Buổi trò chuyện, chia sẻ thẳng thắn với những ý kiến nhận định về văn học trẻ Đồng bằng sông Cửu Long tại buổi tọa đàm (trong khuôn khổ Trại sáng tác văn học do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật An Giang tổ chức) diễn ra tại An Giang đúng vào mùa nước nổi, khiến cảm xúc của các tác giả tham gia toạ đàm cũng chìm đắm trong chất riêng khác biệt của miền đất lãng tử đầy cá tính này.

Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cử tọa được lắng nghe rất nhiều ý kiến đa dạng, đa chiều về những yếu tố thúc ẩy hoặc cản trở việc sáng tạo và tạo dựng bản sắc riêng của văn học trẻ Đồng bằng trong thời gian gần đây. Những vấn đề mà những người điều hành tọa đàm đặt ra mong cùng giải mã tương đối rộng, từ vai trò của hội đoàn địa phương trong việc phát hiện và bồi dưỡng lực lượng viết trẻ, quảng bá cho tác phẩm của họ đến các khía cạnh chuyên môn trong việc lựa chọn hướng đi, đề tài, xác định phong cách và xử lí chất liệu cuộc sống dồi dào, phong phú để tạo dựng bản sắc riêng cho văn học trẻ vùng này.

. THỤY ANH

Nhà văn Mai Bửu Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT tỉnh An Giang mang đến tọa đàm một số lượng không nhỏ những đầu sách mới của các cây bút trẻ An Giang do Hội tổ chức in ấn, giới thiệu. Nhà văn khẳng định, vai trò của các Hội đoàn địa phương vẫn rất quan trọng, được thể hiện qua việc chăm lo sao cho tác phẩm của nhà văn đến được với bạn đọc đều đặn (tạp chí Thất Sơn mỗi số dành từ 10 đến 15 trang để đăng tải sáng tác trẻ), tổ chức đi thực tế, giao lưu bàn việc nghề, kết nối tác giả các thế hệ, và sắp tới đây là cả hoạt động ra mắt sách, điều mà các tác giả Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay vẫn xem nhẹ, để họ luôn trong tâm thế viết, làm việc, không dừng lại. Phải “khuấy bùn cho nổi bọt”, bằng không văn tài vẫn có đấy nhưng lẻ tẻ, ít gợi được động lực viết, không bền. Hình ảnh “bọt” và “bùn” do nhà văn Mai Bửu Minh nêu ra sau đó đã được nhiều tác giả trẻ dùng lại khi nói về văn học trẻ Đồng bằng.

Tác giả trẻ Trương Chí Hùng

Tác giả Trương Chí Hùng bày tỏ, với tư cách là một người viết trẻ ở An Giang, anh “dù là bọt hay là bùn thì vẫn cảm thấy rất hạnh phúc” khi nhận được sự quan tâm như vậy từ những người đi trước. Ở An Giang, Hội VHNT luôn lưu ý cử người sáng tác trẻ tham dự các hội nghị văn học. Có lẽ vì thế mà văn trẻ An Giang 5 năm liên tục ẵm Giải Tác giả Trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với Nguyễn Bàng, Trần Sang, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Nguyễn Mạnh Hà. Với cuộc thi Truyện ngắn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2012 An Giang đã đoạt 7/11 giải và năm 2015 ẵm 5/11 giải. Hiện nay, ở An Giang có khoảng 40 cây bút dưới 35 tuổi, trong đó 30 người là Hội viên. Họ đều sôi nổi viết về nhiệt tình gửi tác phẩm đăng tải khắp nơi, trên các báo, tạp chí Trung Ương và địa phương và đã có những tên tuổi sáng giá như Vĩnh Thông, Nguyễn Ngọc Đào Uyên, Nghiêm Quốc Thanh, Hoàng Thị Trúc Ly, Trương Chí Hùng, Trần Sang, Huỳnh Thị Nương, Nguyễn Bàng, Nguyễn Đức Phú Thọ…

Đồng tình với nhà văn Mai Bửu Minh, nhà văn Nguyễn Thu Trân (TP. Hồ Chí Minh) và nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh An Giang, đều đề cao vai trò quan trọng của các Hội VHNT địa phương trong việc nuôi dưỡng động lực viết, đồng hành cùng người viết trẻ. Nhà văn Thu Trân cũng bày tỏ sự thú vị và ngưỡng mộ năng lực của các tác giả trẻ, cả năng lực … nói lẫn viết. Theo chị, không nên phân biệt “Văn già” hay “Văn trẻ” mà chỉ ”chính hay không chính” với nghĩa chuyên nghiệp hay không. Việc chăm sóc các tài năng trẻ là nhiệm vụ của các hội đoàn, rất cần thiết, bằng không, có thể “đánh mất” nhiều. Rất cần một con đường, một hướng để “xốc dậy” văn chương qua những cây bút trẻ tuổi. Chị cũng nhắc đến nhà thơ đoản mệnh Hoa Níp, người viết âm thầm ít ai biết tới, cho đến khi nhà thơ Phan Hoàng giới thiệu anh. Thậm chí, Hoa Níp từng nói: “Anh Phan Hoàng đã móc tôi… từ dưới cống lên”! Sau đó, Hoa Níp đã viết rất nhiều, bút lực dồi dào, sắc sảo. Để hồi hướng tài năng của anh, Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã in hai tập thơ mà còn sống anh chưa kịp có được. Nguyễn Thu Trân cho rằng, đó là những bài học không nhỏ cho tất cả, cho cả những người làm văn chương ở đồng bằng Sông Cửu Long, nơi có tiềm năng rất lớn với những tên tuổi đã được bạn đọc cả nước yêu mến, làm nên “tấm hộ chiếu vùng miền” của văn học. Nhà văn đồng thời cũng khuyến khích các tác giả trẻ tích cực hơn trong việc tự giới thiệu mình, xuất hiện hiệu quả trên văn đàn thông qua các cuộc thi có uy tín với ban giám khảo uy tín. Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa thì lấy làm tiếc vì không duy trì được trang thotre.com mà anh từng thông qua đó kết nối các nhà thơ trẻ trên mạng, thậm chí năm 2009 đã tổ chức cuộc thi thơ và anh bay ra Hà Nội trao giải. Đó cũng là cách lan toả ảnh hưởng của các tác giả trẻ đồng bằng tới đời sống văn chương cả nước. Đây là một cách làm hay mà các hội VHNT địa phương có thể nghĩ tới và nếu triển khai với tâm thế một tổ chức, biết đâu lại dài hơi và bền vững hơn?

Nhà văn Nguyễn Thu Phương, người ngoài văn học còn gắn bó với lĩnh vực sân khấu, truyền hình, thì khẳng định, chất liệu đồng bằng sông Cửu Long đậm đặc là vốn quý vô cùng của nhà văn: “Tôi ngưỡng mộ các nhà văn mang được chất vùng miền đậm đặc vào tác phẩm như Vũ Hồng, Ngô Khắc Tài… Tuy nhiên, tôi muốn nói đến việc tạo dựng cầu nối giữa người viết và người đọc. Đó là công tác truyền bá, giới thiệu tác phẩm, dịch thuật ra các ngôn ngữ khác. Một khi người trẻ trong biết bao con đường trước mắt, họ đã chọn văn chương, thì dù là người viết miền nào đi chăng nữa, những quẫy đạp trong nghề đều vất vả, đau đớn như nhau. Cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp để các bạn được biết đến nhiều hơn, lại có động lực viết nhiều hơn. Tôi sẽ đọc và tìm cách chuyển tác phẩm của người viết trẻ Đồng bằng sang các hình thức văn học khác như kịch bản sân khấu để nhà văn có thể đến với độc giả của mình bằng những con đường nghệ thuật khác.” Nguyễn Thu Phương giải thích thêm về ý định của mình rằng, sức lan tỏa xã hội và sự quan tâm của khán giả- độc giả cũng không thể xem thường trong nghề viết.

BẢN SẮC NÀO CHO VĂN HỌC TRẺ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG?


Nhà văn Trương Trọng Nghĩa

Nhà văn Ngô Khắc Tài, một tác giả góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của văn học Đồng bằng, trong sự chia sẻ chân tình với các cây bút trẻ, phát biểu ở Tọa đàm “với tư cách người đọc”. Đọc văn trẻ, theo dõi họ lâu nay, ông dùng hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng “Dạ thưa phố Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” để “chê” các nhà văn trẻ vẫn còn “hiền” quá, chưa có bứt phá. Để có bứt phá, để “sóng sau đè sóng trước”, để phát triển được lên, ông cho rằng, nhà văn cần đọc nhiều hơn. Không phủ nhận truyền thống, văn hóa vùng miền, nhưng phải đọc và học rộng hơn, để không dừng lại ở “từng ấy thứ” đã được nói đến, đào xới quá nhiều!

Nếu các nhà văn Võ Diệu Thanh, Trương Trọng Nghĩa, Dương Đức Khánh đề cao tính chất vùng miền đậm đặc và việc khai thác cá tính con người, cá tính miền đất, thì tác giả Đỗ Quang Vinh (đến từ TP. Hồ?Chí Minh) lại quan niệm: “Sáng tác văn học không phục vụ cho cá nhân, tổ chức hay vùng miền nào hết. Đó có thể là một tấm gương trung thực để phản ánh đời sống quanh mình nhưng cũng có thể là một thế giới phong phú xa xôi. Đôi khi phải chống lại những người xung quanh, chống lại xã hội, cộng đồng, chống lại chính nền văn hóa của mình để vươn lên, thoát ra mà viết”.


Nhà văn Ngô Khắc Tài Chia sẻ với ý kiến này, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng cho rằng, đặc trưng vùng miền, không gian sống của người viết sẽ chỉ là chất liệu, nhưng là chất liệu vô cùng quan trọng. Để đưa tư tưởng của mình vượt lên, bỏ qua được vùng miền, quốc tịch thì vẫn phải hiểu “mùa nước nổi” của mình thật chắc. Theo anh, tính chất tài tử vừa là nét khác biệt độc đáo của người miền Tây nhưng cũng lại là điều các tác giả phải vượt qua khi làm văn chương. Chất nhân văn, hồn hậu, trong sáng vừa là ưu vừa là khuyết thiếu của sáng tác văn trẻ Đồng bằng sông Cửu Long nếu không tìm tòi một tư tưởng, một cách đi khoa học hơn, có mục đích hơn. Các sáng tác, nếu nhà văn Ngô Khắc Tài cho rằng còn “hiền”, thì nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng lưu ý, cần có thêm độ “hiểm” được hiểu như tính đa nghĩa của tác phẩm. Chỉ như vậy mới có thể nói đến “bản sắc” của một cây bút hay “bản sắc” của văn học.


Ngày 13/8/2017, tại Châu Đốc, An Giang đã diễn ra cuộc gặp gỡ trao đổi văn học: “VĂN HỌC TRẺ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: BẢN SẮC & SÁNG TẠO”. Buổi tọa đàm do Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Ban nhà văn Trẻ – Hội nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang phối hợp tổ chức. Đến dự buổi tọa đàm có nhà văn Nguyễn Bình Phương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt?Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng Ban nhà văn Trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Mai Bửu Minh – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT tỉnh An Giang và nhà thơ Lê Thanh My – Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cùng các nhà văn, nhà thơ, các tác giả đang tham dự Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Châu Đốc, An Giang. Điều hành tọa đàm là hai Phó Ban nhà văn Trẻ Hội Nhà văn Việt Nam – nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và nhà văn Phong Điệp cùng tác giả Trương Chí Hùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác Trẻ tỉnh An Giang.

Có lẽ, câu chuyện về bản sắc vùng miền trong văn chương từ khía cạnh phương ngữ, cá tính phóng khoáng của dân vùng sông nước, những đề tài ám ảnh xoay quanh những “mùa nước nổi”, những “cánh đồng bất tận”, vấn đề đô thị hoá đồng bằng có lẽ chỉ dừng lại ở “chất liệu” sáng tác chứ chưa thể tạo “bản sắc sáng tạo” của nhà văn nếu mỗi người viết không chịu khó tìm tòi cùng một thái độ lao động nghiêm cẩn. Tác giả Trương Chí Hùng cho rằng, để nhận diện được văn học trẻ đồng bằng, giúp nhà văn hướng đi dài hơi của mình, cần đẩy mạnh mảng lí luận phê bình, đọc, “mổ xẻ” tác phẩm kĩ lưỡng hơn. Nhưng ngay cả trong cách làm văn chương, dường như chất lãng tử, tếu táo, xuề xòa của người miền Tây vẫn đậm nét. Các bài viết phê bình rất hiếm hoặc nếu có thì vẫn mang tính chất khuôn mẫu, “học đường”, khó gây được ảnh hưởng tích cực với sáng tác trẻ. Nhà văn Võ Diệu Thanh cũng chia sẻ, nhà văn rất cần “người đọc chuyên nghiệp”, để thấy mình không đơn độc. Lực lượng phê bình là rất cần thiết. Chị bày tỏ mong muốn có thêm những cuộc thi lí luận phê bình quy mô trên cả nước, trong đó, các cây phút phê bình có thể đọc sáng tác trẻ miền Tây và giải mã những vấn đề về chuyên môn kĩ lưỡng hơn. Rất có thể, cùng với sự vào cuộc của các nhà phê bình, các tác giả trẻ Đồng bằng sông Cửu Long có được cơ sở để tìm một hướng đi quyết liệt hơn, để nhiều người trong số họ, nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương, “xuất hiện đúng tư cách là một nhà văn thì phải đi hết con đường của mình: có tác phẩm và sự nghiệp…”

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version