Được xem là nhà văn viết về miền núi tiêu biểu trong số các nhà văn trẻ, mấy năm gần đây, nhà văn Đỗ Bích Thúy chuyển dần sang viết về đề tài đô thị, đặc biệt là viết cho thiếu nhi. Trong những trang viết cho người lớn của Đỗ Bích Thúy luôn ẩn giấu một nỗi buồn nào đó, với văn phong đẹp mượt mà, đôi khi u uẩn, nhưng chị lại rất hóm hỉnh khi viết cho trẻ em. Những ngày đầu xuân Quý Tỵ, Đỗ Bích Thúy tiếp tục cho ra mắt tập sách thứ 2 trong bộ sách chị viết cho bạn đọc nhỏ tuổi…
– Thưa nhà văn Đỗ Bích Thúy, đầu năm Quý Tỵ, chị tiếp tục cho ra mắt độc giả nhí cuốn sách “Tết đến rồi em béo ơi”, cuốn thứ 2 trong bộ sách “Em Béo và Hội Cầu Vồng” do NXB Kim Đồng ấn hành. Ở tập sách này, có những chuyện gì liên quan đến Tết mà chị tin rằng có thể hấp dẫn các cô cậu học trò ngang với bánh chưng, phong bao lì xì ngày Tết?
+ So sánh thế thì kể ra cũng khó nhỉ (cười). Thực ra cái tên này là do biên tập viên NXB Kim Đồng gợi ý cho tôi khi tôi mới viết được khoảng một phần ba. Và từ cái tên dẫn đến việc có một số mẩu chuyện liên quan đến tết – cái tết trong mắt trẻ con. Và vì nó được phát hành ngay trước kì nghỉ tết của học sinh tiểu học, tôi hy vọng các bé sẽ có thêm những tiếng cười rúc rích trong những ngày đầu xuân năm mới được xả hơi một cách sung sướng.
– Trong những cuốn sách viết cho thiếu nhi của chị đã phát hành, có thể thấy hài hước là yếu tố nổi bật hơn cả. Vì sao chị lại đặt yếu tố hài hước lên hàng đầu khi viết cho trẻ nhỏ?
+ Đơn giản là tôi thấy các em bé, đặc biệt là trẻ em ở đô thị hôm nay được cười ít quá. Lịch học dày đặc, ba lô nặng trĩu, thời gian và điều kiện giải trí quá ít. Việc đọc sách thường phải xen kẽ giữa các giờ học, sau bữa ăn, trước lúc ngủ… Và tôi đã nuôi một mong muốn: Khi giở sách ra, các con được cười. Những tiếng cười thật trong trẻo, thật hồn nhiên. Cũng từ đó, tôi nghĩ, nếu viết cho trẻ mà không khiến các con cười thì thất bại rồi.
– Chị từng chia sẻ, cuộc sống của hai cô con gái nhỏ chính là “chất liệu” để chị viết “Em Béo và Hội Cầu Vồng”. Các con là “nguyên mẫu’ trong tác phẩm, lại cũng là những độc giả đầu tiên của chị. Kể chuyện của các con, vừa phải tỏ ra trung thành với “nguyên mẫu”, mặt khác lại phải “thêm nếm” sao cho câu chuyện phát triển theo hướng chủ quan của mình (điều này không thể tránh khỏi), nhưng vẫn đảm bảo các con (tức độc giả của mình) thích thú và không phát hiện ra những điều mình “cài cắm” trong đó, như chức năng giáo dục chẳng hạn, là một điều không dễ. Trong sách của chị, có thể thấy, những khó khăn này đã được “giải quyết” một cách ngọt ngào. Vậy “bí quyết” là gì, thưa chị?
+ Tôi luôn nghĩ rằng: Viết cho trẻ em cần thật giản dị. Và đúng là tôi đã viết như vậy – rất giản dị, y như cuộc sống, sinh hoạt, học tập của các con đang diễn ra hằng ngày vậy. Tôi rất không ủng hộ cách viết mà lồng ghép giáo dục khô cứng vào đó. Tôi muốn bạn đọc cảm thấy rằng nhân vật nào của tôi cũng đáng yêu, cho dù học dốt như Em Béo hay hậu đậu như Ngọc Phù thủy. Đó mới chính là trẻ em. Và với những câu hỏi mà có thể người lớn đặt ra như tại sao Em Béo học dốt như thế, lớp bốn mà vẫn cộng trừ sai be bét, nhưng vẫn được lên lớp chẳng hạn, thì đã được trả lời một cách rất trẻ con rằng: “Ấy là do hễ cứ thi cử nghiêm chỉnh thì nó lại đột nhiên làm bài rất tốt. Tất nhiên là “rất tốt” so với chính nó. Ví dụ có bảy con toán, thì nó phải làm đúng đến ba con. Làm đúng một nửa hai con nữa, còn lại thì sai. Thế là nó đủ điểm lên lớp. Lúc nào cũng đội sổ, nhưng vẫn đủ điểm lên lớp” chẳng hạn. Hãy làm cho mọi câu chuyện thật tự nhiên và giản dị. Khi nào bạn đọc nhỏ tuổi có được cảm xúc đúng như những điều nhân vật đang đối diện thì tôi cho rằng đã thành công.
– Viết một vài cuốn sách cho thiếu nhi đôi khi là quãng nghỉ giữa hai chặng đường của người cầm bút. Với chị thì sao? Liệu nó là quãng nghỉ giữa hai chặng đường hay là sự khởi đầu cho một con đường mới, một cuộc “hẹn hò” lâu dài và có tính chuyên nghiệp với bạn đọc nhỏ tuổi?
+ Thực ra thì đây không phải là quãng nghỉ, cũng không phải là một cuộc hẹn hò. Lẽ ra tôi chỉ viết một cuốn thôi, nhưng sau khi cuốn đầu tiên ra thì rất nhiều em bé đã hỏi bao giờ thì có tập hai? Bây giờ xong tập hai thì các bạn ấy lại hỏi: Cô ơi, sau tết thì có tập ba ạ?. Trời, các bạn ấy cứ làm như “gà đẻ trứng” không bằng. Có thể tôi sẽ viết đến khi các nguyên mẫu và các nhân vật học xong tiểu học. Bộ sách này dành cho học sinh tiểu học mà.
Bìa cuốn sách mới viết cho thiếu nhi của Đỗ Bích Thúy
– Làm mẹ của bọn trẻ, viết sách cho bọn trẻ và quan sát bọn trẻ, chị thấy nhu cầu đọc sách văn học của các con hôm nay có những điểm khác cơ bản nào so với việc đọc của chị khi chị còn nhỏ tuổi?
+ Ồ, khác nhiều lắm chứ. Hồi tôi bằng tuổi con gái tôi bây giờ làm gì có nhiều chọn lựa, cho nên đọc tuốt luốt những gì có trong tay, thậm chí có những cuốn như “Mẫn và Tôi” tôi đọc đến 3 lần, “Chó hoang Đingô hay là câu chuyện mối tình đầu” đọc tới 4 lần… Sách càng dày càng tốt, càng nhiều chữ càng tốt, vì có dày, có nhiều chữ mới đọc được lâu. Trẻ bây giờ có quá nhiều sự chọn lựa, trong khi lại quá ít thời gian. Việc định hướng đọc cho trẻ bây giờ rất khó, vì những gì chúng ta muốn các con đọc thì chúng không thích, chúng thích những thứ mà người lớn cho là vô bổ như kiểu “Đôrêmon” hay “Shin – cậu bé bút chì”. Giống như ngày xưa chúng ta thèm nhỏ dãi một thanh kẹo kéo, còn bây giờ trẻ con nghiện KFC vậy. Tôi cũng đã suy nghĩ mãi về việc này: Có nên đặt thành một vấn đề nghiêm trọng về nhu cầu đọc của trẻ hiện nay không? Khi mà thời gian để đọc, như đã nói ở trên, quá ít ỏi. Những cuốn sách dày cộp sẽ khiến đứa trẻ toát mồ hôi.
– Trong những năm tháng ấu thơ, tác phẩm văn học nào ám ảnh chị, thậm chí có ảnh hưởng đến tương lai của chị nhất?
+ Tuổi thơ của tôi, trong cái xó núi heo hút ấy, ít sách lắm. Lớn lên một chút mới được đọc Aimatop và Raxun Gamzatop. Hai ông này đã khiến tôi nghĩ nhiều nhất về việc mình có thể viết gì về vùng núi của mình.
– Theo chị, có hay không tâm lý “xem thường” văn học viết cho thiếu nhi hơn văn học viết cho người lớn?
+ Quả thực tâm lý xem thường văn học thiếu nhi, thậm chí ngay trong giới cầm bút, là có thực. Thậm chí có bạn văn tôi gửi sách tặng con của họ, mấy tháng sau vẫn thấy để trên bàn, không mang về cho con. Họ từ chối cả tiếng cười của con thì đủ biết rằng với họ, văn học thiếu nhi chẳng có giá trị gì mấy.
– Nhiều người cho rằng văn học thiếu nhi của ta hiện nay không phát triển vì độc giả thiếu nhi chưa được đối xử bình đẳng như độc giả người lớn. Theo chị, các hội nghề nghiệp ở địa phương và trung ương đã hành động đủ để sân chơi văn học thiếu nhi hấp dẫn người cầm bút cũng như độc giả?
+ Điều này chẳng thể đổ lỗi cho các hội nghề nghiệp được, tôi nói thật đấy. Và cũng không nên coi đây là một sân chơi, nó là công việc hoàn toàn nghiêm túc và phải được tư duy thấu đáo. Thị trường sách thiếu nhi hiện nay là thị trường tiềm năng nhất, bố mẹ có thể từ chối không mua đồ chơi cho con, nhưng không ai nỡ từ chối khi con muốn mua sách. Nhưng tại sao những cuốn bán chạy nhất trong thị trường này lại là những bộ truyện “nhập khẩu”? Đơn giản vô cùng: Vì nó hấp dẫn trẻ em, và nó phù hợp với nhu cầu đọc của trẻ. Trở lại với cái kẹo kéo, khi ngồi trước món gà rán mà bạn lại chìa cái kẹo kéo ra thì con bạn sẽ chọn món nào đây? Văn học thiếu nhi của ta cứ ì ạch bao nhiêu năm nay có nhiều lý do, trong đó có lý do mà chị vừa nêu ở trên: Chính người viết cũng xem nhẹ mảng văn học thiếu nhi.
– Độc giả người lớn yêu mến gọi chị là nhà văn của miền núi. Nhưng sách viết cho thiếu nhi của chị lại là viết về trẻ em ở đô thị. Liệu trong tương lai, độc giả nhỏ tuổi có thể chờ đợi một tác phẩm văn học thiếu nhi đề tài miền núi của chị chăng?
+ Điều này thì tôi không dám nói trước. Và nếu có viết cho thiếu nhi trong mảng đề tài ruột ấy, thì trước hết cũng phải nghĩ xem nó có hấp dẫn trẻ em không đã.
– Xin cảm ơn nhà văn Đỗ Bích Thúy và chúc chị có thêm nhiều trang viết hay cho trẻ em
Nguồn: cand.com