48 tác phẩm, trong đó có nhiều tranh quý của những cây đại thụ của nền hội họa nước nhà như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Quang Phòng… hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho công chúng chiêm ngưỡng, trong triển lãm mang tên “Những năm tháng không quên”.
Đây là triển lãm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ Việt Nam (27-7-1947 – 27-7-2017).
Triển lãm gồm nhiều bức tranh được sáng tác trực tiếp trong thời kỳ chiến tranh, có những bức được vẽ ngay tại chiến trường, hoặc được ký họa và xây dựng thành tác phẩm sau đó, với nhiều tác giả tên tuổi như các bức “Hơ áo chiến sĩ” của Văn Giáo năm 1962, “Kết nạp Đảng trong tù” của Nguyễn Đức Nùng năm 1968, “Kháng chiến (cảnh tiêu thổ” của Lê Quốc Lộc năm 1960, “Tình quân dân” của Hoàng Anh năm 1966, “Ngọn đèn không tắt” của Dương Tuấn Ngọc năm 1968, “Hà Nội những năm đánh Mỹ” của Nguyễn Thị Kim Thái năm 1976, “Đọc báo cho thương binh” của Trần Hữu Tê năm 1975, “Ca mổ trong hang sơ tán” của Ngọc Hải năm 1972, “Bộ đội biên phòng” của Phan Kế An, “Trú quân” của Tô Ngọc Vân năm 1954… đã đem đến cho người xem những cảm nhận hết sức chân thực về chiến tranh. Nhiều tác giả trong số này là họa sĩ từ thời mỹ thuật Đông Dương, như các họa sĩ Mai Văn Hiến, Tô Ngọc Vân, Quang Phòng, Nguyễn Đức Nùng…
Điều thú vị ở đây là triển lãm không chỉ bao gồm những bức tranh được sáng tác trong thời chiến mà còn có cả những tác phẩm được vẽ khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, như “Tấm lòng người mẹ” của Đỗ Sơn, điêu khắc “Công binh làm cầu, dân công tải đạn II” của Lý Châu Hoàn năm 2003, “Tình quân dân” của Trương Thị Mai San năm 2002… Chính việc đặt những bức tranh của những giai đoạn thời gian khác nhau nhưng cùng một đề tài chung trong một triển lãm đã đem lại những cảm xúc thật đặc biệt cho người xem.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Tôi thực sự xúc động khi xem triển lãm này. Triển lãm này rất có ý nghĩa cả về mặt chính trị và nghệ thuật. Các tác phẩm được sáng tác từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả sau chiến tranh. Rất nhiều chất liệu, đề tài khác nhau, tạo ra cho chúng ta một sự xúc động, bởi các tác giả ở đây hoặc là những người đã ra chiến trường, vẽ ngay bằng cảm nhận thực tế, hoặc là những người đã từng trải qua chiến tranh phá hoại, sáng tác trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về điều kiện, nguyên vật liệu và cả thời gian bởi thời kỳ đó ai cũng là cán bộ hoặc chiến sĩ, và đặc biệt sáng tác không nghĩ đến chuyện bán tác phẩm hay treo ở đâu, mà tất cả đều trong một tinh thần vì tiền tuyến, cho chiến thắng”.
Họa sĩ cho biết, rất nhiều tác phẩm trong số này vốn rất quen thuộc với ông, nhưng rất lâu rồi ông mới “gặp lại” cùng trong một triển lãm đặc biệt như thế này, cũng giống như được gặp lại những người bạn xa lâu ngày, người còn, người mất, có người đã hy sinh trong chiến tranh.
Họa sĩ cũng nhấn mạnh, các tác phẩm ở đây đều xuất phát từ sự rung cảm thực sự của các nghệ sĩ, một thế hệ lăn lộn trong chiến tranh. “Bây giờ chúng ta vẫn sáng tác về đề tài bảo vệ Tổ quốc, nhưng số lượng chỉ còn chiếm 10%, và chiến tranh đã lùi xa, và các thế hệ sau này không có được cảm xúc thực mà chỉ qua tài liệu… Do đó ý nghĩa của triển lãm này rất lớn, cho thế hệ cũ nhìn lại, hồi tưởng những gì đã qua, và cho thế hệ sau này hiểu được những người đi trước đã sáng tác, đã làm việc như thế nào, đã hết lòng cùng các chiến sĩ ngoài chiến trường như thế nào”
Họa sĩ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ: “Thế hệ trước đã vẽ đề tài mang hơi thở cuộc sống của mình, đó là điều đáng quý vô cùng. Nếu không có những tác phẩm để lại này, thế hệ sau không thể hiểu được thời trước đất nước đã trải qua chiến tranh như thế nào. Đây thực sự là những tác phẩm quý giá mà không phải lúc nào công chúng cũng được biết đến.”.
Triển lãm không chỉ là một sự nhìn lại, tri ân những người đã ngã xuống cho hòa bình, mà còn là cách bày tỏ quan điểm trân trọng cuộc sống bình yên khi chiến tranh đã đi qua. Đó là ý nghĩa đặc biệt nhất mà triển lãm này mang lại.
TUYẾT LOAN (Nguồn: Nhandan.com.vn)
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài