“Biệt đội Báo đen” – kịch bản của nhà văn Chu Lai vừa được dàn diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam hòan thiện và gửi tới công chúng Thủ đô với sự tham gia của các diễn viên Xuân Bắc, Dũng Nam, Tuấn Dũng, Phú Đôn…

Câu chuyện được đồng hiện giữa hôm qua và hôm nay qua một cụm nhân vật vốn đều là những thành viên và những người có liên quan của “Biệt đội Báo đen” – một nhóm các chiến sĩ biệt động ở vùng ven Sài Gòn những ngày chiến tranh gần đến ngày kết thúc gắn với câu chuyện của thời bình hơn hai mươi năm sau.


Biệt đội Báo đen 1
Một cảnh trong vở “Biệt đội Báo đen”


Sáu Thành, một chiến sĩ biệt động ngang tàng có cách nghĩ, cách sống “thẳng băng như đường đạn”. Những trái khoáy, hệ lụy từ cách sống ấy dần được bóc tách trong suốt mấy chục năm trải từ thời chiến trận sang thời đất nước hòa bình thống nhất tập trung xây dựng phát triển kinh tế. Trong thời chiến, khi những người đồng đội cùng chung lí trí, cùng một lí tưởng, cùng cái sống cái chết cận kề thì tính cách bộc trực ấy cũng đã gây cho Sáu Thành không ít phiền toái. Bị cho là ngạo mạn, coi thường tổ chức, đứng tách ra khỏi đội ngũ khi anh đưa ra những quan điểm riêng trước những trận đánh đe dọa trực tiếp đến sinh tử của đồng đội, và nhiều khi thực tiễn đã chứng minh cách nghĩ “đi ngược lại quan điểm của cấp ủy” của anh là đúng đắn thì phần thiệt, sự hiểu lầm, sự bon chen đố kị vẫn cứ luôn hướng về Sáu Thành. Tuy vậy, trong tập thể của những chiến sĩ biệt động, khi tất cả tập trung cho nhiệm vụ cao cả giải phóng đất nước giành độc lập dân tộc, cái ác dù sao vẫn được kiềm tỏa ở mức độ nhất định, chưa chạm đến anh một cách quyết liệt. Nó chỉ thực sự dồn con người cá tính ấy vào chân tường ở thời bình, khi những thành viên của Biệt đội Báo đen mỗi người văng ra thành một mảnh với những tư cách xã hội khác nhau. Sáu Thành khi đó là Giám đốc lâm trường mang tên “Chiến Binh” giải quyết vấn đề hậu chiến, tạo công ăn việc làm cho nhiều đồng đội năm xưa. Vẫn tính cách mang ra từ cuộc chiến, khi bước sang lĩnh vực làm kinh tế, nhất là ở thời kinh tế thị trường Sáu Thành đã vấp phải những cú đánh nguy cơ sụp đổ cả sự nghiệp, danh dự và lí tưởng tốt đẹp mà anh theo đuổi cả cuộc đời.

Các nhân vật được phân tuyến tốt – xấu rõ rệt, đồng nhất, tính cách ổn định từ thời chiến qua thời bình. Chỉ có điều ở thời bình, khi mà điều kiện để mọi thói hư tật xấu có cơ phát lộ, các ác có chỗ để vươn dậy thì nó được đấy lên cao hơn, tận cùng, quyết liệt hơn. Nhất là khi ấy, Bảy Tân – đội trưởng “Biệt đội Báo đen” thay cho Hai lục bình năm xưa nay là người có quyền chức, có thể thao túng kỉ cương, coi thường luật pháp. 

Vai nam chính của “Biệt đội Báo đen” được đạo diễn Anh Tú giao cho Xuân Bắc. Lột xác khỏi hình ảnh dường như đã được định vị trong công chúng là một diễn viên hài kịch, Xuân Bắc đã bảo vệ thành công danh hiệu NSƯT mới được phong bằng một vai chính kịch góc cạnh, có chiều sâu và nhiều màu sắc.

Biệt đội Báo đen 3
Xuân Bắc và Dũng Nam trong “Biệt đội Báo đen”


Bảy Tân – vai diễn nặng kí thứ hai này được giao cho Dũng Nam. Anh cũng dành được khá nhiều tràng vỗ tay từ phía khán giả. Đài từ tốt, lột tả được nhiều lớp vỏ của nhân vật, có sự tiết chế nhất định để làm nên một nhân vật vừa cơ hội vừa ác tâm nhưng lại luôn có khẩu khí của một lãnh đạo. Đây là vai diễn còn khó hơn vai của Xuân Bắc khi phải thể hiện nhiều lớp tính cách, nhiều lớp mặt nạ của nhân vật nhưng Dũng Nam đã thể hiện thành công.

Nếu như ở lớp kịch thứ nhất, trong chiến tranh, Sáu Thành và Bảy Tân đại diện cho hai cách sống ngay thẳng và luồn lọt, chính trực và phản tà thì ở lớp kịch thứ hai, trong hòa bình họ vẫn tiếp tục đối đầu ở trận chiến mới, khi Bảy Tân là Phó Chủ tịch tỉnh cho cưỡng chế giải tỏa Lâm trường “Chiến Binh” để xây dựng khu công nghiệp trái pháp luật.

“Biệt đội Báo đen” cho thấy, cuộc đấu tranh giữa những người lính không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình, khi chiến tranh đã lùi xa. Những đồng đội, những người lính chân chính năm xưa tiếp tục ở bên Sáu Thành để đấu tranh vì lẽ phải, vì công lí và vì tình người. Người xem cũng nhận thấy, chủ nghĩa cá nhân, tính cơ hội luôn hiện diện ở bất cứ nơi đâu, dù là trong chiến tranh hay trong thời bình, luôn tìm cách vươn dậy cũng như sự lựa chọn khi sống là chính mình đều phải trả giá trong mọi hoàn cảnh. Những người lính của “Biệt đội Báo đen” đã bước từ cuộc chiến hôm qua đến cuộc chiến hôm nay đầy nhọc nhằn thương tổn để thấy rằng sự đấu tranh cho những điều tốt đẹp được tồn tại không lúc nào dừng lại.

Biệt đội Báo đen 2
Các diễn viên nhận hoa từ khán giả sau đêm diễn ngày 15/5


Có gì đó chưa thực sự thuyết phục ở vở diễn là ở phần xử lí nhân vật Út Vân về sau khi để vai trò của cô góp phần làm thay đổi kết quả phiên tòa bằng cương vị quan trọng mà cô đang nắm giữ khiến Hội đồng xử án bỗng trở nên “ngoan ngoãn” khi Út Vân xuất hiện để minh oan cho Sáu Thành khiến cho cái kết bị gượng ép. Cho dù đó là một cái kết mở và Bảy Tân vẫn tiếp tục đe dọa và thách thức, cho thấy cuộc chiến vì công lí không phải đã khép lại với phần thắng thuộc về chính nghĩa. Trong khi đại diện cho cái xấu chỉ là thiểu số – duy nhất Bảy Tân, còn lại tập thể Biệt đội Báo đen đều là nạn nhân hoặc đứng về phía Sáu Thành, đã đủ sức nặng cán cân cho một cuộc chiến của lương tâm và nhân cách. 

“Biệt đội Báo đen” do NSND Anh Tú đạo diễn được Nhà hát kịch Việt Nam dựng và công diễn cùng thời điểm với vở “Thầy trò” của Nguyễn Đăng Chương do NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn, được cho là những nỗ lực xốc lại hình ảnh của Nhà hát kịch Việt Nam, một đơn vị hội tụ nhiều diễn viên tên tuổi và danh hiệu với niềm mong mỏi những vở diễn mang hơi thở đương đại có sức lan tỏa rộng rãi trong công chúng.

 

Theo Dương Tử Thành – Nguồn VNQD