Người Chăm, cư dân của vương quốc Champa xưa, có một nền văn hóa đồ sộ và đặc sắc. Sống với người nay, lần theo dấu vết người xưa, kho tàng văn hóa đó dần hiện lên với những màu sắc huyền hoặc, đầy bí ẩn về một tộc người trải qua bao biến động của lịch sử…
Hội thảo “40 năm nghiên cứu văn hóa Chăm” do Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh đã nhìn lại về chặng đường 40 năm nghiên cứu văn hóa Chăm (1975-2015) với những thành tựu rực rỡ. Các nghiên cứu tập trung ở các lĩnh vực như lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật… của người Chăm.
40 năm là một chặng đường không dài so với lịch sử hàng trăm năm của một tộc người, nhưng là một khoảng thời gian đủ để nhìn lại một chặng đường dày công nghiên cứu về một nền văn hóa có nhiều thành tựu đạt đỉnh cao của nhân loại. Trong số đó, vẫn còn không ít bí ẩn mà các thế hệ học giả đã dày công giải mã.
Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, một khuynh hướng nghiên cứu nổi bật trong 40 năm qua là: làm rõ yếu tố nội sinh, tính bản địa của văn hóa Chăm. Từ nhận thức nguồn gốc bản địa ấy, xem xét sự cải biến, sự “dân tộc hóa” các yếu tố ngoại sinh (yếu tố bên ngoài tác động vào) để làm rõ và khẳng định sức mạnh chi phối của yếu tố nội sinh – bản địa trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa Chăm.
Cụm tháp Chăm Bánh ít ở tỉnh Bình Định.
Người Chăm hiện nay cư trú tập trung trong các palei (hoặc puk) thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang và TP Hồ Chí Minh. Họ còn sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh khác nhưng không nhiều. Những phát hiện về khảo cổ học gần đây đã gợi lên một giả thiết rằng chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh có thể là tổ tiên của người Chăm và các dân tộc Mã Lai – Vạn Đảo khác ở Việt Nam ngày nay. Trong lịch sử phát triển xã hội tộc người, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa phong phú về nội dung và đa dạng về diện mạo.
Về giá trị vật thể, vương quốc Champa xưa đã để lại một khối lượng di tích và di vật về kiến trúc, điêu khắc đá, các loại đồ đồng, đồ trang sức… phản ánh nét sinh hoạt trong xã hội Champa từ đời thường đến tôn giáo, cung đình. Nổi bật nhất và thu hút du khách gần xa nhất phải kể đến Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) với quần thể kiến trúc đền tháp đầy thâm nghiêm, cổ kính.
Đến thăm nơi đây, hậu bối hiểu được phần nào sự hưng thịnh một thời của Chiêm Thành xưa. Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Chiêm ngưỡng quần thể tháp Chăm sừng sững, thi gan cùng tuế nguyệt, người ta không khỏi cúi đầu thán phục trước sự tài hoa lỗi lạc của tiền nhân. Đến bây giờ kỹ thuật xếp gạch xây tháp mà không cần kết dính bằng một thứ vôi vữa nào vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu vì chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Dải đất miền Trung khô cằn sỏi đá không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp thì ngành thủ công nghiệp của cư dân Champa trước đây phát triển mạnh mẽ. TS Võ Công Nguyện, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng trước yêu cầu bức thiết đối với việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, nghề làm gạch xây tháp đã ra đời và nhanh chóng được triển khai quy mô lớn trên toàn lãnh thổ vương quốc Champa.
Đó là loại gạch có kích thước lớn, dày và chắc chắn. Và vì nghề làm gạch phát triển trong quá khứ chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm ra loại vật liệu bền vững cho các công trình kiến trúc tôn giáo chứ chưa thấy dùng gạch này để xây dựng cung điện, dinh thự của vua chúa, quý tộc và nhà cửa của cư dân nên nghề này mai một dần. Nó bị xóa sổ khi người ta không còn xây dựng đền tháp thờ thần.
Các nghề như làm gốm, nghề dệt của người Chăm chinh phục được bạn bè năm châu bởi sự tinh xảo, độc đáo của nó. Hai làng nghề làm gốm nổi tiếng hiện nay của người Chăm là Bàu Trúc (thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) và Trì Đức (huyện Bắc Bình, Bình Thuận). Điều đáng quý là các nghệ nhân tuân thủ gần như nguyên vẹn truyền thống kỹ thuật của người xưa: không dùng bàn xoay mà tạo gốm bằng cách đi vòng quanh đòn kê và không dùng lò nung mà nung gốm ngoài trời.
Làng nghề Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) hiện nay nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Bàn tay của các bà, các chị tạo ra những tấm thổ cẩm riêng biệt, có họa tiết hoa văn cổ quý hiếm. Bà Thuận Thị Trụ, người nối tiếp truyền thống nghề dệt của tổ tiên đã giúp chị em có thêm công ăn việc làm khi đưa thổ cẩm quê mình xuôi về phương Nam, có mặt trong các trung tâm mua sắm lớn ở đô thị. Nó còn theo chân bà đến các nước trên thế giới khiến bạn bè quốc tế trầm trồ thán phục.
Riêng về giá trị tinh thần có các lễ hội truyền thống, chữ viết, tri thức, thư tịch cổ, âm nhạc, ẩm thực… Văn tự Chăm hiện nay đang được truyền dạy cho các em học sinh tiểu học nhằm giúp thế hệ trẻ bảo lưu, giữ gìn và phát huy kho thư tịch cổ của dân tộc mình. Đó là nguồn tư liệu vô giá chứa đựng kho tàng tri thức của tiền nhân. Thế nhưng, chữ viết của người Chăm vẫn đang còn gây ra nhiều tranh cãi gay gắt khi một bên muốn tôn trọng chữ viết truyền thống (Akhar Thrah) với một bên muốn điều chỉnh một số từ để dễ học.
Lễ hội Ramawan của người Chăm (Ảnh: Lê Minh Ngọc).
Người Chăm luôn cởi mở, giao lưu, tiếp nhận các yếu tố văn hóa bên ngoài nhưng không hề rập khuôn mà “cách tân”, “cải biến” nó để phù hợp với dòng chảy văn hóa bản địa. Ảnh hưởng bên ngoài mạnh mẽ nhất đối với văn hóa Chăm là tôn giáo. Nhưng ngay trong lĩnh vực này, người Chăm cũng cải biến thành tôn giáo của dân tộc mình.
Cụ thể, các vị thần của Ấn Độ giáo được người Chăm thờ phụng nhưng họ luôn đề cao thần Shiva vốn được thể hiện dưới hình thức ngẫu tượng linga, đôi lúc được kết hợp với yoni để thể hiện tín ngưỡng phồn thực, khát vọng sinh sôi nảy nở của một dân tộc có nền văn hóa lúa nước. Theo PGS.TS Phan Xuân Biên thực tế hiện nay và có lẽ từ lâu lắm rồi, đa số người Chăm không còn biết đến các vị thần của Ấn Độ giáo.
Trên các lăng tháp vốn được coi là dấu ấn sự hiện diện văn hóa Ấn Độ trong xã hội Chăm, họ chỉ thờ phụng nữ thần Po Ina Nagar – “Bà mẹ xứ sở” – theo thần thoại và tâm thức người Chăm, thể hiện đậm đặc yếu tố mẫu hệ của tộc người này. Ngoài ra, trên những tháp này, họ còn thờ các vị vua, anh hùng của dân tộc mình. Đến khi các tượng Kút xuất hiện một cách phổ biến trong việc thờ phụng thì nghệ thuật điêu khắc Chăm dường như đã từ bỏ những hào quang của Ấn Độ giáo để hướng về các tín ngưỡng bản địa – tín ngưỡng đất và đá được thể hiện trong tượng Kút.
Hồi giáo cũng là tôn giáo của nước ngoài du nhập vào xã hội người Chăm. Nhưng việc xác tín của tín đồ Hồi giáo “chỉ có một đấng chí tôn duy nhất là Allah và Mohamet là bậc tông đồ của Ngài” gần như hoàn toàn xa lạ với tín đồ đạo Bà Ni. Bởi người Chăm theo đạo Bà Ni không chỉ tôn sùng Allah là đấng tối cao mà còn thờ các thần khác như Thần Mưa, Thần Biển, Thần Núi – thể hiện rõ ràng trong các lễ hội cầu mưa, lễ cầu đảo Thần Sóng biển…
Văn hóa Chăm với yếu tố bản địa mạnh mẽ đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả trong và ngoài nước nhiều thế kỷ qua. Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học người Pháp như J.Crawford, A.Bastian, E.Aymonier, L.Finot, E.M.Durand… từ thế kỷ 19. Sau năm 1975, việc nghiên cứu văn hóa Chăm càng được nhiều nhà khoa học quan tâm. Tiêu biểu có các học giả trong nước như Bố Xuân Hổ, Bá Trung Phụ, Inrasara, Phú Văn Hẳn, Đàng Năng Hòa, Phan An, Bá Minh Truyền…
Thạc sĩ Trượng Tính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Nhìn chung, việc nghiên cứu về người Chăm mới chỉ được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và các nghiên cứu lặp lại. Đang thiếu vắng các công trình chuyên sâu xuất phát từ mục tiêu khoa học thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ ổn định và phát triển dân tộc Chăm, cũng như thiếu các giải pháp phù hợp giúp người Chăm thuận lợi hơn trong hòa nhập và phát triển bền vững”. Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho các nhà nghiên cứu để khai mở, gìn giữ và phát huy bản sắc của một nền văn hóa đồ sộ, giàu tính bản địa trong thời đại toàn cầu hóa, hiện đại hóa mang nhiều đổi thay thời cuộc.
Theo Nguyễn Trang – Văn nghệ công an