Bình yên – tác phẩm đồ họa sắp đặt của tác giả Trần Thị Như Hải, giải Nhất Festival Mỹ thuật trẻ 2014

“Thời đại số đã thực sự làm thay đổi đời sống và cách thức hoạt động mỹ thuật. Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác nghệ thuật đương đại không thể phát triển nếu không có Internet. Tuy nhiên, hoạt động nghệ thuật đương đại trong thời đại @ vẫn chưa có gì chứng tỏ cho sự hình thành một thiên tài”, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chia sẻ tại cuộc Toạ đàm Nghệ thuật – Bản sắc văn hóa trong thời đại số, vừa diễn ra tại HN.

Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, một số nghệ sĩ muốn giữ chặt lấy một phong cách dân tộc từng có trong lịch sử, một số khác không quan trọng vấn đề bản sắc, hay dân tộc tính, mà muốn trở thành một nghệ sĩ của thế giới và làm ra nghệ thuật có tính toàn cầu nói chung, nhất là khi hòa vào “dòng chảy” nghệ thuật đương đại, sử dụng thành quả của khoa học công nghệ – kỹ thuật số.

Hiện nay, các nghệ sĩ trẻ tiếp cận, học và thực hành nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn, Video Art, Act, Digita Art…và bỏ qua khâu học vẽ cơ bản. Ngôn ngữ chung của các nghệ sĩ đương đại là tiếng Anh. Vì thế đã có một sự ngăn cách giữa các nghệ sĩ truyền thống và nghệ sĩ đương đại, người ta phải thừa nhận, đó là một lối hành xử và kết quả nghệ thuật khác (đương đại), trong đó vai trò của nghệ sĩ, tác phẩm thay đổi hẳn, tác phẩm không còn giới hạn bởi một bức tranh, một hình khối đặt trong bảo tàng.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, quá trình đưa nghệ thuật, hay đặt nghệ thuật vào thời đại số ở VN diễn ra có vẻ vô thức. Việc sử dụng máy ảnh tích cực, thay cho hàng giờ ký họa bút chì, bút sắt trước thiên nhiên. Những năm 1990 – 2000, giới mỹ thuật luôn cần đến một vài nhà nhiếp ảnh chụp cho mình, thì sau đó, mỗi người dần có máy ảnh tốt và tự chụp lấy. Hầu hết các bức tranh có xu hướng tả thực, hiện thực hiện nay đều có dấu ấn của con mắt máy ảnh, rất dễ nhận ra so với việc vẽ bằng mắt thường.

Theo một nhà nhiếp ảnh, nếu sử dụng hoàn toàn thông tin ảnh, thì con mắt họa sĩ không còn đi sâu vào tự nhiên nữa, tức là anh ta không thực sự hiểu và nắm bắt đối tượng, so với vẽ bằng mắt thuần túy. Phần mềm và máy tính hỗ trợ các nghệ sĩ sắp đặt, tính toán và tìm các phương án tốt nhất cho họ, trước khi hiện thực hóa trên thực tế, và còn có nhiều sắp đặt sẽ tự thay đổi với chương trình điều khiển bằng máy tính nhất định. Video Art sử dụng thành quả của phần mềm và số hóa nhiều hơn bao giờ hết.

Một tác phẩm trong triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt Biển báo của nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng

 

Hiện nay, các nghệ sĩ trẻ tiếp cận, học và thực hành nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn, Video Art, Act, Digita Art…và bỏ qua khâu học vẽ cơ bản. Ngôn ngữ chung của các nghệ sĩ đương đại là tiếng Anh. Vì thế đã có một sự ngăn cách giữa các nghệ sĩ truyền thống và nghệ sĩ đương đại, người ta phải thừa nhận, đó là một lối hành xử và kết quả nghệ thuật khác (đương đại), trong đó vai trò của nghệ sĩ, tác phẩm thay đổi hẳn, tác phẩm không còn giới hạn bởi một bức tranh, một hình khối đặt trong bảo tàng

Giờ đây, mỗi nghệ sĩ đều có thể có website hay facebook riêng giới thiệu về mình, công việc hằng ngày và đưa tác phẩm lên mạng hằng ngày. Vì thế, việc giao lưu và tìm hiểu nghệ thuật qua internet trở nên thường xuyên với các nghệ sĩ đương đại. Bản sắc văn hóa dễ bị đánh mất hoặc nhạt nhòa trong quá trình thường xuyên này. Nếu như ở thời của Bùi Xuân Phái, hay như thời của các họa sĩ thập kỷ 1990, tất cả đều nổi tiếng từ từ trong vài chục năm, dần dà được khán giả, công chúng nhìn nhận đánh giá. Nhiều người chỉ được biết đến sau khi chết. Thì bây giờ với internet, blog, facebook, cứ cập nhật hằng ngày thì chỉ trong vòng vài ngày, vài tháng là người ta có hàng ngàn người hâm mộ.

Cũng theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, cái ảo tưởng từ internet đem lại đã thấy trong sự phát triển của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, sự đầu tư vật chất phương tiện nghèo nàn cố bám theo các mô hình phương Tây dẫn đến những kết quả nghiệp dư, và nếu theo đuổi nghệ thuật đương đại liên tục cũng dễ đẩy nghệ sĩ vào nghèo đói, nợ nần.

Trong hai năm qua chưa bao giờ các nghệ sĩ Việt Nam tham gia các workshop Đông Nam Á và quốc tế nhiều như vậy, cũng như ngược lại các nghệ sĩ lưu trú đến Việt Nam nhiều như vậy. Sự kiện Nguyễn Tư Nghiêm có một tranh treo ở Bảo tàng Nghệ thuật Boston (Mỹ), An My Lê, Danh Võ có tác phẩm điêu khắc ở Bảo tàng MoMa (Mỹ)… cho thấy Việt Nam có những nghệ sĩ đang được đánh giá ở tầm quốc tế.

Có thể thấy, ở các nước phương Tây và Mỹ, nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn và Video Art ra đời trước Internet, nhưng ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác nghệ thuật đương đại không thể phát triển nếu không có Internet. Tuy nhiên, theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, hoạt động nghệ thuật này chưa có gì chứng tỏ, công nghệ giúp cho sự hình thành một thiên tài.

 

 

Theo Thanh Ngọc – Văn hóa online