Mặc dù đến ngày 15-12 hội sách cuối năm của công ty Alpha Books mới khai mạc tại Hà Nội, nhưng dư luận 2 ngày qua đang bất bình cách dùng từ ‘lẩu sách cuối năm’ vì cho rằng nói như vậy là rẻ rúng sách.
Chiều 13-12, công ty Alpha Books ra thông cáo báo chí, cho biết rằng đơn vị này “rất lấy làm tiếc đã gây ra những cảm xúc không tốt từ bạn đọc và công chúng liên quan đến “thử nghiệm” bán sách theo cân”.
Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với nhân viên Alpha Books phụ trách truyền thông của hội sách này, và được chia sẻ rằng phía công ty đang “buồn và tiếc” vì sự cố “lẩu sách”.
Theo đó, những phản ứng từ công chúng đều được Alpha Books xem xét, và cũng như thông cáo báo chí, vị nhân viên này cũng cho biết thực ra hình thức bán sách theo cân chỉ là một phần nhỏ của hội sách chứ đây không phải là hội sách cân ký.
“Bên cạnh đó còn có những hình thức chiết khấu và khuyến mãi khác”, tuy nhiên, phía Alpha Books cũng thừa nhận lỗi của đơn vị này là đã cung cấp thông tin ban đầu không rõ ràng, khiến cho công chúng vừa khó chia sẻ với từ “lẩu sách”, vừa liên tưởng lẩu sách chính là bán sách cân ký.
Tuy nhiên, Alpha Books cũng khẳng định đơn vị này không hề rẻ rúng sách và tri thức hay làm xấu xí đi hình ảnh của ngành sách nước nhà, bởi nhiều năm qua, Alpha Books đã cùng các đơn vị xuất bản khác nỗ lực xây dựng những điều tốt đẹp cho ngành sách Việt Nam.
“Chúng tôi chắc chắn không bao giờ dám coi thường các tác giả hay tri thức nói chung, vì nếu như thế thì chính chúng tôi là một trong những phía bị ảnh hưởng và tổn thương nhiều nhất”, thông cáo báo chí của Alpha Books giãi bày.
Lãnh đạo Alpha Books đã từ chối một cuộc trả lời phỏng vấn chính thức, vì “trong bối cảnh hiện nay chúng tôi lựa chọn phương án không nói nhiều nữa, và tập trung làm cho thật tốt hội sách lần này…”
Về việc liệu Alpha Books có dùng lại cụm từ “lẩu sách” nữa không, phía Alpha Books cũng từ chối trả lời, và cho biết “có thể sau khi hội sách kết thúc, chúng tôi sẽ trả lời phỏng vấn”.
Trong khi đó, một chuyên gia ngành sách tại TP.HCM cho biết thực ra mô hình một hội sách bán bằng cách cân ký đã có ở Malaysia.
“Họ bán sách cân ký, gọi tên là “Big bad wolf book fair” (hội sách những chú sói xấu xí), mọi người có thể mua hàng va li sách mang về thoải mái”, vị chuyên gia giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, dư luận trong hai ngày qua thể hiện phần lớn bạn đọc Việt Nam chưa quen với hình thức bán sách cân ký tại một “hội sách chính quy”.
Cảm giác bất bình là có thực, một nữ nhà văn đã dẫn mức giá bán 88.000 đồng/cân sách của Alpha Books lên trang cá nhân của chị, và nhận xét rằng:
“Thật ra giá bán này không rẻ. Nhưng KHINH cách dùng từ của một công ty sách. Không biết may hay hên mà mình chưa từng in sách ở đây, chưa hề có ý định in và tủ sách của mình cũng không có cuốn nào in ở công ty này”.
Suy nghĩ theo hướng trách nhiệm hơn, ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc Nhà xuất bản Trẻ – cũng chia sẻ trên facebook cá nhân một ý đáng suy nghĩ:
“Việc sử dụng khái niệm “lẩu sách” hay “buffet sách” là việc cũng bình thường và cũng là quyền của các doanh nghiệp. Với tư cách là một người đang làm “lái sách”, tôi chấp nhận, thậm chí là tôn trọng những sáng kiến này, nhưng tự đáy lòng mình, tôi không thích và tôi sẽ không dùng những từ này khi chúng tôi bán giảm giá sách cũ, sách tồn kho của mình.
Ai chê tôi bảo thủ, lạc hậu, dạ thưa cho tôi xin nhận. Nhưng tôi không thể dùng những từ này với sách chúng tôi làm. Sách chúng tôi làm có thể không hay, thậm chí đôi khi có sơ sót vì năng lực chúng tôi có hạn.
Nhưng chúng tôi cố gắng làm sách với tất cả đam mê, khả năng vốn có và cả nghiệp dĩ của đời mình: “Lỡ sinh ra kiếp thân tằm, không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ”.
Vì thế dở chúng tôi chịu, nghèo chúng tôi cam, chúng tôi không đành lòng đem sách mình làm lẩu, làm buffet… Chúng tôi phải làm cách khác để bán sách tồn kho của mình hầu bớt khổ đau mà mau về hạnh phúc”.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ.
Dương Thanh đăng bài