Nguyễn Thế Sơn

“Bản sắc” là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nền mĩ thuật Việt Nam từ khi trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương chính thức thành lập. Ở từng giai đoạn phát triển, bản sắc văn hoá luôn trở thành một vấn đề được các thế hệ nghệ sĩ trăn trở và tìm tòi thể hiện; rất nhiều tên tuổi lớn đã để lại dấu ấn cá nhân đặc sắc của mình trong lịch sử mĩ thuật dân tộc. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tôi muốn đề cập đến giai đoạn hiện nay: Với những thực hành theo xu hướng nghệ thuật đương đại thì xử lí vấn đề bản sắc thế nào trong thời hội nhập khu vực và thế giới?

Tác phẩm Hành trình lịch sử (sắp đặt hàn sắt chuyển động, kích thước 164m x 2m) trưng bày ở lối vào hầm xe, ba nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông và Phạm Khắc Quang.

Khái niệm “hội nhập” với mĩ thuật Việt Nam nói chung có lẽ trở nên mạnh mẽ và có tính chất bước ngoặt từ khi mở cửa nền kinh tế vào cuối những năm 1980. Từ đó tới nay đã hơn 30 năm, những thực hành sáng tác mĩ thuật của ta đã bước vào con đường hội nhập với thế giới; đặc biệt là sau năm 2000 với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và internet, sự giao lưu mở mang không biên giới của tri thức và của thông tin đa chiều đã làm phân hoá rõ nét các xu hướng thực hành sáng tác mĩ thuật.

Một xu hướng phổ biến mà số đông hoạ sĩ thường sử dụng khi đề cập đến vấn đề bản sắc là hình tượng hoá các biểu tượng mang đậm tính văn hoá địa phương hay các biểu tượng được cho là phổ quát về văn hoá dân tộc và thể hiện trên các chất liệu truyền thống của hội hoạ, đồ hoạ hay điêu khắc, coi đó là mục đích cuối cùng của quá trình sáng tác. Một nhóm nhỏ nghệ sĩ lại cố gắng theo đuổi những thực hành nghệ thuật đương đại theo xu hướng hội nhập quốc tế. Xu hướng này thường được tiến hành thực hiện theo hình thức các dự án nghệ thuật, nhấn mạnh vào quá trình thực hiện với phương pháp tiếp cận đa dạng theo hướng liên ngành bao gồm từ quá trình nghiên cứu điền dã đến thực hành đa phương tiện (vẽ, in ấn, kí hoạ, nhiếp ảnh, video, sắp đặt, sử dụng các đồ vật có sẵn, tạo tác các vật phẩm kết hợp với các nghệ nhân thủ công truyền thống…), không giới hạn bất kì phương pháp tiếp cận và hình thức thể hiện nào.

Các vấn đề được đề cập nhiều trong tác phẩm dự án kiểu này thường chất vấn những yếu tố như lịch sử, văn hoá, truyền thống, bản sắc, thân phận, quyền lực, môi trường… Chúng thường là những dự án nghiên cứu văn hoá, phản biện lại câu chuyện bản sắc dưới các hình thức của nghệ thuật thị giác được triển lãm ở những không gian chuyên biệt, lôi kéo người xem tương tác, tư duy, chiêm nghiệm cùng tác phẩm. Cách tiếp cận này cũng là xu hướng thực hành khá phổ biến trong các thiết chế nghệ thuật ở các trung tâm nghệ thuật phát triển trên thế giới.

Các chương trình lưu trú sáng tác với hàng ngàn quỹ hỗ trợ lớn nhỏ trên toàn cầu, các bảo tàng nghệ thuật, các không gian nghệ thuật, các trường đại học nghệ thuật, các quỹ phát triển nghệ thuật… luôn có sẵn chương trình hỗ trợ cho nghệ sĩ khắp nơi thực hành theo xu hướng này. Các cơ chế triển lãm lưỡng niên (biennale), tam niên (triennale), các chương trình art fair, art stage đều đặn diễn ra trên khắp thế giới… dường như chưa bao giờ trở nên gần gũi và dễ tiếp cận như vậy đối với những nghệ sĩ Việt Nam.

Chính vì vậy trong hơn chục năm trở lại đây, các nghệ sĩ ở ta đã bắt đầu tích cực chủ động thực hành và tìm kiếm cơ hội tham gia học hỏi nâng cao khả năng hội nhập với những luật chơi mới. Khi càng “hội nhập” trong những thiết chế nghệ thuật quốc tế, câu chuyện “bản sắc” trong các thực hành của nghệ sĩ lại càng trở nên quan trọng, tới mức sống còn. Và có lẽ không quá khó để nhìn thấy trong thời gian vừa qua nơi những nghệ sĩ Việt Nam hoặc có gốc Việt trở nên thành danh trong các thiết chế nghệ thuật quốc tế như Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn Hatshushiba, Danh Võ, An Mỹ Lê, Nguyễn Oanh Phi Phi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Lê Brother, Tiffany Chung, The Propeller group… luôn đậm đặc hoặc phảng phất bóng dáng câu chuyện của bản sắc/ bản địa Việt.

Trong thế giới phẳng, rõ ràng câu chuyện này trong mối tương quan đa chiều với các vấn đề phổ quát tầm quốc tế chính là chìa khoá để đưa “đặc sản” văn hóa của một dân tộc, một nền văn hoá tới gần hơn với những giá trị mang tính chia sẻ chung của nhân loại. Mẫu số chung này nhìn lại cũng thấy khá rõ ràng ở những nền mĩ thuật đương đại mới nổi trong những thập niên gần đây như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn độ, Thái Lan, Indonesia…; câu chuyện về bản sắc, bản địa cũng nhìn thấy rất rõ ở những nghệ sĩ tầm quốc tế.

Chính sắc thái bản địa từ hình thức đến câu chuyện của các nghệ sĩ đến từ nhiều nền văn hoá, nhiều dân tộc đã làm cho bức tranh chung về nghệ thuật đương đại trên thế giới ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Xu hướng nghệ thuật đương đại global thinking, local action (tạm dịch là “suy nghĩ và tư duy tầm quốc tế, bắt đầu từ những hành động ở bản địa”) trở thành một xu hướng phổ quát kích thích các nghệ sĩ truy vấn, phản biện các giá trị về bản sắc, lịch sử, niềm tin, những thứ gắn chặt cơ hữu của nền văn hoá hay căn tính dân tộc, bên ngoài những vấn đề mang tính toàn cầu như môi trường, di dân, đô thị hoá hay các vấn đề mới của đời sống con người trong xã hội hiện đại.

Có thể nhìn thấy những nỗ lực của cá nhân các nghệ sĩ địa phương là không nhỏ khi phải tự thân vận động tìm kiếm cơ hội để hoà nhập với môi trường quốc tế luôn chuyển dịch trong khi môi trường hoạt động trong nước chưa thực sự có những thay đổi bắt kịp xu hướng của thế giới. Từ quốc tịch quốc tế cho tới bề dày kinh nghiệm gắn với nền tảng giáo dục và hoạt động trong một môi trường chuyên nghiệp trước đó… là những ưu thế nổi trội có sẵn của những nghệ sĩ quốc tế gốc Việt. Trong khi để bắt kịp với xu thế hội nhập quốc tế, các nghệ sĩ ở trong nước buộc phải nỗ lực hơn rất nhiều để tự hoàn thiện bản thân nhằm bắt kịp những quy chuẩn quốc tế mới.

Có thể kể đến những lần xuất hiện của các nghệ sĩ Việt nơi những sự kiện nghệ thuật đương đại có tầm cỡ trong khu vực như ở Singapore Biennale hay như trong dự án Riverscape in Flux (Phong cảnh sông nước đang biến đổi) được triển lãm vòng quanh 6 nước Đông Nam Á – một nỗ lực từ 6 viện Goethe ở Đông Nam Á, hay gần đây là sự xuất hiện chính thức và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của nghệ thuật đương đại Việt Nam ở bảo tàng Bildmuset, Umea, Thuỵ Điển thông qua triển lãm dự án Miền Méo Miệng kéo dài suốt 5 tháng do nghệ sĩ Trần Lương làm giám tuyển.

Trong quá trình tiếp sức này, những viện văn hoá nước ngoài như viện Goethe, viện Pháp L’espace… và các quỹ hỗ trợ nghệ thuật của nước ngoài như quỹ CDEF của Đan Mạch, quỹ Japan Foundation của Nhật, quỹ Prince Claude của Hà Lan, quỹ Đông Sơn today, hay lâu hơn nữa như quỹ Ford… đóng một vai trò vị trí hết sức quan trọng trong việc khích lệ và nâng đỡ những nghệ sĩ địa phương thực hành sáng tạo. Thêm vào đó, những không gian tư nhân của người Việt như Manzi, Factory Contemporary Art, Sàn Art… tuy không nhiều nhưng cũng đóng góp quý báu trong việc dần hình thành và thúc đẩy các hoạt động của nghệ sĩ, môi trường thực hành sáng tạo của họ cũng như thu hút thêm cộng đồng người xem.

Và ở một chiều ngược lại, ngày càng có nhiều nghệ sĩ đương đại trên thế giới sang giao lưu, thực hiện các workshop và triển lãm thông qua các quỹ văn hoá nước ngoài cũng là một nguồn lực không nhỏ góp phần nâng cao năng lực và tư duy sáng tạo nghệ thuật theo xu hướng hội nhập quốc tế hơn cho chính những nghệ sĩ địa phương.

Rõ ràng là có một khoảng cách khá lớn giữa đa phần hoạ sĩ thực hành theo nếp cũ trong đời sống mĩ thuật trong nước với những thiết chế nghệ thuật quốc tế phổ biến hiện nay, khiến cho môi trường nghệ thuật đương đại trong nước chưa thực sự có được sự phát triển mạnh mẽ để có thể hội nhập sâu hơn vào những sân chơi quốc tế. Hội nhập quốc tế là một tiến trình không thể đảo ngược không chỉ riêng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, tuy nhiên nhìn vào tình hình thực tế thì viễn cảnh này vẫn còn chưa mấy sáng sủa khi mà các điểm thắt về cơ chế vẫn chưa được tháo bỏ. Câu chuyện hội nhập quốc tế, câu chuyện mang bản sắc đi đánh xứ người trước mắt vẫn chỉ là câu chuyện của những nỗ lực cá nhân.

*

  • *

Dự án nghệ thuật trong không gian nhà Quốc hội mà tôi cùng một nhóm nghệ sĩ đã may mắn được thực hiện và hoàn thành vào cuối năm 2018 có thể coi là một nỗ lực lấy cảm hứng tinh thần từ những giá trị di sản văn hoá còn sót lại ngay tại nơi đây cũng như mở rộng ra thành tinh thần của di sản thuyền thống dân tộc đưa vào những sáng tác “đo ni đóng giày” với từng khu vực cụ thể trong đường hầm toà nhà. Từ một lời đề nghị và đặt hàng của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Văn phòng Quốc hội, tôi đã có dịp đưa câu chuyện về những thực hành nghệ thuật đương đại của một số nghệ sĩ Việt Nam đối thoại với chính ngữ cảnh của không gian nhà Quốc hội và hai bảo tàng cổ vật Thăng Long và Đại La ngay dưới chân toà nhà.

Với những cụm tác phẩm sắp đặt không gian kích thước lớn, các tác giả đã phủ kín hơn 500 mét dài (khoảng 1.500 mét vuông) trong không gian 3 khu vực đường hầm nhà Quốc hội, từ khu vực đường hầm nhỏ, đường hầm lớn đến lối hầm nhà để xe. Những tác phẩm với đa dạng chất liệu, từ sơn mài truyền thống, đồ hoạ mở đến các chất liệu sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động… đã biến không gian lối đi hầm có sẵn của nhà Quốc hội thành một không gian nghệ thuật mang đậm tính ứng tác với ngữ cảnh của các thực hành nghệ thuật đương đại.

Lấy ý tưởng sử dụng cách tiếp cận đa dạng của các hình thức nghệ thuật đương đại, 15 nghệ sĩ của dự án đã dùng các tác phẩm của mình như một nỗ lực đối thoại và phản ánh những cách nhìn sáng tạo cá nhân với những giá trị di sản văn hoá nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày lịch sử dân tộc. Một không gian thể hiện các cách nhìn về di sản qua các thực hành nghệ thuật đương đại sẽ là một kết nối lí tưởng với hai không gian bảo tàng cổ vật Thăng Long và tiền Thăng Long dưới chân toà nhà Quốc hội. Sự tương tác kết nối từ không gian cổ đại đến đương đại này, trong khoảng hai năm nay, đã mang lại cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, giống như một chuyến du hành kết nối mạch nguồn cảm hứng từ những địa tầng lịch sử huy hoàng trong quá khứ tới những cách nhìn đầy sáng tạo của các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại ngày hôm nay.

Không gian nghệ thuật đương đại này kiêm luôn chức năng giống như của một không gian bảo tàng nghệ thuật trưng bày các tác phẩm trong bộ sưu tập cố định của Quốc hội liên thông với hai bảo tàng cổ vật. Trong bối cảnh ở Việt Nam hoàn toàn chưa có bảo tàng hay không gian chính thức trưng bày chuyên biệt các tác phẩm thực hành theo xu hướng nghệ thuật đương đại thì đây có lẽ là một không gian vật lí cụ thể góp phần vẽ nên một viễn cảnh về những bảo tàng nghệ thuật đương đại chuyên biệt ở Việt Nam, góp phần đưa những thực hành sáng tác mĩ thuật ở trong nước tiến gần hơn tới xu hướng hội nhập với khu vực và quốc tế.

Theo vannghequandoi.com.vn

Hồng Nhung đưa bài