Ninh Cơ
Thời gian qua, hoạt động khảo cổ học diễn ra sôi động ở các địa phương trong cả nước với nhiều phát hiện cùng các thành quả nghiên cứu mới đa dạng có giá trị cao, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị đó trong giai đoạn mới.
Công việc của ngành khảo cổ học chính là lật tìm những thông điệp đối thoại của những chủ thể di sản cha ông từ quá khứ xa xưa được truyền tải qua các di tích, di vật. Những phát hiện mới cùng thông tin khoa học bổ sung sẽ giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành con người, dân tộc Việt Nam, nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa Việt Nam.
Nhiều phát hiện mới có giá trị
Theo nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS, TS Phạm Văn Đức, trong những năm qua, bên cạnh việc nghiên cứu lịch sử, nhân học, khảo cổ học còn gắn chặt với hoạt động nghiên cứu, đánh giá các giá trị di sản văn hóa và thu được những thành quả đáng ghi nhận. Các nhà khoa học khảo cổ học đã tư vấn cho các cơ quan quản lý, văn hóa và một số địa phương tiến hành công tác quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ và di sản văn hóa. Gần đây nhất là sự phối hợp của ngành với chính quyền thành phố Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) xây dựng thành công Khu bảo tồn di tích Bãi cọc Cao Quỳ.
Tuy còn một số vấn đề cần thảo luận, nhưng với những kết quả nghiên cứu khảo cổ học và nghiên cứu liên ngành, có thể bước đầu xác định đây là các khu di tích thuộc chiến trường Bạch Đằng của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Các phát hiện này đã và đang giúp chính quyền Hải Phòng trong việc đầu tư quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích nhằm tôn vinh chiến công chống giặc ngoại xâm, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc.
Trong sự nỗ lực chung của toàn ngành khảo cổ học, sự phối hợp của các địa phương và những cơ quan liên quan, ngành khảo cổ học có thêm nhiều phát hiện mới lý thú, tiếp tục tiến hành khai quật, nghiên cứu các di tích, di vật minh chứng cho quá trình tiến hóa của con người cùng di tồn văn hóa thời tiền sử ở Việt Nam trên địa bàn các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai… Các nhà khoa học khảo cổ học đã triển khai tiếp việc khai quật, nghiên cứu Khu di tích Vườn Chuối, một trong hai khu di tích thuộc thời kỳ văn minh/nhà nước sớm, có giá trị bậc nhất trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Khảo cổ học lịch sử có các cuộc khai quật, nghiên cứu tại khu vực Điện Kính Thiên (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), di tích Đồi Bia (Bắc Giang), Khu di tích Yên Tử, Đông Triều (Quảng Ninh), Khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), một số di tích văn hóa Champa ở Trung Bộ. Ngành tiếp tục triển khai hoàn thiện chương trình khai quật và làm hồ sơ khoa học Khu di tích văn hóa Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (Nam Bộ) thuộc đề án cấp Nhà nước do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.
Hiện tại, khảo cổ học ngày càng được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý văn hóa quan tâm. Những thành quả nghiên cứu và tư vấn đang đem lại hiệu ứng xã hội tích cực vì các mục tiêu soi sáng lịch sử, gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước, góp phần xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Không để “di sản chết”
Hành trình theo dấu người xưa qua những phát hiện mới từ các di tích, di vật chính là việc các nhà khoa học đang lật tìm và ghi lại các thông điệp, thông tin về xã hội, con người trong quá khứ. Điều quan trọng là phải quản lý, gìn giữ, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di sản đó. Hay nói một cách khác là không để “di sản chết” mà phải đóng góp vào cuộc sống, vào sự phát triển của đất nước.
Thực tế cho thấy, di sản khảo cổ học thường dễ bị đe dọa, xâm hại, phá hủy nhất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng dễ bị biến đổi bởi tác động môi trường, khí hậu, nhất là trong bối cảnh sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra với cường độ ngày càng nhanh. Trong khi đó, một bộ phận xã hội còn thờ ơ, vô cảm trước những hành vi hủy hoại di sản cùng sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan quản lý và năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu kém, khiến nhiều di tích khảo cổ có nguy cơ biến mất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng (Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, thời gian qua, Nhà nước và các cấp trung ương đã có các chỉ đạo và xử lý đối với việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu nhiều di tích khảo cổ học trong quá trình triển khai các dự án, công trình xây dựng, nhờ đó bảo vệ được tối đa các di sản khảo cổ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều chủ công trình xây dựng, như các dự án thủy điện chẳng hạn, không đầu tư cho khai quật, di dời di tích khảo cổ.
Việc ứng xử với các di tích, di vật sau khi khai quật, chỉnh lý cũng đặt ra nhiều tranh luận. Theo các chuyên gia, phải lưu giữ được toàn bộ di vật được di dời chứ không chỉ xây dựng hồ sơ khoa học rồi chôn lấp hoặc loại bỏ di vật. Lưu giữ được di vật sẽ giúp các nhà khoa học tiếp tục quá trình nghiên cứu về di sản, nếu không, sẽ gây lãng phí và làm mất đi nguồn nghiên cứu sau này. Xu thế chung hiện nay trên thế giới là cất trữ toàn bộ di vật của các cuộc khai quật sau khi đã mã hóa tư liệu.
Theo quy định của ngành khảo cổ học, tất cả các cuộc khai quật đều có hồ sơ khoa học nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và phát huy giá trị của di tích khảo cổ học. Chính vì vậy, cần đầu tư tập hợp các hồ sơ nghiên cứu về khảo cổ học của các di tích để công bố và xuất bản thành sách, tạo lập một hệ thống hồ sơ di tích khảo cổ một cách đầy đủ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng nhấn mạnh, việc khai quật và di dời khảo cổ học mới chỉ thu thập tư liệu, chiếm khoảng 50% khối lượng công việc, còn lại là việc chỉnh lý và xây dựng hồ sơ khoa học. Nếu không làm hồ sơ khoa học, phác dựng lại quá khứ một cách chân thực thì kinh phí và công sức bỏ ra khai quật, di dời là vô ích, lãng phí, thế hệ sau không có tư liệu nghiên cứu lịch sử dân tộc. Do vậy, các cơ quan quản lý và xây dựng luật, chính sách nên chú ý công việc quan trọng này, nghiên cứu bổ sung mục kinh phí chỉnh lý, nghiên cứu xây dựng hồ sơ sau khai quật.
Việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản từ khảo cổ học cũng đòi hỏi sự tham gia không chỉ của nhà nghiên cứu, những người làm khảo cổ học, các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, các tổ chức về văn hóa, di sản trong nước và quốc tế, chính phủ và phi chính phủ, mà còn cả sự chung tay của cộng đồng xã hội. Các nhà khoa học là những người có vai trò đặc biệt trong nhận diện các giá trị di sản, nhưng chính các cộng đồng địa phương mới là những người “nắm giữ”, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản đó trong cuộc sống. Quá trình bảo vệ di sản phải giúp cộng đồng địa phương có được quyền tham gia tìm hiểu, nghiên cứu, quyền được tiếp cận và chia sẻ thông tin nghiên cứu khảo cổ, quyền được hưởng các lợi ích từ di sản và quyền được kiểm tra, giám sát, tham gia vào quy hoạch di sản.
Các nhà khoa học cũng đề cập việc xây dựng các dự án khảo cổ học cộng đồng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giúp người dân nhận diện chức năng, giá trị của di sản cũng như những thách thức di sản phải đối mặt.
Một yếu tố nữa là cần thành lập Hội khảo cổ học cộng đồng địa phương, tổ chức hội thảo và các cuộc họp khảo cổ học cộng đồng để người dân tham gia thảo luận về cách thức bảo vệ cũng như khai thác các lợi thế di sản khảo cổ, phát triển du lịch di sản. Trong việc bảo vệ di sản, các cơ quan chức năng nên phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn cộng đồng gây quỹ bảo tồn di sản, cách thức vận động tài trợ, phát triển các chương trình hành động; trợ giúp, chỉ dẫn để cộng đồng trực tiếp tham gia tìm hiểu, nghiên cứu di tích và di vật, sưu tầm hiện vật và tư liệu, tổ chức trưng bày, bảo quản sơ bộ hiện vật, giới thiệu di sản…
Ngành khảo cổ học từng đề nghị và thực hiện ở một số địa phương tổ chức các dự án, chương trình, khóa học tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức về di sản cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, bởi họ chính là lực lượng đại diện cho cơ quan nhà nước phối hợp trực tiếp với cộng đồng để quản lý, gìn giữ và bảo tồn các di tích khảo cổ học, tham gia đấu tranh ngăn chặn việc xâm hại di sản, bảo vệ di tích.
Các nhà khảo cổ học mong muốn các cấp quản lý cần xây dựng đơn giá mới cho các hoạt động khảo cổ học phù hợp với thực tế hiện nay. Về lâu dài, cần có một quỹ quốc gia cho công tác này theo các quy định của Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học.
Nguồn: Báo Nhân Dân