Văn học trinh thám Việt Nam “Người hùng” còn giấu mặt!

Văn học trinh thám có ý nghĩa lớn đối với một nền văn học muốn phát triển toàn vẹn và đồng đều. Tuy nhiên, trong khi văn học trinh thám đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới thì ở Việt Nam vẫn thiếu vắng người viết.

Muộn mằn và lận đận

Cách đây gần 2 thế kỷ, truyện ngắn Án mạng trên phố Morgue của tác giả người Mỹ Edgar Allan Poe được xem là tác phẩm đầu tiên của văn học trinh thám. Ngay sau đó, thể loại này nở rộ khắp thế giới và phát triển mạnh cho đến bây giờ. Ở Việt Nam, văn học trinh thám du nhập vào khoảng những năm 1920 – 1930 với các tác phẩm của Edgar Allan Poe, Conan Doyle, Gaston Leroux, Georges Simenon… dịch từ tiếng Pháp. Tác phẩm Việt Nam đậm tính chất trinh thám đầu tiên là Mảnh trăng thu của Bửu Đình (in dài kỳ trên Phụ nữ Tân văn năm 1930). Từ cuối thập niên 1930 đến trước 1945, xuất hiện nhiều tác giả mà tên tuổi được nhắc đến ngày nay là Phạm Cao Củng với các tác phẩm như Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Đôi hoa tai của bà Chúa (1942)…; Thế Lữ với Lê Phong phóng viên (1937), Đòn hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940)…; Bùi Huy Phồn có Gan dạ đàn bà (1942); Mối thù truyền kiếp (1942); Tờ di chúc (1943)…

Nhưng sau năm 1945, người ta không còn thấy tác phẩm văn học trinh thám Việt Nam xuất hiện. Năm 2004, một tờ báo miền Nam phát động cuộc thi viết truyện trinh thám và treo giải khá cao xong rơi vào im lặng. Mãi đến năm 2009, trên văn đàn xuất hiện tác phẩm Trại hoa đỏ của tác giả Di Li, gieo hy vọng về sự khai phá một địa hạt văn chương vốn còn hoang vắng. Nhưng phải chờ đến 7 năm sau, đầu năm 2016, cuốn tiểu thuyết trinh thám Việt Nam thứ hai mới ra đời, mang tên Câu lạc bộ số 7, cũng của Di Li. Giới chuyên gia đánh giá, văn học trinh thám Việt Nam là đứa con sinh sau, đẻ muộn nhưng cũng là đứa con còi cọc và lận đận nhất.

Có cần không?

Nhà văn Di Li: “Trinh thám là một thể loại văn chương khó viết. Nhà văn trước khi bắt tay vào tác phẩm, phải theo dõi, dựa vào vấn đề đang nổi cộm trong đời sống, những vụ án diễn ra, việc gây xôn xao dư luận… Nhưng không dừng lại ở đó mà phải tiếp tục đi sâu tìm hiểu, phân tích, lý giải để mở ra thông điệp nhân văn”.

Nền văn học được cho là phát triển hài hòa khi đầy đủ thể tài. Nhưng ở nước ta, số lượng tác phẩm văn học trinh thám chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khảo sát thị trường sách ở Việt Nam cho thấy, tất cả đầu sách đều dịch từ nước ngoài và một số tác phẩm tái bản của tác giả thế hệ trước (dưới dạng toàn tập hoặc riêng lẻ). “Quan trọng nhất là tác phẩm của thế hệ nhà văn hôm nay, họ cảm nhận và cắt nghĩa về đời sống, viết truyện trinh thám dựa trên góc nhìn về xã hội Việt Nam đương thời mới là cần thiết. Mặc dù cần nhưng chúng ta lại đang rất thiếu” – PGS.TS. Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định.

Thay vì quan niệm cho rằng văn học trinh thám chỉ xếp vào hạng văn xuôi “giải trí đơn thuần” hay loại “rẻ tiền” trước đây, công chúng đang có cái nhìn khác. Thể loại văn học này không chỉ mô tả vụ án mà trong đó độc giả thấy được sự giằng co quyết liệt giữa thiện và ác, thấy được thông điệp đời sống ẩn sau các nhân vật. Mục đích cuối cùng của cuốn sách không phải đem lại cho người đọc cảm giác kinh dị, hãi hùng, không đơn thuần khơi dậy tính tò mò mà trong đó còn chứa đựng, toát lên giá trị nhân văn. Tác giả dựa vào thực tế diễn ra để khơi mào, tung vào tác phẩm lời thách đố “Ai là thủ phạm?” và thôi thúc độc giả cùng giải mã. Người đọc đồng hành với truyện cũng là cách họ nhận thức sâu sắc hơn về xã hội.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Xã hội nào, quốc gia nào cũng có cái thiện và cái ác đan xen. Trong môi trường như vậy, con người phải nhận thức rõ ràng. Đất nước ta càng phát triển, tội phạm càng tinh vi hơn, tính phức tạp của các vụ án cao hơn… yêu cầu văn học trinh thám phải đề cập. Nhưng không phải là chuyện cảnh giác đơn thuần, không phải để gây cảm giác hoang mang, sợ hãi, mà các tác phẩm giúp người ta tin tưởng rằng sẽ luôn có những con người sẵn sàng vì công lý, đứng lên bảo vệ họ trước tất cả sự tấn công của tội ác”.

Cổ vũ người viết

Văn học trinh thám đang trải rộng, bao quát nhiều đề tài, lĩnh vực chi phối con người hiện đại. Khó có thể nói cần bao nhiêu tác phẩm để tạo nên sự nghiệp của một nhà văn trinh thám cũng như làm dày dặn dòng văn học này. Nhưng xu hướng các nhà văn Việt Nam thể nghiệm đề tài trinh thám rất cần được khuyến khích, nhất là trong quá trình văn chương Việt hòa nhập nhiều phương diện với thế giới.

Địa hạt văn học trinh thám đang thiếu vắng người viết. Nhiều cây bút không mặn mà dấn thân sang thể loại văn học này bởi đây là thể loại khó viết và kén người đọc. Quá trình sáng tạo tác phẩm trinh thám đòi hỏi người viết có trí tưởng tượng phong phú và thái độ làm việc cẩn trọng như một nhà điều tra thực sự. Mỗi tác phẩm là hành trình bật mí cho độc giả những kiến thức về tâm lý hành vi con người, về vụ án hình sự và lịch sử, văn hóa, xã hội… Trong bối cảnh văn hóa giải trí, nghe nhìn tấn công mạnh vào văn hóa đọc, muốn phát triển dòng văn học trinh thám càng không dễ.

PGS. TS. Ngô Văn Giá cho rằng, chừng nào con người còn tò mò về bản thân, mong muốn khai phá những khuất lấp về cuộc sống, thì chừng ấy văn học trinh thám vẫn phát triển và cần được khuyến khích phát triển. “Một mặt, giới phê bình nên quan tâm nhiều hơn và tổ chức nhiều tọa đàm để chỉ ra thực trạng, hướng phát triển của văn học trinh thám Việt Nam. Ngoài ra, nên phát động nhiều cuộc thi sáng tác truyện trinh thám để cổ vũ người viết. Một khi tất cả cùng hợp sức để khơi dựng, tôi tin, văn học trinh thám Việt Nam sẽ phát triển và có chỗ đứng vững chắc”.

Theo Thái Minh – Đại biểu nhân dân

Exit mobile version