“Âm nhạc yên lặng” thường được ví với câu chuyện cổ tích “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, vừa nghe đấy mà lại như không nghe gì…
Tháng 3/1941, khán giả New York tập trung bên ngoài một nhà hát Broadway để trải nghiệm một trong những buổi hòa nhạc kỳ lạ bậc nhất từng được tổ chức trong thành phố. Dàn nhạc 13 người được chỉ huy bởi nhà soạn nhạc người Mỹ Raymond Scott đã thực hiện một show diễn ấn tượng.
Âm thanh duy nhất vang lên là… sự im lặng. Mục đích của Raymond Scott là tạo ra một sản phẩm “âm nhạc im lặng”. Tuy vậy, với một ý tưởng và cách thể hiện quá mới lạ như vậy, thông điệp mà nhà soạn nhạc muốn chuyển tải tới công chúng không dễ gì được đón nhận.
Có lẽ do ý tưởng của Raymond Scott đi trước thời đại quá, nên công chúng đã khó lòng đón nhận thử nghiệm nghệ thuật của ông.
11 năm sau, nhà soạn nhạc người Mỹ John Cage cho ra mắt sáng tác được đánh giá là táo bạo bậc nhất trong sự nghiệp – bản nhạc “4′33″” – dài 4 phút 33 giây, được viết ra với chỉ một hướng dẫn duy nhất dành cho các nhạc công rằng: Không được tạo ra bất cứ một âm thanh nào!
Ý tưởng về “âm nhạc yên lặng” của John Cage quá “cấp tiến” đến mức mẹ của ông lo lắng hỏi một đồng nghiệp của con – nhà soạn nhạc Earle Brown rằng: “Cậu không nghĩ lần này con trai tôi đã đi quá xa rồi sao?”.
Đáng lẽ bà thân sinh của nhà soạn nhạc John Cage không cần phải quá lo lắng như vậy, bởi cho đến thời đại của ông, khái niệm “âm nhạc yên lặng” (silent music) đã trở thành một thử nghiệm nghệ thuật được nhiều nghệ sĩ thực hiện.
Huyền thoại John Lennon cũng từng có hai “nhạc phẩm” là “The Nutopian International Anthem” và “Two Minutes Silence”, nhiều nghệ sĩ đương thời khác cũng đã tung ra những “nhạc phẩm im lặng” tương tự.
Trong tất cả những thể nghiệm âm nhạc có thể khiến các nhà phê bình tranh luận gay gắt nhất, âm nhạc im lặng đã “khiêu khích” họ hơn cả. Sự im lặng có khi nào giúp tạo nên một tuyên ngôn nghệ thuật có giá trị?
Động lực đằng sau ý tưởng của nhà soạn nhạc Raymond Scott hồi năm 1941 đã không được nhiều người thấu hiểu; khán giả khi đó chỉ coi buổi trình diễn của ông là một hiện tượng kỳ thú, họ không thể nào ngừng cười khúc khích trong suốt phần trình diễn của dàn nhạc.
Có lẽ hình ảnh những nhạc công “giả vờ” thổi phù phù vào cây kèn hay vung dùi thật mạnh nhưng không chạm vào mặt trống… được thực hiện chỉ để tạo nên hiệu ứng hài hước, kỳ khôi nhằm thỏa mãn phần nào thị giác của khán giả.
Nhà triết học người Anh – Julian Dodd từng bình luận về phong cách trình diễn “âm nhạc im lặng” là một ẩn dụ châm biếm về “nỗ lực và thất bại”.
Thực tế, phần lớn những “nhạc phẩm im lặng” từng được các nghệ sĩ thực hiện chỉ là một cách để họ gây tranh cãi trong giới phê bình và thu hút sự quan tâm hiếu kỳ của công chúng, đó hiếm khi là những sản phẩm nghệ thuật nghiêm túc.
Bản nhạc “The Best of Marcel Marceau” dài 19 phút do nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ Michael Viner thực hiện là một ví dụ điển hình khác. Trong bản nhạc này, khán giả sẽ chỉ được nghe một sự im lặng gần như tuyệt đối, thỉnh thoảng có tiếng vỗ tay của khán giả vang lên tựa như người ta đang tán thưởng nghệ sĩ.
“Âm nhạc yên lặng” là một trò đùa tếu, một trò chơi khăm. Vậy mà album “The Wit and Wisdom of Ronald Reagan” (1980) của hãng thu âm Stiff Records (Anh) – một đĩa than “trắng xóa”, không có bất cứ một âm thanh nào – lại bán được hơn 30.000 bản.
Trò đùa của “âm nhạc im lặng” không dừng lại. Năm 2014, ban nhạc Mỹ – Vulfpeck – cho ra mắt album “Sleepify” trên một trang nghe nhạc trực tuyến và khuyến khích người nghe hãy “lắng nghe” album này mỗi khi muốn chìm vào giấc ngủ.
Các nhà phê bình có cái nhìn thiện cảm với “âm nhạc yên lặng” cho rằng đây là một dạng thức âm nhạc khiến người nghe có nhận thức rõ ràng hơn về những thứ lọt vào tai mình, đối lập với việc nghe thụ động, mà trong cuộc sống hôm nay, càng lúc chúng ta càng quen với nghe thụ động.
Chẳng hạn bạn bước vào một siêu thị, nhạc được bật sẵn, bạn nghe một cách vô thức và nhiều khi còn quên mất rằng mình đang nghe nhạc. Âm nhạc yên lặng được xem là nhấn mạnh vào khía cạnh thẩm mỹ của thanh âm, khiến chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc về âm nhạc.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khái niệm “âm nhạc yên lặng” được thấu hiểu hơn bao giờ hết bởi sự ô nhiễm tiếng ồn phổ biến ở khắp các thành phố lớn, con người trong nhịp sống công nghiệp cũng thường khao khát một trạng thái tâm hồn thư thái.
Các nhà khoa học thần kinh khẳng định rằng nếu thực sự thư giãn và được đặt trong một bối cảnh yên lặng gần như tuyệt đối, đầu óc con người sẽ nghe thấy những âm thanh vang lên, bất chấp việc họ đang nghe “âm nhạc yên lặng”.
Bởi lúc này, những thanh âm quen thuộc trong tiềm thức của chúng ta sẽ vang lên trong trí não, trên cái nền tĩnh lặng tịch mịch. Việc chìm vào tĩnh lặng sẽ giúp tâm trí của chúng ta thư giãn “bồng bềnh”.
Trong một buổi biểu diễn âm nhạc, những khoảng lặng được bố trí xen kẽ để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn hơn những nhạc phẩm vang lên sau đó.
Đa phần các nhà nghiên cứu đều cho rằng âm nhạc yên lặng không phải là… âm nhạc, “âm nhạc yên lặng” chỉ là một thử nghiệm nghệ thuật, họ không còn tranh cãi về nó nữa và đã có những nhận định cởi mở hơn, thậm chí còn đề cao những thông điệp sâu sắc được chuyển tải.
Cuối cùng, những tranh luận từ trước đến nay về “âm nhạc yên lặng” đã cho thấy rằng một thông điệp không nhất thiết phải “gây sốc” mới có thể thu hút sự chú ý, đôi khi, chỉ cần im lặng cũng đủ khiến tất cả phải lắng nghe và tranh luận.
Theo Bích Ngọc – Dân trí ( dịch từ BBC)