Danh họa Pablo Picasso từng nói: “Nghệ thuật giúp cuốn đi khỏi tâm hồn những hạt bụi mệt nhọc của đời sống”…
Từ lâu, sáng tạo nghệ thuật đã được xem là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhất để chăm sóc sức khỏe tinh thần, sự hưng phấn trong sáng tạo nghệ thuật còn được cho là liều thuốc giảm đau, liều thuốc an thần tự nhiên.
Dưới đây là những cách thư giãn bằng sáng tạo nghệ thuật đơn giản nhất, không đòi hỏi bạn phải là một nghệ sĩ thực thụ và cũng không cần quá cầu kỳ trong cách thực hiện.
Tìm đến nghệ thuật chính là một cách để giải tỏa suối nguồn sáng tạo của bản thân, giúp mạch nguồn ấy được khơi thông và chảy đều đặn, công việc và cuộc sống của bạn sẽ có thể nhận được nhiều lợi ích từ đó.
Điều quan trọng nhất không phải là tác phẩm sau cùng của bạn đẹp đẽ, ấn tượng tới mức nào, mà chính quá trình thực hiện đã giúp tâm trạng, tinh thần của bạn biến đổi ra sao.
Thiết kế bưu thiếp:
Khi có những xúc cảm khó nói thành lời hoặc một cơn giận đang phải kìm nén, đôi khi bạn hãy liệt kê tất cả những chi tiết xuất hiện trong đầu ra giấy để giúp vấn đề trở nên rõ ràng, mạch lạc hơn, sau đó, hãy thiết kế một tấm thiệp để kẹp tờ giấy này lại, coi như một lá thư tự gửi cho chính mình. Tất cả những tấm thiệp cảm xúc này hãy cất giữ lại, một lúc nào đó mở ra xem, bạn sẽ thấy “bộ sưu tập cảm xúc” của mình thú vị và giá trị tới mức nào.
Làm tranh cắt dán:
Nếu trong nhà sẵn có họa báo hoặc giấy bìa, hãy cắt dán một cách ngẫu hứng để tạo thành một bức tranh. Chứng kiến một tác phẩm mới dần hình thành theo một cách làm thủ công như những em bé tiểu học, sẽ giúp đưa lại cho bạn niềm vui và sự sảng khoái bất ngờ. Việc thực hiện tranh cắt dán bao gồm hai công đoạn: phá hủy và tạo dựng. Bạn cắt những cuốn họa báo, những tờ giấy bìa, để tạo nên một tác phẩm mới, việc làm đó khuyến khích bạn “mạo hiểm” để sáng tạo nên một cái gì đó mới mẻ.
Vẽ trong bóng tối:
Điều khiến nhiều người lớn hạn chế sáng tạo nghệ thuật, đó là bởi họ sợ bị người khác đánh giá. Hãy gạt nỗi ngại ngùng đó ra khỏi đầu và thử sáng tạo nghệ thuật trong bóng tối, một dạng sáng tạo hoàn toàn tự do, khiến ngay chính bạn cũng không chắc chắn tác phẩm của mình trông như thế nào, khi bật đèn sáng trở lại, chính bạn cũng phải bất ngờ.
Vẽ để thiền:
“Zentangle” là một loại hình vẽ kết hợp thiền trong tâm trí, được sáng tạo bởi hai nghệ sĩ người Mỹ Rick Roberts và Maria Thomas. Để vẽ được một tác phẩm đúng nghĩa “Zentangle” rất kỳ công và phức tạp, nhưng bạn hoàn toàn có thể thực hiện theo phương pháp cơ bản. Hãy lấy cho mình một tờ giấy và bắt đầu vẽ thật tự do những đường diềm uốn lượn bắt đầu từ mép giấy. Bạn có thể nâng dần độ khó của tác phẩm theo thời gian, nhưng không bao giờ nên để một lượt vẽ kéo dài hơn 15 phút. Đó là thời gian cần và đủ cho một lượt thư giãn.
Làm giấy tha thứ:
Mỗi ngày, chúng ta đều phải trải qua những áp lực buộc mình phải thể hiện tốt nhất năng lực của bản thân, ở cơ quan và thậm chí là ở cả gia đình. Đôi khi bạn tự “bắt lỗi” chính mình và cảm thấy khổ sở để có thể tự tha lỗi cho những thiếu sót, sai lầm của bản thân. Hãy tự giải thoát cho mình khỏi tâm trạng bức bối, day dứt đó bằng những tờ giấy chấp nhận, ghi chép lại một lỗi sai nào đó mà giờ bạn muốn tự tha thứ, giảng hòa với chính mình.
Viết một bài thơ:
Làm thơ đương nhiên không đơn giản, nhưng nếu có thể làm một vài câu thơ theo phong cách tự do, dạng thơ “con cóc”, thơ “bút tre”, bạn sẽ thấy tâm hồn mình được giải phóng theo cách tích cực nhất. Nếu một câu chuyện, một tâm sự nào đó đã ở sẵn trong đầu rồi, bạn hãy thử ngó qua một cuốn sách, một bài báo… để bắt lấy một vài từ truyền cảm hứng, từ đó vần vè sẽ bắt đầu tuôn ra. Hãy thử nghiệm bằng cách sáng tác một đôi câu thơ ngắn.
Làm hộp tha thứ:
Nếu có một ai đó khiến bạn cảm thấy buồn bã, tức giận, nhưng giờ đây, bạn không muốn giữ lại những xúc cảm tiêu cực đó nữa, mà muốn tha thứ, hãy làm hộp tha thứ. Hãy dành ra một chiếc hộp, đựng tất cả những bức ảnh, bưu thiếp, kỷ vật gắn liền với người đó vào trong chiếc hộp. Mỗi khi xúc cảm tiêu cực ập đến, nhìn vào chiếc hộp tha thứ với những kỷ vật đẹp đẽ, những ký ức vui vẻ sẽ hiện ra, giúp bạn tha thứ dễ dàng hơn.
Thực hiện “cuốn lịch nuông chiều”:
Thường những cuốn lịch của chúng ta được lấp đầy bằng những nhiệm vụ phải làm mỗi ngày, khiến nhiều khi việc xem lịch vô tình đưa lại những xúc cảm căng thẳng bởi hàng loạt nghĩa vụ và trách nhiệm bắt đầu hiện ra. Bên cạnh lịch công việc, hãy thực hiện cho mình một cuốn lịch “nuông chiều bản thân”, với những chú thích mỗi ngày kiểu như: hôm nay tự thưởng cho mình một thanh sôcôla, ngày mai đi spa, cuối tuần đi mua sắm, hoặc đơn giản là những lời nói tự động viên, khen ngợi chính mình trước một ngày “ngập đầu ngập cổ”, hoặc một câu trích dẫn truyền cảm hứng mà bạn yêu thích. Tất cả những điều nhỏ nhặt đó sẽ khiến mỗi ngày của bạn đều trở nên đặc biệt, ngọt ngào và hứng khởi hơn.
Vẽ chân dung chính mình trong quá khứ:
Cùng với thời gian, tất cả chúng ta đều thay đổi và có những lúc bạn cảm thấy nhớ chính mình ở một giai đoạn nào đó trong quá khứ, hãy sử dụng ký ức và trí tưởng tượng để thử phác họa lại hình ảnh của chính mình tại một thời điểm nào đó của “ngày xưa”. Việc làm này cũng thú vị như việc đọc lại nhật ký của chính bạn vậy.
Làm cây ước nguyện:
Cây ước nguyện tồn tại trong nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa Nhật, ý nghĩa của cây này rất đẹp, bạn hãy viết ra những ước muốn của mình lên một dải dây hoặc một thẻ gỗ rồi buộc lên cây. Cái cây sẽ thay bạn giữ gìn những ước mơ. Trong cuộc sống, chúng ta có những ước muốn khác nhau ở những giai đoạn khác nhau. Đôi khi ngồi nhìn lại những ước muốn đã từng được chính mình viết ra cũng là một cách để thúc đẩy bản thân hoàn thiện, tiến xa hơn trong cuộc sống. Hãy bắt đầu từ việc mua cho mình một chậu cây…
Tạo “chốn nương náu”:
Bạn có nhớ thuở nhỏ thường thích “xây pháo đài” từ chăn và gối, sau đó sẽ chốn vào trong “pháo đài” bí mật và cảm thấy thế giới riêng này thật tuyệt diệu? Lấy cảm hứng từ trò chơi tuổi ấu thơ, bạn hãy tự tạo ra cho mình “một pháo đài nương náu”. Hãy tậu một chiếc lều du lịch và dựng nó lên ở một góc ban công hay trên tầng thượng, đặt vào trong lều những món đồ khiến bạn thấy thích thú nhất, những món đồ kỷ vật thân thiết, chăn nệm êm ái, và đừng quên mang theo cả đèn vào trong lều. Vào những lúc thảnh thơi, bạn có thể trốn vào trong chiếc lều của riêng mình để nghe một bài hát, đọc một cuốn sách hoặc chỉ đơn giản là ngồi yên tĩnh, tách ra khỏi mọi thứ khác.
Lưu lại những ký ức hữu hình:
Lần tới, khi bạn cảm thấy mình vừa có một khoảng thời gian vui vẻ, thú vị, hãy mang về nhà một kỷ vật nào đó gắn liền với sự kiện, chẳng hạn một viên sỏi (nếu bạn vừa trở về từ kỳ nghỉ ở biển), cuống vé xem phim (nếu bạn vừa có một buổi tối đi xem phim vui vẻ), một chiếc lá (nếu bạn vừa đi dạo mát thư thái quanh hồ)… Bất cứ thứ gì nhỏ nhắn đều có thể trở thành vật lưu niệm dễ thương, giúp bạn lưu giữ lại những ký ức đẹp trong “chiếc hộp niềm vui”, đánh dấu những khoảnh khắc đẹp đẽ, vui vẻ, để mỗi khi bạn buồn, nhìn vào chiếc hộp ấy, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình vốn cũng đầy ắp niềm vui như thế nào.
Theo Bích Ngọc – Dân trí (dịch từ Huffing Post)