Nhạc sỹ Thanh Tùng những năm gần đây phát âm hết sức khó khăn và chủ yếu ngồi xe lăn với vô số bệnh tật bủa vây. Tuy vậy, bộ sưu tập quần áo, mũ rộng vành của ông lúc nào cũng thẳng thớm, tinh tươm. Mỗi sáng, trước khi lên xe riêng cùng người trợ lý để bát phố, ông đều kỹ lưỡng tự chọn bộ cho mình, rồi đội chiếc mũ tiệp màu với bộ cánh.
Ông nói khó khăn, nhưng những người thân xung quanh đều nhanh chóng hiểu dù chỉ bằng cái phẩy tay hay ánh mắt. Có những sáng, ông và tài xế lượn một vòng Hồ Tây để ngắm sương giăng hay tạt vào quán cà phê quen thuộc. Ông uống không nhiều cà phê, nhưng cũng chẳng kiêng khem thứ gì dù bị tiểu đường lâu năm và chịu di chứng sau tai biến. Có lần, trong bữa ăn, con trai và khách bàn về chất lượng một loại rượu, ông ra hiệu rót một chén để thử. Tợp một ngụm, ông nói “được”.
Tôi vẫn để ý đôi chân tong teo của ông thường xuyên đi những đôi giày đẹp. Có lần tháp tùng ông đi Hà Tĩnh chữa bệnh. Ông ngập tràn hy vọng nên quên hết mệt nhọc của hành trình vừa máy bay, lại ô tô giữa thời tiết không thuận lợi. Trời mưa to, con trai lo ngại, nhưng ông ra hiệu thích di chuyển, chứ không muốn nằm ở khách sạn. Lần chữa bệnh ấy và nhiều lần chữa bệnh khác mà các con ông nỗ lực hết sức nhưng ít cải thiện được sức khỏe. Thi thoảng lại nghe tin ông nhập viện.
Điều tuyệt vời nhất với ông là 3 con (hai trai, một gái) đang làm việc ổn định ở nước ngoài đều về Việt Nam sống quây quần quanh bố mình (nhà sát vách). Đó là những người tự lập từ nhỏ, giỏi giang, thành đạt. Gần như bữa tối nào, cả nhà cũng đông đủ. Bao nhiêu năm vắng mẹ nhưng trong câu chuyện của họ lúc nào cũng thổn thức, nhớ thương về một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi quán xuyến, thạo buôn bán và không ít lần tìm chồng đánh ghen. Sau này nhiều người chỉ biết nhạc sỹ Thanh Tùng giỏi kinh doanh, ít ai biết người đặt nền móng cho việc này chính là vợ ông. Các con ông biết rõ bố mình đào hoa thế nào, nhưng dưới mắt họ đó như một điểm đáng yêu.
Những năm cuối đời, ông và các con dọn về sống tại Nghi Tàm (Hồ Tây, Hà Nội). Nghi Tàm nơi lưu giữ một phần ký ức trai trẻ của ông. Con trai đầu ông kể, hồi mới tập kết ra Bắc, ông sống và học tập một quãng khá dài tại đây. Sau này thành danh, nhạc sỹ Thanh Tùng đã nhiều lần quay lại để gặp những người quen cũ. Nghe nói, ông còn tài trợ cho một trường học nơi này. Sáng tác cuối cùng của ông được cho là bài Chuyện cổ Nghi Tàm – một bài hát có ca từ không giống chất Thanh Tùng như thường thấy.
Giai điệu nghe rất “xẩm” Bắc bộ. Những “mũ rơm thời sơ tán”, “Xuân Đỉnh, Xuân La” với “mùi ổi găng”, mùi hoa hoàng lan giữa “nắng rát mặt” và “mưa bom trên đầu”. Những bỡ ngỡ của cậu trai trẻ miền Nam lần đầu tiên bước chân ra vùng đất lạ thể hiện qua ca từ ngồ ngộ: “Củ hành là nhà Trung Á, mái bằng là nhà Liên Xô”. Có lẽ trải qua những yêu đương và vô vàn trải nghiệm, ký ức thời mộc mạc trỗi dậy ở tuổi xế chiều. Dù vậy, trong xứ Nghi Tàm xa xưa ấy, vẫn có “tuổi hồng dành cho nhau”. Nghe kể lại, thời Nghi Tàm, cùng lứa tập kết ra Bắc với Thanh Tùng có nhiều bạn bè thân làm quan to cấp trung ương. Do đó,Chuyện cổ Nghi Tàm có khi như một lời nhắc tới bạn bè: “Đồ rằng anh quên hết nên tôi kể chuyện ngày xưa”.
Tôi cũng như bao người nghe nhạc và mến mộ ông. Mỗi lần giữa đêm khuya bên ly rượu nhỏ nghe Lời chim đỗ quyên không khỏi run rẩy rồi miên man, có chút gì như nuối tiếc xa xăm. Và, kể cũng lạ, tình yêu gì mà “như ban mai trên đầu ngọn cỏ” (nhiều bài hát ông đều thể hiện khả năng quan sát tinh tế. Vì đến “giọt sương trên mí mắt” cũng lọt vào tầm ngắm). Người đàn ông dù có qua nhiều chinh chiến, nhưng cũng chỉ có một khao khát nhỏ nhoi: Để mỗi sáng nghe lời chim đỗ quyên gọi nhau líu lo trong sân nhà bên.
Dù mê nhạc ông, nhưng tôi vẫn không tài nào hình dung có sự liên quan giữa một nhạc sỹ đào hoa, phóng khoáng với một ông già ngồi xe lăn thảnh thơi, trìu mến chơi với cháu nội, cháu ngoại trước sân nhà. Ông sống đủ đầy thế mấy ai bằng. Giai đoạn nào cũng nhiều ý nghĩa và đến cuối đời lại tận hưởng trọn vẹn đầm ấm bên con cháu. Nhiều khi ai đó cứ nuối tiếc nói về tuổi thọ, nhưng người ta đâu biết “một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người” (Ca dao em và tôi, nhạc sỹ An Thuyên).
Dù cho “gió đi ngược miền viễn xứ hay gió ngược miền hư vô” (Chuyện cổ Nghi Tàm), còn ông về yên nghỉ tại chính một nghĩa trang đẹp như tranh sơn thủy do chính các con trai mình làm chủ.
Tang lễ nhạc sỹ Thanh Tùng sẽ được tổ chức theo cách riêng, với không gian âm nhạc do nhạc sỹ Quốc Trung phụ trách. Hội Nhạc sỹ Việt Nam đồng tổ chức. Lễ viếng và truy điệu hồi 8 giờ đến 10 giờ 30 phút ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). An táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Theo Đình Thắng – Tiền Phong