Viết về Anh hùng liệt sĩ Công an tỉnh Điện Biên trong chiến tranh biên giới
TƯỢNG ĐÀI TRONG LÒNG HẬU THẾ
Anh nằm đây không hào quang,
không dáng tượng
Cánh chim bay về chốn vô cùng
…trái tim trẻ trung nối vào ngực đất
(Thơ Nguyễn Đức Mậu)
– Cầm Kỳ –
Người ta nói rằng chuyện cũ đã qua, nói lại mất tình mất nghĩa. Nhưng với lịch sử thì không thể nào làm khác được. Đã từng có những viên quan chép sử, gươm kề cổ mà vẫn cố viết rằng, lúc này gươm đang kề cổ tôi, rằng hậu thế hãy nhớ lấy, hãy nhớ ngày này năm ấy…
Tôi viết bài này như nén hương dâng anh hùng liệt sĩ Khoàng Văn Tấm.
Mùa xuân năm 1979.
Mưa lây phây suốt dọc rừng Lai Châu. Mưa đủ cho những nhành lá lên lộc biếc và những bông hoa xuân nở muộn trên rừng già. Những chàng trai cô gái sơn cước xuống chợ theo bước chân ngựa.
Nhưng mùa xuân này, có một cô gái Thái người ở bản Quan Triêng xuống chợ một mình. Cô đi nghiêng nghiêng, nếp váy Thái mềm mại uyển chuyển theo mỗi bước chân. Thực ra cô không đi một mình mà cùng đi với hai cô bạn nữa (cô chỉ đi không có đôi thôi). Một cô bạn cười khúc khích trêu:
– Bao giờ cái tai mày được nghe lời của người con trai Thái? Người ta đi có tin gì về chưa?
Cô khẽ mỉm cười. Chẳng muốn kể cho chúng bạn nghe, cái ảnh của cô, người ấy cầm đi theo rồi. Người ấy là trai bên xã Lay Nưa, cùng huyện Mường Lay với cô. Anh bảo ảnh cô lúc nào cũng để trong túi áo ngực. Lúc cô biết điều ấy, gương mặt đỏ lựng lên như lửa soi lửa táp.
Ở đơn vị, anh cũng thấy bỗng nhiên nóng ruột. Anh nhớ đến cô gái có tấm ảnh giấu trong ngực áo mình. Anh và cô chỉ mới quen nhau chưa được nhiều ngày, vậy mà cứ có cảm giác thân thuộc gần gũi. Nhất định, sau chiến dịch, anh sẽ về nói chuyện với bố mẹ để sang nhà cô. Nhất định thế rồi.
Chiến sự đang âm ỉ trên khắp mọi nơi. Chưa hề có tiếng súng hay bất cứ một dấu hiệu nào của bên kia biên giới. Nhưng tất cả người Tàu đã khăn gói đi cả. Họ đi lặng lẽ và hậm hực. Có những người đã sống ở trên đất này bao nhiêu đời. Bây giờ họ ra đi, nói đúng hơn là họ lại trở về với quê hương bản quán xa xôi mù mịt từ bao đời kiếp trước. Lòng mang nặng tình yêu và lòng căm hận cái mảnh đất đã nuôi dưỡng mình, nuôi dưỡng con cháu cha ông mình bao đời.
Họ đi rồi, để lại là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến kỳ quặc nhất trong lịch sử. Một cuộc chiến không giải quyết được một chuyện gì ngoài chuyện thêm một lời khẳng định rằng không thể ai xâm phạm bờ cõi nước Việt.
Nhưng những ngày tháng của cái năm 1979 đó, bao nhiêu sức người sức của đang đổ dồn cho việc chuẩn bị chống trả cuộc chiến ồ ạt nơi biên giới.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Họ huy động trên 60 vạn quân gồm 9 sư đoàn bộ binh chủ lực, hơn 20 sư đoàn bộ binh độc lập, trong đó có một sư đoàn sơn cước gồm những đơn vị biệt kích chuyên đánh ở vùng rừng núi, gồm 600 xe tăng và xe bọc thép, hàng nghìn khẩu phảo, hàng trăm máy bay các loại.
Tại Lai Châu, phía Trung Quốc đã tập trung một quân đoàn cùng các lực lượng sơn cước biên phòng, dân binh có xe tăng bọc thép, pháo binh yểm trợ đã ồ ạt tấn công toàn bộ biên giới tỉnh Lai Châu. Đi đến đâu, đội quân này cũng tiến hành phá cầu cống, đốt nhà, đốt trường học, bệnh viện, nhà trẻ, cơ quan công sở, phá hoại hoa màu, bắn chết trâu bò lợn gà, giết chết nhiều dân thường mà chủ yếu là cụ già và trẻ em không chạy kịp.
Trước khi xảy ra chiến sự, ở một số vùng của tỉnh Lai Châu đã xảy ra nhiều vụ nội gián, với âm mưu bạo loạn cướp chính quyền. Đại đội Một thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động được lệnh đi Dào San, tăng cường cho đồn C5 Công an vũ trang.
Dào San ở độ cao 1.400 mét, xe chủ yếu vượt dốc. Mây mù sa xuống nhanh chóng bịt tối con đường lên. Xe phải bật hết đèn. Khí lạnh ngấm vào lồng ngực những người chiến sĩ trẻ măng. Họ từ rất nhiều nơi đến: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Thái Bình…
Ngồi trên xe, Khoàng Văn Tấm nhớ giờ này bố mẹ chắc đang ngồi bên bếp lửa cùng nấu canh măng, vùi ngô dưới than. Anh nhớ từng cái bậc cầu thang nhà, chỗ lên nước bóng loáng, chỗ bị trầy xước do anh sơ ý quăng con dao quá tay. Nhớ lối vào bản, những búi mận lúp xúp, mùa xuân về hoa mận nở trắng xoá tinh khôi… Khi nào về anh sẽ giúp bố làm lại cái vườn, bày cho bố mẹ cách nuôi gia súc mà không làm bẩn làm hôi dưới sàn nhà. Khi anh đi làm nhiệm vụ, bố có đưa cho anh con dao mà bố tự tạo. Suốt bao nhiêu năm tháng kể từ ngày anh còn nhỏ, bố đã dùng con dao này đi rừng, nước dao lên sáng bóng. Con dao còn có số tuổi dài hơn cái tuổi hai mươi trẻ trung và đầy sức sống của anh. Con dao như báu vật của bố trao tặng và nhắc nhở anh trên mỗi chặng đường công tác.
Đại đội của Khoàng Văn Tấm trực trên chốt. Lương khô dự trữ trong hầm. Mỗi ngày hai bữa, anh nuôi mang cơm từ dưới núi lên. Chiến sự đã gần tràn đến cửa ngõ Dào San. Nhưng anh em lính trẻ vẫn vô tư đùa cười như đang sống những ngày thanh bình nhất.
Buổi sáng ngày mùng sáu tháng ba năm một ngàn chín trăm bảy chín.
Bầu trời Dào San mù dày đặc. Hơn 8 giờ sáng.sương bắt đầu tan. Anh em trên chốt trực bỗng nhìn thấy một đoàn người đông ngẹt hiện dần trong thung. Cánh lính trẻ cứ ngây người ra nhìn. Đoàn người nối nhau đi lên dốc, như một con rắn khổng lồ, cứ nhằm hướng chốt trực mà xuyên lên. Chưa bao giờ các chiến sĩ lại nhìn thấy có đoàn quân nào đông đến thế. Nhưng rồi họ chợt giật mình.
Các chiến sĩ hô nhau:
– Chính là bọn địch đấy anh em ơi.
– Địch đến rồi. Về chốt ngay.
Chỉ huy cụm chiến đấu ra lệnh báo động. Các vị trí tựa vào chốt C5 tạo thành thế chân kiềng khống chế các con đường từ Bản Lang, Hoang Thiêng và Mù Sang dẫn lên Dào San.
Tấm và anh em trong đại đội, súng chắc trong tay, sẵn sàng trong tư thế mạnh mẽ nhất.
Nhưng ba mặt đều dày quân địch. Đến 9 giờ sáng, pháo binh địch bắt đầu nã pháo vào khu chợ và đồn biên phòng. Lán chợ bốc cháy ngùn ngụt. Sau loạt pháo, chúng thúc tù và chói gắt lệnh cho quân tiến lên.
Phía ta chờ bộ binh lên gần mới nổ súng. Chúng bò lên từng chập theo sườn núi, cách vài trăm mét, rồi 200 mét, 100 mét trong tầm súng ngắm. Đến tầm bắn an toàn, quân ta nhất loạt nhả đạn. Đội quân địch đang dàn hàng ngang ỷ thế mạnh đụng phải hoả lực của ta, chững lại giây lát, hàng vài chục tên đổ xuống. Nhưng rồi chúng lại ồ ạt tiến lên như dựng những tấm bia sống trước quân ta. Hết lớp này đến lớp khác, chưa bao giờ quân ta thấy một đội quân địch đông đến thế.
Cũng chưa bao giờ những chiến sĩ trẻ măng lại nhìn thấy một cảnh tượng chết chóc kinh hoàng như thế. Sương mù đã tan nhưng thay vào đó là khói súng mù mịt.
Khoàng Văn Tấm lúc bấy giờ vẫn đang căng người áp sát vào thành công sự. Khẩu AK- 47 của anh nhả đạn liên tục, nóng giãy. Những ngón tay tê dại vì bóp cò. Địch lên đông như cồn sóng. Trận đánh đã kéo dài hàng tiếng đồng hồ rồi mà cứ hễ dứt tiếng tù và là lại lớp lớp địch xông lên. Băng đạn vừa nạp đã lại hết. Lúc địch xông lên đông và gần quá, không kịp nạp đạn tiếp, anh rút chốt lựu đạn tung xuống liền mấy quả. Các chiến sĩ bên cạnh cũng bắn liên tục. Có ai đó hô:
– Anh Tấm ơi, bên trái kìa…
Anh quay sang, nhìn thấy gần chục tên đang sắp nhảy được vào công sự. Tấm quét một loạt đạn. Một vài cái bóng chúi xuống, số còn lại không dám ngoi đầu lên nữa.
Nhưng rồi chúng lại nã tiếp B40. Bỗng dưng anh thấy hoa hết cả mắt. Chắc chắn một quả B40 đang hướng về phía công sự của các anh. Tấm hét lạc cả giọng:
– Nằm xuống đi…!
Anh cũng chỉ kịp chúi xuống tránh sức công phá của quả đạn, rồi lại chồm ngay dậy bắn tiếp. Lần lượt mấy anh em bị thương. Nam rồi đến Mùi. Ai đó hét lên đau đớn: “Sơn hy sinh rồi”. Tấm vẫn ngắm bắn. Đồng đội có ai đó gọi: “Anh Tấm ơi, chúng lên đông lắm”. Tấm vẫn không quay người lại. Anh bắn liên tục, chặn đứng hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác. Trong đầu anh chỉ có ý nghĩ; phải chặn chúng lại để cho Mùi kịp dìu Nam vào phía trong. Nam bị thương nặng lắm, máu xối ướt cả bờ công sự. Phải chặn chúng lại. Bờ cõi của chúng tao, vì cớ gì mà chúng mày xông đến đây để bắn phá cuộc sống thanh bình mới xây dựng chưa được bao lâu?
Anh không biết chính Mùi cũng đã bị thương rất nặng. Rồi hết người này đến người khác ngã xuống. Bằng sự nhanh nhẹn như sóc của người con trai núi rừng, anh liên tiếp nhả đạn thật chính xác vào đội ngũ địch. Tay bắn của anh chắc nịch như có linh thiêng đất trời quê mẹ tiếp sức.
Anh bắn mãi bắn mãi. Tiếng súng nổ điếc đặc hai tai. Rồi không nghe thấy gì ngoài tiếng mẹ gọi mỗi sáng mai. Mắt anh nhìn thấy bầu trời quê hương với núi non trùng điệp, với hàng cúc bạc trên áo một người con gái Thái. Thấy cha mẹ gò người thổi lửa trên bếp lửa nhà sàn…
Anh chúi xuống công sự, tay vẫn cầm chặt khẩu súng, một ngón tay còn chìa ra trong tư thế bóp cò.
Trên những vạt rừng, vẫn còn thấp thoáng đâu đó màu đỏ của hoa đào và màu trắng hoa mận nở muộn…
Anh mãi mãi nằm trong những sắc hoa ấy của quê hương.
Sau này, mọi người được biết trong cuộc chiến đấu không cân sức hôm đó, với hơn hai mươi đợt tấn công, quân địch đông gấp mười lần đã chiếm được điểm cao 125. Chỉ huy chốt hy sinh.
Vào chiều ngày hôm sau, bảy người sống sót cuối cùng của tiểu đoàn 741 đã mở đường máu rút xuống, để lại chín mươi chín thi thể đồng đội.
Ngày 9/3, quân địch rút.
Trong cảnh hoang tàn chết chóc, đồng đội đã tìm thấy thi thể của ba chiến sĩ Cảnh sát cơ động nằm vắt trên hố công sự C5, trong tư thế nhắm bắn quân địch. Các anh đã được an táng trọng thể tại nơi hy sinh.
Tấm gương chiến đấu của liệt sĩ Khoàng Văn Tấm đã được lịch sử ghi lại. Một mình anh đã trực tiếp đánh lui quân địch hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác. Mãi mãi núi rừng Điện Biên in bóng hình anh và đồng đội, những người đã không tiếc máu xương, cống hiến cuộc đời mình cho cuộc sống hoà bình.
Cho dù hôm nay mọi sự đã khác. Những quan hệ hàn gắn và những chính sách đã xoá đi bao nỗi đau nhức nhối một thuở. Nhưng tượng đài của những người anh hùng liệt sĩ như Khoàng Văn Tấm vẫn sừng sững trong lòng mỗi người dân Điện Biên, trong lòng những cô gái chàng trai đang lớn lên cùng quê hương Việt Nam.
– 4/2008 –