Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh.

Gồm các truyện sau:

1. Đàn bà

2. Đứa bỏ làng

3. Gã nhà quê

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ các tối thứ Tư, Năm, Sáu trong tuần.

NHÀ VĂN TỪ NGUYÊN TĨNH

Quê quán: Bàn Thạch, Xuân Quang, Thọ Xuân, Thanh Hóa

Ông tham gia quân đội từ năm 1965 -1975

Năm 1967, tại khẩu đội 5 trận địa đồi C4 Hàm Rồng anh hùng, pháo thủ Lê Văn Tĩnh nay là nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã tận mắt chứng kiến đồng đội của mình gục trên mâm pháo vẫn không rời vị trí chiến đấu.

Anh đã viết lên bờ công sự khẩu đội 5 câu khẩu hiệu: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục”.

Với khẩu hiệu: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục”, góp phần cho bộ đội ta chiến đấu hết mình, bảo vệ thành công cầu Hàm Rồng, vị trí huyết mạch nối 2 miền Nam – Bắc.

Sau đó ông Học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội

Ông là hội viên sáng lập Hội văn nghệ Thanh Hóa 6/1974

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hội Viên Hội Nhà báo Việt Nam

Ông từng là Phó chủ tịch, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã xuất bản 30 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, kí sự và thơ

* Giải thưởng văn học

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

Giải thưởng Hội Nhà văn VN tập truyện ngắn Mối tình chàng Lung mù

Trường ca Hàm Rồng giải của HLHVHNTVN

Tặng thưởng tiểu thuyết Cõi Người, cuộc thi tiểu thuyết 2004 – 2006, Hội Nhà văn Việt Nam…

Giải nhì truyện ngắn Mẹ (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Sông Hương năm 1993

Gần 20 giải A và B của tỉnh Thanh Hóa cho các tác phẩm của nhà văn.

Và nhiều giải thưởng khác.

Nghĩ về nghề: Đến với Văn Chương có nhiều con đường khác nhau, Văn Chương cũng khác nhau như mỗi cuộc đời. Cái Tính và Cái Nết làm nên giọng nói, học hành cùng cảnh ngộ tạo nên nông sâu làm người đọc nhận ra giọng điệu – Cá tính Nhà văn.

Nhà Văn được cuộc đời rủ rê, xô đẩy và mê hoặc để cầm bút. Cầm bút rồi lại muốn đời mê văn mình… Cái được mất, còn lại là “số phận” nhà văn.

ĐỨA BỎ LÀNG

Tôi không phải là người đầu tiên hay kẻ cuối cùng mang tiếng là “thằng bỏ làng” – xấu xa như các cụ nguyền rủa. Đồ bỏ làng – cái tiếng ấy ngày xưa là lời chửi độc, khinh rẻ của dân làng tôi – không được làng chấp nhận, ghét bỏ phải bỏ làng ra đi – đời chết rấp – bờ bụi ở đâu đâu… mà có khi, đói kém không dám mò mặt về làng.

Một đêm, trong ngà ngà say chú Ngũ tôi đã bấm đốt ngón tay có tới hàng trăm đứa bỏ làng ra đi. Người đầu tiên mà chú tôi biết được là Đỏ Vạc – vào rừng hái củi mà chết đói. Nghe đâu cha nó cũng dắt chị dâu đi hái củi, bị cọp vồ. Đó là dân làng không nói toạc ra bố đĩ cuỗm con dâu khi vào rừng đốt lò than. Mấy ông đi lính Pháp, đi Tân thế giới ở luôn bên đó nên danh nên giá. Mấy chú vào đồn điền cao su đi phu. Mấy anh chàng đánh thuê, chém mướn vì chẳng có nghề nghiệp và cái lá lót ruột. Còn tụi bay bây giờ – chú nói giọng chua chua – có chút chức quyền từ bé con như quả hạt tiêu đã muốn bỏ làng ra đi, trút lại cái đói, cái nghèo cho tụi tao – chỉ thương mấy thằng liệt sĩ – Chú tôi lấy ống tay áo cáu bẩn quệt nước mắt. Chú lại nhớ đến thằng Nhân đứa con trai duy nhất của chú đấy – Là chẳng gian lận như tụi mày.

Đêm nặng nề, về quê nghe đi nghe lại giọng chú, đến nhàu nát ký ức của đời người. Tôi thương chú nhiều nỗi, một chữ cắn làm đôi cũng không biết, đời thật như đá nhưng gánh khổ đến khi chết. Có dạo làm tới chân chủ tịch xã nhưng cũng chỉ nhập tâm các cuộc họp. Sau mấy đứa đàn em văn hóa lớp hai lớp ba lên thay. Đã thế về đến họ mạc chú lại bị lép vế bởi bác Lung mù của tôi làm nghề bói toán. Cái uy lớn nhất là bác đã đành, nhưng bác Lung tính cường hào lắm, chả là ông có chữ mà lại. Chú tôi mỗi lần họp họ, độc chỉ nói mỗi một câu – “bác Lung mê tín” còn vì sao thì chịu cứng. Tiếng tăm hàng nửa thế kỷ của bác nổi như cồn. Đâu đâu người ta cũng đến xin ý kiến của bác. Mất của bác hô tên, tình duyên dang dở bác chỉ bảo, đường đời xiêu vẹo bác nắn cho, ối người đem chè, thuốc, tiền bạc đến mà tạ. Lạ nhất là những ngôi mộ lạc, gói đất đưa đến, bác Lung cầm lấy đưa lên mũi, đôi mắt nhìn đâu bên trong sâu thăm thẳm, người ta còn đang nghẹt thở và chờ đợi, cái mũi hít vào gói đất, miệng phán ngay vị trí ngôi mộ. Nó bị vùi lấp ở đâu, cảnh vật hai bên ra sao, nghe mà cứ như bác là người canh ngôi mộ đó không bằng. Là chưa nói khi hứng thú, ông cũng ngồi bói về thời cuộc; thua được của ta, ẩu đả của thế giới, luận về Kiều. Lập cục tử vi của người này người khác, người ta nói bác mê tín thì làng cũng nói leo chứ biết bắt bẻ bác vào đâu được. Đã thế lại có lão Lật, người thấp đen sắt, miệng méo, mắt lé làm nghề thầy cúng ủng hộ – thành ra bác mạnh.

Bọn nhóc ốm, hái lá leo không khỏi. Cúng. Người ốm thập tử nhất sinh lập đàn cầu đảo, khỏi ngay. Động mồ động mả cúng ăn nên làm ra. Chính quyền xã là con cháu, ít chữ thành ra người lo cho sinh mệnh của làng tôi là bác Lung và thầy cúng Lật. Chú tôi biết vậy nhưng không tài nào bác lại được. Điều hay nhất là chú nói những câu độc đáo đến dễ sợ – Bác Lung tôi bảo, thằng Ngũ nhà này nó mà được học hành tử tế thì phải biết.

Nhưng hiện giờ thì chẳng có gì thay đổi ngôi vị. Chú tôi vẫn là em. Hễ nghe tiếng gàu kéo nước sáng sáng là sang bác Lung uống trà, ngồi như người ngủ gật, nghe bác phán về sự thế. Chẳng may mà bác mù nên không nhận ra sự bất nhã của chú. Bác Lung nói như lời phán truyền của thượng đế.

– Đấy rồi chú xem. Đố thằng nào dám ra ngoài hai cây đa để làm nhà. Có mà bỏ làng ngay!

Hai cây đa phía làng tôi – dân đinh nằm trong đó, chen chúc chật chội. Có hai hòn đá dưới gốc đa là hai hòn Cõi được yểm từ thuở nào.

Con người nhỏ bé như con chuột rúc rích trong đó. Chú tôi buồn lắm – chú nói như một nhà hiền triết:

– Thôi cháu ạ! Nằm ổ rơm cũng như nằm nệm lò xo. Rồi cũng xuống lỗ cả chứ hơn kém nhau làm gì – Mùa rét chú cháu nằm ổ rơm không chăn để ngủ, chú nói vậy. Tôi thấy vô lý, nhưng cao hơn lý là tấm lòng của chú: – Sự nghĩa hiệp đến phi thường.

Nói gì thì nói, hóa ra theo cách nghĩ bấy giờ trí thức của làng tôi lúc đó chỉ có ba người: – Bác Lung làm thầy bói, ông Lật thầy cúng và chú tôi – Tuy chú tôi không biết chữ nhưng cũng nói được những lời lạ lùng. Mà đến giờ khi ông không còn sống, tôi còn nhớ như in lời chú – Người ta ấy cháu ạ! Cởi truồng ra bằng nhau tất. Nhưng hơn, kém là cái này – Chú áp chén rượu vào ngực trái và dốc cạn vào họng. Tôi ứa nước mắt vì từ chân đến cổ chú gân là gân nổi lên như lươn chạy – Mẹ tôi nói từ lâu rồi, những người như thế khổ một đời.

*

Mười năm tôi đi lính, trở về làng, chiếc ba lô lỉnh kỉnh của người lính. Tôi là lực lượng bổ sung trở lại, làm nguồn cho nông thôn. Hăng hái và nông nổi – Chạy chọt được ít tiền chế độ một lần làm ba gian nhà ra ngoài gốc đa đầu làng cho thoáng mát, tự do. Tôi nhập vào đội quân đi tuyên truyền sản xuất. Ông anh họ tôi kế toán trưởng, nay đã giữ chức bí thư đảng ủy. Ông muốn cho tôi có một chức vụ gì đó: – Thông tin văn hóa xã chẳng hạn, có tiếng mà có lúa ăn, lại nhàn hạ. Tôi vác loa ra tận đồng, cổ vũ những người bà con gặt hái. Vợ tôi làm cán bộ của huyện, thế cũng coi được. Người lính thắng trận có quyền ngang hàng với kỹ sư và người khác. Nhưng tai nạn bất ngờ đánh ụp vào nhà tôi: – Anh tôi hy sinh ở chiến trường Tây Nam. Thằng con trai sinh sau bảy lăm của vợ chồng tôi theo lũ trẻ xuống ao cá giữa huyện tắm mát, không bao giờ lên được bờ. Vợ tôi nhớ lại lời tiên tri của bác Lung dày vò tôi: Thấy chưa, bác ấy bảo số chúng mình mất của. Tại sao bố mày không đưa cái catset cho người ta mượn có phải thế mạng cho con không nào. Năm ấy làng tôi động to. Bác Lung của tôi cũng chết. Mặc dù làm thầy nhưng ông cũng không đoán được lúc ra đi của mình. Lão Lật làm nghề thầy cúng, có lẽ quá chén trong đám tang của bác Lung nên bị cảm, lăn đùng ra chết ở gốc đa đầu làng. Thế là tôi không mời được thầy đến để cúng vái yểm bùa trừ tà. Vợ tôi ốm đau quặt quẹo nên tôi bỏ luôn nghề “thông tin báo chí của xã”.

Cái đêm lao lung khốn khó ấy, chú Ngũ đến với tôi. Chú buồn bã nói – Làng mình là đất đẹp đấy cháu ạ. Nên vua quan dùng làm nơi để lăng tẩm. Nhưng có con sông án ngữ mất rồi. Đứa nào vượt qua được sông ra đi thì khá. Nâng chén rượu lên, trong đó có những giọt nước mắt, chú thổn thức: Ngay chú cũng hèn không dám đi. Tôi nhớ lại lần đào ao cá ở huyện, chú Ngũ nói với ông chủ tịch – Đồng chí ạ! Tôi thấy cán bộ mà lo xây hội trường lớn, ăn chơi thì đời sống dân mình bại là phải – Ông chủ tịch cáu – Đồng chí trình độ kém quá nên đi học thêm văn hóa. Chú tợp thêm cốc rượu giọng buồn rầu: Bây giờ, có mấy thằng bạn nó tướng tá cả rồi. Quanh đi quẩn lại, làng chỉ mấy thằng “cường hào mới” và mấy ông thầy cúng và thầy bói. Bao giờ mà tiến được cháu. Ông bàn với tôi bán quách mấy gian nhà đi mà ăn học. Vợ tôi làm cán bộ huyện, mình tôi ngủ với chú – Lo gì, nằm ổ rơm cũng như nằm giường lò xo – Chú tôi cười, cái cười cay đắng.

Tôi lần mò ăn học – cả họ góp cho tôi gạo thóc, tế lễ rồi cũng tốt nghiệp đại học. Tôi làm cái việc khá thú vị, sưu tầm xếp hạng di tích lịch sử. Chú tôi cười – Mày thử xếp xem làng mình vào hạng nào – Cái đình, nhà kho hợp tác ấy mà!

Nhưng nhà hiền triết của dòng họ tôi cũng bị đánh gục. Thằng con trai duy nhất của chú đi chiến trường bặt tăm tin tức giờ có giấy báo tử. Đã thế đứa em nó dở hơi lại chửa hoang. Chú Ngũ trầm lại như đất cày. Ngày thường đã đen, nay càng đen đúa như đồng hun.

Họ tôi thế là động to rồi. Mấy bà cô, chú bác bảo phải kiếm cái lễ lớn. Có làm hình nhân thế mạng. Tôi và thằng em nuôi phải đi xa chục cây số để đón thầy cúng về. Ông thầy già lắm không đi nổi. Bọn tôi phải thay nhau cõng cụ mà chân vẫn phải kéo sệt trên đất.

Thôi, mất mát nhiều sinh mạng nhưng dù sao cũng phải giữ lấy họ. Họ bàn lập đàn ở cây đa đầu làng. Mấy bà bác, bà thím phải dậy thật sớm để thổi nấu.

Chúng tôi khiêng bàn ghế, ấm chén ra gốc đa, lòng buồn vui hy vọng.

Nhưng ra đến nơi thì trên cao thòng xuống hình người tay chân giơ ra như đang muốn ôm chầm lấy chúng tôi. Mấy bà và mấy đứa con nít hét làm đổ hết cả đồ cúng tế. Thằng cháu tôi làm phó công an xã quát tướng lên:

– Có kẻ phá hoại. Địch.

Nó bấm đèn pin vào hình nhân. Mọi người trố mắt ra. Chú Ngũ của tôi treo lơ lửng trên chiếc dây thừng.

Chú như muốn bay lên trời mà không bay nổi. Mắt vẫn mở, như hỏi mọi người.

Đám ma của chú thật buồn bã. Lại lác đác có đứa bỏ làng ra đi. Tôi theo vợ nhập cư vào nửa gian nhà ở ủy ban kế hoạch. Ba mươi cây số phải bốn chục năm mới rời được làng đi đến một thị xã lèo tèo, bề bộn. Triết lý của chú Ngũ tôi khi vui, lúc buồn cứ nhoi nhói trong tôi: Nằm ổ rơm cũng như nằm giường lò xo. Tôi bùi ngùi, muốn quên đi cái khổ truyền kiếp.

*

Chiều nay, tôi lại có khách. Thằng cháu họ là kỹ sư chăn nuôi đặt ba lô uỵch xuống đất nói ồm ồm:

– Bác ạ! Cháu rồi cũng ra đi thôi!

– Mày nhà cửa vợ con đoàng hoàng còn đi đâu?

– Khổ! – Cháu có ước mơ gì to tát, chỉ muốn hành nghề nhưng bác bảo có ai nhờ đâu. Nó rít điếu thuốc lào đến cháy nõ. Ban ngày thì mấy ông chính quyền xã điều hành – ăn uống lỉnh kỉnh đêm về thì âm binh – Bác bảo cái con Nở, con ông chú Ngũ nhà mình ấy – dở ngây ngô – chửa hoang – Bây giờ lại nứt nanh nghề thầy cúng kiêm thầy bói. Nó bảo nó được ăn lộc thánh. Dừng một lúc nó nói như mếu – kỹ sư, thầy giáo có ai hỏi đến – từ làm chuồng lợn, cưới gả, sài đẹn của mấy đứa trẻ ranh đều đến hỏi thầy – mà khốn nạn quá. Nó lại mù chữ chứ bác – Nó khóc lên hu hu.

Tôi nhìn thấy hai cây đa hai phía làng. Một bên là dòng sông, một bên là núi đá ôm bọc lấy làng quê bé nhỏ của tôi.

Trên cây đa, treo lòng thòng chú Ngũ của tôi – Nhà hiền triết không chữ nghĩa mà tôi yêu quý.

– Bác ạ! Dù có phải mang tiếng là đứa bỏ làng, cháu cũng ra đi thôi!

Tôi giật mình vì giọng nó sao mà giống chú Ngũ thế.

Thị xã Thanh Hóa 13/6/1992

Exit mobile version