Mồng 3 tháng 3 âm lịch là tết Hàn thực. Tuy biết tục này “phỏng theo người phương Bắc, kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi chết cháy” [1] song ở ta “chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi” [2]. Vào ngày này, người Việt thường “làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên” [3], cho nên bánh trôi còn được gọi là bánh Hàn thực [4].

Tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam nhiều khả năng được du nhập vào thời Lê sơ, thịnh hành vào giai đoạn Lê trung hưng – Nguyễn. Năm 1773, Lê Quý Đôn (黎貴惇, 1726 – 1784) cho biết : “Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là thủy đoàn” [5]Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (指南玉音解義 ; được viết vào khoảng thế kỷ XVI thời Lê trung hưng) giải thích : “Trôi nước có hiệu thủy đoàn ; Trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh” [6].

水團餅

Trước đó, theo ghi chép của Lê Tắc (黎崱, ? – ? ; sang Trung Quốc năm 1287), người thời Trần, thì “vào tết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau” [7]. Qua bài thơ Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiển Khanh (饋張顯卿春餅), làm năm 1291, vua Trần Nhân Tông (陳仁宗, 1258 – 1308) viết : “Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay” (柘枝舞罷試春衫, 況值今朝三月三。 紅玉堆盤春菜餅, 從來風俗舊安南) [8]. Theo Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, bánh xuân thái (春菜餅) cũng chính là tên gọi khác của bánh cuốn. Sách này đồng thời cho biết : “Quyển bính nhiều nhân càng ngon ; Hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay” [9].

Như vậy, vào thời Trần, thậm chí có thể truy lên thời Lý, nhằm tết Hàn thực, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chứ chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau. Bánh cuốn còn được gọi là bánh xuân thái (菜 = rau), trong có nhân (có thể gồm cả rau lẫn thịt), được cuốn tròn lại, hình dạng khá gần với bánh cuốn ngày nay.

春菜餅

Tôi đã nhiều lần đề cập, có nhiều phong tục, truyền thống cũ được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định rồi mất đi, nhường chỗ cho phong tục mới, ”truyền thống mới”. Từ đầu tóc, áo quần, cho chí đồ ăn, nước uống đều như vậy. Cho nên thiết kị thấy tục nào đó, hình ảnh nào đó khác với cái mà ta quen thuộc, cái định kiến của ta thì bảo rằng nó “không thuần Việt”. Và cũng chớ nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng phong tục nào cũng là phong tục truyền thống, có tự ngàn đời (ngàn năm).

Chú thích :

[1] [3] Tiểu học bản quốc phong tục sách (còn gọi là An Nam phong tục sách).
[2] Việt Nam phong tục.
[4] Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, trong Tạp thảo tập và Xuân Hương thi tập được chép với tênVịnh Hàn thực bính (Vịnh bánh Hàn thực).
[5] Vân đài loại ngữ.
[6] [9] Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa.
[7] [8] An Nam chí lược.

Trần Quang Đức