PHÚC NGHỆ

Chưa giải quyết xong các linh vật lạ, đã lại xuất hiện những biến tướng mới…
Sau ba năm triển khai việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ít nhiều đã có những chuyển biến tích cực tại các khu di tích trên cả nước. Thế nhưng gần đây, trong công tác quản lý di sản văn hóa lại chớm lộ những bất cập mới cần sớm phải chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Những chuyển động tích cực

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 3.415 di tích đã được xếp hạng di tích Quốc gia và hàng nghìn di tích, di chỉ văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp thành phố. Bên cạnh công tác trùng tu, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa, các khu di tích này luôn đặt ra những đòi hỏi cần phải phát huy, khai thác những tính năng, giá trị trước nhu cầu ngày càng lớn của đời sống xã hội. PGS, TS Ðặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia khẳng định: “di tích ở nước ta không chỉ là một thiết chế văn hóa quan trọng mà là thiết chế sống đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, khai thác du lịch…”. Lẽ thế, nên đa phần các khu di tích luôn có những biến đổi, thích nghi trước những chuyển động của đời sống xã hội.

Trước hiện tượng nhiều khu di tích ở nước ta xuất hiện nhiều linh vật lạ, nhiều hiện vật, sản phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục của nước ta, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vừa qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức sơ kết ba năm thực hiện nội dung Công văn này. Ðiều đáng mừng là nhìn chung nhiều cơ quan, nhiều khu di tích đã tiến hành rà soát và thực hiện nghiêm túc việc sử dụng các biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tại nhiều địa phương, ở nhiều khu di tích, các linh vật lạ như sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, các đồ thờ, hiện vật ngoại lai… đã dần được di dời, gỡ bỏ…

“Hiện tượng lạ” cần sớm quan tâm

Giữa lúc công cuộc di dời các linh vật lạ ra khỏi các khu di tích đang có chuyển biến tốt thì gần đây lại có tình trạng xuất hiện những “bằng chứng nhận lạ” tại các khu di tích. Trong khi hầu hết các khu di tích đã được nhà nước xếp hạng, kiểm kê và gìn giữ, phát huy thì gần đây Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam lại trình làng bằng chứng nhận kiểu mới cho các khu di tích bằng các mỹ danh: “Bằng chứng nhận Việt Nam Linh thiêng Cổ tự, Không gian Văn hóa Du lịch tâm linh…”. Việc thêm một văn bằng chứng nhận cho các khu di tích không những làm ngộ nhận cho nhiều người về sự chồng chéo trong công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở nước ta, mà còn có thể gây tốn kém, lãng phí bởi những buổi lễ tiếp nhận các bằng chứng nhận mới lạ này của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam.

Dù là hiện tượng mới nhưng việc xuất hiện các bằng chứng nhận lạ này của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã đặt ra cho công tác quản lý di sản văn hóa ở các địa phương bài toán mới. Gần đây, Sở VHTT Hà Nội đã có Công văn số 4906/ SVHTT-QLDS ngày 28-12-2017 tăng cường công tác quản lý và phát huy giá trị di tích chùa Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Ðông. Theo đó, Sở VHTT Hà Nội yêu cầu UBND quận Hà Ðông khẩn trương đưa bằng chứng nhận do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam ra khỏi di tích trước ngày 5-1-2018. Thực tế, tại buổi kiểm tra ngày 19-12-2017 giữa Sở VHTT Hà Nội với sư trụ trì chùa Văn Phú cùng đại diện UBND quận Hà Ðông, UBND phường Phú La đã xác nhận sự việc sư trụ trì chùa Văn Phú đã nhận và đưa Bằng chứng nhận Việt Nam Linh thiêng Cổ tự và Không gian Văn hóa Du lịch tâm linh do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp ngày 16-2-2017 cho chùa Văn Phú về khu di tích.

Chùa Văn Phú là Di tích Lịch sử văn hóa đã được Bộ VHTTDL xếp hạng theo Quyết định số 28/VH/QÐ ngày 18-1-1998, theo phân cấp của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hà Ðông được giao quản lý trực tiếp việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. Căn cứ biên bản số 932/BVHTTDL – TTr ngày 10-3-2017 của Bộ VHTTDL về việc quản lý việc chứng nhận tôn vinh “nghệ nhân” công nhận “Việt Nam Linh thiêng Cổ tự”; “cây di sản”, Sở VHTT khẳng định: “Việc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức cấp bằng chứng nhận trên cho di tích là trái với thẩm quyền của tổ chức này”. Vì vậy, Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND quận Hà Ðông chỉ đạo các phòng, ban liên quan của quận và UBND phường Phú La không tổ chức hoạt động đón nhận bằng chứng nhận “Việt Nam Linh thiêng Cổ tự”, “Không gian Văn hóa Du lịch tâm linh” tại chùa Văn Phú. Ðồng thời, Sở VHTT yêu cầu UBND quận Hà Ðông và UBND phường Phú La khẩn trương đưa bằng chứng nhận “Việt Nam Linh thiêng Cổ tự”, “Không gian Văn hóa Du lịch tâm linh” ra khỏi di tích.

Sự việc tưởng như không lớn, nhưng nếu không kịp thời có biện pháp xử lý, thì sẽ dẫn đến tình trạng loạn danh hiệu, cũng như kéo theo nhiều hệ lụy khó lường về những giá trị đích thực của hệ thống di tích văn hóa, nhất là các di tích có yếu tố tâm linh ở nước ta.

Nguồn: Nhandan.com.vn/ Báo Nhân Dân cuối tuần

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài