kì được Orhan Pamuk dày công tái hiện trong Tên tôi là Đỏ đâu phải là khó hiểu đối với người đọc Việt hay phương Tây. Nỗi đau phát xít trong Người đọc của Bernhard Schlink đâu là nỗi đau riêng của người Đức mà còn là của chung nhân loại khi để cái con quỷ độc tài mặc sức hoành hành… Chúng ta tôn trọng nét riêng của mỗi cá thể, mỗi vùng miền, sắc tộc, nhưng những nét riêng đó ngày nay đâu còn là “của riêng” đúng nghĩa mà có xu hướng điều tiết để hòa nhập thành cộng đồng lớn hơn, lớn hơn nữa. Rồi sẽ có ngày câu chuyện về chàng Thạch Sanh sẽ được mang lên sao Hỏa, cô Tấm sẽ bầu bạn với ông lão Santiago (Ông già và biển cả) của Hemingway ở mọi góc bể chân trời…
Cổ mẫu văn hóa là nơi lưu giữ và khai phóng tri thức và đạo lí người. Cổ mẫu cấp cho ta những chuẩn mực để hành động, đồng thời để đánh giá hành vi của chính mình và người khác. Trên chặng đường tiếp sức của nhiều thế hệ, những cổ mẫu mới sẽ được hình thành. Qua cổ mẫu, ta thấy ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng là quan trọng, nhưng nếu lãng quên ta là một phần của nhân loại thì thảm họa và bất hạnh sẽ luôn rình rập ta như những kẻ cướp đói tiền.
Lê Huy Bắc – Văn nghệ quân đội