Trang Thanh vốn được biết là nhà thơ và viết văn xuôi cho người lớn, Nhưng “đùng một cái”, năm 2010 nhà thơ chị bỗng công bố tập truyện thiếu nhi có tên “Tí Chổi” mà nguyên mẫu là cô con gái Ngô Gia Thiên An. Liền sau đó, Trang Thanh tiếp tục viết tập hai có tên “Bà mẹ camera”. Từ phát “pháo hiệu” đó, rất nhiều các bà mẹ cầm bút khác, với những lý do khác nhau, đã cho ra mắt những sáng tác được cảm hứng từ những đứa con của mình.

Nhà văn Phong Điệp và 2 con gái

Giữa năm 2012, một nữ nhà văn quen thuộc khác cũng mới gia nhập “nhóm những bà mẹ viết cho con”, đó là nhà văn nữ gắn bó với những trang viết về miền núi Đỗ Bích Thúy. Tập sách thiếu nhi “Em Béo và hội Cầu vồng” của chị vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Câu chuyện xoay quanh đời sống và các mối quan hệ của cô con gái đầu Diệu Huyền vốn là một nguyên mẫu trong sách. Ngay sau khi tập sách phát hành, những độc giả vốn là nhân vật gốc đã hồ hởi đón nhận, thậm chí một số nguyên mẫu đã bị các bạn chuyển qua gọi bằng tên nhân vật trong truyện. Tuy không công khai tuyên bố nhưng với lời chú ở bìa một tập sách “Nhật ký hội Cầu vồng 1”, độc giả cũng có thể hiểu sẽ còn “Nhật ký hội Cầu vồng 2”, “Nhật ký hội Cầu vồng 3”… ra mắt trong nay mai.

Trước đó, giữa năm 2011, nhà văn Phong Điệp bất ngờ tái xuất với mảng sách dành cho độc giả nhỏ tuổi, sau khi đã thành bà mẹ hai cô con gái rất đang yêu: Diệp Thảo và Bảo Anh. Phong Điệp còn tiết lộ một kế hoạch viết dài hơi khi tuyên bố “Chào em bé!” chỉ là tập đầu của bộ sách thiếu nhi có tên “Nhật ký Sẻ đồng” (NXB Kim Đồng). Hiện tại, tập hai của bộ sách với tựa đề “Những bí mật ở trường mẫu giáo” đang được NXB Dân Trí thực hiện, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc trong năm nay. Chị chia sẻ, sẽ viết song hành theo các con đến khi nào hai cô bé… trưởng thành. Như vậy, rất có thể số lượng tập sách trong bộ sách thiếu nhi mà Phong Điệp ấp ủ sẽ lên đến hai con số.

Hai bé yêu của nhà văn Đỗ Bích Thúy

Một bà mẹ làm thơ khác cũng tham gia vào lĩnh vực văn xuôi mà nguyên do là từ cô con gái lớn. Nguyễn Phan Quế Mai được biết đến là một người làm thơ, với văn xuôi chị cũng từng viết tập du ký “Từ tuyết đến mặt trời”. Thế nhưng mới đây người ta thấy chị đứng tên chung với một tác giả mới toanh là Mai Clara trong tập truyện “Mun ơi chạy đi!”. Mai Clara chính là cô con gái lớn mang hai dòng máu Việt – Đức của chị hiện đang ở tuổi 14. Khác với các bà mẹ viết cho con khác, vì con gái đã lớn và cũng muốn khuyến khích khả năng viết của con chị đã cùng con làm nên một tác phẩm.

Về lý do khiến những tác phẩm ra đời, mỗi tác giả có một cách lý giải riêng, nhưng tựu trung lại là đều vì các con. Phong Điệp nói: “Vì có những cuốn sách thiếu nhi làm ẩu khiến tôi thường phải vừa đọc sách cho các con vừa phải… biên tập. Nhiều lần quá đâm nản, nên tôi phải tự sáng tác truyện kể hàng đêm cho con”. Thế là từ nhu cầu chuyện kể hàng đêm cho hai con gái chị đã bắt tay vào viết…

Mai Clara và mẹ (nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai)

Nhà văn Đỗ Bích Thúy từ chỗ chỉ định viết cho con đến việc nó đã trở thành một cuốn sách cho các bạn nhỏ tuổi. Ban đầu chị chỉ định viết cho con và bạn bè của con đọc cho vui, không hề có ý định in thành sách, nhưng cho đến một ngày đón con đi học về, câu đầu tiên con gái hỏi chị là: “Hôm nay mẹ có truyện mới không?”, ngày hôm sau, hôm sau nữa cũng vẫn là câu hỏi ấy. Lúc ấy Đỗ Bích Thúy mới nghĩ tới việc có thể in thành sách được. “Tôi gửi một phần sang NXB Kim Đồng để bạn Nguyễn Thúy Loan – biên tập viên – đọc thử, Loan bảo: In được đấy. Thế là tôi mới hoàn thiện bản thảo”, chị chia sẻ.

Nếu như Phong Điệp và Đỗ Bích Thúy chủ động trong sáng tác thì Nguyễn Phan Quế Mai lại ở tình thế… bị động khi chính Mai Clara đã chủ động rủ mẹ cùng viết sách. Với việc hai mẹ con cùng đứng tên tác phẩm dành cho thiếu nhi, Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi Mai Clara đã đề nghị tôi viết một quyển sách với cháu và hai mẹ con tôi đã có nhiều tháng trời làm việc cùng nhau để cho ra đời “Mun ơi, chạy đi!””. Chị hi vọng với việc viết sách sẽ vun đắp tình yêu văn học và ngôn ngữ trong con gái. “Dù đi đâu, tôi cũng muốn con mình hướng về nguồn cội. Khi cháu yêu ngôn ngữ Việt, có nghĩa là cháu yêu thêm nguồn cội của mình.”, nhà thơ nữ đang làm việc và sinh sống tại Philippine bày tỏ.

Trang Thanh và con gái

Việc các bà mẹ viết cho con, vì con trong làng văn đã không còn hiếm, thế nhưng, có điều khá lạ là tất cả các trường hợp kể trên đều là mẹ viết cho con gái, chưa thấy có bà mẹ cầm bút nào viết cho con trai, hay ông bố viết văn nào cầm bút viết vì con mình. Cũng có thể vì phụ nữ vốn nhạy cảm, rung động hơn, mẹ và con gái cũng có nhiều chuyện để nói hơn, và tình mẫu tử luôn là đề tài và cảm hứng bất tận trong văn học, bởi thế đã ra đời những tác phẩm tắp lự.

Dương Tử Thành

Đã in Nguyệt san Đại đoàn kết

Exit mobile version