Năm nay, BBC Culture đã giới thiệu nhiều bộ ảnh đáng chú ý, trong đó có bộ ảnh đứa trẻ sống giữa bầy sói hay hình ảnh kỳ lạ trong công viên giải trí ở Trung Quốc…
Dưới đây là 10 hình ảnh gây ấn tượng nhất năm 2015:
1. Age of Happiness (tác giả Vladimir Yakovlev): “Lâu nay,chúng ta vẫn tin rằng những người có bí quyết sống lâu và giữ được sức trẻ chỉ có thể tìm thấy trong các hang động hoặc tu viện trên núi cao, rừng sâu. Nhưng điều này không đúng” – Vladimir Yakovlev, nhà báo Nga, tác giả bức ảnh nói với BBC Culture hồi tháng 1. “Tôi thấy có những người như vậy ở giữa chúng ta, có thể là người hàng xóm, người ở phố bên cạnh hoặc ở những thành phố mà chúng ta vẫn thường lui tới. Chẳng qua là chúng ta không biết họ”.
Ảnh chụp nữ vũ công kiêm giáo viên yoga Tao Porchon-Lynch hồi tháng 11/2011 khi 93 tuổi.
Yakovlev bắt đầu dự án Age of Happiness của mình hồi năm 2011, qua đó ông chụp ảnh nhiều người trên khắp thế giới đang “bất chấp” sự lão hóa. Năm nay, Yakovlev xuất bản cuốn sách ảnh dựa theo dự án của mình.
Mang tựa đề Called How I Would Like To Be When I Am 70?, cuốn sách gồm hình ảnh của 30 người “từ chối” sự lão hóa, trong đó có một vận động viên lướt sóng 75 tuổi, người chạy marathon 103 tuổi và một ngôi sao phim khiêu dâm 79 tuổi.
Đây là bức ảnh Yakovlev chụp vũ công kiêm giáo viên yoga Tao Porchon-Lynch hồi tháng 11/2011, khi đó bà 93 tuổi.
2. Jump (Philippe Halsman): Cuốn sách Jump của Philippe Halsman vừa được xuất bản, trong đó có hình ảnh của huyền thoại màn bạc Marilyn Monroe, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng Công tước và nữ Công tước xứ Windsor đang nhảy lên không trung.
Bức ảnh Halsman chụp Grace Kelly năm 1954
Trong một phòng trưng bày của Halsman còn có cả bức chân dung nghệ sĩ Pháp gốc Nga Marc Chagall đang cười, huyền thoại màn bạc Brigitte Bardot trong trạng thái vui vẻ và họa sĩ Salvador Dali đang đùa bên 3 chú mèo. Chỉ có một số ít người từ chối nhảy tung người lên để Halsman chụp. Ông đã đưa ra giả thuyết để giải thích về sự từ chối của họ.
“Thật kỳ lạ, chỉ có những người đàn ông từ chối làm việc đó. Không có người phụ nữ nào từ chối lời đề nghị của tôi” – Halsman viết.
Đây là bức ảnh Halsman chụp Grace Kelly hồi năm 1954, năm phát hành phim Rear Window and Dial M for Murder do bà thủ diễn chính.
3. Feral Children (Julia Fullerton-Batten): Những bức ảnh trong dự án mới nhất của Julia Fullerton-Batten vừa đẹp vừa gây lo lắng. Những mảnh đời được mô tả trong loạt ảnh Feral Children là có thật.
Fullerton-Batten đã chụp các bức ảnh về những người bị tách biệt hẳn với cuộc sống con người, thường là từ khi còn nhỏ. “Có 2 ngữ cảnh khác hẳn nhau, hoặc là là đứa trẻ lớn lên trong rừng, hoặc là đứa trẻ sống trong gia đình, song bị bỏ mặc và bị đối xử tàn tệ đến mức chúng cảm thấy ở bên động vật thoải mái hơn bên những người khác” – Fullerton-Batten nói với BBC Culture.
Cô bé sống giữa bầy chó
Hình ảnh này được tái tạo từ trường hợp của cô gái Ukraine Oxana Malaya. Theo Fullerton-Batten: “Hồi năm 1991, Oxana được phát hiện sống giữa bầy chó trong một chuồng chó. Lúc đó Oxana 9 tuổi và đã sống với chó 6 năm. Cha mẹ cô bé nghiện rượu và một đêm, họ vứt cô bé ra ngoài. Tìm nơi ấm áp để trú ngụ, Oxana đã bò vào chuồng chó và được những chú chó lai “ấp ủ”.
Tình cảm của bầy chó đã cứu sống Oxana, chỉ có điều sau đó cô bé đã đi bằng 4 chân, miệng cũng tru lên, nhe răng và sủa như chó. Do không được tiếp xúc thường xuyên với con người, nên cô bé chỉ biết mỗi từ “vâng” và “không”. Hiện Oxana được điều trị trong một bệnh viện ở Odessa và chơi cùng các động vật trong khu của bệnh viện. Đây không phải là trường hợp như Tarzan. Khi biết chuyện này, tôi rất sốc và kinh hãi”.
4. Skate Girls of Kabul (Jessica Fulford-Dobson): Với loạt ảnh Skate Girls of Kabul, nữ nhiếp ảnh gia Anh Jessica Fulford-Dobson đã chụp ảnh các bé gái học trượt ván ở Afghanistan, đất nước mà sở thích này bị coi là điều cấm kỵ đối với phụ nữ.
Tổ chức từ thiện Skateistan của Afghanistan bắt đầu dự án này hồi năm 2007 và giờ đã huấn luyện được hơn 1.200 trẻ em tới học trượt ván/tuần.
Các bé gái học trượt ván ở Afghanistan
Trong lời tựa cuốn sách ảnh của mình, Fulford-Dobson viết: “Khi bạn trao cho người ta cơ hội được làm việc gì đó mà họ yêu thích, bạn mới có thể phát hiện được cá tính, phong cách của người đó và làm thế nào để bộc lộ được những điểm đó”.
5. Chinese Fun (Stefano Cerio): Thập kỷ trước, nhiếp ảnh gia Italy Stefano Cerio đã chụp ảnh các khu trượt tuyết, thủy cung và tầu đi chơi biển vào ban đêm hay trong tuyết trắng xóa. Loạt ảnh mới của ông, được đăng trong cuốn sách mới Chinese Fun, lại là những bức ảnh chụp các tầu lượn, đài phun nước và sòng bạc dưới những đám mây nặng trĩu, màu sắc sáng sủa của chúng nổi bật trong nền sương khói.
Với dự án này, Cerio muốn nêu bật hiện tượng sương khói là hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường chứ không phải do các điều kiện thời tiết.
Bức ảnh này chụp một điểm nổi tiếng để chụp ảnh cưới ở Hoài Nhu, quận cận nội thành ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
“Cây đàn piano chỉ là giả, là một phần của bối cảnh chụp ảnh, đồ vật trang trí cho các cô dâu chú rể. Nếu đây là nơi bị bỏ mặc, tôi không muốn chụp bức ảnh đó bởi đây không phải là câu chuyện của tôi” – Cerio nói.
6. The New British Family (Chris Steele-Perkins): “Cả thế giới hiện ở trong một thành phố” – theo nhiếp ảnh gia Chris Steele-Perkins, người đã dành cả sự nghiệp của mình để ghi lại những thay đổi ở nước Anh. “Điều này chưa từng xảy ra trước đó trong lịch sử loài ngoài và khiến cho London trở nên độc đáo”.
Perkins sinh ra ở Myanmar trước khi tới Anh khi còn nhỏ, hồi năm 1949. Đến nay, ông đã chụp nhiều gia đình London đến từ những nước khác nhau và đã đã chụp ảnh người nhập cư từ 66 nước, trong đó có Kyrgyzstan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Hàn Quốc và Syria.
Bức ảnh này chụp Ana Tordecilla (người mặc bộ đồ đen ngồi trước), cạnh mẹ cô, bà Anita Rodriquez, và xung quanh là những người thân của cô. Gia đình họ đến từ Chile.
“Báo chí cứ làm giật gân chuyện nhập cư” – Steele-Perkins nói. “Chúng ta đã thấy rất nhiều nhóm người thiểu số trở thành mục tiêu và sau đó tạo nên những lo ngại thái quá về họ, lo sợ họ gây náo loạn. Bản thân là một người nhập cư, tôi thấy thật điên rồ khi có suy nghĩ như vậy”
7. On Beauty (Rick Guidotti): ‘Tôi thường chụp ảnh những người có sự khác biệt và thực sự muốn nắm bắt được vẻ đẹp nội tâm của họ” – Guidotti nói.
Tâm huyết của nhiếp ảnh gia Mỹ này được thể hiện rõ trong dự án ảnh mới mà ông bắt đầu xúc tiến từ cách đây gần 20 năm, trong đó chụp ảnh những người có sự khác biệt rõ về gen. Guidotti đã tiếp cận với tổ chức quốc gia về bệnh bạch tạng ở Mỹ và nhận được sự ủng hộ của tổ chức này.
Đây là bức ảnh chụp Christine. “Cô gái bị bạch tạng này trông thật xinh khi bước vào studio của tôi, song đầu cô hơi chúi xuống và vai gù. Cô không hề giao tiếp bằng mắt và cũng chẳng nói bất cứ câu nào. Tôi hơi ngạc nhiên bởi chưa bao giờ gặp một người như thế. Ngày trước đó, tôi vừa chụp cựu siêu mẫu Cindy Crawford và nghĩ rằng, tôn trọng vẻ đẹp, tôi cũng sẽ chụp ảnh cô gái ấy giống như bất cứ siêu mẫu nào khác. Và khi nhạc nổi lên, cô ấy bắt đầu cười, đầu cô ấy ngước thẳng lên và 2 tay đặt vào hông” – Guidotti kể lại.
8. James Dean (Dennis Stock): Đầu năm 1955, nhiếp ảnh gia Dennis Stock chụp ảnh tài tử Hollywood James Dean đang diễu hành qua Quảng trường Thời đại mưa ướt, hay khi nằm trong một sân nuôi gà vịt ở Indiana; hay có bức chụp ông đang vòng tay ôm Eartha Kitt tại một lớp học khiêu vũ; chơi trống tại ngôi trường trung học cũ của mình.
Đây là những bức ảnh chụp Dean trước khi ông nổi tiếng. Khi Dean chết trong một tai nạn ô tô ở tuổi 24 hồi tháng 9 năm đó, mới chỉ có 1 phim do ông thủ diễn chính được phát hành. Bộ ảnh của Stock đã góp phần tạo nên hình ảnh về Dean trong tâm trí công chúng.
Nhà xuất bản Thames & Hudson vừa phát hành bộ sách ảnh mới Dennis Stock: James Dean, lần đầu tiên quy tụ các bức ảnh của Stock chụp Jean kể từ khi chúng được đăng tải trên tạp chí Life cách đây 60 năm.
Bức ảnh này đã có một sự trùng hợp đáng kỳ lạ thể hiện Dean đang tới thăm mộ của một tổ tiên ở Fairmount, người có tên giống với nhân vật của ông trong phim East of Eden.
9. Forbidden Places (Sylvain Margaine): Nhiếp ảnh gia Pháp Sylvain Margaine nhấn mạnh: “Nhiều công trình có thể bị bỏ mặc, song chúng vẫn có chức năng. Từ năm 1998, đã khảo sát nhiều nơi bị cấm đặt chân tới và 1/3 số ảnh của ông vừa được Nhà xuất bản Jonglez phát hành. “Tôi chụp nhiều công trình do con người xây dựng song công chúng không thể đặt chân tới” – Margaine nói.
Ông đã chụp nhiều nhà thờ, rạp chiếu và bệnh viện đổ nát cũng như các hệ thống cống rãnh và tầu điện ngầm vẫn đang sử dụng. “Tôi ghi lại tài liệu bằng hình ảnh và bằng việc nghiên cứu lịch sử của các công trình, tìm hiểu tại sao kiến trúc lại như vậy?” – Margaine chia sẻ.
Trang web Forbidden Places của ông gồm 86 “cuộc khảo sát đô thị”, trong đó có cả bệnh viện quân đội cũ, nơi Adolf Hitler từng điều trị khi bị thương chân trái trong Thế chiến I.
Hình ảnh này cho thấy cỏ dại mọc đầy xung quanh một chiếc máy không hoạt động trong nhà máy giấy Holtzmann, trong rừng Black ở Đức.
10. One Day Young (Jenny Lewis): 7 năm qua, nhiếp ảnh gia Anh Jenny Lewis đã chụp ảnh nhiều bà mẹ và những đứa trẻ vừa được sinh ra trong vòng 24 giờ ở Hackney. Hồi đầu năm Lewis đã xuất bản cuốn sách ảnh One Day Young nhằm tôn vinh thời khắc “bước vào giai đoạn làm mẹ” của phụ nữ.
“Tôi muốn kể câu chuyện về sức mạnh và tính kiên cường của phụ nữ sau khi sinh, những phẩm chất ở người phụ nữ mà tôi cảm thấy hầu như không được biết đến trong thế giới hiện nay” – Lewis chia sẻ.
Bức ảnh này chụp Gitta Gschwendtner, mẹ của bé Til. “Con trai tôi bị trào ngược dạ dày, do vậy cháu khóc suốt và phải bế suốt. Tôi không thể hiểu được sao con mình khóc và cháu không ngủ nếu không được bế. Tôi không hề tháy viễn cảnh màu hồng khi làm mẹ… Tôi thường nghĩ đến những người mẹ bị tổn thương trong những hoàn cảnh khó khăn và cách họ xử lý những tình huống đó” – Gschwendtner nói với Lewis.
Theo Tuấn Vỹ – Thể thao & Văn hóa (dịch từ BBC)