Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh

– Nguyên quán: Huyện Yên Mỹ – Tỉnh Hưng Yên

– Cơ quan công tác: Ban thanh tra Đại học Thái Nguyên

– Thạc sĩ Chuyên ngành: Văn học Phương tây

– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

– Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên

Đã xuất bản hàng chục tập sách gồm các tập thơ, truyện ngắn và Nghiên cứu Lý luận Phê bình

Giải thưởng

– Giải A, Lý luận văn học 5 năm tỉnh Thái Nguyên (2008 – 2013): Chuyên khảo Tiểu thuyết Việt Nam 1965 – 1975 từ góc nhìn thể loại. NXB. Giáo dục 2008

– Giải C về thơ, Giải thưởng 5 năm tỉnh Thái Nguyên (2013 – 2018). Tập thơ Khoảng Lặng. NXB. Đại học Thái Nguyên. 2016

– Giải Ba Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam 2015. Chuyên khảo văn học địa phương miền núi phía Bắc. NXB. Đại học Thái Nguyên. 2015.

– Giải khuyến khích về truyện ngắn trong cuộc thi Cây bút vàng của Bộ công an, với truyện ngắn Viên đạn thứ ba, 2021.

– Giải ba về thơ trong cuộc thi thơ của Bộ Tư lệnh cảnh vệ – Bộ Công An với chùm thơ Những người lính hát bè trầm, 2022.

Và một số giải thưởng khác.

Sách đã xuất bản:

Các tập thơ:

Núi khát (Tập thơ), Nxb Hội Nhà văn, 2000.

Vết thời gian (Tập thơ), Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, 2004.

Khoảng lặng (Tập thơ), Nxb Đại học Thái Nguyên, 2012.

Thầm… (Tập thơ), Nxb Hội Nhà văn, 2021.

Lý luận phê bình:

Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ 1965-1975 từ góc nhìn thể loại (Lý luận phê bình Văn học), Nxb Giáo dục, 2008.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Chu Lai (Lý luận phê bình Văn học), Nxb Đại học Thái Nguyên, 2011.

Văn học địa phương miền núi phía Bắc (Chuyên khảo), Nxb Đại học Thái Nguyên, 2015.

Đồng chủ biên nhiều công trình Lí luận Nghiên cứu Phê bình và tài liệu giảng dạy.

CỔ THÁP

Cổ tự, nhỏ bé và mộc mạc có tên gọi là chùa Sen, mái ngói mũi rêu phong, nằm trên sườn đồi, soi bóng xuống hồ nước trong xanh. Hắn đã ở lại đây được mấy tháng, ngày đánh máy các bản kinh Phật đã ố vàng, đêm viết văn làm thơ, hoặc lang thang nghe các pho tượng cổ thầm thì kể chuyện bằng thứ ngôn ngữ riêng của lịch sử. Hình như khi ăn cơm chay, ngủ trong thanh tịnh, lánh xa trần thế xô bồ, lòng hắn bỗng trong trẻo hơn, dục vọng thường tình theo gió bay đi mất. Khi chạm vào bốn cổ tháp, bàn tay hắn nóng ran như có luồng điện khẽ chạy từ tay lên óc rồi trái tim rung lắc đến không thở nổi.

Hình ảnh ngôi chùa với bốn cổ tháp cứ trở đi, trở lại trong giấc mơ của hắn từ thuở ấu thơ. Tiếng chuông trong mơ giục giã hắn trở về. Hắn đã đi tìm hình ảnh ấy hơn ba mươi năm, khắp trong Nam ngoài Bắc. Vậy mà mới đây thôi, hắn phóng chiếc xe máy tòng tọc, vác máy ảnh đi dọc bờ sông Thương, đến ngã ba Xưa thì ngơ ngác chẳng biết nên theo ngả nào. Hắn đành vào quán nước nằm dưới gốc cây gạo trên bờ đê, ăn trưa bằng một phong kẹo lạc và bát nước vối sóng sánh màu cánh gián. Bất chợt lũ trẻ con ùa đến chơi trò “Rồng rắn lên mây” quanh gốc cây, bài đồng dao thì lạ lắm, hắn chưa nghe thấy bao giờ:

“Tìm mòn gót giầy không thấy Giấc mơ hiện giữa ban ngày Cổ tháp cùng chùa chờ đợi Muốn thấy đi về hướng Tây.”

Một tia chớp lóe sáng trong đầu hắn, có phải ngôi chùa với bốn cổ tháp trong giấc mơ tuổi thơ của hắn? Tạ ơn trời Phật mách bảo! Hắn đến nơi khi đã chiều tối, một chú tiểu lanh lợi, chỉ mỗi tội môi quá mỏng và mắt hay nhìn trộm, đưa hắn vào gặp sư trụ trì. Hắn có cảm giác quen thuộc với chú tiểu, dù mới chỉ gặp lần đầu. Ở đây không có hòm công đức. Sự nghèo khó hiện diện khắp nơi, từ cửa chính đã mục nát, cong vênh, đến mái ngói mũi đã võng xuống bởi đám cột kèo mọt đục ruỗng. Chỉ có những pho tượng Phật chạm khắc bằng gỗ mít đã lên nước bóng loáng. Sư trụ trì đang trồng khoai lang ngoài vườn, cất cuốc, lau mồ hôi rồi khoan thai vào rửa tay, pha nước mời hắn:

– Bạch thầy. Con đi ngang qua đây thấy phong cảnh cổ kính tiêu sơ, lòng mong mỏi được ở lại một thời gian. Có công việc gì làm, con xin hết lòng. Chỉ xin mỗi ngày hai bữa cơm chay…

Sư trụ trì xem giấy tờ của hắn rồi cười hiền hậu:

– Thí chủ cứ ở lại. Nhà chùa nghèo nhưng phòng ốc rộng rãi. Còn nếu muốn thì cũng có nhiều việc để thí chủ làm công quả. Ví như đánh máy các bản kinh Phật đã bắt đầu cũ nát…

Từ hôm ấy hắn thành người của cửa Phật, ngày đánh máy các bản kinh Phật, đêm viết tiểu thuyết. Cây vối hơn bảy trăm tuổi rì rầm kể cho hắn nghe về lịch sử hơn nghìn năm tuổi của chùa này và bốn cổ tháp chứa xá lợi của bốn cao tăng. Cây na lai lê cổ thụ làm hắn tò mò nhất. Thân cây xù xì uốn lượn kỳ quái, nom hao hao hình dáng một vị La Hán dữ tợn đang vung quả chùy. Nghe đồn rằng khách thập phương đến đây, nếu ai thiện tâm, tác phong đàng hoàng ăn mặc chỉn chu thì không sao, nhưng kẻ nào tà tâm, hoặc ăn mặc không chỉnh tề, hành vi lén lút, hoặc buông lời thô tục thì tự nhiên ngã sấp ngã ngửa, không vấp vào đâu cũng ngã. Chú tiểu còn liến láu kể thêm, có đôi trai gái nhâng nháo, quần soóc, áo phông ngắn hở rốn, khoác vai nhau tình tứ, thi thoảng lại ghé đầu hôn nhau chun chút. Cây na lai lê vươn cành dài ra, cuốn chân hai đứa giật mạnh, cành cây còn hóa chiếc roi dài vụt lấy vụt để. Hai cô cậu vừa khóc vừa bò vừa chạy thục mạng…

Ở được mấy hôm, hắn đem giấc mơ lạ lùng thời tuổi trẻ của hắn về tiền kiếp hỏi sư trụ trì, nhà sư chỉ lắc đầu, chắp tay cầu kinh Đại Bi. Nhưng nửa đêm, cây vối vươn cành níu vai hắn, lào phào nói nhỏ như sợ ai nghe thấy:

– Có bốn cổ tháp. Mỗi cổ tháp đặt xá lợi của một vị cao tăng. Nếu muốn hỏi về tiền kiếp của mình, mỗi năm vào ngày rằm tháng Bảy hãy dâng một mâm lễ chay, rồi dập đầu bảy lần mà hỏi. Thứ tự phải đi từ cổ tháp đặt cao nhất rồi dần đi xuống đến cổ tháp cuối cùng.

Mỗi năm cầu khẩn chỉ hỏi được một cổ tháp? Vậy phải mất bốn năm. Không sao. Nếu biết được tiền kiếp của mình thì đó chẳng phải là một điều kỳ diệu, vạn người mơ không được đó sao!

Chú tiểu môi mỏng, hay nhìn trộm có tính tò mò hơn người. Chú đã nghe trộm được câu chuyện kỳ lạ giữa hắn và cây vối. Bởi vậy, suốt mấy năm trời, cứ vào ngày rằm tháng Bảy, chú đều nấp nom xem trộm, về ghi chép lại và đem kể chuyện ấy cho đàn cá trong ao chùa nghe. Phật môn cấm sát sinh. Cá nuôi không biết từ bao giờ nên to và tinh khôn lạ lùng. Nghe câu chuyện chú tiểu kể về bốn lần gặp gỡ với bốn cổ tháp của hắn, đàn cá hay hóng hớt không chỉ mách lẻo với vầng trăng, lại còn thêm dấm thêm ớt và bình luận huyên thuyên, khiến câu chuyện trở lên huyền hoặc không biết có nên tin hay không nữa.

Có nhà sư tình cờ xem được các ghi chép của chú tiểu rồi vì say rượu mà truyền ra ngoài. Chuyện là thế này:

“Lần gặp thứ nhất giữa hắn với cổ tháp phát hào quang mầu tím. Ngày rằm tháng Bảy năm…

Đúng nửa đêm, hắn len lén trèo lên đỉnh đồi, bày mâm lễ chay trước cổ tháp, thắp bảy nén hương rồi rì rầm:

– Con lạy chín phương trời lạy mười phương Phật. Con lạy chư Phật mười phương. Con lạy linh hồn cao tăng ngự trong cổ tháp này. Xin cao tăng chỉ dạy cho về tiền kiếp của con. Con là ai và từ đâu đến? Sao kiếp này con nghèo khó mãi và cứ đeo đẳng nghiệp văn chương mà không thành. Adi đà phật.

Cổ tháp bỗng rung chuyển, một luồng ánh sáng màu tím vọt thẳng lên bầu trời, một nhà sư râu tóc bạc phơ mặc cà sa mầu tím xuất hiện trên đỉnh tháp, nhìn hắn hồi lâu mới khẽ khàng:

– A di đà phật. Con từng là một nhà sư tu tập tại đây cách hôm nay đã ngàn năm. Thông minh và siêng năng. Ta và các hòa thượng đều rất kỳ vọng vào con, nhưng khi con lén đưa một thiếu nữ bị hủi về chăm sóc trong hậu viện thì tai họa cũng bắt đầu từ đấy. Con cũng biết ở xứ ta không được phép đưa phụ nữ vào ở trong chùa. Có lẽ tai họa giáng xuống cũng từ tội lỗi ấy…

– Bạch thầy. Chẳng lẽ thuở ấy con đã phạm vào giới luật…

– Ta biết con là người đức hạnh, không phạm giới tà dâm. Con cứu người con gái bị hủi, rụng hết cả mi mắt, tai, mũi và hai môi, chỉ vì lòng từ bi. Ta cũng biết con giằng xé trong tâm khi gần gũi, chăm sóc người con gái ấy. Có lúc dục vọng thiêu đốt, con đã định đi quá giới hạn. Than ôi. Cuộc vận lộn giữa quỷ và La Hán trong mỗi con người mới ghê gớm làm sao. Vậy mà con đã chiến thắng. Nhưng dù thế nào thì con cũng đã vi phạm giới luật. Sét đánh xuống cháy ngùn ngụt, chết nhiều hòa thượng, đó chẳng phải là do Phật tổ nổi giận mà trừng phạt hay sao? Nhưng ngàn năm qua, ta vẫn băn khoăn một điều. Sét đánh xuống, rất nhiều người chết, riêng con và cô gái ấy vẫn bình an…?!

– Bạch thầy. Sau đó thì sao ạ?

– Sau đó, cô gái hủi bỏ mà đi. Con bị đuổi khỏi chùa. Lòng ta cứ vương vấn mãi. Nhưng hơn một năm sau, cô gái ấy bế một bé trai trở lại tìm con mà không thấy. Cô ấy quỳ khóc trước cổng một ngày một đêm mà không ai mở cửa cho vào, sau đó bỏ đi đâu không rõ. Còn chú tiểu ngày ấy chính là chú tiểu hôm nay. Ngàn năm qua vẫn không thay đổi được thân phận của mình. Lười biếng, an phận, tò mò thái quá, đưa chuyện. Từng có công khi đưa một bát nước uống cho cô gái hủi. Nhưng có tội khi rình xem cô gái tắm. Luân hồi bao kiếp, vẫn tính xấu ấy, công tội bù nhau nên thành ra sống an nhiên, vui vẻ…

– Bạch thầy. Sau đó cuộc đời con trôi về đâu? Và đứa bé kia có phải là con của con không?

– Đứa bé ấy thì ta không rõ. Chỉ sau này nghe đồn con lăn lộn chốn hồng trần, làm tiều phu đốn củi nuôi thân. Nghe nói đã treo cổ mà chết. Tội lỗi. Tội lỗi.

Đàn cá dưới ao khi nghe được câu chuyện này đã khóc ròng ròng, nhìn hắn đầy thương cảm, ngưỡng mộ. Nhưng khi kể lại cho vầng trăng, vầng trăng cũng thổn thức, chúng lại kể rằng – sau khi bị đuổi đi rồi làm tiều phu, có lần hắn ra tay nghĩa hiệp cứu người, bị bọn cướp đánh chết rồi treo xác lên một cành cây. Đến tình tiết này, cả đàn cả và vầng trăng đều nghẹn ngào, không kể tiếp hay nghe chuyện tiếp được nữa…

*

Có một luồng ánh sáng phi thường rọi chiếu qua trí tuệ và tâm hồn hắn, hắn lờ mờ nhìn thấy một cô gái ốm nặng nằm trên phản gỗ. Hắn cầm khăn nhúng vào chậu nước mưa trong vắt lau người cho cô, thân hình thiếu nữ trắng muốt, phập phồng. Hắn phải cắn mạnh vào ngón tay mình đến chảy máu, lao đầu chạy ra vườn, nhảy ùm xuống ao, bơi mấy vòng mới dập tắt ngọn lửa dục đang ngùn ngụt. Nhưng trước đó, hắn đã kịp thấy một đôi mắt ti hí đang nhìn trộm qua khe liếp. Một cái lưỡi dẻo quẹo đang liếm quanh đôi môi mỏng dính. Hắn đã hắt cả chậu nước vào cái đầu trọc đang nhấp nhô cùng tiếng thở gấp gáp ấy…

Than ôi! Chỉ có vài thước phim cũ đứt đoạn chiếu qua tâm trí với vài khuôn hình mờ nhạt, không thực sự rõ nét. Nghìn năm trước, ta từng là một nhà sư như vậy sao? Tiền kiếp vẫn như bóng đêm, vài hình ảnh thoáng qua kia chỉ như ánh sáng một vài ngọn nến?!

*

Lần gặp thứ hai gặp gỡ giữa hắn với cổ tháp phát ra hào quang đỏ rực như lửa cháy: Ngày rằm tháng Bảy năm…

Rằm tháng Bảy năm ấy, thời tiết thay đổi dị thường. Tháng Bảy mà nửa đêm có tuyết rơi. Hắn thắp hương cầu khẩn mãi, linh hồn vị cao tăng thứ hai mới chịu hiện về. Đó là một nhà sư có gương mặt đằng đằng sát khí, hai mắt chất đầy tia lửa cháy làm bỏng rát toàn thân hắn, nhờ tuyết đang rơi mà hắn còn chịu đựng được. Hồn thiêng ấy vừa nói vừa nghiến răng ken két:

– A di đà phật. Ta không nén nổi giận dữ khi phải nhìn mặt kẻ tội đồ đáng ghê tởm của Phật môn.

Năm ấy, mi không chỉ hủy hoại tương lai của mình mà còn gieo tiếng xấu cho cửa Phật. Mi đã lén lút tư thông với một ả dâm nữ bị hủi. Chao ôi! Hổ thẹn và nhục nhã thay, cảnh dâm uế ấy diễn ra ngay trong đất Phật. Đã vậy, khi bị ta xét hỏi, dù đã có đủ nhân chứng, vật chứng mi còn chối cãi leo lẻo, đem cả Phật tổ ra để thề bồi. May mà còn có người tâm phúc luôn theo dõi, chứ không có lẽ ta cũng đã tin vào lời bào chữa của con quỷ mặt người kia. Đã thế, cháy thành vạ lây, trời cao giáng sấm sét khiến cổ tự cháy thành tro bụi, tăng nhân chết thảm vô số. Làm sao mà không giận không căm cho được…

Dù sợ hãi tột cùng, mồ hôi vã ra đẫm lưng áo, hắn vẫn cố trấn tĩnh để thưa lạy:

– Bạch thầy. Nếu đúng như vậy thì quả thực tội con lớn lắm, đáng bị thiêu nơi hỏa ngục. Nhưng vì sao con tội lỗi chất chồng như vậy mà vẫn còn được sống để ra khỏi đây?

– Mi còn hỏi vì sao à? Vì Phật tổ muốn mi phải sống để dằn vặt đau khổ, để sám hối cho những gì mình gây ra. Đến cô gái hủi mà mi cũng không tha. Đứa bé trong bụng ả không phải của mi thì của ai? Người tu hành mà tạo nghiệp chướng thì trời Phật nào dung thứ đây? Mi trả lời thế nào về cái chết thảm thương của bao tăng nhân đã cháy khét trong biển lửa. Mi là quỷ chứ không phải là người…

Hoang mang kinh sợ tột độ, hắn lắp bắp hỏi: A di đà phật. Vậy đứa bé kia có đúng là của con không? Xin cao tăng thương tình chỉ dạy cho, con có chết vẫn cắn cỏ ngậm vành cảm tạ.

– Điều ấy thì ta không biết nhưng theo linh cảm và lời đồn đại thì đúng là con của mi. Sau này nghe đồn mi làm tiều phu rồi tự sát. Tự sát vẫn phạm giới luật của Phật môn, nhưng âu cũng là quả báo cho kẻ ác…

Chưa dứt lời hồn thiêng đã phất tay áo giận dữ rồi biến mất, bỏ mặc hắn ôm đầu ngơ ngác trước những điều nghe được hết sức trái ngược nhau về tiền kiếp của mình. Mâm lễ bỗng bốc cháy đùng đùng dưới mưa tuyết trắng xóa, rồi một cơn gió mạnh hất mâm lễ bay xuống chân đồi…

Nghe nói đàn cá dưới ao biết được chuyện này đã nhao nhao căm giận, nhìn hắn bằng những đôi mắt long sòng sọc. Chúng còn kể cho vầng trăng nghe rằng: Sư trụ trì đã chính mắt trông thấy hắn ôm cô gái vào lòng, nhai nát cơm nguội rồi mớm cho cô ta ăn. Vật chứng là cái yếm đào của cô gái được hắn đem giặt ở cầu ao. Vậy mà còn chối cãi không tà dâm. Đúng là sư hổ mang. Nghe chuyện ghê tởm ấy, vầng trăng kéo mây đen che mặt, rồi khoảnh khắc nguyệt thực không có trong lịch số đã xuất hiện, khiến đất trời âm u, vạn vật kinh sợ.”

Thế là thế nào? Vị cao tăng thứ nhất mới kể một nửa sự thật sao? Hay là trong khoảnh khắc khát khao, ta đã không kìm giữ nổi mình? Chao ôi. Nếu đúng như vậy thì ta đã phạm một tội lỗi khủng khiếp, không thể được tha thứ. Những hình ảnh mờ nhạt về việc ta chăm sóc cô gái kia thì sao? Hay đó mới chỉ là khởi đầu cho một tội ác sắp diễn ra? Quá khứ như một ngôi mộ cổ đang dần được khai quật, sau phút tò mò, thích thú bởi tưởng tượng trước những phát hiện thì sau đó là nỗi kinh sợ. Vậy thì khát khao tìm kiếm sự thật để làm gì?

*

Lần gặp thứ ba giữa hắn với cổ tháp tỏa nghi ngút hai buồng khói đen và trắng: Rằm tháng Bảy năm…

Đêm rằm tháng Bảy mưa rào như trút. Vậy mà đèn nến vẫn cháy sáng trong mưa. Vị cao tăng xuất hiện với gương mặt nửa đen nửa trắng, thân hình tiều tụy, vắt trên vai một sợi xích sắt đỏ rừng rực:

– A di đà phật. Thiện tai. Thiện tai. Ta đợi con cũng đã lâu lắm rồi. Ta vừa mừng vừa xấu hổ khi gặp con, mọi khổ đau mà con gánh chịu là do ta gây ra. Tội của ta đáng phải bị lưu đày vĩnh viễn xuống địa ngục. Nhưng có lẽ Phật pháp bỏ sót một tội nhân mất rồi, ta được thờ cúng ở đây mà nhục nhã, tự đeo sợi xích nung đỏ để trừng phạt mình. Năm đó ta còn trẻ, khát khao quyền lực nên luôn theo dõi mọi người để mật báo cho sư trụ trì. Ta đã phạm cả bảy điều cấm của Phật môn, đã hại con và nhiều người chết thảm. Tội lỗi. Tội lỗi.

– Bạch thầy. Thầy nói mà con không hiểu gì cả. Lòng đã sợ sệt lại thêm bối rối. Mong thầy nói tường tận cho kẻ hậu sinh u mê không hiểu…

– Ta là sư thầy, chỉ dưới một người và đứng trên các tăng nhân. Ta luôn bí mật theo dõi, ghi chép lại, cuối tuần bẩm báo với sư trụ trì, hi vọng lập công, có ngày bề trên để mắt tới, vì cũng đã cận kề thời điểm truyền tự ngôi vị. Ta biết con trong sáng như gương, tìm thuốc thang cứu chữa cho người con gái bị hủi. Nhưng nhục nhã thay, thói tà dâm trong ta trỗi dậy, khi ở gần một người con gái đến thế. Trong một đêm mưa gió con đi vắng, ta đã bịt mặt rồi cưỡng bức nàng sau đó vu vạ cho con. Sau vài tháng, thấy bụng nàng to dần, sợ bị lộ, ta đã phỏng hỏa đốt căn phòng nàng ở. Nào ngờ gió to quá, lửa lan rộng cháy rụi toàn bộ phòng ốc. Ta cũng chết trong đám cháy ấy. Ta còn được ngợi ca là đã xả thân dập lửa. Con ơi, ta xin con tha thứ vì tội ác đã gây ra cho con, cho mọi người, dù biết đã quá muộn màng. Nhưng trong chùa, đâu chỉ có ta là người xấu. Sư trụ trì cũng lén lút ăn mặn, thu vén của cải gửi về cho cha mẹ mình. Ở gần đấy, có hòa thượng còn nuôi giấu con riêng…

– Bạch thầy, con rối trí quá, không biết nói thế nào. Nhưng chuyện con tự tử có thật không? Và sau này cô gái hủi ấy sống chết thế nào?

– Không. Con không tự tử, con lang thang đói khát, có trót bẻ trộm ngô của người ta. Khi đến trấn Sơn Nam, gặp kẻ chết đuối, con xuống cứu mà không được, rồi chết ở bến sông “Quên”, thuộc một nhánh sông có tên xa xưa là “Bất Hối”. Kiếp trước con vừa có công vừa có tội, nên phải đầu thai làm một văn sĩ, suốt đời thiếu thốn nhưng có lòng thương người.

– Cảm tạ thầy cho con biết sự thật. Quả thực mới nghe con có oán thầy. Nhưng giờ thì lòng con bình yên, ngàn năm qua nước sông trôi ra biển biết bao nhiêu rồi. Nhưng mẹ con cô gái ấy sao thầy không nhắc tới?

Hồn thiêng ấy ôm mặt khóc, mãi mới nói nên lời:

– Cô gái ấy sau này có trở về đi tìm con mãi mà bặt vô âm tín, đã gửi đứa nhỏ cho một ngôi chùa trên mạn ngược, rồi gieo mình xuống giếng tự tử. Phật tổ thương tình cho hóa thành loài hoa sen. Còn đứa con trai kia, sau bao lần luân hồi, giờ đã là trụ trì ở nơi đây… Ta biết đó là con mình mà không dám nhận…

Bầy cá dưới ao nhao nhao cãi nhau, con thì tin, con không tin. Nhưng ánh mắt chúng nhìn hắn phần nhiều là trân trọng và yêu quý. Chỉ có vầng trăng xấu hổ không dám nhìn thẳng vào mắt hắn.

Khủng khiếp! Thấy mình ngập trong bùn nhơ tội lỗi đã kinh hoàng. Đối diện một người ta tôn sùng đang dần lột “Mặt nạ” để hiện nguyên hình là một con quỷ còn ghê sợ hơn. Nhưng ông ta cũng đáng thương. Tại sao? Bởi cái áo không làm nên nhà sư. Dục vọng đen tối còn cuồn cuộn trong tâm mà phải đóng vai thanh cao thì khổ lắm. Nhưng hình như cô gái hủi ấy yêu ta thật lòng. Trong vũ trụ bao la này, có một người yêu thương mình thật lòng thì đã là một hạnh phúc to lớn không phải ai cũng có. Và chính ta đâu phải đã trong sáng như gương…?!

*

Cuộc gặp thứ tư giữa hắn với cổ tháp tỏa hào quang màu xanh lạnh lẽo: Ngày rằm tháng Bảy năm…

Nửa đêm mà sáng như ban ngày, cổ tháp tỏa sắc xanh lạnh lẽo. Hắn biết hài cốt đặt trong cổ tháp là của một cao tăng suốt đời giam mình trong hang đá, tinh thông Phật học, là hòa thượng có trí tuệ siêu việt nhất ở thời ấy, đã tu gần thành chính quả. Nhưng hắn ngỡ ngàng trước thân hình gầy như một cây tre khô, quần áo rách nát, gương mặt khắc khổ, mắt luôn nhắm nghiền, hiện thân trên đỉnh tháp mà im lặng không nói. Hắn đành mở lời trước:

– Bạch thầy. Xin thầy chỉ dạy cho về tiền kiếp của con. Có phải như ba vị cao tăng trước đây đã nói? Vì lời kể khác nhau quá, con hoang mang không biết đâu là bến bờ?

Cao tăng trả lời khẽ như gió thoảng, câu được câu mất, căng tai mà nghe còn không rõ:

– Hồi ấy, ta là sư phụ của trụ trì, suốt đời nghiên cứu kinh Phật trong hang đá, hiểu biết quán thông cả ba nghìn thế giới và năm cõi. Nhưng chuyện phàm trần, hay chuyện tu tập của tăng nhân, ta không rõ lắm. Hình như con có tội và cũng không có tội. Chuyện đuổi con đi thì vừa đúng vừa sai. Chùa bị cháy là do lửa từ tay người. Phật pháp tốt lành và màu nhiệm vô biên nhưng năng lực của người vận dụng thì có hạn và khác nhau. Những cái nhìn khác nhau về cùng một sự thật cũng là điều tất yếu. A di đà phật.

– Bạch thầy. Vậy sau đó con chết như thế nào? Đứa bé kia là con của ai? Số phận cô gái hủi ra sao?

– A di đà phật, Phật dạy muôn chuyện ở đời sắc sắc không không. Ta đã nói ta chỉ thiên về sách vở. Còn chết như thế nào cuối cùng cũng là chết, nào có khác gì nhau? Nhưng chắc chắn con không tự tử, không chết đuối. Đứa bé kia là con ai thì trời Phật biết. Chắc chắn cha nó phải là con người. Mẹ nó khổ đau quá nhiều, nếu là người tốt thì sẽ gặp thiện báo. Thôi, hỏi hay không hỏi, trả lời hay không trả lời, có khác gì nhau.

Nói chưa dứt lời, cao tăng đã ngủ thiếp, đám mây xanh đưa hồn thiêng vào cổ tháp để tiếp tục giấc nồng đã kéo dài ngàn năm.

Hắn đứng dậy vò đầu ngơ ngác, vậy thì hắn là người như thế nào? Đâu là chân lý? Đâu là sự thật?”

Bầy cá dưới ao ban đầu háo hức, giờ đã cùng vầng trăng ngủ gật. Một con lẩm bẩm trong mơ:

– Đúng là tốn thời gian chả được tích sự gì. Đến cao tăng siêu việt còn thế, người phàm thì thế nào? Giờ biết hỏi ai?

*

Đời người là một chuỗi dài nối tiếp nhau của những bừng thức và giác ngộ. Nhưng có lẽ chính điều đó làm cho con người dằn vặt và đau khổ với câu hỏi: Thế nào là hạnh phúc? Biết hoặc không biết sự thật thì ai hạnh phúc hơn ai?

Có những buổi sớm mai trong lành, yên bình đến kỳ diệu, hoa sen trong hồ bỗng nở thơm bát ngát. Cây vối thả muôn ngàn lá xanh bay bịn rịn ra thăm cánh đồng lúa chín vàng. Giếng cổ vọt lên mười tia nước trắng muốt như mười ngón tay đang vẫy. Cây na lai lê lại buông thõng quả chùy, nghẹo đầu say ngủ. Hắn đã ở lại lâu dài với mảnh đất thiêng này, xin được chăm sóc hồ sen. Bộ ảnh nghệ thuật hắn chụp hoa sen được chọn treo và được nhận giải thưởng trong một cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế. Hắn hay rì rầm nói chyện, cười khóc với sen. Rồi đến mùa sen tàn, hắn lấy cọng sen tết thành những chiếc tháp xinh xắn, xanh rười rượi, đem treo quanh chùa. Những chiếc tháp được đặt tên là “Tháp Sen” ấy mô phỏng hình khối bốn cổ tháp, xanh bền bỉ và thơm ngát hàng năm trời. Nhiều người hỏi mua, hắn không bán mà chỉ tặng cho những ai thiện tâm. Chú tiểu xin phụ với hắn tết các Tháp Sen vừa rúc rích kể: Vào những đêm trăng tròn, từ Tháp Sen vọng ra một bài ca lạ lùng – một bài ca tỏa hương ngào ngạt, khiến lòng người nồng nàn theo:

Ngàn năm người phải qua bao kiếp Phận sen này chỉ một kiếp mà thôi

Tiền kiếp hay hậu kiếp? Biết hay không biết? Kiếp nào chẳng đẫm ngậm ngùi

Nếu ai giữ được hương sen trong tim đỏ

Lặng lẽ thơm, không thẹn với đất trời…

Exit mobile version