ĐỨC HẠNH

Tình trạng vi phạm bản quyền sản phẩm văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng vốn nhức nhối từ lâu, nay tiếp tục “nóng” lên sau vụ việc một thanh niên 19 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu livestream (thu và phát hình trực tuyến) trái phép bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” ngay trong rạp chiếu. Tiện ích công nghệ khiến cho những hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên đa dạng, khó kiểm soát. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ khán giả vẫn chưa có kiến thức pháp luật cũng như ý thức bảo vệ bản quyền.

Theo báo cáo tại một hội thảo về bản quyền phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam mới đây, có đến 40% số phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Phần lớn hành vi xâm phạm bản quyền phim được thực hiện bằng máy quay cầm tay hoặc điện thoại thông minh quay trộm từ màn chiếu trong rạp rồi tải lên YouTube hay các trang web, diễn đàn phim… và được gọi là “bản cam” (camera). Một kiểu vi phạm bản quyền khác là bán đĩa phim sao chép trái phép từ các đĩa phim phát hành chính thức. Gần đây, tính năng “livestream” của mạng xã hội Facebook xuất hiện, lập tức, được dùng để thu, phát trái phép rất nhiều chương trình văn hóa – giải trí như ca nhạc, kịch, phim… Một số người vi phạm có suy nghĩ đơn giản là “khoe” với cộng đồng mạng, nhưng số khác lại sử dụng vào mục đích thu hút người xem và tương tác nhằm bán quảng cáo kiếm lời.

Trước “Cô Ba Sài Gòn”, hàng loạt phim Việt có chi phí đầu tư cao và truyền thông rầm rộ từng bị “livestream” ngang nhiên, chẳng hạn như: “Siêu nhân X”, “Tấm Cám – chuyện chưa kể”, “Em chưa 18”, “Xóm trọ 3D”…Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi xâm phạm bản quyền phim như trên không chỉ khiến nhà sản xuất thiệt hại về mặt doanh thu, mà còn phá hoại giá trị thật sự của phim bởi âm thanh và hình ảnh thu lại thường bị rè và mờ, rung. Khán giả xem những bản này sẽ không cảm nhận được trọn vẹn công sức lao động sáng tạo của đoàn làm phim, vô tình có cái nhìn chưa đúng về chất lượng phim Việt.
Tuy nhiên, cho đến giờ, cách thông thường mà nhiều hãng phim áp dụng là lập một nhóm nhân viên chuyên túc trực, rà soát các trang mạng xã hội, web phim ảnh, YouTube… khi có phim công chiếu, nếu phát hiện tác phẩm bị “chôm chỉa” thì sẽ liên hệ với chủ tài khoản để yêu cầu chấm dứt và thông báo với quản trị trang đề nghị xóa nội dung. Tuy nhiên, cách này khá thủ công, mất thời gian mà hiệu quả lại thấp. Hầu hết bản quay lén vẫn lọt lưới và được đăng tải. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, đã đến lúc phải căn cứ theo luật, xử lý thật nghiêm để có những bài học cảnh tỉnh người xem, từ đó mới có thể “trấn an” các nhà làm phim; để các hãng phim tiếp tục đầu tư phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, có khung hình phạt cao nhất là một tỷ đồng và ba năm tù giam, mức phạt thấp nhất cũng khoảng 50 triệu đồng. Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Tuy đã có chế tài xử phạt, nhưng vì chưa có những giải thích cụ thể, định nghĩa về hành vi phân phối, phát tán trái phép bằng công cụ “livestream” trên mạng xã hội, cũng như chưa có biện pháp đánh giá chính xác mức độ thiệt hại theo quy định, cho nên chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm đến cùng trước pháp luật. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xâm phạm quyền tác giả vẫn có dấu hiệu gia tăng một cách đáng lo ngại.

Tuy nhiên, bên cạnh các chế tài, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở ý thức của người xem phim. Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho người dân, ngành văn hóa cần có những chiến dịch truyền thông, tăng cường hướng dẫn, giải thích tới khán giả việc xâm phạm bản quyền, cũng như các hình thức xử phạt nếu vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức của người xem, tẩy chay những phim “ăn cắp”. Các nhà sản xuất, phát hành phim cũng nên chủ động tự bảo vệ sản phẩm của mình bằng những biện pháp cứng rắn hơn như: quy định khán giả phải gửi các thiết bị điện tử cá nhân ngoài phòng chiếu phim, cử thêm nhân viên giám sát và nhắc nhở, phối hợp cơ quan chức năng xử lý triệt để cá nhân vi phạm…

Chấm dứt tình trạng quay lén phim rạp không phải là việc quá khó, không thể thực hiện. Nếu có sự vào cuộc quyết liệt của phía cơ quan chức năng, các nhà tham mưu và hoạch định chính sách; sự hỗ trợ của các đơn vị an ninh mạng, các bộ phận phòng chống xâm phạm bản quyền cũng như sự ủng hộ của người dân… thì chắc chắn tình trạng này sẽ được cải thiện, góp phần bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài