Lê Thư

Không chỉ là câu chuyện chuyển ngữ thông thường, hai bộ sách về văn học Hàn Quốc mới ra mắt được đánh giá như giáo trình nhập môn cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về nền văn hóa, con người đất nước này. Nhưng tìm kiếm những điều mới mẻ từ nền văn học khác cũng là cách để hiểu và phát huy văn hóa của chính mình.
Làm lợi cho văn học Việt Nam

“Tôi đã vô cùng hạnh phúc khi được truyền tải sang ngôn ngữ mẹ đẻ những bài thơ tuyệt vời của các nhà thơ lớn Hàn Quốc hiện đại. Đó là thời điểm 15 năm trước, tuyển thơ hiện đại Hàn Quốc đầu tiên được dịch sang tiếng Việt, thông qua ngôn ngữ Anh. Còn giờ đây, chúng ta đã có đội ngũ đông đảo dịch giả dịch trực tiếp từ tiếng Hàn Quốc, tạo nên sự hiện diện mạnh mẽ của nền văn học này” – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ trong lễ ra mắt bộ sách Văn học Hàn Quốc (6 cuốn) và Văn học Hàn Quốc trong phối cảnh Đông Á (6 cuốn). Hai bộ sách này đem đến cái nhìn khái quát về sự hiện diện của văn chương Hàn Quốc tại Việt Nam, là kết quả nối dài từ Đề án Phát triển tài nguyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Hàn Quốc ở Việt Nam (2012 – 2015), dưới tài trợ của Viện Nghiên cứu Trung ương Hàn Quốc học.

Trao tặng 2 bộ sách về văn học Hàn Quốc cho một số viện, thư viện và trường đại học Việt Nam – Ảnh: Thái Minh

Chủ biên, PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền cho biết, đề án được thực hiện vào đúng giai đoạn Hallyu (Hàn lưu) ở Việt Nam ở cao trào. “Tuy nhiên, qua Hallyu là một Hàn Quốc lóng lánh, đồng thời cũng hơi phù phiếm, hơi sến một chút, và có lẽ không sâu sắc lắm. Thời điểm đó, văn học Hàn Quốc ở Việt Nam chỉ trên dưới 30 cuốn, rất khiêm tốn so với văn học Trung Quốc hay Nhật Bản. Rõ ràng, một dân tộc được hiểu biết thông qua văn học thì sang hơn, sâu sắc và thấm thía hơn rất nhiều so với chỉ qua văn hóa đại chúng. Đó là lý do chúng tôi bắt tay tích cực thực hiện bộ sách”.

Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc, GS.TS. Mai Ngọc Chừ đánh giá, so với phim ảnh, âm nhạc và nhiều loại hình văn hóa khác, văn học Hàn Quốc đến Việt Nam sau, nhưng giá trị mà nó mang lại không thể đo đếm. Vì vậy, sự ra đời của các công trình văn học này là tin vui đối với ngành Hàn Quốc học, cũng hữu ích cho chính nền văn học Việt Nam.

Theo PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền, bộ sách chính là tài nguyên để giảng dạy, nghiên cứu về văn học, con người, văn hóa Hàn Quốc: “Những tác phẩm của tác giả nổi tiếng nhất Hàn Quốc, những hợp tuyển, giới thiệu đi vào đúng phần văn học lớn của dân tộc này. Cách làm này làm lợi cho chính nền văn học Việt Nam. Hiểu văn học Hàn Quốc, văn học Đông Á, chính là để quay về, hiểu hơn chính mình”.

Sức mạnh ngoài biên giới

Văn học Hàn Quốc giới thiệu những thành tựu quan trọng của văn học Hàn Quốc qua các tác giả, tác phẩm tiêu biểu từ khởi thủy đến đương đại. Văn học Hàn Quốc trong phối cảnh Đông Á giới thiệu văn học 4 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Bộ sách quy tụ 26 nhà nghiên cứu, người dịch văn học Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản uy tín ở Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ thực hiện trong 5 năm (2012 – 2017).

Không chỉ có ý nghĩa về văn học, những bộ sách còn cho thấy cả cách Hàn Quốc phổ biến rộng rãi văn hóa đất nước. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Sự hiện diện của văn học Hàn Quốc nhờ hai con đường: Bạn đọc Việt Nam luôn muốn đón nhận bí mật về văn chương, nghệ thuật, tâm hồn của những con người ngoài biên giới của mình. Và nhờ sự chiến lược truyền bá văn hóa của Hàn Quốc mà tôi luôn cho rằng, đó là tấm gương đặc biệt”.

Nhắc lại câu hỏi bao giờ văn chương Việt Nam mới hiện diện ở Hàn Quốc với những công trình đồ sộ như bộ sách văn học Hàn Quốc lần này, Trưởng khoa Việt Nam học, ĐH Quốc gia Busan – GS.TS. Bae Yang Soo cho rằng, người Hàn Quốc cũng rất chào đón các tác phẩm văn chương Việt, có điều con đường để nó đến với họ không hề dễ dàng. “Chúng tôi có ý định làm một bộ sách về văn học Việt Nam tại Hàn Quốc như thế không? Tất nhiên là có, rất muốn. Nhưng còn đang chờ tài trợ, vì điều kiện tài chính không cho phép. Nhiều năm qua, dù chưa có tài trợ, chúng tôi vẫn cố gắng làm từng bước, dịch một số tác phẩm như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, giới thiệu khoảng 30 nhà thơ Việt Nam từ Hồ Chí Minh, đến Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh…”.

Hiện nay, ngoại trừ các tác phẩm bán chạy mà nhiều đơn vị xuất bản chủ động dịch, phát hành, hầu hết các công trình văn học lớn Hàn Quốc được xuất bản dưới sự tài trợ của các quỹ văn hóa, tổ chức Hàn Quốc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ lại sự ra đời tập Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, ông gặp đại diện của Daesan Foundation, ngỏ ý muốn dịch tác phẩm sang tiếng Việt và nhận ngay đề nghị tài trợ toàn bộ tiền dịch, in và xuất bản. “Có thể thấy, không chỉ Chính phủ mà các tập đoàn, doanh nghiệp cũng luôn thường trực tư tưởng truyền bá văn học, nghệ thuật. Đấy là tấm gương ta cần nhìn vào để đưa văn hóa, văn học Việt Nam ra thế giới”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân 

(Đăng lại từ Văn nghệ Quân đội)

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version