Trong khi các nhà văn viết cho thiếu nhi trong nước còn khiêm tốn và đang ngày càng già hoá khiến không ít người lo ngại về lực lượng kế cận cũng như số lượng tác phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của độc giả nhỏ tuổi thì có một câu hỏi được đặt ra là, liệu có thể trông chờ vào chính các em viết cho mình không?


Từ năm 2010 Hội đồng Đội Trung ương và Báo Thiếu niên Tiền phong thực hiện chương trình hợp tác giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam đã phát động giải thưởng văn học mang tên Cây bút tuổi hồng. Đây được coi là giải thưởng văn học thường niên của các em học sinh, mở ra một hi vọng lớn cho văn chương nước nhà.

Tác phẩm tham dự giải thưởng là các em học sinh từ 7 đến 16 tuổi, có tác phẩm thơ và văn xuôi đăng trên các báo chí, tạp chí Trung ương và địa phương, được các cơ quan báo chí, Hội VHNT các tỉnh (thành phố) và các nhà xuất bản giới thiệu, như: Báo Thiếu niên Tiền phong, Khăn quàng đỏ, Nhi đồng, Hội VHNT Bắc Kạn, Hội VHNT Đồng Nai, Hội VHNT Ninh Bình, Hội VHNT Đà Nẵng, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên Thái Bình v.v… Như vậy, có thể khẳng định là các cây bút nhỏ tuổi trên mọi miền đều có cơ hội ngang nhau. Và giải thưởng là một (trong nhiều) căn cứ hoàn toàn có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá tổng quát về tình hình sáng tác của các em học sinh.

Chỉ tính riêng năm 2013, đã có gần 800 tác phẩm tham dự. Vào đến chung khảo có 32 tác giả: 17 tác giả văn xuôi với 60 tác phẩm và 15 tác giả thơ với hơn 20 tác phẩm. Kết quả cuối cùng có 5 giải A là: Đặng Thị Thu Hòa (Lớp 11A4 THPT Hoàng Quốc Việt, Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) với chùm 3 bài thơ. Bùi Xuân Phú (Lớp 6/10 THPT Tây Sơn, TP Đà Nẵng) với chùm 3 bài thơ. Nguyễn Đan Thi (Lớp 8A12 THCS Ngô Sỹ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tập truyện gồm 20 truyện ngắn. Nguyễn Hoàng Trâm Anh (Lớp 8A12 THCS Ngô Sỹ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tập truyện ngắn. Nguyễn Bình (Lớp 6E THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội) với tập truyện Cuộc chiến hành tinh Phantom.

Từ những con số và kết quả trên cho thấy; số lượng các cây bút thiếu nhi sáng tác khá dồi dào nhưng thực sự chưa đồng đều. Phần lớn giải cao là các em sinh sống ở thành phố. Tác giả thơ lép vế hơn văn xuôi. Giải A mới chỉ có chùm ba bài thơ, trong khi tác giả văn xuôi dày dặn hơn với tập truyện – ba cuốn như trường hợp Nguyễn Bình, hay một tập truyện ngắn. Nổi trội hơn về văn xuôi là một thực tế thú vị, nằm ngoài dự đoán của những người quan tâm đến văn học thiếu nhi. Bởi thơ ca thường có vần, gần gũi với thế giới tuổi thơ, lại ở dạng ngắn… nên có phần dễ làm hơn so với truyện ngắn. Song truyện ngắn lại biểu hiện nội lực dồi dào trong giải thưởng cây bút tuổi hồng năm nay.

Không những thế, bên cạnh việc phát hiện những tên tuổi mới, một số cây bút nhìn chung còn khá bền bỉ với tình yêu văn chương. Các em dự giải từ khi phát động cho đến nay và thứ bậc giải thưởng năm sau cao hơn năm trước như các em Nguyễn Thị Đan Thi, Nguyễn Hoàng Trâm Anh, Đặng Thị Thu Hoà…

Lợi thế khi các cây bút nhỏ tuổi sáng tác là được kể ra, được nói ra những gì đã và đang diễn ra xung quanh mình. Các em đang có điểm xuất phát lợi thế là tuổi thơ của mình. Không giống như các nhà văn lớn tuổi, khi tuổi thơ đã đi qua mà sáng tác cho thiếu nhi là phải phân thân, phải hồi tưởng, phải nhập vai…

Sự tươi mới trong các sáng tác thiếu nhi phản ánh chân thực cái nhìn cuộc sống đương đại. Độc giả có thể so sánh điểm giống và khác nhau các mốc tuổi thơ của năm tháng đã qua.

Lợi thế là vậy, nhưng cũng không ít khó khăn. Bởi các em còn phải dành phần nhiều thời gian cho các môn học. Viết lách văn chương chỉ có thể được thực hiện khi đã hoàn thành việc học. Đấy là chưa kể, nhiều gia đình, cha mẹ không khuyến khích con cái viết lách vì sợ sau này sẽ theo học chuyên ngành xã hội. Một chuyên ngành mà càng ngày càng mất giá, khó xin việc và lương thấp. Rồi đầu tư thời gian, say mê với văn chương rất dễ dẫn đến học lệch, các môn tự nhiên sẽ kém… Nên có thể nói, những cây bút nhỏ tuổi nào ngoài niềm yêu thích mà hiện thực được niềm yêu thích đó qua tác phẩm văn thơ là rất nỗ lực, cố gắng và đáng trân trọng.

Nói ngay đến các nhà văn thành danh, số người chuyên tâm cho văn học thiếu nhi chỉ đếm trên đầu ngón tay thì các em học sinh hàng ngày còn phải cắp sách tới trường để làm “con ngoan, trò giỏi” thì không thể gánh lên vai các em trọng trách văn chương nặng nề được. Hầu hết sáng tác của các em chỉ là nhỏ lẻ. Một nhà văn, dẫu không chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng hoàn toàn có thể có vài tập sách cho thiếu nhi, như trường hợp nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê… Nhưng để tự các em viết, chưa tính đến chất lượng thì số lượng đủ một tập dày dặn là rất khó. Nó đòi hỏi vào nhiều thứ, lòng kiên trì, năng lực… và cả thời gian, tiền bạc.

Văn chương đến với tuổi thơ như một cái gõ cửa. Các em mở cửa ra đón nhận, chỉ đơn giản là yêu thích. Các em chưa thể ý thức rằng văn chương đầy khổ ải và thách thức. Cảm tính nên rất khó khẳng định ai sẽ nhanh dừng bước, ai sẽ đi được con đường dài.

Trao đổi quanh chủ đề này, nhà thơ Trần Hoàng Vy ở Tây Ninh tỏ ra không thực sự lạc quan, cho rằng: “Các em viết cho chính mình thì quá hay còn gì? Tuy nhiên số này hơi bị hiếm vì đòi hỏi nhiều vào năng khiếu sẵn có, và sự giáo dục đặc biệt. Cũng có thể đó là trường hợp “thần đồng”! Tiếc là bây giờ có một số em viết cho lứa tuổi của mình, nhưng “làm dáng” quá, hoặc viết “như người lớn” hay quá xa lạ với lứa tuổi các em, đặc biệt là những em vùng xa, vùng sâu, nên dường như các em chưa được ủng hộ và “mê”. Nước mình lại có… “tật” sính ngoại, có đọc truyện nước ngoài mới… “đúng điệu” hay sao đó. Mong sao có thật nhiều những cây viết nhỏ tuổi của Việt Nam xuất hiện và được nhiều người ưa thích”

Quan tâm, bồi dưỡng và phát hiện các cây bút thiếu nhi từ sớm là việc làm đáng hoan nghênh. Nó tạo đà và tạo bước đệm quan trọng để niềm say mê được nuôi lớn, từ yêu thích cảm thích thành ý thức để sau này các em trở thành những cây bút chuyên nghiệp. Nhưng có lẽ chúng ta phải biết bằng lòng thành quả ban đầu từ các em, không nên tạo áp lực quá sức. Được mùa nào mừng mùa ấy. Không được mùa cũng không nên thất vọng, phải tin tưởng vào mùa sau sẽ bội thu. Bởi chăm lo cho thiếu nhi là một hành trình lâu dài, nhiều công sức ở tất cả các lĩnh vực, đâu chỉ riêng văn chương.

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version