Trước và trong Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam từ ngày mồng 5 đến ngày 10-1-2010 tại Quảng Ninh và Hà Nội, là một đại biểu chính thức của hội nghị, tôi cứ băn khoăn mãi xung quanh câu hỏi: Tại sao nhiều nhà văn Việt Nam và Trung Quốc, khi nói chuyện với nhau hoặc phát biểu trong hội thảo, đều cho rằng sách văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc quá ít ỏi: Ngoài “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du hình như chỉ có “Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc” (nhiều tác giả), “Ông cố vấn-Hồ sơ một điệp viên” (của Hữu Mai) mà thôi?

Thực tế, văn học Việt Nam đã được giới thiệu trang trọng trong bộ sách công cụ tra cứu đồ sộ của Trung Quốc – Bộ sách “Trung Quốc đại bách khoa toàn thư”, do Quốc vụ viện (Chính phủ Trung ương) nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chỉ đạo, Nhà xuất bản Trung Quốc đại bách khoa toàn thư  xuất bản. Bộ toàn thư tổng cộng có 80 quyển, mỗi quyển khoảng 12-15 triệu chữ Hán, dày trung bình 700 trang khổ 19x26cm (tương đương 2.100 trang dịch ra tiếng Việt).

Trong bộ sách này, Bộ môn Văn học chia làm 3 quyển (2 quyển văn học Trung Quốc, 1 quyển văn học nước ngoài).

Riêng phần “Văn học Việt Nam” trong quyển “Văn học nước ngoài” do bà Triệu Ngọc Lan, (Giáo sư giảng dạy Bộ môn tiếng Việt, Hệ Ngôn ngữ phương Đông, Học viện Ngoại ngữ, Trường Đại học Bắc Kinh) biên soạn, được chia làm ba phần lớn: Văn học trước Cách mạng dân tộc dân chủ, Văn học thời kỳ Cách mạng dân tộc dân chủ, Văn học sau Cách mạng Tháng Tám.

Bên cạnh nội dung “Văn học Việt Nam”, sách báo Trung Quốc còn giới thiệu thân thế và sự nghiệp của những nhà văn, nhà thơ, những cây đa cây đề trên văn đàn Việt Nam, từ cổ chí kim, bằng song ngữ (Hán-Việt hoặc Hán-Anh) như: Nguyễn Trãi, Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tôn), Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Tú Xương, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tú Mỡ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư, Đồ Phồn, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Huy Cận, Tố Hữu, Tô Hoài v.v..

Đặc biệt, tại các trường đại học, học viện ở Trung Quốc có nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ của các nghiên cứu sinh viết về “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, Thơ Hồ Xuân Hương, về những tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, v.v..

Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 60 (1949-2009), Tổng công ty Sách Trung Quốc đã tiến hành thống kê những sách văn học nước ngoài đã được dịch sang Trung văn và xuất bản ở Trung Quốc trong 60 năm qua, tính đến ngày 20-5-2006.

Tôi đã tìm được 150 đầu sách của Việt Nam đã được dịch và ấn hành tại đất nước đông dân nhất thế giới, hiện có hơn 300 nhà xuất bản Trung ương và địa phương này.

Phải chăng vì những nguyên nhân lịch sử, xã hội, văn hóa và thị hiếu khác nhau, mà nhiều người Trung Quốc cũng không nắm bắt được những thông tin trên?

Ngay đến những đại biểu Trung Quốc có mặt tham dự Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học nước ngoài như: Giáo sư-dịch giả Chúc Ngưỡng Tu, gần nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam, người đã dịch tiểu thuyết “Ông cố vấn…” của nhà văn Hữu Mai sang Hán ngữ, đã tham gia biên soạn bộ giáo trình đồ sộ “Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” gồm 3 tập; giảng viên Hoàng Hoa Hiến, giảng dạy tiếng Việt ở Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây cũng nhớ không nhiều những đầu sách Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc.

Chỉ có nữ sĩ Điền Tiểu Hoa, chuyên viên nghiên cứu của Sở Nghiên cứu Văn học nước ngoài thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc là có trong tay bản thống kê sách Việt Nam đã dịch và xuất bản ở Trung Quốc, giống như tư liệu của tôi thu thập được qua trang web của Tổng công ty Sách Trung Quốc.

Thực ra, số đầu sách văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc không chỉ là con số 150. Bởi vì, nhiều bộ sách gồm nhiều tập như: “Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” (gồm 3 quyển), “Ông cố vấn” của Hữu Mai (gồm 2 quyển), “Sao đổi ngôi” của Chu Văn (gồm 3 quyển) v.v.. họ cũng chỉ tính là một đầu sách.

Trong số hơn 150 đầu sách Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc, tôi thấy đều là những tác phẩm nổi tiếng và được bạn đọc Việt Nam ưa thích, từ xưa đến nay như: “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) nghe nói có hơn mười bản dịch, “Thơ Hồ Xuân Hương”, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Kan Lịch” của Hồ Phương, “Họ sống và chiến đấu như thế” của Nguyễn Khải, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, “Xung kích”, “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán (Bạn dịch là Thiếu niên du kích anh hùng), “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc , “Bài ca chim chơ-rao” của Thu Bồn ,“Quán rượu người câm” (tập truyện ngắn, trong đó có truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Sáng), “Tranh tối tranh sáng” của Nguyễn Công Hoan, “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, “Thanh Hải” (tập thơ của Thanh Hải), “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên, “Đêm Tháp mười” (Tập truyện, trong đó có truyện cùng tên của Lê Văn Thảo), “Sống như anh” Phan Thị Quyên kể Trần Đình Vân ghi, Tập truyện ngắn “Cái hom giỏ” của Vũ Thị Thường, Kịch bản văn học “Nghêu sò ốc hến” của Hoàng Châu Ký, Tập lý luận phê bình “Bảo vệ nguyên tắc tính đảng của văn học” của Hồng Chương, v.v..


Từ trái sang phải: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Dịch giả Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu (Người dịch “Ông cố vấn” của Hữu Mai và “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nguyễn Huy Tưởng, sang Trung văn) và Dịch giả Vũ Phong Tạo, tại Triển lãm sách trong Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, từ ngày 5 đến ngày 10-1-2010, Hà Nội. Ảnh: Vũ Phong

Nhiều nhà văn có nhiều tác phẩm được dịch và xuất bản ở Trung Quốc, như nhà thơ Tố Hữu có “Người con gái Việt Nam”, “Gió lộng”, “Quê hương tôi”, “Việt Bắc” “Chào Trung Quốc”, “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, “Tiếng hát đôi bờ”, “Miền Nam chiến đấu”, “Tố Hữu thi tập”, v.v..

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có 5 tác phẩm là “Truyện anh Lục”, “Ký sự Cao Lạng”, “Bốn năm sau”, “Tìm mẹ”, “Thằng Quấy”.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng có hai tác phẩm “Con trâu”, “Rừng U minh”.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi có bốn đầu sách: Tập thơ “Chiến sĩ”, tiểu thuyết “Vỡ bờ”, “Xung kích”, “Mặt trận trên cao”.

Đó là chưa kể đến 57 tác phẩm được giới thiệu trong bộ giáo trình đại học ở Trung Quốc “Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” gồm 3 tập.

Phạm trù tiểu thuyết của bạn, gia tộc tiểu thuyết gồm bốn thành viên: Truyện dài (trường thiên tiểu thuyết), Truyện vừa (trung thiên tiểu thuyết), Truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) và Truyện mi-ni – Truyện cực ngắn (vi hình tiểu thuyết, tiểu tiểu thuyết).

Tập 1 Văn học Việt Nam từ 1930 đến năm 1945, giới thiệu những tác giả và tác phẩm: “Nửa chừng xuân” (Khái Hưng), “Đoạn Tuyệt” (Nhất Linh); “Kép Tư Bền”, “Tinh thần thể thao” (Nguyễn Công Hoan), “Cô Thoa” (Thế Lữ); “Giông tố” (trích), “Cái ghen của đàn ông” (Vũ Trọng Phụng); “Lầm than” (trích của Lan Khai), “Nhà mẹ Lê” (Thạch Lam), “Một người mẹ Trung Quốc” (Nguyên Hồng), “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân); “Tắt đèn” (trích), “Nợ đời” (Ngô Tất Tố); “Chí Phèo” (Nam Cao), “Sống nhờ” (trích của Mạnh Phú Tư), “Sau hàng rào tre” của Trần Tiêu v.v..

Tập 2 Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, giới thiệu những tác giả và tác phẩm: “Một lần đến Thủ đô” (Trần Đăng), “Vợ nhặt” (Kim Lân), “Đôi mắt” (Nam Cao), “Xung kích” (trích của Nguyễn Đình Thi), “Con trâu” (trích của Nguyễn Văn Bổng), “Vợ chồng A Phủ” (trích của Tô Hoài), “Gặp gỡ” (Bùi Hiển), “Đất nước đứng lên” (trích của Nguyên Ngọc, bạn dịch là Tổ quốc đứng lên, rõ ràng không hay bằng nguyên tác); “Anh nuôi đại đội” (Lê Khánh), “Bốn năm sau” (trích của Nguyễn Huy Tưởng), “Đi bước nữa” (trích của Nguyễn Thế Phương, bạn dịch là Cải giá, rõ ràng không hay bằng nguyên tác), “Cỏ non” (Hồ Phương), “Một tấm áo mới” (Ngô Ngọc Bội), “Chiến sĩ và em bé” (Hải Hồ), “Mùa lạc” (trích của Nguyễn Khải, bạn dịch là Mùa thu hoạch lạc, rõ ràng không hay và cô đọng bằng nguyên tác); “Những bông hồng” (Nguyễn Thị Cẩm Thạnh), “Màn kịch của cô giáo” (Giang Nam), v.v..

Tập 3 Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến cuối thế kỷ 20, giới thiệu những tác giả và tác phẩm: “Khoảng cách còn lại” (trích của Nguyễn Mạnh Tuấn), “Thời gian” (Cao Duy Thảo), “Sao đổi ngôi” (trích của Chu Văn), “Mùa lá rụng trong vườn” (trích của Ma Văn Kháng), “Thời xa vắng” (trích của Lê Lựu), “Tướng về hưu” (Nguyễn Huy Thiệp), “Hai em bé sắp ra đi” (Tô Hoài), “Những ngày cuối năm” (Nguyễn Khải), “Bước qua lời nguyền” (Tạ Duy Anh), “Một chiều xa thành phố” (Lê Minh Khuê), “Lời hứa của thời gian” (Nguyễn Quang Thiều), “Gió vẫn thổi qua cánh đồng bên sông” (Võ Thị Xuân Hà), v.v..

Trong Đêm thơ quốc tế Hạ Long, tổ chức tại Tuần Châu, tối 8-1-2010, nằm trong  lịch trình của Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam, theo chương trình đã được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị thông qua, thì bộ ba dịch giả Vũ Phong Tạo (Việt Nam), Giáo sư-dịch giả Chúc Ngưỡng Tu, nữ sĩ Điền Tiểu Hoa – Nhà nghiên cứu văn học nước ngoài (Trung Quốc) đăng đàn đọc thơ song ngữ Hán – Việt ba thi phẩm Việt Nam đã được dịch sang Trung văn và được bạn đọc Trung Quốc ưa thích: “Trăng” của nhà thơ Xuân Diệu, “Tiếng thu” và “Mưa… mưa mãi” của nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Bộ ba chúng tôi muốn gửi một thông điệp nhỏ đến các nhà văn, dịch giả rằng: Các nhà văn, nhà thơ tiền bối của chúng ta không hề phải quảng bá rùm beng, mà tác phẩm của họ vẫn vượt qua không gian và thời gian, vượt qua biên giới quốc gia, dân tộc đến với nhân loại. Câu thành ngữ “hữu xạ tự nhiên hương” luôn luôn là một chân lý. Các bạn cứ viết hay đi, chúng tôi sẽ sẵn sàng tìm đến và chuyển ngữ, làm cho tác phẩm của các bạn bay cao, bay xa, vang xa hơn nữa trong thế giới văn chương không hề có biên giới này!

Vũ Phong Tạo

Nguồn: Văn nghệ Quân đội.

Exit mobile version