Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)- Chi nhánh phía Nam, năm 2015 đã kí được 2.176 hợp đồng sử dụng âm nhạc ở tất cả các lĩnh vực với tổng số tiền thu được hơn 49 tỉ đồng, vượt 0,7% so với chỉ tiêu và tăng 12,7% so với năm 2014.
Con số này nghe có vẻ lớn và chắc chắn vượt xa kỳ vọng của những người lập ra VCPMC – Chi nhánh phía Nam 11 năm trước từ một con số không tròn trĩnh – trụ sở cơ quan là một căn phòng thuê tạm, không máy tính, 1-2 bộ bàn ghế, 2-3 nhân viên trẻ chưa có hiểu biết nhiều về quyền tác giả – sở hữu trí tuệ, thủ trưởng kiêm nhiệm không lương bổng mấy năm trời. Nhưng nếu tính trung bình mỗi nhạc sĩ chỉ nhận vỏn vẹn khoảng 20 triệu/năm, chưa bằng mức cát – sê hát một bài của một ca sĩ chân dài hạng trung của làng nhạc Việt.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
kiêm Giám đốc Chi nhánh phía Nam (ảnh brt.vn)
Tâm lý thích “xài chùa”, “lách luật”
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam cho hay, tâm lý thích “xài chùa”, lách luật của những người sử dụng tác phẩm âm nhạc cũng như tính xuề xòa, cả nể của nhiều tác giả đã góp phần khiến công tác thu phí tác quyền âm nhạc còn gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng năm, chỉ tính riêng Chi nhánh phía Nam đã phải gửi đi hàng chục nghìn văn bản để yêu cầu các đơn vị kinh doanh có sử dụng âm nhạc thực thi nghĩa vụ quyền tác giả cũng như xử lý các vấn đề vi phạm quyền tác giả. Các hành vi xâm phạm bản quyền tác giả âm nhạc hiện nay diễn ra hết sức công nhiên. Nhiều chương trình âm nhạc được đầu tư bài bản, công phu, giá vé bán có khi lên đến hàng triệu, trả thù lao cho ca sĩ hàng trăm triệu, có tài trợ lớn từ các đơn vị quảng cáo nhưng nhạc sĩ có tác phẩm sử dụng trong chương trình không được chi trả tác quyền hoặc nếu có cũng chỉ ở mức tượng trưng. Thậm chí nhiều đơn vị lấy cớ “làm nhiệm vụ chính trị” để “trốn” việc thực thi luật bản quyền. Chưa so sánh với chỉ tiêu kế hoạch cũng như dự kiến số tiền tác quyền đáng lẽ các tác giả được nhận thì tính riêng mức phí tác quyền lĩnh vực biểu diễn năm 2015 thu được giảm 35% so với năm 2014, mặc dù số chương trình biểu diễn năm 2015 nhiều hơn với nhiều chương trình có giá vé rất cao.
Hay như trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc như quán bar, phòng trà, quán café, phòng karaoke… những lĩnh vực mang lại nguồn thu cao nhất nhưng cũng là lĩnh vực có mức “thất thu” lớn nhất. Bởi rõ ràng, VCPMC không thể kiểm soát được quán café kia có bao nhiêu bàn, phòng karaoke nọ có bao nhiêu máy, sử dụng bao nhiêu giờ, có bao nhiêu phòng nhỏ…
Ngay cả các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đã ủy thác tác quyền cho VCPMC cũng vô tình tiếp tay cho vi phạm. Nhiều bầu show biết nếu làm việc với VCPMC sẽ phải trả phí cao nên họ đến gặp trực tiếp nhạc sĩ, trả tiền cho nhạc sĩ với mức phí thấp hơn rất nhiều. Nghệ sĩ thì thường xuề xòa, cả nể, thấy bầu xô nhiệt tình thì không có lí do gì để từ chối. Trong khi về nguyên tắc, khi tác giả đã ủy thác tác quyền cho VCPMC thì không được giao dịch tác quyền trực tiếp với bên khác nữa. Thế nên mới có những câu chuyện dở khóc dở cười khi VCPMC đi thu tác quyền, đơn vị tổ chức công khai chìa ra bản hợp đồng tác quyền đã được “chính chủ” kí. Lúc này thì VCPMC chỉ còn nước “bó tay”!
Trong các buổi biểu diễn ca nhạc, bản quyền luôn là vấn đề được quan tâm “hàng đầu” nhưng việc giải quyết luôn ở “hàng cuối”
Nỗ lực chống “thất thu”
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ, dù gặp vô vàn khó khăn, đã có lúc ông và đội ngũ nhân viên không khỏi nản lòng khi VCPMC làm việc vô cùng nỗ lực để đòi quyền lợi cho các tác giả nhưng thành quả thu về vẫn khiêm tốn. Rồi có lúc xót xa khi báo chí đưa tin ca sĩ ngôi sao đi hát đám cưới ở tỉnh nọ với cát – sê lên đến 400 – 500 triệu còn cha đẻ của ca khúc mà ca sĩ hát có khi đang vật lộn với tuổi già, bệnh tật, cô đơn trong một căn nhà chật chội, ọp ẹp. Nhưng nghĩ rằng, 11 năm qua, VCPMC không còn là nơi thu – trả phí tác quyền đơn thuần, mà trở thành “mái nhà” của các nhạc sĩ lão thành gạo cội, nơi họ có thể tìm thấy sự tri ân cũng như sự hỗ trợ khi cần thiết, thậm chí là tìm một chỗ dựa thân nhân duy nhất trong hoàn cảnh neo đơn, già yếu, bệnh tật hiểm nghèo. Rồi những khi đến trao số tiền tác quyền ít ỏi cho những nhạc sĩ già đang sống tằn tiện với đồng lương hưu còm cõi, vài triệu đồng mỗi tháng cũng giúp họ có chút khích lệ nho nhỏ để tiếp tục cống hiến và sáng tác, ông lại cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục cuộc chiến thu phí tác quyền.
Để chống “thất thu” phí tác quyền, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các tác giả, Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, VCPMC sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa bàn thành phố HCM và các tỉnh/thành phố khác đặc biệt một số địa bàn trọng điểm: Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang; Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để “đón đầu” thời đại số…
Đặc biệt, xây dựng và hoàn thiện bộ phận pháp chế, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và nhân sự là các luật sư giỏi trong lĩnh vự sở hữu trí tuệ. Việc làm này sẽ giúp Trung tâm tự bảo vệ mình và làm tốt hơn công tác thu phí tác quyền. Các luật sư sẽ giúp Trung tâm lập vi bằng vi phạm, đưa các đơn vị vi phạm bản quyền ra tòa giải quyết.
Ở nước ngoài, có những nhạc sĩ quốc tế tên tuổi, chỉ cần một bài hát nổi tiếng, họ có thể sống sung túc cả một đời nhờ tiền bản quyền. Vì thế, không có lý do gì mà những nhạc sĩ gạo cội Việt Nam có hàng chục tác phẩm nổi tiếng, hay gia tài âm nhạc cả nghìn bài hát, mà cái nghèo vẫn đeo bám đến lúc giã từ nhân thế. Muốn làm được điều này công tác bảo vệ quyền bản quyền tác giả phải được thực thi một cách nghiêm minh. Điều này cần sự chung sức của nhiều bộ, ngành, cơ quan, nhưng trên tất cả là ý thức của mỗi cá nhân, những người được hưởng thụ âm nhạc hãy là người “nghe nhạc có ý thức”, tập từ bỏ thói quen “xài chùa” trên Internet – hãy tôn trọng quyền tác giả như tôn trọng giá trị tinh thần mà những người nhạc sĩ đã mang lại cho cuộc sống này.
Theo Huỳnh Như – Báo điện tử Tổ quốc