MỸ HẠNH
Triển lãm ảnh nude (khỏa thân) nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Trần Hạo Nhiên vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, giới truyền thông, nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh và mỹ thuật, bởi đây là lần đầu một triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật được cấp phép trưng bày.

Trước đó, vào tháng 7, một triển lãm tranh có chủ đề khỏa thân cũng lần đầu được cấp phép, tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) và tạo được sự chú ý. Các triển lãm này cho thấy nghệ thuật tranh, ảnh nude đang dần được nhìn nhận một cách đúng đắn và cởi mở hơn.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, đơn vị cấp phép cho triển lãm ảnh nêu trên cho biết, qua thực tế thẩm định, 50 bức ảnh được chọn đều mang tính nghệ thuật cao, không chứa đựng yếu tố phản cảm hay vi phạm các quy định. Người xem có ấn tượng tốt với các tác phẩm thể hiện sự tôn vinh của vẻ đẹp cơ thể.

Lâu nay, tranh, ảnh khỏa thân vẫn bị xem là vấn đề nhạy cảm. Do đó, việc triển lãm ảnh, tranh nude được cấp phép chính thức, tuy chưa nhiều nhưng cũng là tín hiệu tích cực đối với không khí sáng tạo nghệ thuật, mang lại hứng khởi cho giới nghệ sĩ cũng như xóa bỏ những rào cản trước công chúng yêu nghệ thuật. Nghệ thuật nude có lịch sử lâu đời và không hiếm gặp trong các nền mỹ thuật và nhiếp ảnh thế giới. Tuy nhiên, đánh giá cái đẹp và sự dung tục còn nhiều sự khác biệt trong cách nhìn nhận. Trên thực tế, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những bộ ảnh mượn danh “nude nghệ thuật” để phục vụ chiêu trò gây sốc, tạo sự chú ý cho một số cá nhân muốn nổi tiếng, như việc người mẫu này, hoa khôi kia chụp khỏa thân “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ biển”, “nude để thiền”… Hoặc, có những bạn trẻ đưa hình ảnh phản cảm lên mạng xã hội, nhưng lại thoải mái nhận đó là “nghệ thuật”. Những điều này khiến công chúng hiểu nhầm và đánh mất thiện cảm, đánh đồng khỏa thân nghệ thuật với việc khoe thân.

Những tác phẩm đẹp, sáng tạo vẫn luôn được người xem tán thưởng, tôn vinh và ngược lại, sản phẩm kém chất lượng nghệ thuật sẽ bị phản ứng, đào thải. Tất nhiên, nghệ thuật khỏa thân vẫn cần thêm thời gian để đi vào đời sống mỹ thuật, nhiếp ảnh ở nước ta; thêm vào đó, nghệ sĩ theo đuổi loại hình này cũng cần hiểu biết về các quy định, thủ tục cấp phép triển lãm. Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành khẳng định, luật không cấm triển lãm ảnh nude, vấn đề ở chỗ trước đây một số nghệ sĩ nhiếp ảnh bị từ chối cấp phép do không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ theo Nghị định 72/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh (thí dụ, ảnh khỏa thân lộ rõ danh tính thì nghệ sĩ phải cung cấp được thỏa thuận cho phép công bố giữa người mẫu và người chụp…).

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý văn hóa và chuyên môn nên tiếp tục phát huy trách nhiệm, tỉnh táo thẩm định và bản lĩnh, ủng hộ, mở đường để đưa các tác phẩm nghệ thuật chân chính đến với công chúng, nâng cao sự hiểu biết, trình độ thưởng thức nghệ thuật. Báo chí, truyền thông khi đề cập đến lĩnh vực này cần phân định rạch ròi giữa nghệ thuật và những sản phẩm phản cảm, độc hại, “núp bóng” văn hóa – nghệ thuật.
Nguồn: Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài