– Công trình Thẩm định các giá trị văn học xuất hiện giữa lúc nghiên cứu phê bình văn học đang diễn ra sự phân hóa, loạn chuẩn, lệch chuẩn, thiếu những chuẩn mực. Đó chẳng những là sự nhạy cảm của nhà quản lí, mà còn là một tiếng nói của nhà khoa học gắn bó với những vấn đề quan thiết của đời sống văn học, một tiếng nói có trách nhiệm với nghề và với bạn đọc văn chương. Thẩm định các giá trị văn học thể hiện những suy tư sâu sắc, tinh tế, cởi mở, hiện đại của Phan Trọng Thưởng về nhiều phương diện của lý thuyết văn học, thực tiễn lịch sử văn học; tác giả công trình đã thoát khỏi cái nhìn quyền uy tối thượng trong việc sản xuất ra tri thức, định đoạt chân lý – giá trị mà ta thường gặp trong cơ chế phê bình hàn lâm, phê bình tập quyền trước kia, để đưa ra một cách nghĩ mới, với nhiều kiến giải ấn tượng. Ở đây, người viết đã nỗ lực kiểm định lại, khơi gợi lại nhiều vấn đề, hiện tượng văn học sử đáng chú ý.

Công trình này tập hợp 21 bài viết, vốn là những tham luận, báo cáo đề dẫn tại các cuộc Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế do tác giả trực tiếp chủ trì hoặc tham gia; đồng thời còn là kết quả nghiên cứu bền bỉ, hệ thống về thể loại kịch trong lịch sử văn học Việt Nam – một lĩnh vực mà lâu nay người viết xác định tư cách chuyên gia. Đúng như Phan Trọng Thưởng chia sẻ “điểm chung của các bài viết, đó là nỗ lực thẩm định các giá trị và lý giải các hiện tượng văn học đã và đang diễn ra trên bề mặt và bề sâu của lịch sử văn học”. Đọc Thẩm định các giá trị văn học có thể có được một cách hình dung sơ bộ về tiến trình diễn giải văn học, tiếp nhận văn học, nhất là ý thức phản tỉnh của giới sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học trong nửa cuối thế kỉ XX. Ngay từ những trang viết mở đầu, Phan Trọng Thưởng đã làm một cuộc khảo nghiệm lớn, người viết muốn thâu thái khái quát một “tinh thần của thế kỉ XX”. Nếu xem mỗi cuốn sách hiện diện như một không gian riêng thì Thẩm định các giá trị văn học của Phan Trọng Thưởng là không gian của các cuộc tìm kiếm giá trị, không gian của những suy tư về văn học/nghiên cứu văn học trong thế kỷ mới.

Như đã nói trên đây, một trong những nội dung cơ bản của cuốn sách, là sự tra vấn quá khứ, và nỗ lực nhận chân các giá trị của thể kỉ đã qua, “trả về cho mỗi sự kiện, mỗi nhân vật những sự thật vốn có, những giá trị hiển nhiên”. Thẩm định các giá trị văn học trước hết, là cuốn sách chất vấn quá khứ, thẩm định các giá trị văn học quá khứ.

Trong bài viết mở đầu cuốn sách, Phan Trọng Thưởng trình ra các bằng chứng thuyết phục về thái độ hoài nghi, bài bác, bất công, định kiến nặng nề và cả sự sám hối đối với không ít lý thuyết, nhà khoa học, danh nhân, nhân vật lịch sử có đóng góp thực sự quan trọng cho sự phát triển tiến bộ của khoa học nghệ thuật dân tộc và nhân loại. Đánh giá lại một đại tự sự của văn học, trong tiểu luận được viết năm 2000, “Tinh thần nhận chân các giá trị của thế kỉ XX”, tác giả Phan Trọng Thưởng chỉ ra sự thật có “nhiều thiên kiến chính trị chủ quan, nhiều cách hiểu có phần công thức, thậm chí giáo đều đã biến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong không ít trường hợp trở thành một thiết chế nghệ thuật gò ép, thiếu tính năng động, thiếu khả năng thích ứng kịp thời với thực tiễn nghệ thuật phong phú, đa dạng”. Theo quan sát của ông, khi công cuộc đổi mới ở Việt Nam được khởi xướng, những hạn chế lịch sử và những phiến diện chủ quan về từ duy lý luận cũng như về số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được giới nghiên cứu thừa nhận và kịp thời đưa ra những chỉ báo cần điều chỉnh, thay đổi: “Thực ra, vấn đề không phải là ở chỗ có hay chưa có một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa; có hay không có phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa? mà là ở chỗ trên cơ sở thực tiễn phát triển của lịch sử nghệ thuật nhân loại ngót một thế kỷ, cần phải biết loại bỏ những yếu tố không hợp lý, không khoa học và phải biết kế thừa những thành tựu có thật, những truyền thống nghệ thuật vốn có trong hệ thống lí luận mỹ học về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện và phát triển nó trong những điều kiện lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới. Đó thực sự là nhãn quan khoa học, là tinh thần xuyên suốt và nhất quán của thế kỉ XX”. Tiểu luận “Tinh thần nhận chân các giá trị của thế kỉ XX” của Phan Trọng Thưởng góp thêm một bằng chứng cho thấy, tri thức văn học ngày nay đang được chúng ta uốn nắn, điều chỉnh, thiết tạo lại cho phù hợp với yêu cầu mới, chủ thể mới, nói cách khác, chúng đang được bối cảnh hóa và xã hội hóa rất cao.

Thẩm định các giá trị văn học đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và văn học sử đòi hỏi phải có cách lý giải khác, cần được tiếp tục thảo luận, đối thoại thẳng thắn và khách quan, xét trong tương quan với các vấn đề của xã hội, văn hóa, tư tưởng hệ, thậm chí cả kinh tế.

Công trình này dù có tính chất tập hợp, song luôn hướng đến các bước chuyển mình quan trọng của lịch sử tư tưởng văn hóa, văn học, quan tâm đến những xu hướng, khung tri thức diễn giải của thời đại, những thành tựu và giới hạn lịch sử của từng quan điểm, hệ hình tri thức. Sự quan tâm ấy được thể hiện trong việc chọn lựa bàn thảo những vấn đề có ý nghĩa xã hội và thời đại rộng lớn, qua các hiện tượng có ý nghĩa “khai mở tinh thần, kích thích ý chí cải cách, duy tân” của người Việt. Tiểu luận “Tân thư và phong trào Duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Vệt Nam thời cận đại” chẳng hạn, góp phần thể hiện cái nhìn hồi cố nghiêm túc, khách quan của Phan Trọng Thưởng về một hiện tượng có tác động sâu sắc tới tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền và tới tư duy học thuật, nền tân học, tân văn nước nhà và một số nước khác trong khu vực. Tác giả bộc lộc sự nhạy cảm với những biên giới tư tưởng, dân tộc, khu vực và thế giới, đề cao tinh thần đón nhận “gió Âu”, khẳng định sự cần thiết vun đắp những “nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới phương Tây” cả trên phương diện xã hội lẫn văn học. Trong bài viết “Hướng tới những lý giải khoa học về văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế”, Phan Trọng Thưởng đề nghị giới chuyên môn nên nhìn nhận thực tiễn văn học Việt Nam đương đại như là hệ quả của giao lưu và hội nhập, một quy luật phổ biến trong văn học thế giới. “Nhìn lại lịch sử văn học và văn hóa Việt Nam có thể thấy, chính quá trình tiếp xúc và giao lưu đã mang đến những thay đổi và biến đổi lớn lao về cấu trúc cũng như phẩm chất của nền văn học”. Do vậy, theo Phan Trọng Thưởng, nếu khảo sát, phân tích thấu đáo các hiện tượng, các quá trình và các mối liên hệ của văn học Việt Nam trong sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa khu vực và quốc tế, chúng ta sẽ “có thêm các luận cứ khoa học, các lý giải mới về thành tựu, triển vọng và thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển văn học dân tộc hiện nay.” Bài viết “Tiếp cận văn học các nước châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng – tương thích – thách thức và cơ hội” cấp cho chúng ta một cái nhìn lịch sử về vấn đề tiếp nhận lý thuyết phương Tây, về sự chuyển biến trong tư tưởng học thuật ở Việt Nam. Phan Trọng Thưởng cho rằng từ những năm đầu của thế kỉ XX, nhiều trường phái lý thuyết từ châu Âu đã ảnh hưởng, giới thiệu, du nhập ở ta, “thành tựu của các nhà nghiên cứu tiền phong như trường hợp Trương Tửu… cho thấy lý thuyết châu Âu không những tìm được đường đến Việt Nam mà còn tỏ ra có sự tương thích nhất định với các hiện tượng văn học dân tộc”. Theo ông, sự tiếp nhận lý thuyết ở ta có những hạn chế phiến diện, những khúc quanh; trước 1945 mặc dù nền văn học Việt Nam không có truyền thống lý thuyết nhưng phần lớn các lý thuyết nghệ thuật tiền hiện đại và hiện đại đã được giới thức giả Việt Nam biết đến và vận dụng; sau đó một thời gian dài chúng ta cực đoan trong tiếp nhận lý thuyết, bài bác lý thuyết phương Tây; từ 1986 đến nay diễn ra một sự chấn hưng lý thuyết, sự công sinh tư tưởng – sự thay đổi tư duy tạo ra một cục diện mới – sự phát triển tự do các lý thuyết. Trên cơ sở thành tựu, đặc điểm của lý luận văn học Việt Nam thế kỉ XX, từ việc phát hiện ra những tiền đề mới, thực tiễn mới làm nảy sinh tư duy lý luận mới, tác giả của Thẩm định các giá trị văn học nhấn mạnh, tinh thần dân chủ lý luận vừa như một thành tựu vừa như một kinh nghiệm – từ đây, ông đề xuất được các luận chứng và phương hướng cơ bản để đổi mới và phát triển lý luận văn học, mỹ học trong bối cảnh mới.

Một điểm đáng chú ý khác của cuốn sách này là những đánh giá, suy tư cởi mở về nhiều vấn đề đương đại trong sáng tác văn học, lý luận và phê bình văn học Việt Nam hiện thời. Chẳng hạn, vấn đề văn học trong giao lưu, hội nhập quốc tế; văn học dưới tác động của cơ chế thị trường; chức năng dự báo của văn học, vấn đề văn học gắn với thời đại, thực tại, nhà văn gắn với xã hội, số phận nhân dân; vấn đề cách tân văn học. Nói riêng về phê bình văn học, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, từ góc độ chuyên môn, và từ điểm nhìn quản lí, lãnh đạo, Phan Trọng Thưởng trở lại với lại vấn đề đối tượng, vị trí, bản chất, chức năng của phê bình, chỉ rõ thực trạng đội ngũ phê bình, những yếu tố khách quan tác động tới lĩnh vực này (cơ chế thị trường, thị hiếu công chúng, sáng tác,…), từ đó ông đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi nhằm thúc đẩy hoạt động phê bình văn học Việt Nam đương đại phát triển lành mạnh và đúng hướng. Ở Phan Trọng Thưởng gần như đã thống nhất với quan niệm này: để Thẩm định các giá trị văn học, nhà chuyên môn cần quan niệm lại văn học; không thể nhận chân được các giá trị văn học, càng khó khăn hơn khi xem xét các giá trị văn học đang biến động rất nhanh trong đời sống văn học đương đại từ một cái nhìn cũ, quan niệm cũ, cách làm cũ. Thẩm định các giá trị văn học của Phan Trọng Thưởng thúc đẩy chúng ta thẩm định (lại) các hiện tượng văn học trong khung khổ một thực tiễn đặc thù, có tính phức hợp, bất ổn, không còn tình trạng thống nhất, tập trung, tập quyền như trước đây.

Đóng góp nổi bật cả trên bình diện lý luận và văn học sử của công trình này còn là những nghiên cứu chuyên sâu, thấu đáo về thể loại kịch. Với 8 tiểu luận công phu (chiếm hơn một nửa dung lượng cuốn sách), người viết đã khái quát được tiến trình văn học kịch Việt Nam nửa sau thế kỉ XX, chỉ ra những dấu hiệu mới và thành tựu nổi bật của kịch giai đoạn 1945- 1954, văn học kịch giai đoạn 1975-1985 và những vấn đề xã hội hậu chiến, xác định rõ những đóng góp của Vũ Đình Long, vị trí của Vi Huyền Đắc trong lịch sử phát triển kịch Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, chân dung và những tìm tòi của các tác gia Đoàn Phú Tứ, Đào Hồng Cẩm… Các bài viết về văn học kịch của Phan Trọng Thưởng, là những ví dụ cụ thể, rõ ràng về việc đánh giá, thẩm định lại các giá trị, hiện tượng văn học quá khứ; trong những đánh giá này, người viết thể hiện thái độ trân trọng di sản văn học kịch của dân tộc, khắc phục được cái nhìn định kiến, phiến diện về kịch Việt Nam giai đoạn trước và sau 1945. Nhìn hệ thống các nghiên cứu của Phan Trọng Thưởng từ năm 1996 trở lại đây, có thể ghi nhận ít nhất một điều, chỉ đến Phan Trọng Thưởng, diện mạo kịch Việt Nam mới được nhìn nhận một cách đúng đắn, biện chứng và đầy đủ hơn. Phan Trọng Thưởng là một chuyên gia hàng đầu về kịch Việt Nam thế kỷ XX.

Thẩm định các giá trị văn học thể hiện một nhãn quan học thuật mới; ghi dấu một sức bao quát về những đường hướng vận động, phát triển trong văn học của người viết; không ít vấn đề vẫn còn nguyên tính thời sự và có ý nghĩa phương pháp luận. Thẩm định các giá trị văn học đề cập đến nhiều khu vực, thể loại, vấn đề văn học, bàn đến nhiều tác giả, xu hướng, giai đoạn, trào lưu văn học qua một văn phong điềm tĩnh và luôn gợi mở. Phan Trọng Thưởng luôn đề cao những giá trị truyền thống, dân tộc, những tri thức thiết thực về mặt xã hội, những bài học kinh nghiệm của quá khứ, lần tìm trở lại những hiện tượng đã qua, những món nợ lịch sử, nhưng ông cũng quan tâm đến những tri thức mới, lối tư duy mới đã được ngữ cảnh hóa rõ nét, đến bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, cơ chế thị trường và cuộc cách mạng thông tin. Phan Trọng Thưởng luôn hướng đến sự hiện đại hóa, đổi mới và phát triển văn học nước nhà. Thẩm định các giá trị văn học cho thấy có nhiều vấn đề của khoa học văn học cần được tư duy lại, quan niệm lại. Cuốn sách của Phan Trọng Thưởng không chỉ là tư duy lại những vấn đề cơ bản của lý luận văn học, phê bình văn học và văn học sử, mà còn cho thấy những vấn đề ấy đang được ngữ cảnh hóa mạnh mẽ.

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version