Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?

(Theo Văn nghệ Quân đội)

Mới đây, Hội Nhà Văn Việt Nam cùng các thương hiệu Liên Việt Books và Linh Lan Books đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: Suy tư bằng truyện kể: Văn học trinh thám hiện đại giao thoa Đông và Tây. Được coi như buổi trò chuyện “chính thống” đầu tiên về thể loại văn học đang phát triển mạnh mẽ, buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của báo chí cũng như các độc giả.

Theo đó, bắt nguồn từ phương Tây, văn học trinh thám trong hơn một thế kỉ qua đã có chỗ đứng vô cùng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, văn học Việt Nam cũng đã có những tác phẩm trinh thám trẻ trung đầu tiên của mình. Vậy thì đâu là điểm khác nhau giữa trinh thám của hai nền văn hóa, và liệu trinh thám Việt Nam sắp tới sẽ có những bước tiến dài hơn không?

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhà văn trinh thám nổi tiếng đến từ Na Uy, Oystein Torsrud. Nhân dịp này, tác phẩm Cơn bão của ông cũng sẽ ra mắt độc giả Việt Nam. Cùng với đó có nhà văn Di Li – nhà văn trinh thám hiện đại của Việt Nam; nhà văn trẻ Đức Anh…

Mở đầu buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam – Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng hầu hết người Việt Nam thường thích những chuyện trinh thám bởi bản năng tò mò muốn khám phá những điều bí ẩn. Thế nhưng phải thừa nhận rằng, ở nước ta số lượng văn học trinh thám vẫn còn rất ít và chưa phát triển.

Để trả lời câu hỏi vì sao người Việt Nam thích trinh thám nhưng lại có rất ít tác phẩm trinh thám, nhà văn Di Li cho rằng, văn học trinh thám chủ yếu dựa trên tưởng tượng, giả tưởng, và dù cho có sử dụng những dữ kiện thật thì chúng cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Thế nhưng người Việt Nam nhìn chung thì lại không mạnh về trí tưởng tượng. Không chỉ riêng trinh thám mà các thể loại đòi hỏi tính tưởng tượng cao như hiện thực huyền ảo… thì chúng ta cũng không phát triển bằng các nước khác.

Về mặt thương mại thì rất nhiều tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng trên thế giới khi được chuyển ngữ và xuất bản ở nước ta, thì lượng bán ra cũng không thể bằng các thể loại khác. Nếu so với một thị trường có dân số nhỏ như Na Uy, thì số lượng tiêu thụ tác phẩm trinh thám vẫn lớn hơn rất nhiều so với một nước đông dân như Việt Nam. Tuy thế nhà văn Di Li tin rằng, khi đời sống ngày càng phát triển thì số lượng người đọc củng như người viết sẽ dần tăng lên.

Nhà văn Đức Anh, tác giả của 2 tiểu thuyết Đảo bạo bệnh và Thiên thần mù sương chia sẻ, văn học trinh thám từ trước đến nay vẫn luôn đứng giữa lằn ranh của văn học giải trí và văn học cao cấp, thế nhưng ở ngày hiện tại, nó ngày càng được độc giả trẻ Việt Nam quan tâm. Đức Anh cũng bổ sung thêm rằng văn học trinh thám ở Việt Nam thật ra đã có một sự phát triển nhen nhóm như một “dòng chảy ngầm”. Bằng chứng là kĩ thuật trinh thám vẫn được sử dụng rất thường xuyên trong các tác phẩm đương đại, như truyện thiếu nhi, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay các tác phẩm dự thi của Bộ Công an… Tuy nhiên nhìn nhận một cách rõ ràng thì trinh thám Việt Nam vẫn còn rất non trẻ.

Thời gian gần đây có rất nhiều tác phẩm trinh thám “nội địa” đã được giới thiệu và ra mắt, với lứa tác giả ngày càng trẻ tuổi cũng như khai thác được những vấn đề thật sự nổi cộm. Có thể kể đến những nhà văn nổi bật như Thảo Trang, Kim Tam Long, Đức Anh, Nguyễn Dương Quỳnh…

Ở Việt Nam, bên cạnh các dòng văn học chủ lưu như Mĩ và châu Âu, thì văn học trinh thám của vùng Bắc Âu hiện đang được xuất bản và khai thác rất nhiều. Khá nhiều tác giả nổi tiếng đã có lượng người hâm mộ đông đảo trong nước như Jo Nesbø, Samuel Bjork (Na Uy), Camilla Läckberg, Stieg Larsson (Thụy Điển), Joël Dicker (Thụy Sĩ), Søren Sveistrup (Đan Mạch)…

Khi được hỏi vì sao có thị trường nhỏ thế nhưng nền trinh thám Bắc Âu lại vô cùng phát triển, nhà văn Oystein Torsrud cho rằng văn chương Bắc Âu là nền văn học chú trọng vào con người. Trong khi đó, xã hội Bắc Âu đề cao tinh thần chung, nên các tác phẩm có liên quan đến xã hội thường rất được lòng độc giả. Thêm vào đó, các nhà xuất bản ở đây đều biết cách tạo ra sự hấp dẫn cho các tác phẩm mới, từ đó nhà văn có thêm nhiều động lực để tạo ra các tác phẩm hay. Ông cũng nói thêm, các nhà xuất bản cũng rất kĩ lưỡng trong khâu xét duyệt, có khi bản thảo sẽ bị từ chối đến… 80 lần chỉ bởi một nhà xuất bản tỉnh lẻ nên độc giả ở đây rất yên tâm với các cuốn sách được cho ra đời.

Buổi tọa đàm diễn ra tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.

Nói về những điểm khác nhau giữa văn học trinh thám cổ điển và hiện đại, nhà văn Di Li chỉ ra rằng nếu ở thời trước, các tác gia chỉ nghiêng về những suy luận logic như Sherlock Holmes của Conan Doyle, với “chìa khóa” thành công là xây dựng nhân vật có phần tài tử. Thì ngày nay với sự phát triển của khoa học – công nghệ, trinh thám hiện đại muốn “bùng nổ” đòi phải kết hợp rất nhiều yếu tố, từ kĩ thuật giám định pháp y, pháp luật… cho đến áp dụng các công nghệ cao.

Tuy thế nó cũng là một con dao hai lưỡi nếu quá lạm dụng. Nói về giao thoa, thì với sự giao lưu văn hóa như hiện nay, điều đó là hoàn toàn có thể. Nhà văn Di Li nói rằng phương Tây chính là nền móng của văn học trinh thám, nên sự giao thoa giữa trinh thám Đông và Tây trước hết vẫn phải dựa vào tính chất logic. Người phương Đông đôi khi sẽ có các cách giải quyết khác, khi thêm các yếu tố “tình” vào bên cạnh “lí”. Nhà văn Đức Anh thì cho rằng các điểm khác nhau đáng kể của trinh thám từ hai nền văn hóa là bởi văn phong, cách đặt vấn đề cũng như đề tài khai thác.

Theo nhà văn Di Li, tương lai của trinh thám Việt Nam là hoàn toàn có. Tuy nhiên đây là công việc cần có rất nhiều đam mê cũng như công sức, nguồn lực… nếu muốn theo đuổi. Đây ít nhiều cũng là rào cản cho các tác giả trẻ. Tuy thế nhà văn Đức Anh vẫn luôn tin rằng văn học trinh thám sẽ có vai trò như “hầm trú ẩn” để các nhà văn phản chiếu các vấn đề xã hội.

Buổi trao đổi còn có sự góp mặt của đại diện kênh truyền hình K+. Đơn vị này cho biết hiện nay các bộ phim chuyển thể các tác phẩm của Tử Kim Trần, Keigo Higashino hay Agatha Christine… đều đang rất đươc yêu thích. Trên hai mảng hạ tầng là truyền hình và streaming thì phim hành động – trinh thám đang chiếm được sự quan tâm hàng đầu.

Bám theo trào lưu này, K+ mới đây cũng đã hợp tác cùng đạo diễn Victor Vũ để phát sóng bộ phim chuyển thể Trại Hoa Đỏ chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li vào tháng 7 vừa qua. Kết quả cho thấy bộ phim đang rất thành công, với lượng rating ổn định từ 17-24%, trong khi các phim khác chỉ từ 3 – 4%. Đây cũng là bộ phim đang trong “tầm ngắm” của các nhà đài khác để mua và phát sóng trên toàn thế giới. Sắp tới đây, bộ phim chuyển thể từ cuốn Câu lạc bộ thứ 7 của nhà văn Di Li cũng sẽ được chuyển thể. Cô cũng hứa hẹn một kịch bản điện ảnh của tác phẩm thứ 3 mang tên Hồng tuyết.

Dịch giả Khánh An, nhà văn Di Li, nhà văn Oystein Torsrud và nhà văn Đức Anh

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đặt vấn đề liệu có nên tổ chức một cuộc thi về văn học trinh thám, từ đó phần nào tiếp cận đời sống cũng như thể hiện những góc khuất bên trong con người. Đề xuất này được rất nhiều khán giả quan tâm ủng hộ. Thương hiệu Linh Lan Books nhân đó cũng đã ngỏ lời rất mong muốn được kết hợp cùng với các nhà văn trẻ Việt Nam để tìm ra được các tác phẩm hay hơn.

Như vậy có thể thấy rằng với độc giả Việt thì văn học trinh thám – li kì luôn có một chỗ đứng, tuy không phải lúc nào cũng ồn ào. Văn học trinh thám không đơn thuần chỉ là giải trí, mà thông qua đó, người đọc cũng được đắm chìm vào một thế giới sống khác, nơi tất cả những suy tư và hành động của con người được hiển hiện một cách logic, nơi đặt ra – và thậm chí là chạm đến tận cùng – câu hỏi về bản chất, về lằn ranh của đạo đức, của tội ác, sự trừng phạt, hay những giá trị cực đoan khác. Với những bước tiến hiện tại, hi vọng sắp tới sẽ có nhiều tác phẩm trinh thám độc đáo và hay hơn nữa.

NGÔ MINH

Exit mobile version