Với cùng một câu hỏi: “làm thế nào để nâng cao chất lượng phê bình văn học hiện nay”, VNT đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ những người viết trẻ đang trực tiếp làm công tác phê bình văn học.

Hoàng Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ): Sáng tác và phê bình phải song hành

Trong giai đoạn đời sống văn học có nhiều biến động, nhộn nhịp, tình hình phê bình văn học cũng có nhiều bất cập. Thực trạng kiểu phê bình không chuyên, phê bình báo chí đang lấn át, thậm chí có phần làm chủ trên các trang báo, tạp chí, blog, website,… Vì thế, nâng cao chất lượng công tác phê bình trong văn học, nghệ thuật hiện nay là một việc làm thiết yếu, lâu dài. Theo tôi có một số việc cần làm ngay để nâng cao chất lượng công tác phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay:

Thứ nhất, về phía các tờ báo, tạp chí, các trang web, cần dành sân chơi “thông thoáng” hơn cho hoạt động phê bình văn học; cần một đội ngũ biên tập có năng lực, chuyên sâu, thận trọng hơn trước những bài phê bình không chuyên, phê bình báo chí ở dạng điểm sách, lăng xê, khen chê, thù tạc lẫn nhau vì động cơ cá nhân nào đó… để tránh nhầm lẫn giữa phê bình báo chí và phê bình chuyên nghiệp, giúp người đọc có được những định hướng, gợi mở thiết thực, khách quan, khoa học.

Thứ hai, đội ngũ phê bình đi trước, giàu kinh nghiệm cần tham mưu, hướng đạo, dẫn dắt về kỹ năng, kỹ xảo cũng như việc chia sẻ vốn liếng từ thực tế cho các cây bút phê bình trẻ bằng những bài viết có tính chuyên môn thuyết phục, những bài viết trao đổi, phê phán thẳng thắn, gợi mở.

Thứ ba, việc nâng cao chất lượng công tác phê bình văn học hiện nay là trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với các cây bút trẻ. Thực hiện trách nhiệm ấy, trước hết, các cây bút phê bình trẻ phải không ngừng tự mình trau dồi, học tập; cần có cách ứng xử văn hóa trong tranh luận, trong phê bình; cần mạnh dạn, dũng cảm khi đối mặt với những vấn đề nhạy cảm của xã hội, với những hiện tượng, tác phẩm văn học đang gây tranh cãi; cần có cái nhìn toàn diện, bao quát, khách quan đời sống văn học trong nước cũng như nước ngoài; trong phê bình, phải hòa hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố không thể thiếu: khoa học và nghệ thuật.

Thứ tư, Hội đồng LLPB VHNT TW cần có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như phát hiện các cây bút phê bình trẻ; cần tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cũng như tạo không khí giao lưu dân chủ với các Ban hoặc bộ phận LLPB địa phương; tạo điều kiện thuận lợi về vật chất lẫn tinh thần để các cây bút phê bình trẻ tích cực cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật .

Người sáng tác phải tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới, lạ để thúc đẩy công việc phê bình phát triển. Ngược lại, phê bình cũng phải nhập cuộc, đồng hành với người sáng tác, thậm chí, người phê bình có thể tạo nên một khuynh hướng thẩm mỹ mới kích thích sự sáng tạo của người sáng tác. Như thế, một khi, sáng tác và phê bình song hành, hoạt động phê bình mới thực sự khởi sắc, chất lượng, chuyên nghiệp.

Phan Tuấn Anh (Trường ĐH Huế) :cần quan tâm đến công tác đào tạo

Theo ý kiến của cá nhân tôi, dưới góc độ của một nhà giáo giảng dạy bộ môn Lý luận văn học trên giảng đường đại học cũng như là một nhà nghiên cứu trẻ, muốn nâng cao chất lượng lý luận phê bình hiện nay cần quan tâm đào tạo một cách cơ bản và tạo ra nhiều cơ hội xuất hiện cho các cây viết lý luận – phê bình mới mẻ, trẻ tuổi và có nhiều nhiệt huyết.

Trước tiên, cần thống lại những điểm cơ bản trên phương diện lý luận văn học được giảng dạy trong nhà trường, từ những điểm chung, xây dựng một cách đa dạng mà thống nhất các bộ giáo trình lý luận văn học tùy theo đặc điểm ngành nghề đào tạo. Cần tăng số tiết giảng dạy các môn lý luận văn học so với tổng thể cấu trúc chung của chương trình đào tạo sinh viên ngữ văn, văn học hay ngôn ngữ, Hán nôm… mà đặc biệt là có sự tương ứng giữa số tiết lý luận văn học với văn học sử theo một tỷ lệ hợp lý. Ngoài ra, cần có một quỹ hỗ trợ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh in và xuất bản những khóa luận tốt nghiệp, luận văn và luận án về lý luận phê bình có điểm tối đa, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, có khả năng ứng dụng rộng rãi.

Các tạp chí khoa học chuyên ngành nghiên cứu văn học, văn hóa cũng cần có những chuyên mục nhất định dành số trang cho các nhà lý luận – phê bình trẻ tuổi, đặc biệt ưu tiên đối tượng sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Hằng năm các tạp chí, báo tiến hành bình chọn và trao giải cho những bài viết và gương mặt lý luận – phê bình trẻ nhiều triển vọng, có những đóng góp nổi bật.

Cần có quỹ dịch thuật quốc gia chuyên về dịch, giới thiệu những tinh hoa lý luận – phê bình văn học nước ngoài theo những tủ sách với các chuyên đề, trào lưu, trường phái thống nhất nhằm giúp các nhà lý luận – phê bình trẻ tiếp cận nhanh và chính xác với trình độ và xu hướng hiện đại của lý luận – phê bình phương Tây.

Nếu thực hiện đồng bộ những phương án trên, chúng tôi hy vọng nền lý luận – phê bình văn học Việt Nam trong tương lai sẽ có nhiều khởi sắc đáng chú ý.

Đoàn Minh Tâm (Tạp chí VNQĐ): Làm phê bình cũng rất cần đi thực tế

Chúng ta đã bàn đến nhiều nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao trình độ lý luận, phê bình cho các nhà phê bình trẻ. Đứng từ góc độ của một người làm nghề và từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng một trong những biện pháp cơ bản giúp người phê bình trẻ nâng cao trình độ là tăng cường đi thực tế. Lâu nay, chúng ta vẫn quan niệm rằng đi thực tế chỉ có ý nghĩa đối với người sáng tác mà quên bẵng mất rằng nó cũng rất quan trọng đối với giới phê bình. Xin dẫn một ví dụ mang tính cá nhân. Năm 2008, tôi có viết một bài phê bình tiểu thuyết Biển xanh màu lá viết về các chiến sĩ ở đảo Trường Sa của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Đây là bài viết phê bình thiên về lý tính. Tôi đã sử dụng hàng loạt các thao tác nghiên cứu, mổ xẻ, soi rọi tác phẩm dưới ánh sáng của khoa học. Nhìn chung, tôi khá hài lòng về bài viết này. Khen, chê đúng mực, có sự cân nhắc kỹ càng về các luận điểm. Sau đó một năm, tôi có dịp cùng các chiến sĩ thuộc vùng I Hải quân đi một các đảo thuộc cánh cung phía Bắc. Trong chuyến đi đó, được cùng ăn, ngủ, trò chuyện và lắng nghe những người đồng đội tâm sự về cuộc sống, gia đình… bất chợt tôi lại nghĩ đến Biển xanh màu lá và bài viết của mình. Những lời tâm sự của những người lính hải quân đã giúp tôi hiểu thêm một vài điểm trong tác phẩm mà những thao tác văn bản dù cho kỹ càng đến mấy cũng không thể phát hiện ra được. Sau này nếu có dịp quay trở lại với tác phẩm Biển xanh màu lá nói riêng hay các tác phẩm viết về người lính hải quân nói chung, tôi nghĩ mình sẽ viết khác trước đây.

Kiến thức có thể học hỏi, nhưng sự lịch duyệt xã hội, khả năng thấu cảm thì chỉ có thể đến từ những trải nghiệm thực tế. Mà hai khả năng đó cũng là điều căn cốt của phê bình.

Ngô Hương Giang (Tạp chí Nhà văn): Phê bình là một nghề nguy hiểm

Theo tôi, để nâng cao chất lượng lý luận phê bình văn học hiện nay thì chúng ta cần đảm bảo các tiêu chí chủ quan và khách quan sau:

Về mặt chủ quan:

Tôi nghĩ, mỗi nhà phê bình cần phải tự đào luyện mình trong môi trường trao đổi tri thức lành mạnh. Nhà phê bình không chỉ là người thẩm định đúng và trúng ý nghĩa văn bản, mà còn là người đi trước đón đầu dư luận. Vì vậy muốn làm được điều đó, thì nhà phê cần không ngừng nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, với tri thức về triết học, mỹ học và lý luận văn học của mình.

Dù muốn hay không cũng cần thừa nhận, nghề phê bình là một nghề nguy hiểm. Nó nguy hiểm vì lẽ, thứ nhất, nhà phê bình khi dấn thân vào nghiệp này là phải chấp nhận đánh đổi danh dự, trách nhiệm và quyền lợi của mình bằng các nhận định hợp lý. Do đó, nhà phê bình cần nghiêm khắc và cẩn trọng với chính mình và với lương tâm của mình, nếu không muốn danh dự cũng như quyền năng nghệ thuật bị hủy hoại. Thứ hai, Phê bình nghĩa là đánh giá về một văn bản, mà rộng hơn là đánh giá về sự nghiệp cũng như nhân cách của một con người, một nền văn học, vì vậy, bất kỳ một sự cẩu thả nào cũng đều có thể trở thành lý do quay lưng chống lại mình. Thứ ba, phê bình văn học là hoạt động định hướng nhận thức văn học cho bạn đọc, vì vậy, nếu nhà phê bình định hướng đúng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển nền văn học dân tộc, ngược lại, nếu nhà phê bình định hướng sai dư luận sẽ vô hình tiếp tay cho “chủ nghĩa thực dân về văn hóa”, kéo sụp nền văn học xuống vị trí thấp kém.

Về mặt khách quan:

Các cấp cơ quan văn nghệ cần quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng thế hệ phê bình trẻ. Cần phải phát hiện các tác giả có tiềm năng mà chưa có điều kiện xuất hiện tác phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong cơ chế của đời sống thị trường như ngày nay, thì lập trường, đam mê của các tác giả phê bình luôn đứng trước sự giao động giữa việc chọn phê bình như một nghề và sống chết với nghề, hay chỉ mang tính giai đoạn, thỏa mãn thị hiếu của một vài nhóm người có cùng lợi ích. Vì vậy để thúc đẩy công tác nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, chúng ta cần có những quỹ hỗ trợ văn học dịch, nghiên cứu lý luận văn học cho các tác giả, để họ có động lực nuôi dưỡng đam mê và dấn thân thực sự vào đời sống văn học, khám phá, giải quyết những vấn đề mà nhà văn chưa thể đặt ra và không thể giải quyết một cách triệt để. Đồng thời, ở họ cần được tôn trọng quyền tự do trao đổi học thuật, nhất là trong giới phê bình trẻ. Họ cần được có tiếng nói và cần được tôn trọng tiếng nói trong các buổi tọa đàm, diễn đàn văn học do các cấp văn học nghệ thuật tổ chức.

Việc thiếu các diễn đàn khoa học, tranh luận đúng nghĩa để các tác giả lý luận phê bình trẻ được thể nghiệm mình đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong việc chọn đường hướng nghiên cứu, phê bình của các tác giả trẻ. Bên cạnh những bài viết nghiêm túc, hệ thống, vẫn còn những bài viết tản mạn, thích gì viết nấy, hoặc viết đơn giản vì để lấy nhuận bút báo. Sự nhập nhằng giữa phê bình chuyên nghiệp và cảm luận văn chương cũng là một trong những vấn nạn gây ra nhiều khó khăn cho phê bình văn học trẻ. Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, tôi nghĩ, điều quan trọng nhất vẫn là đưa những nghị quyết, quan điểm về việc nâng cao, bồi lưỡng lý luận phê bình, đặc biệt là phê bình trẻ của các cấp văn học nghệ thuật đi vào hiện thực một cách nghiêm túc hơn là chỉ dừng lại ở “lời nói” và văn bản.

Phong Điệp thực hiện

Nguồn: Vannghetre

Exit mobile version