Một tuyển tập truyện ngắn đương đại Việt Nam vừa ra mắt tại Trung Quốc. Người dành nhiều thời gian, tâm huyết cho tuyển tập truyện ngắn này là dịch giả Điền Tiểu Hoa. Lặng lẽ liên hệ với các nhà văn Việt Nam, tìm dịch giả giỏi để chuyển ngữ, mời các chuyên gia ngôn ngữ trực tiếp hiệu đính, dịch giả Điền Tiểu Hoa mong muốn có được những bản dịch tốt nhất để giới thiệu với độc giả Trung Quốc.
Nhân dịp ra mắt tập truyện, dịch giả Điền Tiểu Hoa đã chia sẻ với Văn nghệ Trẻ:
“Cũng giống như tất cả những người Trung Quốc khác, cách đây khoảng 50 năm trước, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với tác phẩm văn học Việt Nam theo tôi còn nhớ đó là tiểu thuyết ”Lá thư miền Nam”, một tác phẩm văn học rất chân thực về thời đại chiến tranh cách mạng với những câu chuyện về cuộc sống và tình cảm thời chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Rất nhiều người Trung Quốc chúng tôi đã vô cùng xúc động khi đọc tác phẩm đó. Sau này khi vào Đại học, tôi đã chọn môn Tiếng Việt của Trường Đại học Bắc Kinh. Tốt nghiệp ra trường, tôi về công tác tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc với nhiệm vụ chính là nghiên cứu văn học Việt Nam. Những năm gần đây, qua nhiều cơ hội giao lưu cộng tác với bạn bè trong giới nghiên cứu của Việt Nam, tôi bắt đầu nhen nhóm một ý định, đó là hy vọng có thể phiên dịch và xuất bản một Tuyển tập truyện ngắn về đời sống của con người Việt Nam đương đại. Trong hội thảo về Văn học Việt nam tháng 12 năm 2010, tôi tình cờ gặp lại bạn học cũ – Giáo sư Chúc Dưỡng Tu, khi đề cập đến ý định này, tôi được ông nhiệt tình ủng hộ, và thế là tôi quyết tâm bắt tay vào thực hiện đề tài này. Kỳ thực đối với những người ở độ tuổi chúng tôi, danh lợi tiền tài đã không còn quan trọng nữa, chỉ còn có một tâm nguyện là được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình để thúc đẩy giao lưu văn hóa Trung – Việt, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Đây chính là nguyện vọng ban đầu và cũng là nguyện vọng duy nhất đã thôi thúc tôi hoàn thành tập sách này.
Thời cuộc đã có nhiều đổi thay. Thế giới đã bước vào một giai đoạn mới hòa bình và phát triển. Và cuộc sống cũng như tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng đã có những biến động lớn lao với nhiều nội dung mới, nhiều màu vẻ mới, đặc biệt là từ sau công cuộc Đổi mới đến nay. Những đổi thay ấy dù ít dù nhiều cũng đều in dấu trong các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Cuốn Tuyển tập truyện ngắn này của chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả Trung Quốc những tác giả có ảnh hưởng nhất, những tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng văn học ấy. Chúng tôi hy vọng, cuốn sách này sẽ góp phần khôi phục mối giao lưu đã bị đứt đoạn trong ngót nửa thế kỷ qua trong lĩnh vực văn học giữa hai nước Việt Trung, hy vọng nó có thể giúp cho nhân dân Trung Quốc hiểu thêm về diện mạo văn hóa, xã hội và đời sống của nhân dân Việt nam hôm nay. Trong quá trình tuyển lựa tác phẩm, chúng tôi cố gắng bao quát tất cả các tác giả trẻ – già, nam – nữ cũng như suốt dọc các khu vực Bắc – Trung – Nam, các tác giả người dân tộc thiểu số… Anh Phạm Xuân Nguyên của Viện Văn học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong quá trình lựa chọn các tác phẩm để hình thành nên cuốn Tuyển tập truyện ngắn này. Ở đây xin gửi đến anh lời cảm ơn sâu sắc!
Trong quá trình phiên dịch, biên tập xuất bản, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo có liên quan, sự giúp đỡ và chỉ giáo nhiệt tình của bạn bè gần xa. Trước hết, lãnh đạo Viện Nghiên cứu văn học thế giới – Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã ủng hộ và phê chuẩn đề tài, giúp chúng tôi có thể bắt tay vào triển khai công việc; tiếp đó là Ngài Đại sứ Nguyễn Văn Thơ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã tích cực giúp đỡ tài trợ một phần cho đề tài của chúng tôi; Cảm ơn ngài Hữu Thỉnh Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam và Phó ban Đối ngoại Đào Kim Hoa đã giúp đỡ giải quyết các vấn đề về bản quyền; Chúng tôi cũng xin cảm ơn Giáo sư Litana của Đại học Quốc gia Ôt-xtrây-li-a đã nhiệt tình tài trợ, cảm ơn Giáo sư Phạm Tú Châu – Viện Văn học Việt Nam đã không nề hà thẩm định bản dịch và giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn trong quá trình dịch thuật mà không nhận bất cứ một khoản thù lao nào… Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng, dịch giả của cuốn sách này hầu hết đều là các giáo sư có thâm niên và các giảng viên cốt cán thuộc chuyên ngành Tiếng Việt của các trường Đại học Trung Quốc, tuy không được nhận một đồng nhuận bút, song cũng không một lời oán thán. Bản thân tôi cuối cùng cũng đã thực hiện được ý nguyện của mình, với tư cách là chủ biên, xin bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với tất cả những người đã chung tay vun đắp cho cuốn sách nhỏ bé này
Vì thời gian gấp rút, trình độ cá nhân còn nhiều hạn chế, bản dịch của chúng tôi khó tránh khỏi còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong được độc giả phê bình chỉ giáo.”
Trong thư trao đổi với chúng tôi vào ngày 19/ 11/ 2011, dịch giả Điền Tiểu Hoa chia sẻ thêm: tôi làm việc này là vì tôi kính mến dân tộc và nhân dân Việt Nam; đặc biệt là kính trọng phụ nữ Việt Nam. Tôi muốn làm cái ”cầu” giao lưu văn hóa để cho người Trung Quốc hiểu biết về Việt nam qua hình tượng văn học trong văn học chứ không phải phải qua tuyên truyền chính trị. Trước khi làm việc này tôi đã được thấy những người bạn Việt Nam làm việc hiến thân cho sự nghiệp văn hóa dân tộc Việt nam, ví dụ: ông Hữu Thỉnh, ông Phan Văn Các, bà Phạm Tú Châu, anh Phạm Xuân Nguyên… tôi bị cảm động, cho nên quyết tâm khắc phục khó khăn, kiên trì làm việc đến hôm nay, cuối cùng cũng đã được thành công. Tôi cũng cảm ơn các tác giả Việt nam cho phép tôi dịch sang tiếng Trung Quốc, cảm ơn sự tin cậy của mọi người đối với tôi.
Cây cầu văn chương mà dịch giả Điều Tiểu Hoa rất cần sự chung tay góp sức của nhiều người. Mong rằng thời gian tới sẽ có thêm những tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam được giới thiệu ở Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Con đường giao lưu, hội nhập là con đường của phát triển.