Nguyễn Tú

Sáo tơm là nhạc cụ phổ biến của cộng đồng người Khơ Mú. Nhạc cụ này có thể độc tấu, hòa tấu và thường xuyên nhất là đệm cho các làn điệu hát tơm và còn gắn với một chuyện tình đẹp.

Cũng như nhiều bản làng người Khơ Mú khác ở  miền núi Nghệ An, cư dân ở Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng rất coi trọng đời sống tinh thần, trong đó có các làn điệu dân ca Tơm và Re ré. Trong khi Re ré chỉ được hát tại các tang lễ thì hát Tơm lại là món ăn tinh thần phổ biến được truyền khẩu qua nhiều thế hệ.

Sáo tơm có kết cấu đơn giản gồm 2 hoặc 3 khúc nứa nhỏ nối lại với nhau. Trên thân sáo có từ 2 đến 4 lỗ, tùy mục đích dùng mà chế tác (Ảnh: Thúy Quỳnh).

Hát Tơm là một thể loại dân ca gồm nhiều làn điệu như hát đón khách, hát xin dâu, trai gái giao duyên, hát ghẹo nhau giữa nam và nữ hay giữa những người bạn trong tiệc rượu, hát mừng lúa mới, nhà mới hay chào đón năm mới…

Cũng như các làn điệu của dân ca Thái, một bài Tơm của người Khơ Mú ở Nghệ An thường bắt đầu bằng câu “ơ hời”. Độ dài của câu này thường từ 3 đến 5 nốt nhạc tùy người hát. Câu mở đầu này gần như lời dạo đầu trong các điệu hò của người Nghệ – Tĩnh, Huế hay vùng Nam Bộ. Sau lời dạo đầu này mới đến phần nội dung chính của bài hát. Lời ca của các làn điệu Tơm thường mộc mạc, ít xa xôi, hình tượng. Lời ca khỏe khoắn và gần gũi với không gian sống hoang sơ chốn rừng núi.

Nhưng có một thứ không thể thiếu khi hát Tơm là tiếng sáo. Người Khơ Mú và Thái ở Nghệ An gọi nhạc cụ này là “pí tơm” (sáo tơm). Sáo tơm có kết cấu đơn giản gồm 2 hoặc 3 khúc nứa nhỏ nối lại với nhau.

Trên thân sáo có từ 2 đến 4 lỗ, tùy mục đích dùng mà chế tác. Chính vì thế mà độ dài ngắn của các cây sáo cũng sẽ khác nhau. Một bộ phận quan trọng của sáo tơm là lưỡi gà ở đầu sáo. Lưỡi gà này chủ yếu làm bằng nứa. Để tiếng sáo được trong và vang hơn, người ta cũng có thể dùng lưỡi gà bằng đồng hoặc sắt. Sau khi cây sáo hỏng, người ta có thể cất riêng lưỡi gà ra để dùng cho những lần sau.

Để tiếng sáo được trong, vang xa và giữ được lâu thì đòi hỏi thêm một số yếu tố đó là cây nứa phải nhỏ và già, có độ mỏng.

Theo một số người nghiên cứu âm nhạc dân tộc thiểu số thì sáo tơm chỉ có 2 nốt chính là la và rê. Khi chơi, người nhạc công chủ yếu dùng hai nốt này và những biến tấu quanh chúng để tạo các âm vực khác nhau. Chính vì thể, cây sáo tơm có thể dùng độc tấu, hòa tấu và thường xuyên để đệm cho các điệu hát.

Ông Moong Văn Cường, một người chơi sáo tơm giỏi ở bản Na Bẻ chia sẻ, để tạo ra một nhạc cụ chỉ cần một vài đoạn nứa, một con dao nhọn. Tuy nhiên, để tiếng sáo được trong, vang xa và giữ được lâu thì đòi hỏi thêm một số yếu tố đó là cây nứa phải nhỏ và già, có độ mỏng. Nếu thân nứa lớn sẽ khó thổi, tốn hơi sức và tiếng không trong. Nứa dày quá tiếng sáo sẽ nhỏ và không vang xa. Những ống sáo làm từ cây nứa già khi khô sẽ không méo mó và tiếng sáo luôn trong trẻo…

Có một câu chuyện dân gian liên quan đến cây sáo tơm của người Khơ Mú mà hầu như người chơi sáo nào cũng biết đó là chuyện tiếng sáo của Cụt Phò Ri. Vợ chồng Gưn Cung (trưởng bản) đã nhiều tuổi nhưng vẫn hiếm muộn. Lần nọ, vợ Gưn Cung đi vào rừng bỗng nhiên có một con nai nói vẳng vào tai: “Mẹ ơi! cho con về nhà với”.

Sau đó không lâu bà vợ mang bầu và sinh hạ một bé gái. Họ đặt tên là nàng Nai. Nàng Nai càng lớn càng xinh đẹp. Nhiều trai bản đến xin Gưn Cung cho ở rể để cưới nàng về làm vợ. Thế mà nàng chẳng đồng ý lấy ai. Chẳng ai biết Nai đã phải lòng chàng trai nghèo tên là Cụt Phò Ri.

Ri mồ côi, nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc nhưng là người hiền lương khó ai sánh kịp. Ngày lên rừng, tối đến Cụt Phò Ri lại đem cây sáo tơm ra thổi. Tiếng sáo tơm khiến tâm can nàng Nai rung động. Một đêm, nàng lần theo tiếng sáo tìm đến gặp Cụt Phò Ri và hai người trở thành bạn tình.

Làn điệu tơm là “món ăn” tinh thần phổ biến được truyền khẩu qua nhiều thế hệ.

Gưn Cung biết con gái yêu chàng trai nghèo nên gọi Cụt Phò Ri đến đánh mắng và đuổi ra khỏi bản. Nàng Nai bị ép phải hứa hôn với con trai một tù trưởng khác. Dù bị đuổi đi, nhưng tiếng sáo của Cụt Phò Ri vẫn luôn vang lên, trong trẻo đầy lạc quan. Một đêm, nàng Nai lại lần theo tiếng sáo và tìm thấy Cụt Phò Ri người chỉ quấn vỏ cây đang thổi sáo trong một hốc cây lớn, nàng liền xé vạt áo dài của mình cho chàng làm khố và hai người thành vợ chồng.

Gưn Cung ra điều kiện nếu muốn lấy con gái ông và ở lại bản thì trong ba ngày phải kiếm về 30 sọt măng đắng, 30 hũ mật ong và săn được 30 con lợn rừng. Nhờ tài thổi sáo, Cụt Phò Ri được các con thú trong rừng như: Nhím, gấu, hổ… giúp đỡ đã đem về đủ lễ vật. Sau này, Gưn Cung còn nhường ngôi vị cho anh lên thay mình khi về già.

Từ đó, người Khơ Mú càng thêm yêu tiếng sáo. Mỗi khi có đám cưới, làng bản lại ngân vang tiếng nhạc và những điệu tơm. Tuy nhiên, ngày nay, không còn nhiều người trẻ của cộng đồng Khơ Mú còn yêu thích sáo cũng như hát tơm. Cũng như nhiều loại hình dân ca khác, hát Tơm và sáo tơm đang đứng trước nguy cơ mai một, mặc dù chính quyền địa phương ở các địa bàn có người Khơ Mú cư trú đã ra sức bảo tồn loại hình dân ca độc đáo này.

Theo báo Dân Trí