tập truyện ngắn Ban công lên trời, Tomasz Jastrun, Ba Lan, Lê Bá Thự dịch,

NXB Hội Nhà văn – Phương Nam Book, 2012

Tomasz Jastrun được mệnh danh là một trong những nhà văn đương đại Ba Lan viết khá nhiều về đề tài tình dục và tình yêu. Thực ra, tình dục chỉ là cái cớ cho ông viết về người Ba Lan đương đại, nước Ba Lan đương đại, những hệ lụy của cuộc sống đương đại. Truyện ngắn của Jastrun rất đa dạng, cho phép ta quan sát thế giới qua con mắt của đàn ông, tuy vậy, cũng có những truyện ngắn trong đó nhân vật chính là nữ giới, viết khá bạo tay, theo nhãn quan của giới nữ. Truyện ngắn của ông đi sâu vào mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống thường nhật, nơi tình dục và tình yêu diễn ra muôn màu muôn vẻ, mang lại cho con người không chỉ khoái cảm và hạnh phúc, mà lắm khi cả ưu tư, trăn trở, thất vọng và khổ đau. “Ban công lên trời (cũng là tiêu đề của tập truyện), một truyện ngắn đặc sắc của Tomasz Jastrun, không chỉ nói về một câu chuyện tình yêu, mà, dưới hình thức siêu thực và có phần kinh dị, nó cho thấy những niềm vui, hạnh phúc tột cùng của con người đều bị (hay được?) đẩy về phía những giấc mơ. Bí mật là một lát cắt tàn nhẫn của cuộc sống, nhưng qua đó, người ta thấy lấp lánh vẻ đẹp bí ẩn của tâm hồn con người” (L.A.H – Tiền phong Chủ nhật). Các truyện ngắn Những đôi mắt xanh, Căn hộ số bảy cho thấy, sự đời thật giản đơn, nhưng người ta lại cố mường tượng cho nó trở nên rối rắm, giật gân, ly kỳ, thậm chí hình sự hóa sự việc để thỏa trí tò mò: “- con bé bị giết chết rồi… có kẻ đã cắn đứt họng cô ta”. “Nhà ngươi đang hành hạ phụ nữ bằng bàn là nóng…”. Truyện Cháu đã dạy sư tử như thế nào là một hồi chuông báo động bảo rằng, “tình công sở” có sức phá hoại hạnh phúc gia đình ghê gớm như thế nào. Người đàn bà trong Bức tranh thay đổi khi mất đi người đàn ông của mình thì cảm thấy cuộc đời trở nên vô vị, mất bản năng, như con rùa vùi mình trong cát. Tuy nhiên, bức tranh thay đổi đã thức tỉnh con người này, đánh thức bản năng của con người này. Con người đã an phận, từ lâu không biết sống cho mình, bỗng nhiên lại tràn đầy sức sống, lại có những ham muốn, những phút thăng hoa rất đàn bà. Đây là một truyện ngắn nhuốm màu kinh dị, biểu đạt nhiều cung bậc của cảm xúc, cho thấy nghệ thuật đã cứu giúp một con người, và hơn thế nữa, kéo hai con người xa lạ xích lại với nhau. Phải chăng đó cũng chính là thiên chức của nghệ thuật. Cuộc hẹn hò với bóng tối khiến người đọc đồng cảm với người đàn bà chẳng còn trẻ trung song vẫn còn khát vọng, khát tình và khát dục, nhưng lại bị tuổi tác ám ảnh, thiếu tự tin, sợ chính mình, sợ ánh đèn bừng sáng, rốt cuộc sinh ra tính quẫn. Chung quy cũng tại quy luật nghiệt ngã của thời gian vốn không chừa một ai. Tóm lại, những truyện ngắn trong tập truyện Ban công lên trời là chứng tích của thời đại chúng ta, là những lát cắt bạo liệt, lắm khi nhức nhối của cuộc sống, là tấm gương phản chiếu không chỉ chuyện ngoài ngõ, mà cả chuyện trong phòng the của chúng ta. Jastrun đã cho ta thấy những gì thật khó miêu tả, những gì diễn ra bên trong đầu óc con người. Và bằng ngòi bút điêu luyện của mình ông đã làm việc này cực tuyệt.

Đọc tập truyện Ban công lên trời của Jastrun, với mười chín truyện ngắn hiện đại, văn phong mượt mà, giàu tính trữ tình, đậm chất sex, nhiều châm biếm và lắm hài hước, người đọc có cảm giác như đọc những áng thơ văn xuôi (có lẽ vì ông còn là nhà thơ).