Buổi tọa đàm được tổ chức ngày 29-9 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (275 Âu Cơ – Hà Nội), thu hút nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, phần nào cho thấy ý thức về trách nhiệm của người cầm bút, khát vọng khẳng định cái tôi cá nhân, tạo phong cách riêng thông qua quá trình đi – học – đọc – viết đầy gian khổ của những người viết văn trẻ.


Các nhà văn như: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Nguyễn Văn Học, Lê Vũ Trường Giang, Chu Thùy Anh, Đỗ Nhật Phi, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Kim Hòa… đã nêu lên nhiều ý kiến đáng để tranh luận, trao đổi nhằm làm rõ các vấn đề “nóng”, ví như tính tư tưởng, giá trị nhân văn làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm; sự quan trọng của trải nghiệm, dấn thân vào đời sống thực tế; phải đổi mới, sáng tạo, cách tân như thế nào là đúng, đủ và phù hợp nhằm thể hiện vai trò và sự đóng góp của lực lượng nhà văn, nhà thơ trẻ cho quá trình phát triển văn học – xã hội nước nhà… Ngay bản thân sự chia sẻ sôi nổi các bài học kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế của các nhà văn trẻ thực sự cho thấy phần nào sự nhập cuộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người viết. Như nhận định của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì “văn xuôi trẻ đang đi đúng đường, hướng đến mục tiêu cao nhất là làm nên những tác phẩm giá trị, và phải viết làm sao để “tác phẩm nào cũng như tác phẩm cuối của đời mình” – theo cách nói của cố nhà thơ Xuân Quỳnh”.

Các vấn đề về tính thị trường của văn học; nhu cầu tìm kiếm đề tài từ kho tàng vốn văn hóa tri thức dân tộc để làm nên những tác phẩm giàu chất giải trí, hấp dẫn, sống động, thu hút và đáp ứng nhu cầu người đọc, giành lại thị trường văn học dịch mang tính chất giải trí đang tràn ngập hiện nay… cũng được nêu ra để thảo luận. Nhìn chung, các tác giả đều nhận định: Bên cạnh việc chủ động lựa chọn những đề tài hay, điều quan trọng nhất để có được những bạn đọc trung thành vẫn là chất lượng, sức hấp dẫn của tác phẩm văn học.

Tọa đàm phần nào cho thấy diện mạo những người viết văn trẻ hôm nay, để các thế hệ lớn tuổi yên tâm hơn về nguồn bổ sung, kế cận cho văn học nước nhà, góp phần chuẩn bị, bồi dưỡng, xây dựng một “đội quân hùng hậu”, đủ sức gánh vác trách nhiệm đồng hành cùng đất nước trong tiến trình xây dựng một nước công nghiệp hiện đại và hội nhập sâu rộng quốc tế./.

Mai Hoa – Hà Nội mới
Exit mobile version