Văn học trẻ và nghịch lý giữa chất và lượng

Bao giờ các tác phẩm đỉnh cao gọi tên văn học trẻ? Và cũng chưa bao giờ những người viết trẻ không băn khoăn khi đứng trước sự lựa chọn: Văn học giải trí và những tác phẩm văn học để đời. Một buổi tọa đàm mới đây “Văn học trẻ TP.HCM – Một góc nhìn” cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Không thể phủ nhận vài năm gần đây, thị trường văn học của những cây viết trẻ (gọi tắt văn học trẻ) TP.HCM có sự sôi động và phát triển nhất định. Có những tác phẩm trở thành best seller với hàng chục ngàn bản chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất bản, thậm chí là tác phẩm thơ. Thế nhưng, trong chính sự sôi động đó, câu hỏi về sự khác biệt giữa sách bán chạy và dòng sách có giá trị nghệ thuật thì vẫn luôn được đặt ra. Bao giờ văn học trẻ mới gọi tên tác phẩm đỉnh cao? Để nó không còn rơi vào nghịch lý: Tác phẩm giàu số lượng nhưng lại ít về chất lượng? Người viết trẻ hôm nay đã và đang viết gì, có thực hiện sứ mệnh của một người viết văn chương chưa? Đây là câu hỏi và cũng là những điều trăn trở không chỉ của những thế hệ đàn anh đi trước mà còn của thế hệ những người viết văn trẻ hôm nay.

Buổi tọa đàm “Văn học trẻ TP.HCM – Một góc nhìn” do Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp với Khoa Văn học- ngôn ngữ trường ĐH KHXH&NV tổ chức đã diễn ra với những băn khoăn và cả những tâm tư như thế.

Nhà văn Phan Hoàng thẳng thắn nêu ra một thực trạng “Không thể phủ nhận sự phát triển của thị trường văn học trẻ. Các tác giả đã mạnh dạn thể hiện tác phẩm, tựtin công bố tác phẩm trên mạng khi chưa hoàn thành. Sự xuất hiện nhiều cây bút trẻ là điều đáng mừng. Nhìn vào văn học trẻ hiện nay chúng ta nghĩ rằng có hai dòng chảy song song tồn tại bên nhau: Tác phẩm của những cây bút đề cao nghệ thuật, cố gắng tìm tòi những cái mới, đi sâu cuộc sống và nội tâm con người hiện đại. Nhưng số lượng sách xuất bản thường rất ít, chưa được độc giả đón nhận rộng rãi. Thứ hai lànhững tác phẩm của những cây bút trẻ có những tác phẩm giải trí, mì ăn liền dành cho tuổi mới lớn, được đông đảo độc giả đón nhận nhưng chưa nhận được giới phê bình đánh giá cao. Bất cứ tác giả nào khi xuất bản cuốn sách cũng muốn đứa con tinh thần của mình vừa có giá trị cao và được đông đảo độc giả đón nhận, chia sẻ. Thế nhưng nhìn vào đời sống văn học trẻ TP.HCM hiện nay, rõ ràng có sự khác biệt giữa dòng sách bán chạy và sách có giá trị nghệ thuật”.

Đồng quan điểm này, nhàvăn Phạm Sỹ Sáu – Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM chỉ ra “Tác giả trẻ hiện nay đã mô tả được cuộc sống, môi trường TP.HCM. Tồn tại với nhiều giá trị khác nhau, phù hợp với đối tượng người đọc khác nhau. Cũng không thể cho rằng một tác phẩm bán chạy lại không có giá trị nghệ thuật và ngược lại. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, trong thị trường xuất bản có những tác giảtrẻ bán vài chục ngàn bản. Nhưng khi đọc lại với tư cách người đọc bình thường nhất tôi cảm nhận: Dường như đọc cuốn sách xong chỉ cảm nhận rằng mình đã đi qua một giai đoạn nào đó chứ nói để lại điều gì chắc chắn là không có. Màvới những người làm xuất bản như chúng tôi luôn mong muốn làm thế nào để có những tác phẩm mà người trẻ sẽ nói được tiếng nói thế hệ mình. Tức là không xa rời thực tế, không đắp mền, trùm chăn. Khi đọc một số tác phẩm của một số tác giả trẻ, tôi cảm giác mình không sống ở đây ngay lúc này mà ở thế giới nào khác. Thế giới của phim ảnh của sự tưởng tượng. Dù đôi khi tác phẩm là sự tưởng tượng của bản thân tác giả. Nhưng ít ra nó phải viết ra với hơi thở đương đại. Cái điều chúng tôi thấy rất rõ nữa là trong văn học những người làm thơ thường thể hiện tư chất công dân của mình nhiều hơn là các bạn viết văn xuôi. Tư cách công dân nó vừa mang tính thời sự, đồng thời nó thể hiện sự gắn bó máu thịt của mình với quê hương, đất nước, con người… làm giá trị bản thân tác phẩm lan truyền nhanh hơn đến người đọc”.

Chọn hướng đi dòng văn học giải trí, mì ăn liền để có độc giả hay chọn hướng đi âm thầm với những “đứa con tinh thần” đủngày đủ tháng? Đây không phải là sự lựa chọn dễ dàng, nhất làt rong thời kì của công nghệ thông tin nhanh chóng. Anh Khang, tác giả trẻ của những đầu sách “hot” nhất thị trường văn trẻ TP.HCM cho rằng: “Ở thời đại công nghệ số, thông tin được cập nhật hằng ngày, hằng giờ, buộc cách tiếp cận của người viết văn hôm nay cũng phải thay đổi. Có những tác phẩm kiểu “fast food” để đáp ứng thị hiếu của người đọc hôm nay. Nhưng dù ở tâm thế nào thì người viết cũng phải có sự chân thành, chân thật với chính ngòi bút của mình thì tác phẩm sẽ đến với người đọc. Đây cũng chính là con đường đi của mỗi nhà văn trẻ”.

Rõ ràng, không thể phủ nhận nhiều tác phẩm của văn học trẻ ra đời đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận không nhỏ độc giả trẻ tuổi. Những câu chuyện “đánh” trúng tâm lý, tình cảm kiểu như “thay lời muốn nói”. Nhưng nó cũng mới chỉ dừng lại ở cảm nhận tình yêu, đau khổ, chia tay… mà thiếu đi những giá trị cần thiết hơn lồng vào một tác phẩm văn học. Mỗi người viết trẻ khi đã mang trên mình danh xưng nhà văn tức là mang trên vai trọng trách của người cầm bút. Những “đứa con tinh thần” dù ra đời trong hoàn cảnh nào cũng không thể cứ mãi dễ dãi kiểu “mì ăn liền”. Lợi thế của những người viết trẻ hôm nay chính là thông tin, là những câu chuyện sôi động đang diễn ra ngoài xã hội. Điều quan trọng là họ- những người viết trẻ chuẩn bị cho mình tâm thế, hướng đi và tầm nhìn như thế nào.

“Làm sao các nhà văn trẻ sáng tác những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, có sức sống bền lâu vừa được đông đảo bạn đọc đón nhận, có thể đại diện văn học VN khi bước ra sân chơi lớn trong thời kìhội nhập. Đi tìm lời giải cho câu hỏi này cũng chính là tìm tác phẩm đỉnh cao cho văn học”, là những điều trăn trở mà không chỉ nhà văn Phan Hoàng đưa ra mà còn của nhiều tác giả trẻ đang cầm bút hôm nay phải suy nghĩ.

H. Trần – Văn hóa online

Exit mobile version