Dù có là một fan ruột của “đế chế” hoạt hình Pixar, chưa chắc bạn đã biết những “bí mật hậu trường”, hay phát hiện ra những chi tiết tưởng như tình cờ nhưng lại đầy chủ ý xuyên suốt các tác phẩm ăn khách của hãng phim nổi tiếng thế giới này.

Chiếc đèn “hại não” trong phim Pixar

1. 1995

Hẳn bạn đã biết, 1995 là năm Pixar cho ra đời bộ phim hoạt hình dài đầu tiên “Toy Story” (Câu chuyện đồ chơi) – tác phẩm kinh điển được đánh giá là một trong những bộ phim hoạt hình thành công nhất về mặt thương mại. Thú vị là con số 95 kể từ đó cũng xuất hiện kha khá trong các bộ phim hoạt hình sau này của Pixar. Đơn cử là số 95 trên chiếc Lightning McQueen trong “Cars”, trên đầu tàu hỏa hay thậm chí trên áo của một cậu nhóc đang nô đùa ở nhà trẻ Sunnyside Daycare trong “Toy Story 3”.

2. Nhân vật phản diện trở thành hot boy nhặt rác

Sid Phillips, nhân vật phản diện trong phần đầu tiên của “Toy Story” không hiểu thế nào lại tái xuất trong phần 3. Không ai nghĩ ở phiên bản “người lớn”, Sid lại là một anh chàng dọn rác phong cách, lướt qua màn hình độ vài giây nhưng cũng đủ để lại ấn tượng. Bạn nhận ra chiếc T-shirt in hình đầu lâu chứ? Ngay cả diễn viên lồng tiếng cho nhân vật này cũng vẫn là Erik von Detten.

3. Đọc đi đọc lại một bài báo

Trong “The Incredibles” (Gia đình siêu nhân)  – bộ phim do Brad Bird làm biên kịch kiêm đạo diễn, “siêu nhân bố” Bob cầm tờ báo với dòng tít hơi tối nghĩa trên trang nhất: “Thảm họa xuất hiện lúc khủng hoảng tới”. Dòng tít này cũng đồng thời xuất hiện ở tờ báo trên tay một nhân vật trong “The Iron Giant” (Người khổng lồ sắt) – một bộ phim của hãng Warner Bros cũng do Brad Bird làm đạo diễn năm 1995. Ngạc nhiên là 40 năm trước, cái tít tương tự cũng xuất hiện trong “Lady and Trump” (Tiểu thư và Gã bụi đời) – một bộ phim kinh điển của hãng Disney, ra đời năm 1955.

 

4. Tên phim Pixar trên những cuốn sách

Trong lúc nhân vật chính Woody (“Toy Story”) lên phát biểu, ít ai màng đến mấy cuốn sách đằng sau. Các họa sĩ của Pixar nhiều khi thật khéo PR cho các tựa phim kinh điển từ thế kỷ trước của hãng lên gáy mấy cuốn sách. Cụ thể là “The Adventures of André and Wally B”, “Red’s Dream”, “Luxo Jr”, “Tin Toy” và “Knick Knack”.

5. Phim nọ ẩn trong phim kia

Trong “Toy Story 2”, khi chú heo Hamm bật thời sự nghe ngóng tin thời sự xem ai là kẻ bắt cóc anh chàng Woody, TV chuyển kênh liên tục và hiện lên hàng loạt chi tiết trong các phim ngắn đã xuất xưởng của Pixar (Vẫn là Red’s Dream, Luxo Jr, Tin Toy, Knick Knack). Mấy chi tiết này chỉ diễn ra trong chớp mắt, và dễ là bạn đã bỏ lỡ nó.
6.  Nội thất Toy Story lấy cảm hứng từ phim kinh dị

Việc xây dựng phim có sự tham khảo từ các tài liệu điện ảnh khác nhau là chuyện bình thường của các nhà sản xuất. Pixar cũng vậy. Các họa sĩ đã trang trí nội thất cho nhà Sid (“Toy Story”) bằng một tấm thảm đặc biệt.  Tấm thảm này được lấy cảm hứng từ mẫu thảm khách sạn xuất hiện trong “The Shining” –  một trong những bộ phim kinh dị được đánh giá hay nhất mọi thời đại của đạo diễn gạo cội Stanley Kubrick. Bộ phim ra đời năm 1980, và giám đốc sản xuất “Toy Story 3” Lee Unkrick là một fan hâm mộ lớn của bộ phim này.

7.  “iCar” của Apple

Đồng sáng lập Apple Steve Jobs cũng là một nhà đầu tư quan trọng của Pixar khi mua xưởng phim này từ công ty mẹ Lucasfilm. Thế nên tình cờ, bạn có thể sẽ phát hiện ra logo quả táo cắn dở trên một chiếc xe đối thủ của Lightning McQueen (“Cars”) trên đường đua. Con số 84 cũng xuất hiện trên anh bạn xe này. Đó cũng là năm chiếc MAC đầu tiên xuất hiện trên thế giới.

8. Chiếc quần của fan “Incredibles”

Trong “Ratatouille” (Chú chuột đầu bếp), phải nhanh mắt lắm bạn mới phát hiện ra chiếc quần chip của anh phụ bếp vụng về Linguine mang logo của nhà Siêu nhân trong “Incredibles”. Nếu bạn không kịp nhìn thấy thì có lẽ vô số người khác cũng vậy.

9. Nhân vật chạy sô

Nhân vật Bomb Voyage xuất hiện trên đường phố California trong “The Incredibles” cũng xuất hiện đôi lần trong “Ratatouille”. Lần này, trên hè phố Paris, anh ta vào vai một diễn viên kịch câm, khi cặp đôi Linguine và Colette trượt patin qua. Thêm một ví dụ cho việc tận dụng hình ảnh nhân vật phim này cho phim nọ, giảm áp lực công việc cho các họa sĩ.

10. Hai ông cụ

Hình tượng hai cụ già xuất hiện trong đoạn gần cuối của “Incredibles” được dựa theo hình ảnh của Frank Thomas và Ollie Johnston – hai trong “bộ sậu” 9 họa sĩ hoạt hình gạo cội quá cố của hãng Disney.

11. Đàn chim xanh

Bạn còn nhớ những chú chim xanh dễ thương hết sức trong “For the Birds” (năm 2000) chứ? Chúng còn xuất hiện trong cả “Cars” lẫn “Inside Out” (Những mảnh ghép cảm xúc) nữa. Lại một ví dụ cho việc tận dụng thành quả lao động của các họa sĩ Pixar.

12.  Gấu Lotso

Gấu Lotso trong “Toy Story 3” thực ra đã từng xuất hiện trong “Up” một cách mờ nhạt. Trong bộ phim này, Lotso ngồi trên sàn, bên góc giường của một cô nhóc trong cảnh ngôi nhà bong bóng bay qua cửa sổ nhà cô.

13. Khoái cơm chiên

Món cơm chiên Trung Quốc giao tận nơi hình như là một món được ưu ái trong phim của Pixar. Như bạn thấy, chúng xuất hiện trong “Toy Story 2”, “A Bug Life” (Thế giới côn trùng), “Monster Inc” (Công ty quái vật), và cả “Inside Out”.

14. Xe tải Pizza Planet

Hình ảnh chiếc xe tải giao Pizza này xuất hiện lần đầu trong “Toy Story”, và sau này còn xuất hiện trong “A Bug’s Life”, đậu trước ngôi nhà lưu động trong “Monsters Inc” hay chạy trên đường phố trong “Finding Nemo”.

 

15.  Đèn Luxo Jr

Là một trong những nhân vật đặc biệt nhất của Pixar, đèn Luxo Jr đã xuất hiện đầy “hại não” nhưng cũng không kém phần tinh tế trên bầu trời đầy sao ở phần đầu “Toy Story 2”. Phía trên, góc phải, hơi chệch vào giữa, nếu bạn tinh mắt.

Theo Quân Chu – An ninh thủ đô